ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH
ĐOÀN TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH                    Nghệ An, ngày 14 tháng 5 năm 2012
             ¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯
 
BÁO CÁO
Của Ban Chấp hành Đoàn trường khoá XXVIII tại Đại hội đại biểu
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Đại học Vinh lần thứ XXIX
nhiệm kỳ 2012 - 2017
¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯
 
Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Đại học Vinh lần thứ XXIX, nhiệm kỳ 2012 - 2017 là đại hội có ý nghĩa quan trọng. Đại hội được tổ chức nhằm đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn trường lần thứ XXVIII, xác định mục tiêu, phương hướng công tác Đoàn và phong trào thanh niên (PTTN) Trường Đại học Vinh nhiệm kỳ 2012 - 2017. Đại hội cũng là diễn đàn để tuổi trẻ toàn trường thể hiện tinh thần sôi nổi, chủ động, đoàn kết, sáng tạo và bày tỏ khát vọng, quyết tâm cống hiến sức trẻ, trí tuệ đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển bền vững của Trường Đại học Vinh - trường đại học trọng điểm quốc gia, trường đại học anh hùng trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
 
Phần thứ nhất
KẾT QUẢ CÔNG TÁC ĐOÀN VÀ PHONG TRÀO THANH NIÊN NHIỆM KỲ XXVIII
 
I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH
1. Thuận lợi
Nhiệm kỳ qua, công tác Đoàn và PTTN Trường Đại học Vinh diễn ra trong bối cảnh có nhiều thuận lợi:
Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng đối với công tác thanh niên; giáo dục đại học được quan tâm, đầu tư và đạt được nhiều kết quả tích cực; Nhà trường tiếp tục có những bước đi và sự phát triển đúng hướng, khẳng định là một trung tâm văn hoá, khoa học, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực của khu vực Bắc Miền Trung và cả nước; tuổi trẻ Nhà trường luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo và giúp đỡ có hiệu quả của Tỉnh Đoàn, Hội LHTN, Hội Sinh viên tỉnh Nghệ An, của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu và tập thể cán bộ, công chức toàn trường.
Thời gian qua, tuổi trẻ Trường Đại học Vinh được chứng kiến, tham gia và vui mừng trước những sự kiện, thành tựu lớn lao của Nhà trường: Triển khai thành công đào tạo theo hệ thống tín chỉ; tổ chức đại lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Trường; được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất; được Chính phủ bổ sung vào danh sách các trường xây dựng thành trường trọng điểm.
Đại bộ phận ĐVTN có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, hiếu học, đoàn kết, tin tưởng vào sự nghiệp xây dựng, đổi mới và phát triển của đất nước, của Nhà trường. Đa số ĐVTN có ý thức cao trong công tác, học tập, rèn luyện, hoạt động vì cộng đồng, hòa nhập tốt với thực tiễn đời sống, xã hội.
Đội ngũ cán bộ Đoàn - Hội các cấp năng động, nhiệt tình, trách nhiệm, giàu năng lực, lãnh đạo và tổ chức tốt công tác Đoàn và PTTN các cấp.
2. Khó khăn
Tuy nhiên, công tác Đoàn và PTTN Trường Đại học Vinh trong nhiệm kỳ qua cũng gặp không ít khó khăn, thách thức.
Quy mô đào tạo của Nhà trường ngày càng tăng trong khi điều kiện đảm bảo chất lượng còn hạn chế; yêu cầu của xã hội về trình độ và năng lực của người lao động ngày càng cao trong khi khả năng và điều kiện đáp ứng của một bộ phận sinh viên chưa đạt yêu cầu; một số chủ trương về cải cách giáo dục đại học trong những năm vừa qua còn thiếu đồng bộ, chưa thống nhất là những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng công tác, học tập và rèn luyện của ĐVTN.
Tổ chức Đoàn - Hội các cấp vẫn còn lúng túng, chưa thực sự chủ động triển khai phường thức hoạt động Đoàn - Hội khi Nhà trường chuyển sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ.
Thu nhập của cán bộ trẻ chưa đáp ứng được yêu cầu cuộc sống, chi phí học tập và sinh hoạt của số đông sinh viên còn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng sinh viên thiếu việc làm và việc làm không đúng chuyên môn sau khi ra trường cũng đã phần nào ảnh hưởng đến tư tưởng, động cơ phấn đấu học tập của sinh viên.
Một bộ phận sinh viên còn thiếu ý chí vươn lên trong học tập, rèn luyện, ít quan tâm và tham gia các hoạt động tập thể của Đoàn - Hội, vi phạm quy chế học tập, rèn luyện.
II. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
1. Công tác tuyên truyền, giáo dục
Trong nhiệm kỳ qua, công tác tuyên truyền, giáo dục của Đoàn tiếp tục có những chuyển biến về nội dung và hình thức, có tác động tích cực đến nhận thức, tư tưởng của ĐVTN, góp phần nâng cao nhận thức, giác ngộ chính trị, niềm tự hào dân tộc, làm cho ĐVTN tin tưởng và đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển Nhà trường.
Đoàn trường đã tổ chức cho ĐVTN học tập các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác giáo dục và công tác thanh niên: Học tập Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, lần thứ XI; quán triệt và tích cực triển khai thực hiện các nghị quyết Đại hội Đảng bộ Trường khoá XXIX, XXX, Nghị quyết chuyên đề về đào tạo theo học chế tín chỉ; tiếp tục triển khai học tập Luật Giáo dục, Luật Thanh niên, Luật Phòng chống ma tuý, Luật Giao thông đường bộ, Luật Hôn nhân và Gia đình...; cùng với Nhà trường triển khai thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động lớn của ngành Giáo dục và Đào tạo như: "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục", "Nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng nhu cầu xã hội".
Nhân các đợt sinh hoạt chính trị quan trọng của đất nước, của địa phương, của Đoàn - Hội như: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX, Đại hội Hội LHTN Việt Nam lần thứ VI, Đại hội Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ VIII; Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVII; Đại hội Tỉnh Đoàn Nghệ An lần thứ XV; Đại hội Hội LHTN tỉnh Nghệ An lần thứ IV; Đại hội Hội Sinh viên tỉnh Nghệ An lần thứ nhất; Đại hội Hội Sinh viên trường lần thứ VII, VIII..., Đoàn trường đã tổ chức cho ĐVTN thảo luận đóng góp ý kiến cho văn kiện của các Đại hội, tổ chức các sinh hoạt giáo dục truyền thống và tổ chức thực hiện Nghị quyết của các Đại hội.
Triển khai thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", cụ thể hóa bằng Cuộc vận động "Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác", nhiều hoạt động thiết thực đã được Đoàn trường tích cực triển khai có hiệu quả như: Tổ chức học tập, quán triệt Chỉ thị 06, Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, tổ chức có hiệu quả Cuộc thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, triển khai các chuyên đề về học tập và làm theo Bác trong sinh hoạt Đoàn - Hội định kỳ hàng tháng.
Công tác giáo dục truyền thống được Đoàn trường chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả. Đặc biệt là nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn như: 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; 60 năm Ngày truyền thống HSSV Việt Nam và Hội Sinh viên Việt Nam; 80 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 80 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; 35 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; 55 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ; 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước; 65 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9; 50 năm Ngày thành lập Trường. Ban Thường vụ Đoàn trường tổ chức thành công Cuộc thi tìm hiểu "Sinh viên Việt Nam với biển đảo quê hương", có 2 bài dự thi đạt giải Ba toàn quốc; Cuộc thi tìm hiểu "Pháp luật về Luật biên giới quốc gia" có 5 giải Nhất, 6 giải Nhì, 17 giải Ba, 43 giải Khuyến khích cấp Trường, đạt 1 giải Nhất tập thể, 1 giải Nhất cá nhân cấp Tỉnh, có 2 bài được Ban Tổ chức cấp tỉnh gửi dự thi toàn quốc. Các cuộc thi tìm hiểu 80 năm ngày truyền thống ngành tổ chức xây dựng Đảng, 50 năm hành trình đường Hồ Chí Minh trên biển, Đoàn trường đều đạt giải nhất tập thể và cá nhân cấp tỉnh. Nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đoàn, Đoàn trường đã tổ chức thành công cuộc thi tìm hiểu "80 năm truyền thống vẻ vang của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh" có tác dụng giáo dục truyền thống sâu sắc trong ĐVTN.
Các hoạt động giáo dục ý thức công dân, giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh trong ĐVTN đã được Đoàn trường quan tâm chỉ đạo, tổ chức và ngày càng có nhiều đổi mới góp phần làm thay đổi nhận thức của HSSV trong ý thức xây dựng và làm đẹp Nhà trường và xã hội, góp phần nâng cao nhận thức cho ĐVTN trong học tập, rèn luyện.
Các hoạt động định hướng nghề nghiệp, bồi dưỡng lòng yêu nghề và các hoạt động rèn nghề cũng đã được chú trọng. Nổi bật trong các hoạt động này là các cuộc thi Olympic cơ học, Olympic các môn chuyên ngành, hưởng ứng Tháng rèn luyện nghiệp vụ sư phạm và Hội thi Nghiệp vụ sư phạm, Tháng rèn nghề và Hội thi Sinh viên với việc rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp hàng năm... đã thu hút hàng chục ngàn lượt ĐVTN tham gia.
Công tác thông tin, báo chí, xuất bản của Đoàn được Nhà trường quan tâm giúp đỡ và được các cấp bộ Đoàn chú trọng. Đoàn trường đã duy trì, cập nhật thường xuyên Bảng báo với các loại Báo Tiền phong, Báo Tuổi trẻ, Báo Sinh viên Việt Nam, Báo Nghệ An. Hoạt động của các cấp bộ Đoàn được đăng tải thường xuyên trên các báo, đài trung ương và địa phương... Hàng năm biên tập và xuất bản hàng nghìn cuốn Tài liệu về kỹ năng công tác Đoàn - Hội - Đội phục vụ cho các hoạt động Đoàn - Hội trong Nhà trường và chiến dịch sinh viên tình nguyện (SVTN) hè.
2. Phong trào "5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc"
2.1. Xung kích lao động sáng tạo và phát triển kinh tế - xã hội
Triển khai có hiệu quả phong trào sáng tạo trẻ trong ĐVTN toàn trường. Khuyến khích, cổ vũ phong trào học ngoại ngữ trong cán bộ và sinh viên. Đoàn viên là cán bộ trẻ tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ, góp phần thực hiện chuẩn giảng viên của Nhà trường. Đoàn viên là sinh viên đã tích cực học tập đạt nhiều kết quả tốt, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo của Nhà trường.
Trong phong trào thi đua học tập, rèn luyện trở thành sinh viên giỏi, sinh viên xuất sắc, nhiệm kỳ qua đã có 166 lượt sinh viên đạt danh hiệu sinh viên xuất sắc, 2.405 lượt sinh viên đạt danh hiệu sinh viên giỏi; có 10 sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, 798 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và 47 sinh viên có thành tích trong toàn khoá học được Nhà trường tuyên dương khen thưởng. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận đối với sự nỗ lực trong học tập, rèn luyện của sinh viên.
Các cuộc thi Olympic sinh viên, học sinh giỏi quốc gia, khu vực, học sinh giỏi tỉnh đã được ĐVTN Nhà trường tham gia và đạt kết quả tốt. Đội tuyển Olympic Toán sinh viên sau 5 lần tham gia đã đạt tổng cộng 53 giải, trong đó có 11 giải Nhất, 13 giải Nhì, có nhiều sinh viên đạt giải cao cả 2 môn Giải tích và Đại số; đội tuyển Olympic Vật lý sinh viên đạt giải Nhì toàn đoàn năm 2007, giải Nhất toàn đoàn và 4 giải Nhất, 5 giải Nhì năm 2009; đội tuyển Olympic Tin học sinh viên toàn quốc năm 2006 đạt 1 giải Nhì. Học sinh Trường THPT Chuyên đạt 2 Huy chương đồng Olympic Toán quốc tế các năm 2006 và 2008, đạt hàng chục giải quốc gia và hàng trăm danh hiệu học sinh giỏi cấp Tỉnh các môn học; hàng năm luôn đứng trong nhóm các trường THPT có số lượng học sinh đậu đại học đạt điểm cao (27, 28 điểm trở lên) trong cả nước. Tiêu biểu trong việc tham gia và đạt kết quả tốt tại các kỳ thi Olympic là các đoàn viên Nguyễn Trần Thuận - 46A Toán, Trần Quốc Luật - 50A Toán.
Ngoài ra, tuổi trẻ Nhà trường còn tích cực tham gia thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) và các hoạt động học thuật, đa số sinh viên có kết quả học tập tốt đều quan tâm và mong muốn được thực hiện các đề tài nghiên cứu trong quá trình học tập của mình. Trong nhiệm kỳ qua, đã có 2.618 đề tài NCKH của sinh viên được thực hiện, có 58 công trình NCKH của sinh viên tham dự giải thưởng sinh viên NCKH của Bộ và giải thưởng VIFOTEC thì cả 58 công trình đều đạt giải; Hiệu trưởng Nhà trường đã tặng Giấy khen và phần thưởng cho 79 tập thể và 135 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào sinh viên NCKH.
2.2. Xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng
Các hoạt động xã hội, tình nguyện của sinh viên đã tạo động lực và sức hấp dẫn mới cho công tác Đoàn và phong trào sinh viên, kích thích tính tích cực xã hội của ĐVTN, góp phần rèn luyện, giáo dục ĐVTN, là môi trường để ĐVTN tham gia vào các hoạt động hữu ích, góp phần xây dựng đời sống cộng đồng. Phong trào SVTN là nét điển hình trong công tác Đoàn và PTTN của Nhà trường trong thời gian qua. Trong những năm qua, Đoàn Trường Đại học Vinh luôn là đơn vị có nhiều thành tích, có nhiều đóng góp và luôn dẫn đầu PTTN tình nguyện của tỉnh Nghệ An.
Đoàn trường đã tổ chức tốt các Chiến dịch tình nguyện hè và các hoạt động tình nguyện. Trong nhiệm kỳ qua, toàn trường đã thành lập gần 200 đội hình SVTN tập trung với sự tham gia của gần 5.000 chiến sỹ tình nguyện trong các đội hình: SVTN về huyện; Tiếp sức mùa thi; Đội SVTN dạy tiếng Việt tại nước CHDCND Lào; Đội Công tác xã hội (CTXH) số 1 tại Làng trẻ em SOS Vinh; Đội CTXH số 2, số 3 quyên góp, hỗ trợ đồng bào bị thiên tai, Đội Thanh niên xung kích (TNXK)...; tổ chức 24 đợt hiến máu tình nguyện được 4.031 đơn vị máu - dẫn đầu phong trào toàn tỉnh và 3 lần xác lập kỷ lục về số đơn vị máu được hiến trong một lần hiến máu của tỉnh Nghệ An; quyên góp được hàng chục nghìn bộ quần áo, sách, vở, giấy, bút, chăn, màn, lương thực... và gần 200 triệu đồng tiền mặt giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, khó khăn; Cuộc vận động "Nghĩa tình biên giới, hải đảo", các hoạt động tình nguyện tại chỗ, tham gia giải quyết các vấn đề đột xuất của Nhà trường và của địa phương cũng được ĐVTN hưởng ứng tích cực. Hàng năm, Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên trường đều tổ chức tốt hoạt động đón tiếp sinh viên khoá mới; tư vấn, giúp đỡ sinh viên năm thứ nhất trong việc tìm nhà trọ, làm quen và đăng ký học theo hệ thống tín chỉ...
2.3. Xung kích bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội
Tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho ĐVTN về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tổ chức có hiệu quả các hoạt động của Đội TNXK, các nhóm tự quản, hoạt động tuần tra canh gác, góp phần giữ gìn an ninh trật tự trong khu vực trường và trên địa bàn dân cư.
Đoàn trường và các cơ sở Đoàn tích cực tham gia hoạt động giao lưu với các đơn vị quân đội và công an trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Phong trào tuổi trẻ "Hướng về miền Tây Nghệ An", chương trình "Thanh niên cả nước vì Trường Sa" đã được ĐVTN toàn trường tích cực tham gia. Tổ chức thành công chương trình nghệ thuật "Tổ quốc nhìn từ biển" hưởng ứng chương trình "Góp đá xây Trường Sa" do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Báo Tuổi trẻ phát động. Chương trình đã được Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An ghi hình và phát sóng nhiều lần tạo được hiệu ứng lan tỏa trong xã hội. Đến nay, Đoàn trường đã tổ chức quyên góp 2 đợt được 139,37 triệu đồng. Tuổi trẻ Trường Đại học Vinh đã đạt giải Nhất trong cuộc thi "Tìm hiểu pháp luật về biên giới Quốc gia" trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Các đội hình TNXK an ninh được duy trì ở các cấp Khoa và Trường góp phần giữ gìn an ninh trật tự của Nhà trường. Đội TNXK của Nhà trường đã trở thành mô hình tiêu biểu của các trường đại học, cao đẳng trong cả nước.
Đoàn trường đã phối hợp với Phòng Công tác chính trị - Học sinh sinh viên triển khai công tác quản lý sinh viên ngoại trú, thu được những kết quả đáng khích lệ. Hiện nay, mô hình quản lý sinh viên ngoại trú của Trường Đại học Vinh là mô hình tiêu biểu của khối các trường đại học, cao đẳng trong cả nước.
2.4. Xung kích tham gia cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí
ĐVTN khối cán bộ giảng dạy và cán bộ hành chính đã tích cực trau dồi đạo đức nghề nghiệp, nâng cao trình độ nghiệp vụ, ý thức kỷ luật, kỹ năng ứng xử, hiệu quả trong công việc, trách nhiệm với đơn vị, với học sinh, sinh viên.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo vệ của công trong ĐVTN toàn trường.
Trong công tác chỉ đạo và triển khai các hoạt động, Ban Thường vụ Đoàn trường đã quan tâm và triển khai có hiệu quả công tác điều hành từ đó nâng cao chất lượng hoạt động như cách thức tổ chức hội nghị, giảm công văn, giấy tờ, tăng cường sử dụng subsite Đoàn Thanh niên trong việc điều hành, quản lý các hoạt động của Đoàn, Hội.
Trong hoạt động giáo dục phòng chống tham nhũng, lãng phí, Đoàn trường đã đẩy mạnh thực hiện phong trào xây dựng nếp sống văn hóa, tiết kiệm, chống lãng phí, bảo vệ của công; có nhiều hình thức cho ĐVTN học tập Luật phòng chống tham nhũng, tiêu biểu là đã tham gia thành công cuộc thi tìm hiểu về phòng chống tham nhũng trong khuôn khổ đề án "Nâng cao nhận thức và vai trò của sinh viên trong phòng chống tham nhũng", đã đạt giải trong Ngày sáng tạo Việt Nam 2009.
2.5. Xung kích trong hội nhập kinh tế quốc tế
Trong nhiệm kỳ qua, đã có gần 600 lượt lưu học sinh (LHS) các nước Lào, Thái Lan, Trung Quốc học tập và rèn luyện tại Trường Đại học Vinh. Đoàn trường đã tổ chức tốt các hoạt động của LHS và các hoạt động giúp đỡ LHS trong học tập và rèn luyện. Đoàn trường đã phân công các tình nguyện viên giúp đỡ cho LHS trong cuộc sống, trong học tập và rèn luyện. Tiêu biểu là các hoạt động của Câu lạc bộ Hoa Champa (Liên chi đoàn khoa Kinh tế), Câu lạc bộ SVTN khoa Ngoại ngữ. Tổ chức các hoạt động chào mừng Tết Cổ truyền Bunpimay của Lào và Songkran của Thái Lan. Tổ chức tốt chương trình dạy tiếng Việt và giao lưu văn hoá với nhân dân Xiêng Khoảng, nước bạn Lào trong Chiến dịch tình nguyện hè 2008, 2009.
Ngoài ra, Đoàn trường đã chủ trì nhiều hoạt động giao lưu với thanh niên quốc tế như giao lưu với đoàn đại biểu thanh niên Việt kiều về tham dự Trại hè trong nước (năm 2010), giao lưu hữu nghị thanh niên Việt - Trung (năm 2011).
Phong trào học ngoại ngữ đạt chuẩn để đi học nước ngoài của ĐVTN khối cán bộ đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều cán bộ trẻ đã dành được các học bổng du học thạc sĩ, nghiên cứu sinh, tham gia các khoá bồi dưỡng, thực tập sinh nước ngoài...
3. Phong trào "4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp"
3.1. Đồng hành tri thức với thanh niên trong học tập, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ
Các phong trào thi đua rèn luyện, học tập, NCKH được các cấp bộ Đoàn phát động và tổ chức tốt, giúp hình thành động cơ, thái độ học tập, ý thức rèn luyện đúng đắn cho đông đảo HSSV, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường.
Hàng năm, Đoàn trường, Hội Sinh viên trường đã chỉ đạo các liên chi đoàn, liên chi hội tổ chức nhiều tháng học tốt, tuần học tốt, hội nghị trao đổi kinh nghiệm học tập, hội nghị định hướng sinh viên năm cuối, sinh viên có học lực khá, giỏi của năm thứ hai, thứ ba tham gia các hoạt động NCKH.
Các liên chi đoàn đã phối hợp tốt với các khoa trong việc giới thiệu sinh viên khá, giỏi làm khóa luận, đồ án tốt nghiệp, tham gia các đề tài NCKH cùng với giảng viên. Một số liên chi đoàn đã bước đầu tổ chức các hoạt động tìm kiếm thêm các nguồn lực hỗ trợ sinh viên hoàn thành các đề tài. Nhiều chi đoàn, liên chi đoàn đã có các hoạt động hỗ trợ NCKH đa dạng, phong phú, có hiệu quả, tạo môi trường để sinh viên phấn đấu trở thành sinh viên giỏi, sinh viên xuất sắc.
Ngoài ra, các liên chi đoàn còn tổ chức tốt các kỳ thi Olympic các môn học, tạo tiền đề quan trọng để các Đội tuyển Olympic của Nhà trường tham gia các cuộc thi toàn quốc đạt kết quả cao. Tiêu biểu là các liên chi đoàn khoa Toán, CNTT, Vật lý, Sinh học...
3.2. Đồng hành với thanh niên trong khởi nghiệp và lập nghiệp
Trong nhiệm kỳ qua, Đoàn trường đã tổ chức tốt các chương trình giao lưu "Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam"; chỉ đạo các cơ sở Đoàn trực thuộc có các hình thức giúp đỡ, hỗ trợ HSSV trong khởi nghiệp và lập nghiệp có hiệu quả. Đoàn Trường THPT Chuyên đình kỳ hàng năm tổ chức các ngày hội định hướng nghề nghiệp, chọn nghề, chọn trường cho ĐVTN; các liên chi đoàn tổ chức cho ĐVTN tham gia các diễn đàn, seminar, các buổi giao lưu với các cá nhân, đơn vị thành đạt, làm ăn giỏi, các cuộc thi kỹ năng. Tỉnh đoàn đã thành lập Câu lạc bộ Khởi nghiệp với lực lượng nòng cốt của Ban Chủ nhiệm và thành viên tham gia là sinh viên Trường Đại học Vinh.
Hàng năm, các liên chi đoàn đã tổ chức có chất lượng Hội nghị học tốt và Hội nghị về đổi mới phương pháp học tập trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ trong HSSV.
Nhiều liên chi đoàn đã chủ động phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức các buổi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm công tác; tìm kiếm và giới thiệu việc làm thêm cho sinh viên. Tiêu biểu là các liên chi đoàn khoa Kinh tế, Lịch sử, CNTT, Nông Lâm Ngư...
3.3. Đồng hành với thanh niên nâng cao sức khoẻ thể chất và đời sống văn hoá tinh thần
Các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức thường xuyên, đặc biệt là nhân các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng, ở tất cả các cấp với quy mô và chất lượng ngày càng cao, góp phần định hướng thẩm mỹ, lối sống, nếp sống, giáo dục ý thức, truyền thống hào hùng của dân tộc, xác định trách nhiệm của ĐVTN đối với bản thân, Nhà trường và xã hội; đồng thời cũng giúp mọi người có đánh giá, nhìn nhận đúng đắn hơn về sinh viên ngày nay. Các hình thức sinh hoạt như Hội diễn, Liên hoan, các cuộc thi, các giải thể thao được tổ chức đều đặn hàng năm. Nét nổi bật của phong trào văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao trong những năm qua là:
Phong trào được tổ chức từ cấp chi đoàn, liên chi đoàn, ngành học, khóa học với nhiều hình thức phối, kết hợp để tổ chức các loại hình: Hội diễn văn nghệ, giải bóng đá, bóng bàn, bóng chuyền, cầu lông, các hình thức dạ hội, toạ đàm, gặp mặt... Ngoài ra, các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao giao lưu với các đơn vị đoàn, các cơ quan đóng trên địa bàn của tỉnh đã thường xuyên được các cấp bộ Đoàn tham gia đạt kết quả tốt.
Hàng năm, cấp trường tổ chức nhiều loại hình sinh hoạt thu hút đông đảo ĐVTN tham gia như: Liên hoan Nghệ thuật sinh viên tháng Năm; Hội thi giọng hát hay của sinh viên năm thứ nhất; Liên hoan nhạc trẻ; Hội thi "Sinh viên thanh lịch", "Nét đẹp nữ sinh"; Giải bóng đá nam, nữ; Giải bóng chuyền; Giải cầu lông - bóng bàn; Giải việt dã...
Đoàn trường Đại học Vinh đã tham gia tích cực các cuộc thi đấu thể thao, hội diễn văn nghệ, tiếng hát HSSV khu vực và toàn quốc. Thành tích tiêu biểu trong các hoạt động này là: Đạt giải ba năm 2009, giải Nhì - 2010, giải Ba - 2011 Giải bóng đá sinh viên miền Trung cúp HUDA; đội tuyển sinh viên tham dự Hội thi NVSP - Văn nghệ - Thể thao các trường sư phạm toàn quốc lần thứ 4 - năm 2009 tại TP Thái Nguyên đạt 6 huy chương vàng, 7 huy chương bạc và 7 huy chương đồng, xếp hạng Nhì toàn đoàn trong tổng số 37 trường sư phạm toàn quốc tham dự Hội thi; đạt giải Nhì năm 2006, giải Nhất các năm 2008, 2010 giải Bóng đá thanh niên các trường chuyên nghiệp Cúp Truyền hình Nghệ An; giành 2 giải nhất bóng chuyền nam và nữ trong giải bóng chuyền các trường chuyên nghiệp tỉnh Nghệ An năm 2008...
Ngoài ra, tuổi trẻ Nhà trường đã tham gia biểu diễn các chương trình nghệ thuật, văn nghệ phục vụ hàng chục đợt sinh hoạt chính trị của Trung ương và của tỉnh Nghệ An. Mô hình Đội Văn nghệ xung kích là một trong những mô hình tiêu biểu nhất trong hoạt động văn hóa văn nghệ của Đoàn trường trong nhiệm kỳ qua.
3.4. Đồng hành với thanh niên trong nâng cao kiến thức và kỹ năng hoạt động xã hội
Hàng năm, Đoàn trường tổ chức tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đoàn, Hội cho tất cả cán bộ Đoàn, Hội toàn trường và các sinh viên có nhu cầu. Thường xuyên tổ chức các hoạt động rèn luyện kỹ năng thực hành xã hội cho HSSV, như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử văn hóa, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng học tập, nghiên cứu, kỹ năng hoạt động xã hội, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng hội nhập... Đưa nội dung nâng cao kiến thức và rèn luyện kỹ năng thực hành xã hội thành nội dung quan trọng trong sinh hoạt chi đoàn, chi hội.
Chỉ đạo các liên chi đoàn, chi đoàn thành lập các câu lạc bộ, đội, nhóm học thuật và sở thích của sinh viên. Kiện toàn và tiếp tục tổ chức hoạt động của các câu lạc bộ, đội, nhóm hiện có. Hiện nay, toàn trường có 45 câu lạc bộ, đội, nhóm của sinh viên đang hoạt động. Việc tổ chức và mở rộng mô hình các câu lạc bộ, đội, nhóm là một trong những phương cách hữu hiệu để thu hút, lôi kéo sinh viên tham gia các hoạt động đoàn thể; đồng thời tạo môi trường cho các thành viên có cơ hội làm việc theo nhóm, hình thành và trau dồi kỹ năng mềm; củng cố, bổ sung kiến thức chuyên ngành ngoài các giờ học trên lớp và tự học.
Hầu hết ĐVTN được trang bị toàn diện về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng làm việc, phong cách sống nên khi ra trường sớm khẳng định khả năng, được các nhà tuyển dụng đánh giá cao. Nhiều cựu sinh viên của Trường đã trở thành các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục, đào tạo, các viện nghiên cứu, các trung tâm khoa học, công nghệ, kinh tế lớn trong nước và quốc tế.
Hàng năm, sinh viên tốt nghiệp từ Trường Đại học Vinh là nguồn cung cấp đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội dồi dào và có chất lượng cho các cơ sở giáo dục, các cơ quan, doanh nghiệp... trên địa bàn tỉnh Nghệ An, các tỉnh khu vực Bắc Miền Trung và cả nước.
4. Công tác xây dựng tổ chức Đoàn, Hội và tham gia xây dựng Đảng
4.1. Xây dựng tổ chức Đoàn
Tổ chức Đoàn các cấp được củng cố và phát triển cả về số lượng và chất lượng. Vị trí, vai trò của tổ chức Đoàn trong Nhà trường và ngoài xã hội ngày càng được khẳng định và nâng cao; đặc biệt là giữ được sự ổn định và chất lượng của các phong trào hoạt động khi Nhà trường chuyển sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ.
Trong nhiệm kỳ qua, Đoàn trường đã chú trọng công tác tuyên truyền về tổ chức Đoàn; hướng dẫn thực hiện tốt Điều lệ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Củng cố Ban Chấp hành Đoàn các cấp, củng cố công tác tổ chức của Đoàn, Hội trên tất cả các mặt. Kiện toàn, thành lập mới và triển khai hoạt động của các câu lạc bộ, đội, nhóm trong toàn trường. Công tác chỉ đạo, quản lý triển khai các hoạt động của Đoàn, Hội được thực hiện thông qua website của Đoàn, Hội, đảm bảo tính kế hoạch hoá của việc triển khai các hoạt động khi Nhà trường chuyển sang đào tạo theo tín chỉ. Thực hiện có hiệu quả Quy định về công tác báo cáo, đăng ký lịch tuần và tính điểm thi đua, xếp hạng hoạt động của các liên chi đoàn và liên chi hội hàng tháng. Nhờ đó, hoạt động của các cơ sở Đoàn, Hội được duy trì đều đặn và có kế hoạch cao, nhiều cơ sở Đoàn, Hội, đặc biệt là cấp chi đoàn, chi hội đã tổ chức được nhiều hoạt động sáng tạo, thiết thực, bổ ích, thu hút sinh viên tích cực tham gia.
Tất cả các chi đoàn đều có và được hướng dẫn sử dụng Sổ chi đoàn ngay từ đầu khoá học. Việc tổ chức sinh hoạt định kỳ hàng tháng được các chi đoàn nghiêm túc thực hiện. Tại Hội nghị cán bộ Đoàn, Hội hàng tháng, Ban Thường vụ Đoàn trường và Ban Thư ký Hội Sinh viên trường đều có báo cáo hoạt động đã diễn ra của tháng trước và triển khai các hoạt động trọng tâm, hoạt động chuyên đề của tháng tới. Đây cũng là nguồn thông tin cần thiết để các liên chi đoàn, liên chi hội và chi đoàn, chi hội triển khai trong các buổi sinh hoạt tại cơ sở.
Công tác cán bộ Đoàn đã được Đoàn trường quan tâm. Nhiệm kỳ qua, Đoàn trường đã chỉ đạo việc lựa chọn nhân sự chủ chốt thông qua Đại hội của các liên chi đoàn; thường xuyên theo dõi, chỉ đạo sát sao và giữ mối liên hệ với cấp uỷ, Ban Chủ nhiệm các khoa, Ban Giám hiệu các trường trực thuộc về công tác cán bộ. Nhờ đó, đa số cán bộ Đoàn chủ chốt của các liên chi đoàn, Đoàn trường trực thuộc đều có năng lực, lòng nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm để đảm nhận tốt công việc được giao.
Công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Đoàn cũng đã được chú trọng. Đã có hàng trăm lượt cán bộ Đoàn, Hội dự tập huấn cấp trung ương, cấp tỉnh, khu vực; 100% cán bộ chi đoàn, chi hội được tập huấn hàng năm, hơn 16.000 ĐVTN được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đoàn - Hội - Đội. Tổng số tài liệu về công tác Đoàn - Hội - Đội đã được phát hành là gần 16.000 bản.
Công tác bồi dưỡng, phát triển đoàn viên mới và tổ chức cơ sở Đoàn được triển khai có hiệu quả. Trong nhiệm kỳ qua, Đoàn trường đã kết nạp 1.220 đoàn viên mới; giải thể 2 liên chi đoàn (Sau đại học, Công nghệ); phát triển thêm 3 liên chi đoàn mới (Luật, Xây dựng, Điện tử Viễn thông); thành lập Đoàn trường THPT Chuyên và 4 chi đoàn trực thuộc.
Quán triệt và thực hiện Nghị quyết 02, 06 của Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn Nghệ An về củng cố và nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đoàn, mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên, công tác chỉ đạo và tập trung các sinh hoạt cho Đoàn cơ sở, chi đoàn đã được Đoàn trường chú trọng và xem như một giải pháp để thực hiện có hiệu quả chương trình công tác Đoàn hàng năm.
"Chương trình rèn luyện Đoàn viên và phát thẻ Đoàn" và việc đăng ký xây dựng chi đoàn mạnh đã được triển khai có chất lượng. Đến nay, số ĐVTN đã có thẻ Đoàn là 95%, số chi đoàn đăng ký danh hiệu chi đoàn mạnh các cấp đạt trên 60%.
Uỷ ban Kiểm tra Đoàn trường đã hoạt động thường xuyên và có hiệu quả. Hàng năm, Uỷ ban Kiểm tra đều có chương trình công tác, triển khai kiểm tra công tác Đoàn và PTTN của các cơ sở Đoàn, phối hợp với Uỷ ban Kiểm tra Đảng uỷ định kỳ rà soát, kiểm tra công tác Đoàn và PTTN của Đoàn trường trên tất cả các mặt: Đoàn vụ, công tác tài chính, văn phòng... Công tác thi đua khen thưởng được chú trọng, thực hiện hiệu quả, có tác động tích cực và động viên phong trào chung.
Việc phát huy dân chủ trong các hoạt động của Đoàn, Hội và cuộc vận động dân chủ hoá trường học cũng đã được thực hiện thường xuyên. Hội nghị cán bộ Đoàn, Hội được tổ chức hàng tháng thực sự là diễn đàn để cán bộ, ĐVTN phát huy tinh thần dân chủ, mạnh dạn góp ý kiến xây dựng chương trình công tác Đoàn, Hội và xây dựng Nhà trường. Sinh hoạt dân chủ sinh viên được tổ chức thường xuyên và công khai trên website của Trường là cầu nối giữa Nhà trường và sinh viên, giúp cho ĐVTN hiểu rõ hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi trong quá trình học tập và rèn luyện.
4.2. Công tác Hội sinh viên
Trong nhiệm kỳ qua, với vai trò nòng cốt chính trị trong các hoạt động của Hội, Đoàn trường đã chỉ đạo Hội Sinh viên tổ chức thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Sinh viên trường lần thứ VI và lần thứ VII, định hướng để Hội Sinh viên trường có những hoạt động thể hiện vai trò của Hội và phù hợp với đặc trưng của sinh viên. Những mô hình hoạt động của Hội như: Hội nghị học tốt, Hội thi "Sinh viên thanh lịch", "Nét đẹp nữ sinh", "Chủ Nhật xanh", hiến máu tình nguyện, các giải thể thao, trò chơi vận động, câu lạc bộ, đội, nhóm, các đội tình nguyện Tiếp sức mùa thi, công tác xã hội... đã được sinh viên nhiệt liệt hưởng ứng và đạt kết quả tốt. Công tác tổ chức, cán bộ của Hội đã được thực hiện tốt ở cả ba cấp chi hội, liên chi hội và Hội Sinh viên trường. Nhiều tập thể Hội và cá nhân đã được tặng Bằng khen của BCH Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam và Giấy khen của Hội Sinh viên tỉnh Nghệ An; Hội Sinh viên trường đã được BCH Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tặng Cờ thi đua đơn vị xuất sắc công tác Hội và phong trào sinh viên 2 nhiệm kỳ 2006 - 2008, 2008 - 2010 và liên tục các năm học trong giai đoạn 2006 - 2011. Hội Sinh viên Trường Đại học Vinh ngày càng được củng cố và phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, Hội Sinh viên trường có 18 liên chi hội, 290 chi hội với hơn 15.600 hội viên.
4.3. Đoàn tham gia xây dựng Đảng
Đây là chương trình công tác đã được Đoàn các cấp quan tâm đẩy mạnh: Đoàn trường đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của ĐVTN, cán bộ Đoàn góp ý kiến vào các văn kiện Đại hội Đảng các cấp, đặc biệt là các văn kiện Đại hội Đảng bộ Nhà trường khoá XXIX, XXX.
Hàng năm, Ban Thường vụ Đảng uỷ trường đều có 2 phiên làm việc với Ban Thường vụ Đoàn trường, Ban Thư ký Hội Sinh viên trường để nghe báo cáo công tác Đoàn, Hội, trực tiếp có ý kiến chỉ đạo đối với các hoạt động Đoàn, Hội trong năm học, Tháng Thanh niên cũng như các hoạt động quan trọng khác của Đoàn và Hội.
Đoàn trường đã phối hợp với Văn phòng Đảng uỷ mở nhiều lớp bồi dưỡng tìm hiểu về Đảng Cộng sản Việt Nam, làm tốt công tác xét hồ sơ, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho các chi bộ Đảng xét kết nạp Đảng. Trong nhiệm kỳ qua, đã có 5.799 ĐVTN tham gia các lớp bồi dưỡng tìm hiểu về Đảng. Đoàn trường đã xét, giới thiệu 1.625 đoàn viên ưu tú cho Đảng. Đến nay đã có 1.481 đoàn viên ưu tú được kết nạp Đảng (trong đó cán bộ trẻ là 117, sinh viên và học viên là 1.357, học sinh THPT Chuyên là 7).
III. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, THAM MƯU, PHỐI HỢP
Các cấp bộ Đoàn đã quyết liệt hơn trong công tác tham mưu, chỉ đạo; tích cực nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn, điều chỉnh chương trình công tác phù hợp với thực tế của đơn vị. Phương pháp và lề lối làm việc của cán bộ Đoàn được đổi mới theo phương châm hướng về cơ sở, đồng hành cùng thanh niên, tăng cường nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng của ĐVTN, từng bước đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên. Công tác thi đua khen thưởng của Đoàn được đổi mới về nội dung và phương pháp đánh giá, bảo đảm thực chất hơn, có tác dụng tích cực cổ vũ, kịp thời động viên phong trào. Việc duy trì đăng ký lịch công tác hàng tuần; chấm điểm thi đua hàng tháng của các liên chi đoàn, Đoàn trường trực thuộc đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động và công tác thi đua của Đoàn, định hướng, thúc đẩy phong trào ở cơ sở. Các cấp bộ Đoàn đã tích cực tham mưu cho cấp ủy Đảng tăng cường lãnh đạo công tác thanh niên; tập trung tháo gỡ cơ chế liên quan đến công tác thanh niên. Phối hợp tốt với các phòng ban chức năng và các đoàn thể trong Trường trong việc tổ chức, triển khai các hoạt động của Đoàn. Nhờ đó, công tác Đoàn và PTTN của Đoàn Trường Đại học Vinh đã được duy trì có hiệu quả và không ngừng phát triển trong suốt cả nhiệm kỳ.
IV. HẠN CHẾ, YẾU KÉM, NGUYÊN NHÂN VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM
1. Những hạn chế, yếu kém
1.1. Trong công tác giáo dục của Đoàn
Việc nắm bắt diễn biến tư tưởng và định hướng dư luận xã hội trong ĐVTN còn hạn chế. Công tác tuyên truyền giáo dục thực hiện chưa đồng bộ, chưa liên tục, chủ yếu còn tập trung vào các cuộc thi tìm hiểu và các đợt hoạt động lớn. Hình thức, phương pháp giáo dục tuy đã được đổi mới song còn đơn điệu, chưa có nhiều mô hình mới thu hút ĐVTN tham gia. Vẫn còn những ĐVTN chậm tiến, không có ý thức tổ chức kỷ luật, vi phạm pháp luật, vi phạm nội quy, quy chế, mắc các tệ nạn xã hội, sử dụng các chất kích thích, ma tuý.
1.2. Trong công tác xây dựng tổ chức Đoàn, Hội, tham gia xây dựng Đảng
Chế độ sinh hoạt của chi đoàn còn chưa đảm bảo, nội dung sinh hoạt chưa rõ ràng, thiếu hấp dẫn. Một bộ phận đoàn viên chưa có ý thức tham gia sinh hoạt chi đoàn, thậm chí bỏ sinh hoạt.
Còn bị động trong công tác đào tạo và chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của phong trào. Cán bộ Đoàn các cấp còn nhiều hạn chế về nghiệp vụ nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai, chỉ đạo và tổ chức các hoạt động, đặc biệt là ở chi đoàn. Một số chi đoàn, liên chi đoàn chậm thích ứng với phương thức hoạt động đoàn khi Nhà trường chuyển sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ.
1.3. Trong 2 phong trào "5 xung kích, 4 đồng hành"
Công tác giáo dục, bồi dưỡng tình cảm nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm cho ĐVTN ở một số Liên chi đoàn và ở nhiều chi đoàn chưa được quan tâm đúng mức. Việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của ĐVTN còn hạn chế.
Các hiện tượng tiêu cực trong học tập, sinh hoạt của ĐVTN tuy đã được hạn chế nhiều song vẫn còn một bộ phận ĐVTN vi phạm quy chế học tập và rèn luyện.
Các hoạt động tình nguyện chưa được đầu tư vào chiều sâu, các mô hình hoạt động tình nguyện để phát huy các kiến thức của sinh viên theo ngành học, khối học vào đời sống thực tiễn vẫn còn hạn chế.
Các chỉ tiêu: "Vận động để có từ 50 đến 70% ĐVTN sử dụng thành thạo Tin học cơ bản và ít nhất một ngoại ngữ trong giao tiếp thông thường", "Tổ chức Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường" chưa đạt.
1.4. Trong công tác tham mưu, chỉ đạo của Đoàn
Có lúc, có nơi còn chưa quyết liệt; tính chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện một số nội dung công tác chưa tốt; công tác kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện những vấn đề phát sinh, vi phạm và hướng dẫn nghiệp vụ công tác cho cơ sở thiếu thường xuyên; hiệu quả thúc đẩy, cổ vũ phong trào từ công tác thi đua khen thưởng chưa cao; công tác tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình, điển hình còn hạn chế; một số cơ sở Đoàn thiếu chủ động trong tham mưu, đề xuất với cấp uỷ Đảng, chính quyền về công tác thanh niên.
2. Nguyên nhân        
2.1. Nguyên nhân thành công
- Công tác Đoàn và PTTN Trường Đại học Vinh luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh đoàn Nghệ An; sự quan tâmlãnh đạo, chỉ đạocủa Đảng uỷ, Ban Giám hiệu, sự phối hợp của các khoa, trường trực thuộc, các phòng ban chức năng và cán bộ, công chức toàn trường. Những thành tựu kinh tế - xã hội của địa phương trong những năm qua là tiền đề và động lực thúc đẩy đối với phong trào của tuổi trẻ.
- Công tác Đoàn và PTTN ngày càng được xã hội hoá về nhiều mặt; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động của Đoàn ngày càng được nâng cao; công tác đoàn kết tập hợp thanh niên có nhiều thuận lợi; điều kiện giao thông đi lại thuận lợihơn, thông tin liên lạc ngày càng phát triển, đặc biệt là sự phát triển nhanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
- Đời sống vật chất, tinh thần của ngườidân và ĐVTN nói chung, của cán bộ Đoàn nói riêng ngày càng được nâng cao và đi vào ổn định; kinh phí cho các hoạt động của Đoàn và phụ cấp cho cán bộ Đoàn được quan tâm đúng mức.
- Các cấp bộ Đoàn đã tích cực đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, hướng các hoạt động đến cơ sở, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của ĐVTN, tạo được sự thống nhất trong hệ thống tổ chức Đoàn. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động của cán bộ Đoàn các cấp ngày càng được nâng cao.
2.2. Nguyên nhân hạn chế, yếu kém
- Vai trò tham mưu của một số cấp bộ Đoàn cho cấp uỷ, chính quyền trong lãnh đạo công tác thanh niên còn hạn chế;năng lực chỉ đạo và kỹnăng hoạt động của cán bộ các cấp có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của phong trào. Tư duy của một bộ phận cán bộ Đoàn trên một số lĩnh vực chậm đổi mới, chưa đáp ứng được đòi hỏi của ĐVTN, thiếu sâu sát cơ sở.
- Việc cụ thể hoá các Nghị quyết, chủ trương của Đoàn cấp trên có nơi, có lúc còn chậm; tổ chức thực hiện nghị quyết của các cấp bộ Đoàn vẫn là khâu yếu. Công tác chỉ đạo trong một số hoạt động còn chậm tiến độ, chế độ thông tin, báo cáo của một số Liên chi đoàn, chi đoàn trực thuộc thực hiện chưa đầy đủ và kịp thời.
- Sự quan tâm lãnh đạo của cấp uỷ và sự phối hợp, tạo điều kiện của các cấp quản lý đối với phong trào hoạt động của tuổi trẻ nhiều nơi còn chưa tốt.
- Mặt trái của cơ chế thị trường, tệ nạn xã hội, tiêu cực, tham nhũng cũng đã gây trở ngại cho hoạt động của tổ chức Đoàn, Hội.
3. Bài học kinh nghiệm
Từ thực tiễn của công tác Đoàn và PTTN trong nhiệm kỳ qua, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:
- Thứ nhất, luôn quán triệt kịp thời và sâu sắc các chủ trương, nghị quyết và sự lãnh đạo của Đảng; chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về công tác thanh niên; tích cực và chủ động phối hợp triển khai công tác thanh niên, đẩy mạnh việc xã hội hoá để tăng cường sức mạnh, nâng cao chất lượng các hoạt động trong công tác Đoàn và PTTN.
- Thứ hai, các hoạt động của Đoàn phải thiết thực, xuất phát từ nhu cầu, lợi ích chính đáng của ĐVTN, phát huy mạnh mẽ tinh thần xung kích, tình nguyện và hỗ trợ thanh niên trong học tập, lao động, tự khẳng định và phát triển tài năng. Đồng thời, tập trung nghiên cứu, đề xuất những giải pháp, chương trình phù hợp để phát huy thế mạnh của tuổi trẻ, xác định những hướng đi đúng, cụ thể cho hoạt động Đoàn và PTTN trong từng giai đoạn nhất định, phù hợp với điều kiện của đơn vị.
- Thứ ba, xác định cán bộ là nhân tố then chốt cho sự ổn định và phát triển của tổ chức Đoàn. Xây dựng đội ngũ cán bộ tâm huyết và gắn bó với thanh niên; sáng tạo, xung kích, dám nghĩ, biết làm, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng đảm nhận việc mới, việc khó; coi trọng đánh giá đạo đức và sử dụng cán bộ đúng năng lực, trình độ, từ đó tạo nguồn, bồi dưỡng, sử dụng, luân chuyển và trưởng thành.
- Thứ tư, cần có sự đầu tư chiều sâu, hướng về cơ sở, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, các vấn đề bức xúc của ĐVTN gắn với nhiệm vụ chính trị của Nhà trường, của đơn vị; coi công tác đoàn kết tập hợp thanh niên là điều kiện có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của tổ chức Đoàn. Tích cực khai thác nguồn lực của xã hội phục vụ công tác Đoàn và PTTN.
 
ĐÁNH GIÁ CHUNG
 
Nhiệm kỳ qua, với tinh thần tích cực đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, công tác Đoàn và PTTN Trường Đại học Vinh luôn phát triển, đạt được nhiều nhân tố và thành công mới. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Đại học Vinh luôn là đơn vị dẫn đầu trong công tác Đoàn và PTTN của tỉnh Nghệ An và phong trào sinh viên cả nước. Tuổi trẻ Trường Đại học Vinh đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn tặng đơn vị xuất sắc tiêu biểu trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi giai đoạn 2006 - 2011. Nhiều cá nhân được tặng thưởng Kỷ niệm chương Vì thế hệ trẻ. Nhiều tập thể và cá nhân được tặng Bằng khen của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Tỉnh đoàn Nghệ An. Những kết quả hoạt động và thành tích mà Đoàn trường Đại học Vinh đạt được trong nhiệm kỳ qua đã góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng, đổi mới và phát triển Nhà trường, đóng góp vào công tác Đoàn và PTTN tỉnh Nghệ An và phong trào sinh viên Việt Nam, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.


Phần thứ hai
NHIỆM VỤ CÔNG TÁC ĐOÀN VÀ PHONG TRÀO THANH NIÊN NHIỆM KỲ 2012 - 2017
 
Công tác Đoàn và PTTN trường Đại học Vinh nhiệm kỳ 2012 - 2017 diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Đảng và Nhà nước ta tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sâu sắc việc đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của khoa học và công nghệ. Giáo dục và đào tạo vẫn tiếp tục được Đảng, Nhà nước xem là quốc sách hàng đầu, được toàn xã hội quan tâm.
Với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội, là lực lượng giáo dục quan trọng của thanh niên, là nơi để ĐVTN xây dựng lý tưởng, rèn luyện và phấn đấu trưởng thành, Đoàn Thanh niên tiếp tục là trường học Cộng sản chủ nghĩa cho thanh niên Việt Nam, là tổ chức để ĐVTN khẳng định vai trò, vị trí, nhiệm vụ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trường Đại học Vinh được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào danh sách xây dựng thành trường đại học trọng điểm quốc gia là thuận lợi lớn để Nhà trường phát triển toàn diện mọi mặt trong đó có công tác Đoàn, Hội và PTTN.
 
I. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM VÀ CÁC CHỈ TIÊU CƠ BẢN
Quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Nhà trường khóa XXX, Nghị quyết Đại hội Đoàn các cấp, phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục những khó khăn và hạn chế trong nhiệm kỳ qua, phát huy truyền thống của các thế hệ cán bộ, ĐVTN Trường Đại học Vinh, mục tiêu chung của công tác Đoàn và PTTN khóa XXIX, nhiệm kỳ 2012 - 2017 là: "Xây dựng Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên Trường Đại học Vinh mạnh về tổ chức, đa dạng về hình thức hoạt động, là môi trường để ĐVTN phấn đấu và rèn luyện, góp phần xây dựng Trường Đại học Vinh thành trường đại học trọng điểm quốc gia, là nơi tạo dựng tương lai cho tuổi trẻ".
Khẩu hiệu hành động: "Tuổi trẻTrường Đại học Vinh đoàn kết, thi đua rèn luyện, học tập, lao động, sáng tạo, xung kích, tình nguyện xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế".
 
1. Nhiệm vụ trọng tâm
1. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho ĐVTN. Chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng của ĐVTN. Tăng cường ý thức cảnh giác cách mạng cho ĐVTN trước những âm mưu của các thế lực thù địch.
2. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh và các cuộc vận động của ngành Giáo dục và Đào tạo, của tổ chức Đoàn, Hội các cấp.
3. Nâng cao chất lượng học tập, nghiên cứu của ĐVTN trong thời kỳ mới, góp phần thực hiện Nghị quyết số 666-NQ/ĐU của Ban Chấp hành Đảng bộ trường về nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội.
4. Đẩy mạnh các hoạt động tình nguyện, chung sức cùng cộng đồng. Tăng cường các hoạt động tình nguyện chuyên sâu, tình nguyện tại chỗ và thực hiện Cuộc vận động "Nghĩa tình biên giới, hải đảo".
5. Nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đoàn, chất lượng sinh hoạt chi đoàn, chi hội trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ.
 
2. Một số chỉ tiêu cơ bản
1. 100% ĐVTN được tìm hiểu, học tập Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; được học tập chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. 
2. 100% ĐVTN, tổ chức Đoàn các cấp tích cực triển khai và tham gia thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, học tập Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học, Luật Thanh niên.
3. 100% ĐVTN được quán triệt và học tập Nghị quyết Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Đại học Vinh lần thứ XXIX, nắm vững các nội dung cơ bản của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Nghệ An lần thứ XVI, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh toàn quốc lần thứ X.
4. 100% các chi đoàn, liên chi đoàn và Đoàn trường THPT Chuyên có các hình thức hỗ trợ hiệu quả, xây dựng các mô hình giúp ĐVTN học tập tốt, tham gia nghiên cứu khoa học. 100% sinh viên đáp ứng được các tiêu chí trong chuẩn đầu ra của ngành học trong đó có từ 50% sinh viên đạt được các tiêu chí cao hơn. Hàng năm có từ 700 - 1.000 sinh viên đạt danh hiệu sinh viên xuất sắc, sinh viên giỏi. Đoàn trường và 100% các liên chi đoàn tổ chức được hoạt động giao lưu, trao đổi và các diễn đàn giữa sinh viên với các doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng.
5. 100% các chi đoàn, liên chi đoàn thực hiện tốt phong trào xây dựng nếp sống văn hóa; 100% ĐVTN cam kết không mắc các TNXH, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động ĐVTN với văn hóa giao thông.
6. 100% các chi đoàn, liên chi đoàn và Đoàn trường tổ chức tốt Chiến dịch tình nguyện hè, Tháng Thanh niên, Cuộc vận động "Nghĩa tình biên giới,hải đảo", hỗ trợ 1 - 2 xã trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Hàng năm, tổ chức được các hoạt động tình nguyện quốc tế.
7. Thành lập mới 10 - 15 câu lạc bộ, đội, nhóm hoạt động có hiệu quả. Thành lập Giải thưởng 26/3 cho cán bộ Đoàn xuất sắc. Hàng năm, 100% cán bộ Đoàn, Hội các cấp được tập huấn kỹ năng và nghiệp vụ công tác; 60 - 65% số chi đoàn đạt danh hiệu chi đoàn mạnh các cấp; 70 - 75% liên chi đoàn đạt danh hiệu xuất sắc; Đoàn trường là đơn vị xuất sắc tiêu biểu trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của tỉnh Nghệ An.
8. Hàng năm, bồi dưỡng và giới thiệu từ 200 - 250 đoàn viên ưu tú cho Đảng.
 
II. NỘI DUNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP CỤ THỂ
1. Công tác tuyên truyền, giáo dục
Giáo dục để hình thành trong ĐVTN bản lĩnh chính trị vững vàng, lòng yêu nước, lý tưởng cách mạng, tinh thần tự hào dân tộc, đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, thái độ tôn trọng và chấp hành pháp luật, có nếp sống văn minh, có nhận thức và sức đề kháng trước những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, các tiêu cực và tệ nạn xã hội, khát vọng phấn đấu vươn lên lập thân, lập nghiệp.
Nội dung và giải pháp cơ bản là:
1. Tổ chức cho ĐVTN tham gia đầy đủ và có chất lượng các sinh hoạt chính trị đầu năm học, khóa học, các sinh hoạt chính trị thường kỳ do Nhà trường tổ chức.
2. Tăng cường nhận thức của ĐVTN về bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và lợi ích quốc gia, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. Tăng cường các hoạt động giáo dục ĐVTN nâng cao nhận thức về biển đảo trong giai đoạn hiện nay.
3. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh và các cuộc vận động của ngành Giáo dục và Đào tạo, của Đoàn, Hội các cấp. Giáo dục ĐVTN ý thức công dân, trách nhiệm và nghĩa vụ của học sinh, sinh viên đối với Nhà trường, gia đình và xã hội.
4. Tổ chức các hoạt động giáo dục ý thức, trách nhiệm của học sinh, sinh viên, học viên trong học tập và rèn luyện, góp phần thực hiện Nghị quyết số 666-NQ/ĐU của Ban Chấp hành Đảng bộ trường về nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội và thực hiện khẩu hiệu hành động: "Trường Đại học Vinh - Nơi tạo dựng tương lai cho tuổi trẻ".
5. Chỉ đạo Đoàn Trường THPT Chuyên triển khai Chương trình "Khi tôi 18" và phong trào "Học sinh 3 rèn luyện", chuẩn bị để tham gia tốt đánh giá quốc gia kết quả học tập của học sinh lớp 11; tích cực chuẩn bị và tham gia chương trình quốc tế đánh giá kết quả học tập của học sinh phổ thông (PISA). Phối hợp với Hội Sinh viên triển khai sâu rộng trong đoàn viên, thanh niên cuộc vận động "Sinh viên 5 tốt".
6. Tăng cường các hoạt động giáo dục truyền thống trong học sinh, sinh viên, học viên nhân các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng. Đặc biệt là kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam, 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 85 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, 40 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, 125 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí minh, 70 năm Cách mạng Tháng Tám 1945 và Quốc khánh 2/9; 55 năm ngày thành lập Trường Đại học Vinh; Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Nghệ An lần thứ XVI và Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh toàn quốc lần thứ X.
7. Đổi mới công tác giáo dục pháp luật, lối sống, nếp sống, nhận thức các giá trị văn hóa truyền thống. Từ đó, giáo dục nếp sống văn minh, bài trừ và đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Phát huy tính tích cực, sáng tạo, tình nguyện của ĐVTN đối với các hoạt động trong trường và trên địa bàn nơi cư trú.
2. Phong trào "5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc"
2.1. Xung kích lao động sáng tạo và phát triển kinh tế - xã hội
1. Tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 666-NQ/ĐU của Ban Chấp hành Đảng bộ trường về nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội và thực hiện khẩu hiệu hành động: "Trường Đại học Vinh - Nơi tạo dựng tương lai cho tuổi trẻ". Phát huy mạnh mẽ tinh thần học tập, lao động sáng tạo trong ĐVTN.
2. Tổ chức các diễn đàn, các sinh hoạt trao đổi về phương pháp học tập trong học sinh, sinh viên, về đổi mới phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học trong đội ngũ giáo viên, giảng viên trẻ và phong trào 3 trách nhiệm với cán bộ, công chức, viên chức trẻ.
3. Tổ chức các hội nghị khoa học, hội thi, Olympic, ngày hội học tập, nghiên cứu, sáng tạo ở các cấp góp phần nâng cao chất lượng học tập, nghiên cứu khoa học của ĐVTN. Tạo tiền đề để sinh viên tham gia các giải thưởng, các cuộc thi lớn như: Robocon, Giải thưởng Tài năng trẻ.
4. Tiếp tục phát triển và hoàn thiện phương thức hoạt động của các câu lạc bộ, đội, nhóm học thuật, sở thích.
5. Phát huy vai trò xung kích, đi đầu của cán bộ trẻ thúc đẩy phong trào nghiên cứu sáng tạo trong ĐVTN.
2.2. Xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng
1. Tiếp tục triển khai sâu rộng và có hiệu quả các hoạt động tình nguyện. Tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động và phong trào tình nguyện như chương trình Tiếp sức mùa thi, Tiếp sức đến trường, Hỗ trợ vùng sâu, vùng xa, Chiến dịch tình nguyện hè, các đợt hiến máu tình nguyện; các hoạt động tình nguyện xây dựng môi trường nhà trường "xanh - sạch - đẹp - thân thiện".
2. Tiếp tục triển khai các hoạt động tình nguyện giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, ý thức xây dựng nếp sống văn hóa, bài trừ các tệ nạn xã hội. Đặc biệt là ý thức chấp hành Luật An toàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, Luật Phòng, chống ma túy; Luật Hôn nhân và Gia đình...
3. Đẩy mạnh các hoạt động tình nguyện đền ơn đáp nghĩa, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
4. Chú trọng các hoạt động tình nguyện chuyên sâu, tình nguyện tại chỗ, tăng cường các hoạt động tình nguyện tại các cơ sở mới của Nhà trường. Chú trọng các hoạt động tình nguyện để sinh viên có thể áp dụng được các kiến thức đã học vào việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương, qua đó phát huy ảnh hưởng, uy tín, chất lượng đào tạo của Nhà trường vào xã hội.
5. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào sinh viên tình nguyện về công tác ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo sau khi tốt nghiệp ra trường.
2.3. Xung kích bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội
1. Tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho ĐVTN về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Giáo dục ĐVTN nhận thức đúng đắn việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và lợi ích quốc gia, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.
2. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Cuộc vận động "Nghĩa tình biên giới, hải đảo", "Góp đá xây Trường Sa". Tăng cường công tác giáo dục ý thức, trách nhiệm của tuổi trẻ về chủ quyền biển đảo.
3. Tổ chức tốt các hoạt động của Đội Thanh niên xung kích, các nhóm tự quản sinh viên ngoại trú, lưu học sinh, hoạt động tuần tra canh gác. Kịp thời nắm bắt tình hình, diễn biến tư tưởng trong ĐVTN, góp phần giữ gìn an ninh trật tự trong khu vực trường và trên địa bàn dân cư.
4. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai cuộc vận động "Sinh viên 5 tốt" (đạo đức tốt, học tập tốt, thể lực tốt, kỹ năng tốt và hội nhập tốt) và "Sinh viên xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh" (với 5 tiêu chí xây dựng tập thể lớp, chi đoàn, chi hội: môi trường Xanh - Sạch - Đẹp; môi trường sinh hoạt học thuật sôi nổi; gắn kết với thực tiễn đời sống; môi trường giáo dục không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; vui chơi, giải trí lành mạnh).
2.4. Xung kích tham gia cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí
1. Tổ chức phong trào thi đua trong đội ngũ cán bộ, giảng viên trẻ trau dồi đạo đức nghề nghiệp, nâng cao trình độ nghiệp vụ, ý thức kỷ luật, kỹ năng ứng xử, hiệu quả trong công việc, trách nhiệm với đơn vị, với HSSV, góp phần giáo dục cho ĐVTN phong cách, lề lối làm việc chuyên nghiệp, phù hợp với thời kỳ xây dựng và phát triển Nhà trường thành trường đại học trọng điểm quốc gia.
2. Giáo dục và hình thành cho sinh viên ý thức rèn luyện và chuẩn bị các kỹ năng cần thiết của người cán bộ, công chức, nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp trong tương lai.
3. Tiếp tục thực hiện phong trào thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo vệ của công trong ĐVTN toàn trường.
2.5. Xung kích trong hội nhập kinh tế quốc tế
1. Tổ chức các hoạt động cung cấp thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế cho học sinh, sinh viên, cán bộ, giảng viên trẻ thông qua bản tin, phát thanh, sinh hoạt chuyên đề, diễn đàn trên Internet.
2. Đẩy mạnh phong trào học tập ngoại ngữ, tin học trong ĐVTN toàn trường. Khuyến khích học sinh, sinh viên, cán bộ, giảng viên trẻ tích cực học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học.
3. Tuyên truyền và động viên cán bộ trẻ thực hiện tốt các chủ trương về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ của Nhà trường trong giai đoạn hiện nay.
4. Phối hợp tổ chức tốt các hoạt động của lưu học sinh và các hoạt động giúp đỡ lưu học sinh Lào, Trung Quốc, Thái Lan,... trong học tập và rèn luyện. Phát huy vai trò của Ban đại diện các đoàn lưu học sinh trong việc tổ chức các hoạt động. Tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động tình nguyện tại Lào.
3. Phong trào "4 đồng hành cùng thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp"
3.1. Đồng hành tri thức với thanh niên trong học tập, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ
1. Thực hiện khẩu hiệu hành động "Tuổi trẻTrường Đại học Vinh đoàn kết, thi đua rèn luyện, học tập, lao động, sáng tạo, xung kích, tình nguyện xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế", tích cực thực hiện các cuộc vận động của ngành Giáo dục và Đào tạo, của Đoàn, Hội các cấp. Tuyên truyền, vận động để học sinh, sinh viên tự tin, chủ động, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học qua đó thực hiện 8 chữ vàng truyền thống của sinh viên Trường Đại học Vinh "Bản lĩnh - Trí tuệ - Văn minh - Tình nguyện".
2. Tích cực thực hiện Tháng Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm và Hội thi nghiệp vụ sư phạm, Tháng rèn nghề và Hội thi Sinh viên với việc rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp Hàng năm.
3. Tiếp tục phát triển các hình thức hỗ trợ, biểu dương học sinh, sinh viên trong học tập và rèn luyện như: tuyên dương sinh viên giỏi, sinh viên xuất sắc; gặp mặt ĐVTN tiêu biểu trên các lĩnh vực, đối tượng. Đẩy mạnh phong trào "Sáng tạo trẻ", tiếp tục động viên và tổ chức cho ĐVTN tham gia các cuộc thi, sân chơi của sinh viên cả nước như "Ngày sáng tạo Việt Nam", "Sinh viên khởi nghiệp", "Rung chuông vàng"..., tham gia nghiên cứu khoa học và các hội nghị nghiên cứu khoa học, tham dự các kỳ thi Olympic sinh viên toàn quốc các môn học có chất lượng.
4. Giúp đỡ, hỗ trợ các liên chi đoàn tổ chức tốt các hoạt động bổ trợ học tập cho ĐVTN, tổ chức các câu lạc bộ học thuật, tập san chuyên ngành,...
5. Tiếp tục nâng cao ý thức của ĐVTN nhằm thực hiện nghiêm túc việc dạy, học, thi và đánh giá kết quả. Tham gia phối hợp tổ chức các mùa thi nghiêm túc, công bằng, chất lượng.
6. Nâng cao chất lượng, cải tiến nội dung hoạt động của các chi đoàn cán bộ theo hướng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đoàn viên phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của Nhà trường trong giai đoạn phát triển mới. Cán bộ trẻ phải thực sự gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện các tiêu chí đánh giá chất lượng trường đại học.
3.2. Đồng hành với thanh niên trong khởi nghiệp và lập nghiệp
1. Tiếp tục tổ chức các hoạt động giáo dục ý thức, nhận thức, bồi dưỡng tình cảm nghề nghiệp cho ĐVTN.
2. Tổ chức có hiệu quả và mở rộng hoạt động của Câu lạc bộ Khởi nghiệp và các câu lạc bộ học thuật.
3. Phối hợp tổ chức tốt các hoạt động giao lưu với doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng. Giới thiệu việc làm cho sinh viên sau khi ra trường, kêu gọi và vận động các loại học bổng cho sinh viên.
4. Phối hợp cùng với Nhà trường tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên tiếp tục vay vốn, kiểm tra việc sử dụng vốn của sinh viên.
3.3. Đồng hành với thanh niên nâng cao sức khoẻ thể chất và đời sống văn hoá tinh thần
1. Tuyên truyền và đẩy mạnh các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao trong các cấp bộ Đoàn, Hội, thực hiện tốt phong trào "Khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
2. Triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào "Học sinh 3 rèn luyện", "Sinh viên 5 tốt".
3. Tiếp tục tổ chức thường xuyên các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao ở chi đoàn, liên chi đoàn, Đoàn Trường THPT Chuyên. Tiếp tục duy trì và tổ chức tốt hơn các hội diễn, các giải thể thao truyền thống như Hội thi Giọng hát hay sinh viên năm thứ nhất, Liên hoan nghệ thuật Tháng Năm, Liên hoan Nhạc trẻ, Giải bóng đá, giải bóng chuyền, việt dã sinh viên, Hội thi Nét đẹp nữ sinh.
4. Tiếp tục nghiên cứu và mở rộng các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao phù hợp với phong trào của sinh viên hiện nay như: Dance Sport, Flashmob, Hiphop Dance, các trò chơi vận động, các câu lạc bộ võ thuật.
5. Tăng cường các hoạt động giao lưu giữa các đơn vị trong trường, giữa ĐVTN Nhà trường với các đơn vị bạn, các hoạt động giao lưu với thanh niên quốc tế.
6. Tham gia các giải thể thao, các hoạt động văn hóa do tỉnh Nghệ An, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên tỉnh Nghệ An tổ chức.
7. Tổ chức các hoạt động truyền thông, tư vấn, giáo dục giới tính, sức khoẻ sinh sản cho ĐVTN.
8. Tăng cường công tác xã hội hóa trong hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của ĐVTN.
3.4. Đồng hành với thanh niên trong nâng cao kiến thức và kỹ năng hoạt động xã hội
1. Tổ chức tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đoàn, Hội cho cán bộ Đoàn, Hội và sinh viên toàn trường, đáp ứng yêu cầu của công tác Đoàn và PTTN giai đoạn hiện nay.
2. Chú trọng tổ chức các hoạt động rèn luyện kỹ năng thực hành xã hội cho học sinh, sinh viên, như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử văn hóa, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng học tập, nghiên cứu, kỹ năng hoạt động xã hội, kỹ năng làm việc nhóm, làm việc tập thể, kỹ năng hội nhập... Đưa nội dung nâng cao kiến thức và rèn luyện kỹ năng thực hành xã hội thành nội dung quan trọng, bắt buộc trong sinh hoạt chi đoàn, chi hội.
3. Kiện toàn và tiếp tục tổ chức hoạt động của các câu lạc bộ, đội, nhóm kỹ năng, sở thích của ĐVTN.
4. Xây dựng tổ chức Đoàn, Hội Sinh viên vững mạnh và tham gia xây dựng Đảng
Tiếp tục xây dựng tổ chức Đoàn thanh niên, Hội sinh viên vững mạnh đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, tăng cường tham mưu với các cấp ủy Đảng để phát huy vai trò đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của ĐVTN. Tích cực tham gia xây dựng Đảng.
Nội dung và giải pháp cơ bản là:
1. Tiếp tục tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường để thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chế độ chính sách đối với cán bộ Đoàn, Hội sinh viên.
2. Xây dựng các mô hình và giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để nâng cao chất lượng hoạt động Đoàn, Hội ở các cấp, nhất là cấp chi đoàn, chi hội, câu lạc bộ, đội, nhóm. Tiếp tục triển khai có hiệu quả, thiết thực các phương thức hoạt động của Đoàn, Hội phù hợp với nội dung, hình thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ. 
3. Chú trọng bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đoàn, Hội cho cán bộ Đoàn, Hội các cấp, nhất là cán bộ chi đoàn, chi hội.
4. Khai thác và ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin và Internet trong công tác tổ chức hoạt động Đoàn, Hội, công tác quản lý, theo dõi và đánh giá đoàn viên, hội viên. Mở rộng và sử dụng có hiệu quả Subsite của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên trong việc quản lý và triển khai các hoạt động Đoàn, Hội.
5. Thành lập các tổ chức Đoàn mới, rà soát và sắp xếp hệ thống tổ chức của Đoàn, Hội phù hợp với sự phát triển của Nhà trường.
6. Phát huy vai trò nòng cốt chính trị của Đoàn Thanh niên trong hoạt động của Hội Sinh viên. Phối hợp, hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động của Hội. Phát huy tính dân chủ, tự nguyện và tạo điều kiện thuận lợi để Hội sinh viên Nhà trường tổ chức được các hoạt động độc lập mang màu sắc của Hội, góp phần đáp ứng nhu cầu về học tập, rèn luyện của sinh viên.
7. Xung kích thực hiện các Nghị quyết của Đảng. Chú trọng công tác bồi dưỡng và giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng và kết nạp Đảng viên mới.
III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP LỚN
1. Đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo tuyệt đối của các cấp ủy Đảng, sự giúp đỡ của Ban Giám hiệu, sự chỉ đạo của BTV Tỉnh Đoàn Nghệ An đối với công tác Đoàn và PTTN của Nhà trường.
2. Phối hợp chặt chẽ và phát huy các lực lượng giáo dục (các phòng ban chức năng, các ban của Tỉnh đoàn, Ban Chủ nhiệm các khoa, Ban Giám hiệu các trường trực thuộc...), chăm lo giáo dục toàn diện và bồi dưỡng ĐVTN.
3. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động của Đoàn phù hợp với thực tiễn của Nhà trường, đẩy mạnh quá trình xã hội hóa công tác thanh niên.
4. Chăm lo bồi dưỡng, đào tạo và quy hoạch đội ngũ cán bộ Đoàn, đảm bảo tính kế cận, liên tục, làm cho cán bộ Đoàn có khả năng, trình độ tập hợp thanh niên, tổ chức được các hoạt động ở cơ sở.
5. Chú trọng công tác sơ kết, tổng kết, xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến trên tất cả các mặt công tác. Kịp thời phát hiện và biểu dương những gương người tốt, việc tốt trong ĐVTN. Làm tốt công tác thi đua, khen thưởng nhằm phát huy tối đa tính tích cực của công tác thi đua trong việc thực hiện các phong trào hoạt động.
 
*   *   *
 
Đại hội Đại biểu Đoàn trường Đại học Vinh lần thứ XXIX là sự kiện chính trị to lớn, đánh dấu bước phát triển quan trọng của công tác Đoàn và PTTN trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của Nhà trường.
Từ diễn đàn của Đại hội, tuổi trẻ Nhà trường mong muốn Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường, các cấp bộ Đoàn, Hội, các phòng, ban chức năng, các khoa đào tạo, các trường trực thuộc quan tâm, chăm lo nhiều hơn nữa cho HSSV tạo điều kiện để ĐVTN phấn đấu vươn lên trong học tập, giảng dạy, nghiên cứu và rèn luyện.
Đại hội kêu gọi ĐVTN toàn trường phát huy ý chí tự lực, tự cường, những truyền thống tốt đẹp của tuổi trẻ Việt Nam, của sinh viên Trường Đại học Vinh, ra sức thi đua rèn đức, luyện tài, xung kích tình nguyện vì tương lai tươi sáng của bản thân, vì sự đổi mới, phát triển của Nhà trường và quê hương đất nước.
 
BAN CHẤP HÀNH ĐOÀN TRƯỜNG KHOÁ XXVIII

Phụ lục I
BẢNG ĐÁNH GIÁ
KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU CỦA NHIỆM KỲ
¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯
 
TT
Nội dung chỉ tiêu
Đánh giá
1.    
100% ĐVTN được tìm hiểu, học tập Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; được học tập chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đạt
2.    
100% ĐVTN được học tập Luật Giáo dục, Luật Thanh niên; 100% các chi đoàn, liên chi đoàn có chương trình hành động đưa Luật giáo dục, Luật Thanh niên vào cuộc sống.
Đạt
3.    
100% ĐVTN được quán triệt và học tập Nghị quyết Đại hội Đoàn trường lần thứ XXVIII, nắm vững các nội dung cơ bản của Nghị quyết ĐH Tỉnh Đoàn lần thứ XV, ĐH Đoàn toàn quốc lần thứ IX.
Đạt
4.    
- 100% các chi đoàn, liên chi đoàn có các hình thức hỗ trợ hiệu quả ĐVTN học tập tốt, tham gia nghiên cứu khoa học.
- Vận động để có từ 50 đến 70% ĐVTN sử dụng thành thạo Tin học cơ bản và ít nhất một ngoại ngữ trong giao tiếp thông thường.
- Tổ chức Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường.
- Đạt
 
- Không 
   đạt
 
- Không
   đạt
5.    
100% các CĐ, LCĐ có chương trình hành động xây dựng môi trường văn hóa, cam kết không mắc các TNXH, thực hiện tốt các luật: Giáo dục, Thanh niên, ATGT, PC ma tuý, Hôn nhân và GĐ.
Đạt
6.    
Tổ chức tốt các chiến dịch TN, HS, SV tình nguyện hè, Tháng thanh niên, thu hút 100% ĐVTN toàn trường tham gia.
Đạt
7.    
- 100% cán bộ Đoàn, Hội các cấp được tập huấn kỹ năng và nghiệp vụ công tác.
- Xây dựng tổ chức Đoàn, Hội phát triển vững mạnh, toàn diện phù hợp với các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trường đại học.
- Đạt
 
 
- Đạt
8.    
- Hàng năm, phấn đấu bồi dưỡng và giới thiệu từ 500 đến 700 đoàn viên ưu tú cho Đảng;
- Giúp đỡ để có từ 200 đến 250 đoàn viên được kết nạp Đảng.
- Không 
   đạt
- Đạt
9.    
Phấn đấu hàng năm có 60% số chi đoàn đạt danh hiệu chi đoàn mạnh các cấp. 70% liên chi đoàn đạt danh hiệu xuất sắc. Đoàn trường là đơn vị xuất sắc công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của Tỉnh Nghệ An hàng năm.
Đạt
10.           
Xây dựng công trình thanh niên chào mừng "Nửa thế kỷ Trường Đại học Vinh".
Đạt
 

Phụ lục II
TÌNH HÌNH ĐOÀN VIÊN
(Tổng hợp số liệu vào ngày 10 tháng 02 năm 2012)
¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯
 
TT
Tên đơn vị
Tổng số
ĐVTN
Đoàn viên
SL
Nam
Nữ
DTTS
Tôn giáo
Đảng viên
1.       
Khoa Toán
445
445
131
314
15
14
16
2.       
Khoa Vật lý
374
374
216
158
9
9
11
3.       
Khoa Hoá
687
687
153
534
16
6
13
4.       
Khoa Sinh
790
790
270
520
44
29
27
5.       
Khoa Thể dục
198
198
149
49
16
6
9
6.       
Khoa CNTT
952
952
665
287
9
50
23
7.       
Khoa Xây dựng
1465
1465
1453
12
0
13
13
8.       
Khoa ĐTVT
370
370
328
42
2
6
7
9.       
Khoa NLN
466
466
250
216
19
8
35
10.  
Khoa Kinh tế
3801
3801
1085
2716
29
25
30
11.  
Khoa Ngữ Văn
798
789
57
732
81
39
18
12.  
Khoa Lịch sử
1596
1596
276
1320
108
67
29
13.  
Khoa Địa lý
993
993
377
616
99
24
8
14.  
Khoa Chính trị
579
579
154
425
84
1
21
15.  
Khoa Luật
1294
1294
439
855
86
36
29
16.  
Khoa Ngoại ngữ
638
638
43
595
1
16
18
17.  
Khoa Giáo dục
543
530
20
510
73
33
13
18.  
Khoa GDQP
195
195
112
83
22
3
15
19.  
Trường Chuyên
959
601
283
318
0
0
10
Cộng:
17143
16763
6461
10302
713
385
345
 
Trong đó:
Sinh viên hệ sư phạm: 2.966 (17,30%); sinh viên hệ cử nhân: 9.575 (55,85%); sinh viên hệ kỹ thuật: 2.958 (17,06%); sinh viên vừa làm vừa học tập trung: 214 (1,25%); học viên sau đại học: 201 (1,17%); học sinh THPT: 959 (5,59%); cán bộ: 270 (1,57%);
ĐVTN là nữ: 10.302 (61,42%); ĐVTN dân tộc ít người: 713 (4,16%); ĐVTN tôn giáo: 385 (2,24%); ĐVTN là đảng viên: 345 (2,01%).

Phụ lục III
SỐ LIỆU CÔNG TÁC XÂY DỰNG TỔ CHỨC ĐOÀN,
ĐOÀN THAM GIA XÂY DỰNG ĐẢNG
(Tính đến ngày 26 tháng 3 năm 2012)
¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯
 
TT
Năm
ĐVTN
KN đoàn viên
Chi đoàn
LCĐ
Cảm tình Đảng
 
ĐVƯT
KN Đảng
1.       
2006
14093
0
296
17
487
206
180
2.       
2007
14697
0
295
18
1223
261
220
3.       
2008
17008
41
287
18
949
242
214
4.       
2009
16825
0
298
19
943
199
194
5.       
2010
17856
196
298
19
1028
295
276
6.       
2011
17893
478
323
19
1169
371
369
7.       
2012
17143
505
342
19
0
51
28
Cộng:
 
1220
 
 
5799
1625
1481
 
 
 
Phụ lục IV
SỐ LIỆU THAM GIA CÁC PHONG TRÀO TÌNH NGUYỆN,
CHUNG SỨC CÙNG CỘNG ĐỒNG
(Tính đến ngày 30 tháng 4 năm 2012)
¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯
 
TT
Năm
TSMT
(người)
TN hè
(người)
HMTN
(ĐV máu)
BGHĐ
(triệu đồng)
Góp đá
xây Trường Sa
(triệu đồng)
1.       
2006
207
532
0
 
0
2.       
2007
332
55
469
 
0
3.       
2008
253
480
432
 
0
4.       
2009
250
590
847
 
0
5.       
2010
405
490
982
 
0
6.       
2011
442
393
1031
 
50
7.       
2012
0
0
270
 
89,37
Cộng:
1889
2540
4031
 
139,37

Phụ lục V
CÁC HÌNH THỨC KHEN THƯỞNG TRONG NHIỆM KỲ
¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯
 
I. TẬP THỂ ĐOÀN TRƯỜNG
1. Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch Nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng cho tập thể cán bộ, ĐVTN Đoàn Trường Đại học Vinh - năm 2006;
2. Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng cho tập thể cán bộ, ĐVTN Trường Đại học Vinh.
3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chứng nhận Đoàn Thanh niên Cộng sản Đại học Vinh - Điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước ngành Giáo dục giai đoạn 2006 - 2010;
4. Cờ thi đua của BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng đơn vị đã có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi giai đoạn 2006 - 2011.
5. Bằng khen của BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng đơn vị đã có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm học 2005 - 2006;
6. Bằng khen của BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng đơn vị đã có thành tích xuất sắc trong "Tháng Thanh niên" năm 2008;
7. Bằng khen của BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng đơn vị đã có thành tích xuất sắc trong Chiến dịch Tình nguyện hè 2008;
8. Bằng khen của BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng đơn vị đã có thành tích xuất sắc trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện Hội thi Tin học trẻ năm 2009;
9. Bằng khen của BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng đơn vị đã có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2010;
10. Bằng khen của BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng đơn vị đã có thành tích xuất sắc trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chiến dịch tình nguyện hè năm 2010;
11. Bằng khen của BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng đơn vị đã có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và PTTN trường học năm học 2010 - 2011;
12. Bằng khen của BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng đơn vị đã có thành tích xuất sắc trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chiến dịch tình nguyện hè năm 2011;
13 Đoàn Trường Đại học Vinh được Tỉnh Đoàn Nghệ An công nhận là đơn vị xuất sắc tiêu biểu cấp tỉnh trong 6 năm liền, từ năm 2006 đến 2011.
 

II. THỐNG KÊ SỐ LƯỢNG CÁC TẬP THỂ NHỎ VÀ CÁ NHÂN ĐƯỢC KHEN THƯỞNG CÁC CẤP
 
Năm học
BK của TW Đoàn
GK của Tỉnh Đoàn
GK của Đoàn trường
Tập thể
Cá nhân
Tập thể
Cá nhân
Tập thể
Cá nhân
2006 - 2007
11
17
26
71
80
386
2007 - 2008
12
11
24
40
66
241
2008 - 2009
7
5
14
13
72
275
2009 - 2010
9
7
17
18
61
326
2010 - 2011
9
11
19
22
87
365
Cộng:
48
51
100
164
366
1593
 


 

Phụ lục VI
DANH SÁCH BAN CHẤP HÀNH ĐOÀN TRƯỜNG TRONG NHIỆM KỲ
¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯
 
I. DANH SÁCH ĐƯỢC BẦU TẠI ĐẠI HỘI
(Vào ngày 22 tháng 12 năm 2005)
 
TT
Họ và tên
Đơn vị
GT
NS
DT
TG
Quê quán
LL CT
Chuyên môn
Đảng viên
Chức vụ, công việc
Chức vụ trong BCH
1.     
Nguyễn Hồng
Soa
P.CTCT-HSSV
Nam
1972
Kinh
Không
Nam Đàn, Nghệ An
TC
Thạc sỹ
x
UV BTV Tỉnh Đoàn,
Phó P.CTCTHSSV
Bí thư
2.     
Nguyễn Anh
Chương
P.CTCT-HSSV
Nam
1978
Kinh
Không
Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh
TC
Thạc sỹ
x
CV P.CTCTHSSV,
PCT Hội SV
Phó Bí thư
3.     
Nguyễn Quốc
Dũng
Văn phòng
Nam
1974
Kinh
Không
Đức Thọ, Hà Tĩnh
SC
Kỹ sư
x
UV BTK Hội LHTN Tỉnh, CT Hội SV
Phó Bí thư
4.     
Nguyễn Thị Bích
Hiền
K.Hoá học
Nữ
1975
Kinh
Không
Thanh Chương, Nghệ An
SC
Thạc sỹ
x
CBGD, BT LCĐ
UV BTV
5.     
Trần Thị Kim
Oanh
K.CNTT
Nữ
1975
Kinh
Không
Đức Thọ, Hà Tĩnh
TC
Thạc sỹ
x
CBGD, BT chi bộ SV
UV BTV
6.     
Thiều Đình
Phong
K.Sau ĐH
Nam
1983
Kinh
Không
Kỳ Anh, Hà Tĩnh
SC
Cử nhân
x
Học viên CH13 Toán
UV BTV
7.     
Phạm Hồng
Sơn
K.Công nghệ
Nam
1977
Kinh
Không
Hưng Nguyên, Nghệ An
SC
Kỹ sư
 
CBGD, BT LCĐ
UV BTV
8.     
Đinh Ngọc
Thắng
K.Chính trị
Nam
1971
Kinh
Không
Diễn Châu, Nghệ An
TC
Thạc sỹ
x
CBGD
UV BTV
9.     
Lê Anh
Thơ
K.GDQP
Nam
1984
Kinh
Không
Nghi Lộc, Nghệ An
 
SV
 
SV lớp 45A GDQP, ĐP Đ.TNXK, BT CĐ
UV BTV
10. 
Nguyễn Minh
An
K.Lịch sử
Nam
1985
Kinh
Không
Thanh Liêm, Hà Nam
 
SV
 
SV lớp 45A Sử,
UVBTV LCĐ, LT
UV BCH
11. 
Nguyễn Thị Hạnh
Duyên
K.Kinh tế
Nữ
1981
Kinh
Không
Hương Khê, Hà Tĩnh
SC
Cử nhân
 
CBGD, BT CĐCB
UV BCH
12. 
Lê Việt
Dũng
K.NLN
Nam
1980
Kinh
Không
Thạch Hà, Hà Tĩnh
SC
Thạc sỹ
x
TL QLSV, BT LCĐ
UV BCH
13. 
Lê Công
Đức
P.CTCT-HSSV
Nam
1982
Kinh
Không
Kỳ Anh, Hà Tĩnh
SC
Cử nhân
x
CV P.CT-HSSV,
BT CĐ
UV BCH
14. 
Nguyễn Mạnh
K.CNTT
Nam
1983
Kinh
Không
Thanh Chương, Nghệ An
 
SV
 
SV lớp 43K2 CNTT, LCH T, UVBTV LCĐ
UV BCH
15. 
Nguyễn Thị Việt
K.Địa lý
Nữ
1982
Kinh
Không
TX Hà Tĩnh, Hà Tĩnh
SC
Cử nhân
x
CBGD, BT LCĐ
UV BCH
16. 
Mai Đức
Hán
K.Ngữ văn
Nam
1981
Kinh
Không
Nga Sơn, Thanh Hoá
TC
Cử nhân
 
CBGD, UVBCH LCĐ
UV BCH
17. 
Hồ Đức
Hạnh
Khối Chuyên
Nam
1976
Kinh
Không
Quảng Xương, Thanh Hoá
SC
Cử nhân
x
CBGD, BT LCĐ
UV BCH
18. 
Lê Đức
Hoàng
K.Lịch sử
Nam
1977
Kinh
Không
Quỳnh Lưu, Nghệ An
SC
Thạc sỹ
x
CBGD, BT LCĐ
UV BCH
19. 
Lê Thị Thu
Huyền
K.Toán
Nữ
1987
Kinh
Không
Nghi Lộc, Nghệ An
 
SV
 
SV lớp 46A Toán, LT
UV BCH
20. 
Trần Mạnh
Hùng
K.Sau ĐH
Nam
1983
Kinh
Không
Nam Đàn, Nghệ An
SC
Cử nhân
x
Học viên CH13 Sinh,
BT CĐ, PBT LCĐ
UV BCH
21. 
Phạm Thị Thu
Hương
K.Ngoại ngữ
Nữ
1985
Kinh
Không
Thạch Hà, Hà Tĩnh
 
SV
 
SV lớp 45A Anh,
PBT LCĐ
UV BCH
22. 
Đặng Thị Lê
Na
K.Tiểu học
Nữ
1982
Kinh
Không
Thanh Chương, Nghệ An
SC
Cử nhân
x
CBGD, BT LCĐ
UV BCH
23. 
Hoàng Vĩnh
Phú
K.Sinh học
Nam
1978
Kinh
Không
Yên Thành, Nghệ An
TC
Thạc sỹ
 
CBGD, PBT LCĐ
UV BCH
24. 
Nguyễn Hữu
Quyết
K.Ngoại ngữ
Nam
1979
Kinh
Không
TX Sầm Sơn, Thanh Hoá
SC
Cử nhân
x
CBGD, BT LCĐ
UV BCH
25. 
Phan
Sinh
K.Thể dục
Nam
1974
Kinh
Không
Thanh Chương, Nghệ An
SC
Thạc sỹ
x
CBGD, BT LCĐ
UV BCH
26. 
Lê Văn
Tấn
K.CNTT
Nam
1978
Kinh
Không
Thọ Xuân, Thanh Hoá
SC
Thạc sỹ
 
CBGD
UV BCH
27. 
Nguyễn Quốc
Thơ
K.Toán
Nam
1973
Kinh
Không
Nghi Lộc, Nghệ An
TC
Thạc sỹ
 
CBGD, BT LCĐ
UV BCH
 
 
II. DANH SÁCH BAN CHẤP HÀNH SAU KHI KIỆN TOÀN LẦN THỨ NHẤT
(Vào ngày 27 tháng 11 năm 2008)
 
TT
Họ và tên
Đơn vị
GT
NS
DT
TG
Quê quán
LL CT
Chuyên môn
Đảng viên
Chức vụ, công việc
Chức vụ trong BCH
1.     
Nguyễn Hồng
Soa
P.CTCT-HSSV
Nam
1972
Kinh
Không
Nam Đàn, Nghệ An
TC
Thạc sỹ
x
UV BTV Tỉnh Đoàn,
Phó P.CTCTHSSV
Bí thư
2.     
Nguyễn Quốc
Dũng
Văn phòng
Nam
1974
Kinh
Không
Đức Thọ, Hà Tĩnh
SC
Kỹ sư
x
UV BTK Hội LHTN Tỉnh, CT Hội SV
Phó Bí thư
3.     
Trần Thị Kim
Oanh
K.CNTT
Nữ
1975
Kinh
Không
Đức Thọ, Hà Tĩnh
TC
Thạc sỹ
x
CBGD, BT chi bộ SV
Phó Bí thư
4.     
Lê Minh
Giang
Văn phòng
Nam
1980
Kinh
Không
Thọ Xuân, Thanh Hoá
TC
CN
x
CB Chuyên trách
UV BTV
5.     
Nguyễn Thị Hà
Giang
K.Ngoại ngữ
Nữ
1989
Kinh
Không
Thanh Chương, Nghệ An
SC
SV
 
LCH trưởng
UV BTV
6.     
Nguyễn Thị Bích
Hiền
K.Hoá học
Nữ
1975
Kinh
Không
Thanh Chương, Nghệ An
SC
Thạc sỹ
x
CBGD, BT LCĐ
UV BTV
7.     
Thiều Đình
Phong
K.Sau ĐH
Nam
1983
Kinh
Không
Kỳ Anh, Hà Tĩnh
SC
Cử nhân
x
Học viên CH13 Toán
UV BTV
8.     
Phạm Hồng
Sơn
K.Công nghệ
Nam
1977
Kinh
Không
Hưng Nguyên, Nghệ An
SC
Kỹ sư
 
CBGD, BT LCĐ
UV BTV
9.     
Đinh Ngọc
Thắng
K.Chính trị
Nam
1971
Kinh
Không
Diễn Châu, Nghệ An
TC
Thạc sỹ
x
CBGD
UV BTV
10. 
Lê Thạch
Anh
K.Ngoại ngữ
Nam
1980
Kinh
Không
Thạch Hà, Hà Tĩnh
TC
Thạc sỹ
x
Bí thư LCĐ
UV BCH
11. 
Trần Mạnh
Cường
Khối Chuyên
Nam
1981
Kinh
Không
Thanh Chương, Nghệ An
SC
Cử nhân
x
Bí thư LCĐ
UV BCH
12. 
Nguyễn Đức
Diện
K.Sinh
Nam
1979
Kinh
Không
Hưng Nguyên, Nghệ An
SC
Thạc sỹ
x
Bí thư LCĐ
UV BCH
13. 
Phạm Tiến
Đông
K.Lịch sử
Nam
1983
Kinh
Không
Can Lộc, Hà Tĩnh
TC
Thạc sỹ
x
Bí thư LCĐ
UV BCH
14. 
Lê Công
Đức
P.CTCT-HSSV
Nam
1982
Kinh
Không
Kỳ Anh, Hà Tĩnh
SC
Cử nhân
x
CV P.CTCTHSSV,
BT CĐ
UV BCH
15. 
Lê Việt
Dũng
K.NLN
Nam
1980
Kinh
Không
Thạch Hà, Hà Tĩnh
SC
Thạc sỹ
x
TL QLSV, BT LCĐ
UV BCH
16. 
Trần Thị Ngân
K.Địa lý
Nữ
1981
Kinh
Không
Thanh Chương, Nghệ An
TC
Thạc sỹ
 
Bí thư LCĐ
UV BCH
17. 
Mai Đức
Hán
K.Ngữ văn
Nam
1981
Kinh
Không
Nga Sơn, Thanh Hoá
TC
Cử nhân
 
CBGD, UVBCH LCĐ
UV BCH
18. 
Nguyễn Thị Thu
Hạnh
K.Tiểu học
Nữ
1980
Kinh
Không
Nam Đàn, Nghệ An
TC
Thạc sỹ
 
Bí thư LCĐ
UV BCH
19. 
Lê Thị Thu
Huyền
K.Toán
Nữ
1987
Kinh
Không
Nghi Lộc, Nghệ An
 
SV
 
SV lớp 46A Toán, LT
UV BCH
20. 
Lê Sỹ
Nghĩa
K.CNTT
Nam
1984
Kinh
Không
Đức Thọ, Hà Tĩnh
SC
SV
 
LCH trưởng
UV BCH
21. 
Trần Anh
Nghĩa
K.Toán
Nam
1978
Kinh
Không
Kỳ Anh, Hà Tĩnh
SC
Thạc sỹ
x
Bí thư LCĐ
UV BCH
22. 
Thái Thị Kim
Oanh
K.Kinh tế
Nữ
1979
Kinh
Không
Đô Lương, Nghệ An
SC
Thạc sỹ
 
Bí thư LCĐ
UV BCH
23. 
Phạm Văn
Phong
K.Thể dục
Nam
1979
Kinh
Không
Nga Sơn, Thanh Hoá
SC
Thạc sỹ
x
Bí thư LCĐ
UV BCH
24. 
Cao Thanh
Sơn
K.CNTT
Nam
1978
Kinh
Không
Hưng Nguyên, Nghệ An
SC
Thạc sỹ
x
Bí thư LCĐ
UV BCH
25. 
Đặng Thái
Sơn
K.Công nghệ
Nam
1981
Kinh
Không
Thạch Hà, Hà Tĩnh
SC
Kỹ sư
 
Bí thư LCĐ
UV BCH
26. 
Trần Văn
Thông
K.GDQP
Nam
1973
Kinh
Không
Diễn Châu, Nghệ An
TC
CN
x
Bí thư LCĐ
UV BCH
27. 
Đỗ Mai
Trang
K.Vật lý
Nam
1979
Kinh
Không
Nga Sơn, Thanh Hoá
SC
Thạc sỹ
x
Bí thư LCĐ
UV BCH
 
 
III. DANH SÁCH BAN CHẤP HÀNH SAU KHI KIỆN TOÀN LẦN THỨ HAI
(Vào ngày 11 tháng 01 năm 2012)
 
TT
Họ và tên
Đơn vị
GT
NS
DT
TG
Quê quán
LL CT
Chuyên môn
Đảng viên
Chức vụ, công việc
Chức vụ trong BCH
1.     
Nguyễn Hồng
Soa
P.HCTH
Nam
1972
Kinh
Không
Nam Đàn, Nghệ An
TC
Thạc sỹ
x
UVBTV Tỉnh Đoàn,
TP HCTH
Bí thư
2.     
Nguyễn Quốc
Dũng
P.HCTH
Nam
1974
Kinh
Không
Đức Thọ, Hà Tĩnh
SC
Thạc sỹ
x
UVBTK Hội LHTN, PCT Hội SV tỉnh,PTP
Phó Bí thư
3.     
Trần Thị Kim
Oanh
K.CNTT
Nữ
1975
Kinh
Không
Đức Thọ, Hà Tĩnh
TC
Thạc sỹ
x
CBGD
Phó Bí thư
4.     
Lê Minh
Giang
Văn phòng
Nam
1980
Kinh
Không
Thọ Xuân, Thanh Hoá
TC
CN
x
CBCT, CT Hội SV
UV BTV
5.     
Nguyễn Thị Hà
Giang
Văn phòng
Nữ
1989
Kinh
Không
Thanh Chương, Nghệ An
SC
CN
x
CB Chuyên trách
UV BTV
6.     
Nguyễn Thị Bích
Hiền
K.Hoá học
Nữ
1975
Kinh
Không
Thanh Chương, Nghệ An
SC
Tiến sỹ
x
CBGD
UV BTV
7.     
Nguyễn Anh
Chương
K.Lịch sử
Nam
1978
Kinh
Không
Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh
TC
Tiến sỹ
x
CBGD
UV BTV
8.     
Phạm Hồng
Sơn
K.Xây dựng
Nam
1977
Kinh
Không
Hưng Nguyên, Nghệ An
SC
Thạc sỹ
x
CBGD
UV BTV
9.     
Đinh Ngọc
Thắng
K.Luật
Nam
1971
Kinh
Không
Diễn Châu, Nghệ An
TC
Thạc sỹ
x
Phó Trưởng khoa
UV BTV
10. 
Lê Tuấn
Anh
K.Ngữ Văn
Nam
1991
Mường
Không
Lang Chánh, Thanh Hoá
 
SV
 
PBT LCĐ, LT, CHT
UV BCH
11. 
Trần Mạnh
Cường
T.Chuyên
Nam
1981
Kinh
Không
Thanh Chương, Nghệ An
SC
Thạc sỹ
x
Giáo viên
UV BCH
12. 
Nguyễn Đức
Diện
K.Sinh
Nam
1979
Kinh
Không
Hưng Nguyên, Nghệ An
SC
Thạc sỹ
x
CBGD
UV BCH
13. 
Phạm Tiến
Đông
K.Lịch sử
Nam
1983
Kinh
Không
Can Lộc, Hà Tĩnh
TC
Thạc sỹ
x
BT LCĐ, CBGD
UV BCH
14. 
Lê Công
Đức
TT HTSV
Nam
1982
Kinh
Không
Kỳ Anh, Hà Tĩnh
SC
Thạc sỹ
x
Giám đốc
UV BCH
15. 
Lê Việt
Dũng
P.Đào tạo
Nam
1980
Kinh
Không
Thạch Hà, Hà Tĩnh
SC
Thạc sỹ
x
Chuyên viên
UV BCH
16. 
Trần Thị Ngân
K.Địa lý
Nữ
1981
Kinh
Không
Thanh Chương, Nghệ An
TC
Thạc sỹ
x
CBGD
UV BCH
17. 
Nguyễn Thị Thu
Hạnh
K.Giáo dục
Nữ
1980
Kinh
Không
Nam Đàn, Nghệ An
TC
Thạc sỹ
x
CBGD
UV BCH
18. 
Lê Thị Tuyết
Hạnh
K.Ngoại ngữ
Nữ
1981
Kinh
Không
Quỳnh Lưu, Nghệ An
SC
Thạc sỹ
x
BT LCĐ, CBGD
UV BCH
19. 
Nguyễn Thị Bích
Liên
K.Kinh tế
Nữ
1982
Kinh
Không
Thường Tín, Hà Nội
SC
Thạc sỹ
x
BT LCĐ, CBGD
UV BCH
20. 
Trần Thị Thanh
Mai
K.Toán
Nữ
1990
Kinh
Không
Can Lộc, Hà Tĩnh
 
SV
x
PBT LCĐ, BTCĐ
UV BCH
21. 
Trần Hoài
Nam
K.Vật lý
Nam
1992
Kinh
Không
Đô Lương, Nghệ An
 
SV
 
PBT LCĐ, LCHT, LT
UV BCH
22. 
Thái Thị Kim
Oanh
K.Kinh tế
Nữ
1979
Kinh
Không
Đô Lương, Nghệ An
SC
Thạc sỹ
x
CBGD
UV BCH
23. 
Phạm Văn
Phong
Trường Chuyên
Nam
1979
Kinh
Không
Nga Sơn, Thanh Hoá
SC
Thạc sỹ
x
Giáo viên
UV BCH
24. 
Cao Thanh
Sơn
K.CNTT
Nam
1978
Kinh
Không
Hưng Nguyên, Nghệ An
SC
Thạc sỹ
x
CBGD
UV BCH
25. 
Đặng Thái
Sơn
K.ĐTVT
Nam
1981
Kinh
Không
Thạch Hà, Hà Tĩnh
SC
Kỹ sư
 
CBGD
UV BCH
26. 
Trần Văn
Thông
K.GDQP
Nam
1973
Kinh
Không
Diễn Châu, Nghệ An
TC
Thạc sỹ
x
Phó Trưởng khoa
UV BCH
27. 
Phan Văn
Tuấn
K.Chính trị
Nam
1983
Kinh
Không
Diễn Châu, Nghệ An
TC
Thạc sỹ
x
BT LCĐ, CBGD
UV BCH
 


 

Phụ lục VII
DANH SÁCH BÍ THƯ LCĐ, ĐOÀN TRƯỜNG THPT CHUYÊN,
CHI ĐOÀN TRỰC THUỘC CÁC NĂM HỌC TRONG NHIỆM KỲ
(Tính đến ngày 10 tháng 04 năm 2012)
¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯
 

TT
Đơn vị
Thời gian
Họ và tên
1.         
Liên chi đoàn
Khoa Toán
2005 - 2007
Nguyễn Quốc Thơ
2.         
2007 - 2010
Trần Anh Nghĩa
3.         
2010 - 2011
Dương Xuân Giáp
4.         
2011 - 2012
Nguyễn Văn Đức
5.         
2012 - 2014
Nguyễn Trần Thuận
6.         
Liên chi đoàn
Khoa Vật lý
2005 - 2006
Chu Văn Lanh
7.         
2006 - 2007
Bùi Đình Thuận
8.         
2007 - 2008
Trịnh Ngọc Hoàng
9.         
2008 - 2009
Đỗ Mai Trang
10.     
2009 - 2010
Đoàn Thế Ngô Vinh
11.     
2010 - 2011
Trần Thị Phương
12.     
2011 - 2012
Lê Thị Hồng Phương
13.     
2012 - 2014
Lê Thị Hồng Phương
14.     
Liên chi đoàn
Khoa Hoá
2005 - 2007
Nguyễn Thị Bích Hiền
15.     
2007 - 2010
Phan Thị Minh Huyền
16.     
2010 - 2012
Lê Thế Tâm
17.     
2012 - 2014
Trương Thị Bình Giang
18.     
Liên chi đoàn
Khoa Sinh
2005 - 2006
Nguyễn Anh Dũng
19.     
2006 - 2007
Nguyễn Bá Hoành
20.     
2007 - 2010
Nguyễn Đức Diện
21.     
2010 - 2011
Hồ Đình Quang
22.     
2011 - 2012
Trần Huyền Trang
23.     
2012 - 2014
Trần Huyền Trang
24.     
Liên chi đoàn
Khoa Thể dục
2005 - 2006
Phan Sinh
25.     
2006 - 2008
Văn Đình Cường
26.     
2008 - 2009
Phạm Văn Phong
27.     
2009 - 2010
Võ Văn Đăng
28.     
2010 - 2012
Dương Trọng Bình
29.     
2012 - 2014
Phạm Anh Vũ
30.     
Liên chi đoàn
Khoa CNTT
2005 - 2006
Lương Xuân Phú
31.     
2006 - 2008
Lê Văn Tấn
32.     
2008 - 2010
Cao Thanh Sơn
33.     
2010 - 2011
Nguyễn Thanh Sơn
34.     
2011 - 2012
Hoàng Hữu Tính
35.     
2012 - 2014
Hoàng Hữu Tính
36.     
Liên chi đoàn
Khoa Công nghệ
2005 - 2006
Phạm Hồng Sơn
37.     
2006 - 2007
Nguyễn Trung Hoà
38.     
2007 - 2008
Lê Viết Đồng
39.     
2008 - 2010
Đặng Thái Sơn
40.     
Liên chi đoàn
Khoa Xây dựng
2010 - 2011
Thái Thanh Tịnh
41.     
2011 - 2012
Trịnh Văn Nam *
42.     
2012 - 2014
Nguyễn Duy Duẩn
43.     
LCĐ khoa ĐTVT
2010 - 2012
Tạ Hùng Cường
44.     
2012 - 2014
Tạ Hùng Cường
45.     
Liên chi đoàn
Khoa Nông Lâm Ngư
2005 - 2018
Lê Việt Dũng
46.     
2008 - 2010
Trần Xuân Minh
47.     
2010 - 2012
Cao Thị Thu Dung
48.     
2012 - 2014
Cao Thị Thu Dung
49.     
Liên chi đoàn
Khoa Kinh tế
2005 - 2007
Lê Văn Cần
50.     
2007 - 2010
Thái Thị Kim Oanh
51.     
2010 - 2012
Nguyễn Thị Bích Liên
52.     
2012 - 2014
Nguyễn Thị Bích Thủy
53.     
Liên chi đoàn
Khoa Ngữ Văn
2005 - 2006
Lê Sử
54.     
2006 - 2009
Mai Đức Hán
55.     
2009 - 2010
Nguyễn Thị Thanh Hiếu
56.     
2010 - 2011
Nguyễn Thị Khánh Chi
57.     
2011 - 2012
Hồ Thị Vân Anh
58.     
2012 - 2014
Hồ Thị Vân Anh
59.     
Liên chi đoàn
Khoa Lịch sử
2005 - 2007
Lê Đức Hoàng
60.     
2007 - 2008
Lê Thế Cường
61.     
2008 - 2012
Phạm Tiến Đông
62.     
2012 - 2014
Phạm Tiến Đông
63.     
Liên chi đoàn
Khoa Địa lý
2005 - 2006
Nguyễn Thị Việt Hà
64.     
2006 - 2008
Đậu Khắc Tài
65.     
2008 - 2010
Trần Ngân Hà
66.     
2010 - 2011
Nguyễn Thị Việt Hà
67.     
2011 - 2012
Võ Thị Thu Hà
68.     
2012 - 2014
Võ Thị Thu Hà
69.     
Liên chi đoàn
Khoa Chính trị
2005 - 2006
Trương Thị Phương Thảo
70.     
2006 - 2007
Phan Văn Tuấn
71.     
2007 - 2009
Trần Thị Bích Nga *
72.     
2009 - 2012
Phan Văn Tuấn
73.     
2012 - 2014
Phan Văn Tuấn
74.     
Liên chi đoàn
Khoa Luật
2008 - 2010
Nguyễn Thị Bích Ngọc
75.     
2010 - 2012
Đinh Văn Liêm
76.     
2012 - 2014
Trần Thị Vân Trà
77.     
Liên chi đoàn
Khoa Ngoại ngữ
2005 - 2006
Nguyễn Hữu Quyết
78.     
2006 - 2010
Lê Thạch Anh
79.     
2010 - 2011
Trần Thị Hảo
80.     
2011 - 2012
Lê Thị Tuyết Hạnh
81.     
2012 - 2014
Lê Thị Tuyết Hạnh
82.     
Liên chi đoàn
Khoa Giáo dục
2005 - 2006
Đặng Thị Lê Na
83.     
2006 - 2008
Nguyễn Tiến Dũng
84.     
2008 - 2011
Nguyễn Thị Thu Hạnh
85.     
2011 - 2012
Bùi Văn Hùng
86.     
2012 - 2014
Bùi Văn Hùng
87.     
Liên chi đoàn
Khoa GDQP
2006 - 2010
Trần Văn Thông
88.     
2010 - 2012
Lê Duy Hiếu
89.     
2012 - 2014
Lê Duy Hiếu
90.     
Liên chi đoàn
Khoa Sau đại học
2005 - 2006
Phan Thị Minh Huyền
91.     
2006 - 2007
Trần Mạnh Hùng
92.     
2007 - 2008
Mai Phương Ngọc
93.     
2008 - 2010
Dương Xuân Giáp
94.     
Đoàn Trường
THPT Chuyên
2005 - 2007
Hồ Đức Hạnh
95.     
2007 - 2008
Nguyễn Đức Toàn
96.     
2008 - 2009
Trần Mạnh Cường
97.     
2009 - 2011
Phạm Văn Phong
98.     
2011 - 2012
Nguyễn Trần Lâm
99.     
2012 - 2014
Nguyễn Trần Lâm
100. 
Chi đoàn cán bộ
khối phòng ban
2005 - 2011
Lê Công Đức
101. 
2011 - 2012
Lê Minh Ngọc
102. 
Chi đoàn cán bộ
TT TT - Thư viện
Nguyễn Thúc Hào
2005 - 2008
Nguyễn Thái Sơn
103. 
2008 - 2010
Nguyễn Lê Quang
104. 
2010 - 2012
Nguyễn Tuấn Minh
105. 
CĐCB Phòng Quản trị
2009 - 2012
Trương Nhật Linh
106. 
CĐCB Trường MNTH
2010 - 2012
Trần Thị Thanh Xuân
107. 
CĐCB TT PVSV
2010 - 2012
Nguyễn Ngọc Quyến
108. 
Chi đoàn cán bộ
TT Thực hành - TN
2011 - 2012
Lê Duy Linh
109. 
2012
Thái Thanh Tịnh

 
            * Bí thư Liên chi đoàn là sinh viên.


 

     ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH
ĐOÀN TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH                    Nghệ An, ngày 14 tháng 5 năm 2012
              ¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯
Đại hội đại biểu lần thứ XXIX, nhiệm kỳ 2012 - 2017
 
BÁO CÁO
Kiểm điểm của Ban Chấp hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Đại học Vinh khoá XXVIII
¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯
            I. Tình hình Ban Chấp hành nhiệm kỳ vừa qua
            1. Số lượng, cơ cấu Ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư được bầu
            Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Đại học Vinh lần thứ XXVIII, nhiệm kỳ 2005 - 2010 đã bầu Ban Chấp hành Đoàn trường gồm 27 đồng chí. Tại Hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Đoàn trường đã bầu Ban Thường vụ gồm 9 đồng chí. Bầu đồng chí Nguyễn Hồng Soa - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh đoàn làm Bí thư Đoàn trường, bầu các đồng chí Nguyễn Quốc Dũng - cán bộ chuyên trách và đồng chí Nguyễn Anh Chương - Chuyên viên Phòng Công tác chính trị - Học sinh, sinh viên làm Phó Bí thư Đoàn trường.
            2. Tình hình biến động và công tác kiện toàn Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư trong nhiệm kỳ
            Ngày 27/11/2008, do một số đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành là cán bộ thuyên chuyển công tác và đi học tập ở nước ngoài, một số Ủy viên Ban Chấp hành là sinh viên tốt nghiệp ra trường, được sự đồng ý của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn và Ban Thường vụ Đảng ủy Trường Đại học Vinh, Ban Chấp hành Đoàn trường Đại học Vinh đã kiện toàn lần thứ nhất cho 16 đồng chí rút khỏi Ban Chấp hành và bầu bổ sung mới 16 đồng chí. Bầu bổ sung thêm 2 Ủy viên Ban Thường vụ và bầu đồng chí Trần Thị Kim Oanh làm Phó Bí thư Đoàn trường.
            Ngày 20/12/2010, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Nghệ An đã có văn bản số: 1333/TĐ về việc tổ chức Đại hội Đoàn 4 cấp trong năm 2012, chính vì vậy, nhiệm kỳ Ban Chấp hành Đoàn trường khóa XXVIII được kéo dài thêm 17 tháng.
            Để đảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành các hoạt động của Ban Chấp hành Đoàn trường và công tác chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XXIX, ngày 11/1/2012, được sự đồng ý của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn và Ban Thường vụ Đảng ủy Trường Đại học Vinh, Ban Chấp hành Đoàn trường Đại học Vinh đã kiện toàn lần thứ hai cho 7 đồng chí rút khỏi Ban Chấp hành và bầu bổ sung mới 7 đồng chí, trong đó có bổ sung 1 đồng chí vào Ban Thường vụ Đoàn trường.
            II. Lề lối làm việc, phương pháp chỉ đạo của Ban Chấp hành
            1. Lề lối làm việc
            Ban Chấp hành Đoàn trường có lề lối làm việc khoa học; thực hiện sinh hoạt theo định kỳ, chú trọng việc thực hiện đúng quy chế hoạt động của Ban Chấp hành; đã xây dựng chương trình hoạt động toàn khoá. Các chuyên đề công tác và chương trình công tác thuộc thẩm quyền Ban Chấp hành quyết định đều được bàn bạc, phân tích kỹ, có sự thống nhất cao trên tinh thần thẳng thắng, dân chủ, đoàn kết và xây dựng.
            Ban Thường vụ đã chủ động tham mưu và chuẩn bị tốt nội dung cho các kỳ họp của Ban Chấp hành; đã xây dựng chương trình làm việc toàn khoá, chương trình làm việc hằng năm; phân công trách nhiệm từng đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ theo dõi, chỉ đạo từng lĩnh vực công tác, phụ trách các đơn vị; tổ chức các Hội nghị định kỳ theo quy định có chất lượng. Ban Thường vụ đã thường xuyên hội ý, trao đổi công việc để triển khai thực hiện các Nghị quyết của Ban Chấp hành. Ban Thường vụ Đoàn trường đã thường xuyên xin ý kiến chỉ đạo của Đảng uỷ về chương trình công tác để đảm bảo công tác chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với các hoạt động của Đoàn Thanh niên. Ban Thường vụ Đoàn trường cũng đã triển khai tốt các hoạt động phối hợp, đặc biệt là phối hợp với các tổ chức quần chúng trong Nhà trường như Công đoàn, Hội Sinh viên trường để triển khai và nâng cao chất lượng các hoạt động.
            Trong các sinh hoạt của Ban Chấp hành và Ban Thường vụ luôn coi trọng và thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách để tổ chức và điều hành tốt mọi công việc.
            2. Phương pháp chỉ đạo
            Phương pháp chỉ đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đoàn trường được đổi mới theo hướng sâu sát cơ sở, có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng chương trình công tác phù hợp với tình hình thực tiễn của Nhà trường, của công tác Đoàn và phong trào thanh niên (PTTN). Trong công tác chỉ đạo, điều hành luôn coi trọng và phát huy sáng kiến từ cơ sở, vai trò của cán bộ cốt cán, sự sáng tạo của đoàn viên thanh niên (ĐVTN).
            Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đoàn trường kịp thời định hướng và ban hành các văn bản chỉ đạo đối với những vấn đề thực tiễn mới phát sinh, đột xuất trong công tác cán bộ, phong trào, tổ chức cơ sở; kịp thời chỉ đạo, triển khai các cuộc vận động, chủ trương, kế hoạch công tác của các cấp ủy Đảng, của Đoàn cấp trên.
            Tổ chức tốt việc thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động Ban Chấp hành, phát huy năng lực, trí tuệ của từng thành viên Ban Chấp hành trong chỉ đạo công tác Đoàn và PTTN trong tình hình mới.
            III. Kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Đại học Vinh lần thứ XXVIII
            1. Đặc điểm, tình hình nhiệm kỳ vừa qua
            1.1. Thuận lợi
            Nhiệm kỳ qua, hoạt động của Ban Chấp hành được diễn ra trong bối cảnh có nhiều thuận lợi: Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng đối với công tác thanh niên; giáo dục đại học được quan tâm, đầu tư và đạt được nhiều kết quả tích cực; Nhà trường tiếp tục có những bước đi và sự phát triển đúng hướng, khẳng định là một trung tâm văn hoá, khoa học, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực của khu vực Bắc Miền Trung và cả nước; tuổi trẻ Nhà trường luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo và giúp đỡ có hiệu quả của Tỉnh Đoàn, Hội LHTN, Hội Sinh viên tỉnh Nghệ An, của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu và tập thể cán bộ, công chức toàn trường.
            1.2. Khó khăn
            Tuy nhiên, trong công tác điều hành và triển khai thực hiện Nghị quyết của Đại hội, Ban Chấp hành cũng gặp những khó khăn nhất định. Số lượng ĐVTN đông nên việc tổ chức hoạt động, triển khai thực hiện các chủ trương, chương trình công tác để thu hút đa số ĐVTN tham gia còn hạn chế. Từ năm 2007, Nhà trường chuyển sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ đối với sinh viên hệ chính quy đòi hỏi phương thức hoạt động của Đoàn phải phù hợp với phương thức đào tạo mới. Mặc dầu đã có nhiều cố gắng trong công tác chỉ đạo, điều hành nhưng chất lượng của một số hoạt động, phong trào chưa đạt như mong muốn. Ban Chấp hành còn gặp khó khăn, lúng túng khi triển khai chỉ đạo công tác tổ chức, sinh hoạt tại các chi đoàn.
            2. Kết quả hoạt động của Ban Chấp hành nhiệm kỳ vừa qua
            2.1. Hoạt động của Ban Chấp hành
            Ban Chấp hành đã phân công các mảng hoạt động, phân công các uỷ viên phụ trách, thảo luận và thông qua Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành và hoạt động của Uỷ ban kiểm tra. Cả nhiệm kỳ, Ban Chấp hành đã có 25 phiên họp chính thức, 72 phiên họp mở rộng; ngoài ra còn có các phiên họp với các đồng chí Bí thư liên chi đoàn và các ban của Đoàn trường. Chế độ sinh hoạt của Ban Chấp hành được thực hiện đúng theo Điều lệ và Quy chế hoạt động. Trong các phiên họp chính thức, Ban Chấp hành đều dành thời gian để thảo luận và quyết định các chương trình công tác lớn. Nội dung của các phiên họp được chuẩn bị chu đáo, thảo luận nhanh và triển khai có hiệu quả.
            Các hội nghị Ban Chấp hành mở rộng là diễn đàn để triển khai các chủ trương hoạt động lớn của Ban Chấp hành. Thông qua các hội nghị mở rộng, các chương trình công tác được thảo luận, đề ra các giải pháp để thực hiện với tinh thần dân chủ, đoàn kết và cởi mở.
            2.1.1. Chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị, chương trình công tác, chủ trương, nghị quyết của Đoàn:
            Ban Chấp hành đã tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện các chủ trương, chương trình công tác của Đoàn cấp trên, Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đoàn lần thứ XV, các Nghị quyết qua từng kỳ họp cũng như các Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn. Nội dung các chủ trương, nghị quyết của Đoàn được thể chế hoá trong chương trình công tác, kế hoạch hành động, triển khai thực hiện và vận dụng trong các hoạt động cụ thể nhằm phát huy tính thống nhất, tinh thần đoàn kết, xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ tạo được sức mạnh tổng hợp và phong trào hành động thống nhất trong toàn Đoàn.
            Trên cơ sở Nghị quyết của Đại hội XXVIII, Ban Chấp hành, Ban thường vụ đã chỉ đạo các Liên chi đoàn đẩy mạnh hoạt động trên tất cả các lĩnh vực, thể chế hoá các nội dung của Nghị quyết Đại hội, đẩy mạnh thực hiện các phong trào "5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội vào bảo vệ Tổ quốc" và "4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp".
            Trong nhiệm kỳ qua, dưới ánh sáng các Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đoàn lần thứ XV về công tác thanh niên, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước", triển khai thực hiện Luật Thanh niên, thực hiện chiến lược phát triển thanh niên giai đoạn 2011 - 2020, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Trường lần thứ XXIX, XXX, công tác Đoàn và PTTN của Trường Đại học Vinh đã đạt được nhiều kết quả sâu sắc. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Đại học Vinh luôn là đơn vị dẫn đầu trong công tác Đoàn và PTTN của tỉnh Nghệ An và phong trào sinh viên cả nước. Tuổi trẻ Trường Đại học Vinh đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, 2 lần được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn tặng đơn vị xuất sắc tiêu biểu trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi giai đoạn 2006 - 2011. Nhiều cá nhân được tặng thưởng Kỷ niệm chương Vì thế hệ trẻ. Nhiều tập thể và cá nhân được tặng Bằng khen của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Tỉnh đoàn Nghệ An.
            2.1.2. Công tác tổ chức và xây dựng Đoàn:
            Công tác tổ chức và xây dựng Đoàn đã được Ban Chấp hành coi trọng trong suốt nhiệm kỳ.
            Việc thành lập, giải tán chi đoàn, chuyển sinh hoạt đến và đi của đoàn viên được thực hiện nghiêm túc, đúng Điều lệ.
            Hàng năm, Ban Chấp hành đều thảo luận và ban hành chương trình công tác phù hợp với chương trình công tác của Đoàn cấp trên và nhiệm vụ năm học của Nhà trường.
            Tổ chức thành công hai Hội nghị kiện toàn Ban Chấp hành Đoàn trường khóa XXVIII. Chỉ đạo các chi đoàn, Liên chi đoàn tổ chức đại hội đúng lịch trình và ngày càng có chất lượng tốt. Ban Chấp hành cũng đã ra các Quyết định công nhận kết quả đại hội và Ban Chấp hành của các chi đoàn.
            Ban Chấp hành hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện đúng Điều lệ Đoàn, Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đoàn hiện hành và các hướng dẫn của Đoàn cấp trên trực tiếp.
            Đã phát huy được tính tích cực, tình nguyện của ĐVTN, coi trọng công tác thi đua, tạo động lực mạnh mẽ để ĐVTN, các cấp bộ Đoàn đoàn kết, nhất trí thực hiện thắng lợi các chương trình công tác và nghị quyết của Đại hội. Hầu hết các chỉ tiêu cơ bản trong chương trình công tác của nhiệm kỳ XXVIII đã được thực hiện, trong đó có nhiều chỉ tiêu quan trọng đã được thực hiện xuất sắc.
            2.2. Hoạt động của Ban Thường vụ
            Ban Thường vụ Đoàn trường đã hoàn thành tốt vai trò điều hành công tác giữa hai kỳ họp của Ban Chấp hành. Mặc dầu trong suốt nhiệm kỳ, cán bộ Đoàn có nhiều biến động, nhưng với sự nỗ lực của thường trực, các hoạt động vẫn được triển khai tốt. Ban Thường vụ đã giữ mối liên hệ tốt với Tỉnh Đoàn Nghệ An, làm tốt công tác báo cáo và nhận sự hướng dẫn, chỉ đạo trong công tác của Đảng uỷ, Ban giám hiệu Nhà trường. Thực hiện chế độ thông tin báo cáo theo đúng quy định. Ban Thường vụ Đoàn trường xứng đáng là hạt nhân lãnh đạo công tác Đoàn và PTTN của Nhà trường.
            Ban Thường vụ Đoàn trường đã chỉ đạo và thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát. Uỷ ban kiểm tra nhiệm kỳ XXVIII đã hoạt động theo đúng quy chế. Hàng năm, căn cứ vào chương trình công tác của Uỷ ban kiểm tra Tỉnh Đoàn và căn cứ vào tình hình thực tế của công tác Đoàn và PTTN của Nhà trường, Uỷ ban kiểm tra đã đề ra chương trình công tác, triển khai các hoạt động, thực hiện chế độ kiểm tra, báo cáo theo đúng quy định. Trong nhiệm kỳ qua, Uỷ ban kiểm tra đã triển khai 4 đợt kiểm tra chuyên đề, kiểm tra toàn diện công tác Đoàn và PTTN của tất cả các đơn vị trực thuộc, kiểm tra chế độ sinh hoạt, các hoạt động đã đăng ký theo lịch tuần của các liên chi đoàn, kiểm tra công tác Đoàn và PTTN cấp trường trên các mặt đoàn vụ, công tác tài chính, văn phòng. Hoạt động của Uỷ ban kiểm tra đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo tính dân chủ, công khai trên mọi mặt công tác của Đoàn.
            2.3. Hoạt động của Bí thư, Phó Bí thư
            Các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư Đoàn trường đã thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ được giao. Đã tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các kết luận của Hội nghị Ban Thường vụ. Trong công tác đã thể hiện tinh thần đoàn kết, nhất trí, thống nhất cao nên các hoạt động được tổ chức có trọng tâm, trọng điểm, tạo được phong trào rộng lớn trong công tác Đoàn và PTTN.
            Trong việc triển khai các chủ trương, chương trình công tác, các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư đã thể hiện sự phối hợp tốt để tổ chức có kế hoạch các hoạt động.
            3. Về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành
            Các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành đều có tác phong, lối sống mẫu mực, có tinh thần học hỏi, đoàn kết cộng sự làm việc; giữ vững phẩm chất chính trị, trau dồi rèn luyện về chuyên môn, nghiệp vụ; nhiều đồng chí đã qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng của Đoàn, hoàn thành chương trình cao học, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Tất cả các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành đều sống hoà mình với quần chúng, lắng nghe ý kiến của ĐVTN, khiêm tốn học hỏi, thẳng thắn phê bình và tự phê bình; Đoàn kết thẳng thắn trong công tác, cởi mở dân chủ bàn bạc trong mọi công việc nên mọi hoạt động triển khai đều đạt kết quả tốt.
            4. Tồn tại, hạn chế
            Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong nhiệm kỳ qua, Ban Chấp hành Đoàn trường vẫn còn một số tồn tại: Do có nhiều biến động nên sinh hoạt của Ban Chấp hành không đều. Một số chỉ tiêu trong chương trình công tác toàn khóa không đạt. Việc triển khai phương thức công tác Đoàn và PTTN để phù hợp với đào tạo theo hệ thống tín chỉ còn lúng túng và chậm. Việc chỉ đạo để nâng cao chất lượng sinh hoạt của chi đoàn, đoàn cơ sở chưa đạt như mong muốn.
            5. Một số bài học kinh nghiệm
            - Luôn quán triệt kịp thời và sâu sắc các chủ trương, nghị quyết và sự lãnh đạo của Đảng; chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về công tác thanh niên; tích cực và chủ động phối hợp triển khai công tác thanh niên, đẩy mạnh việc xã hội hoá để tăng cường sức mạnh, nâng cao chất lượng các hoạt động trong công tác Đoàn và PTTN.
            - Các hoạt động của Đoàn phải thiết thực, xuất phát từ nhu cầu, của ĐVTN, phù hợp với thực tiễn và phát huy mạnh mẽ tinh thần xung kích, tình nguyện của ĐVTN.
            - Xác định cán bộ là nhân tố then chốt cho sự ổn định và phát triển của tổ chức Đoàn. Xây dựng đội ngũ cán bộ tâm huyết và gắn bó với thanh niên; sáng tạo, xung kích, dám nghĩ, biết làm, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng đảm nhận việc mới, việc khó; coi trọng đánh giá đạo đức và sử dụng cán bộ đúng năng lực, trình độ, từ đó tạo nguồn, bồi dưỡng, sử dụng, luân chuyển và trưởng thành.
 
            Trước yêu cầu của sự phát triển của Nhà trường và của công tác Đoàn và PTTN, chắc chắn, Ban Chấp hành khoá XXVIII vẫn còn nhiều thiếu sót và tồn tại, Ban Chấp hành khoá XXVIII xin thẳng thắn tiếp nhận những góp ý chân thành của Đại hội, của cán bộ và ĐVTN toàn trường để rút ra các bài học kinh nghiệm, giúp Ban Chấp hành Đoàn trường khoá XXIX hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình trong giai đoạn mới.
 
BAN CHẤP HÀNH ĐOÀN TRƯỜNG KHOÁ XXVIII


 

      ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH
ĐOÀN TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH                          Nghệ An, ngày 14 tháng 5 năm 2012
              ¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯ 
Đại hội đại biểu lần thứ XXIX, nhiệm kỳ 2012 - 2017
 
CHƯƠNG TRÌNH ĐẠI HỘI
¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯
Thời gian: Ngày 14/5 - 15/5/2012
Địa điểm: Hội trường A, Trường Đại học Vinh
 
PHIÊN THỨ NHẤT (Ngày 14/5/2012)
 
Từ 07h00 - 08h00
1.    
Dâng hoa tại Quảng trường Hồ Chí Minh và thắp hương tại Nhà truyền thống
Từ 13h30 - 17h30
2.    
Phổ biến và thông qua nội quy Đại hội
 
3.    
Bầu Đoàn chủ tịch và thư ký Đại hội
 
4.    
Bầu Ban thẩm tra tư cách đại biểu
 
5.    
Thông qua chương trình và thời gian làm việc của Đại hội
 
6.    
Khai mạc phiên thứ nhất, giới thiệu đại biểu
 
7.    
Tổng hợp ý kiến góp ý dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Đại học Vinh lần thứ XXIX; Đại hội Đoàn toàn tỉnh lần thứ XVI và Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X; góp ý sửa đổi Điều lệ Đoàn
 
8.    
Báo cáo kết quả thẩm tra tư cách đại biểu
 
9.    
Báo cáo kiểm điểm của BCH Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Đại học Vinh khóa XXVIII
 
10.             
Bầu BCH Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Đại học Vinh khóa XXIX
 
11.             
Tham luận của đại biểu tham dự Đại hội (3 tham luận)
 
12.             
Công bố kết quả bầu BCH Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Đại học Vinh khóa XXIX
 
13.             
Bầu Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Đại học Vinh khóa XXIX
 
14.             
Tham luận của đại biểu tham dự Đại hội (3 tham luận)
 
15.             
Công bố kết quả bầu Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Đại học Vinh khóa XXIX
 
16.             
Thông qua đề án Đoàn đại biểu tham dự Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Nghệ An lần thứ XVI, ứng cử, đề cử, thông qua danh sách bầu cử
Từ 17h30 - 18h00
17.             
Họp BCH Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Đại học Vinh khóa XXIX lần thứ nhất, bầu Ban Thường vụ, Phó Bí thư và Ủy ban kiểm tra
 
PHIÊN THỨ HAI (Ngày 15/5/2012)
 
Từ 07h00 - 07h30
18.             
Ổn định tổ chức, đón tiếp đại biểu
Từ 07h30 - 11h45
19.             
Chương trình nghệ thuật "Khát vọng tuổi trẻ" chào mừng Đại hội
 
20.             
Nghi thức chào cờ (Quốc ca, Đoàn ca, tưởng niệm)
 
21.             
Diễn văn khai mạc Đại hội
 
22.             
Trình bày Báo cáo chính trị của Đại hội
 
23.             
Phát biểu chúc mừng của đơn vị bạn
 
24.             
Tham luận của đại biểu tham dự Đại hội (2 tham luận)
 
25.             
Phát biểu chỉ đạo của BTV Đảng ủy Trường
 
26.             
Phát biểu chỉ đạo của BTV Tỉnh đoàn
 
27.             
Đại hội bỏ phiếu bầu Đoàn đại biểu tham dự Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Nghệ An lần thứ XVI
 
28.             
Công tác thi đua, khen thưởng
 
29.             
Công bố kết quả bầu cử các chức danh, BCH khóa mới ra mắt nhận nhiệm vụ
 
30.             
Tặng quà cho các đồng chí UVBCH khóa XXVIII và các đồng chí Bí thư LCĐ nhiệm kỳ 2010 - 2012 không tái cử
 
31.             
Thông qua Nghị quyết Đại hội
 
32.             
Diễn văn bế mạc Đại hội
 
33.             
Chào cờ
Từ 19h30 - 22h00
34.             
Dạ hội chào mừng thành công Đại hội và Liên hoan nghệ thuật Tháng Năm - 2012 chào mừng kỷ niệm 122 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Sân khấu A4
 
 

Van kien Dai hoi.doc