Vâng đúng vậy. Nó là Tiếng Anh trình độ B1, là điều kiện để chúng ta tốt nghiệp ra trường. Nó cũng là chìa khóa để giúp chúng ta có nhiều cơ hội việc làm và thành công trong tương lai gần. Bởi vậy, tôi muốn trình bày một số kinh nghiệm về việc “Nâng cao trình độ và kỹ năng Tiếng Anh cho đoàn viên thanh niên khoa Lịch sử, đáp ứng chuẩn đầu ra B1 châu Âu”.

Bắt đầu từ năm 2016, Trường ĐH Vinh áp dụng chuẩn đầu ra ngoại ngữ cho sinh viên. Các SV phải đạt trình độ ngoại ngữ bậc 3 - tương đương trình độ B1 theo khung tham chiếu châu Âu để có thể tốt nghiệp ra trường. Vậy Tiếng Anh theo khung tham chiếu trình độ Châu Âu là gì?

Khung trình độ Chung Châu Âu (CEFR) (Viết tắt của Common European Framework for Reference), được phát triển bởi Hội đồng Châu Âu, nhằm cung cấp một cơ sở chung trong việc thiết kế giáo trình, giới thiệu chương trình giảng dạy, thi cử, sách giáo khoa... trên toàn Châu Âu. Khung trình độ chung châu Âu (tên đầy đủ là Khung Quy chiếu về trình độ ngôn ngữ chung châu Âu) được xây dựng nhằm thiết lập tiêu chuẩn quốc tế trong việc học, giảng dạy và đánh giá tất cả các ngôn ngữ châu Âu hiện đại. Khung trình độ chung châu Âu (CEFR) mô tả năng lực của người học dựa trên 06 mức trình độ cụ thể: A1, A2, B1, B2, C1 và C2.

Để đạt được năng lực Tiếng Anh đáp ứng Khung trình độ Châu Âu ở các cấp độ, đòi hỏi người học Tiếng Anh phải thực sự chăm chỉ, nỗ lực trong học tập. Bởi vậy, trước tiên tôi xin đề cập đến những khó khăn mà sinh viên khoa Sử chúng ta thường gặp phải.

Thứ nhất, phải kể đến xuất phát điểm của sinh viên Khoa Lịch sử phần lớn là các bạn học khối C, ít bạn khá và giỏi môn Tiếng Anh.

Thứ hai, chúng ta chưa tạo được môi trường để thường xuyên sử dụng Tiếng Anh, để thấy yêu thích và đam mê học Tiếng Anh.

Thứ ba, chúng ta đang rất lãng phí khoảng thời gian rỗi. Nếu như người nông dân rảnh rỗi vào lúc nông nhàn, người công nhân được nghỉ ngơi vào ngày thứ 7 và chủ nhật, thì sinh viên chúng ta, hầu hết rảnh rỗi vào những giờ không lên lớp. Những giờ tự học chưa được các bạn tận dụng một cách tối đa, mà phần lớn là đang vô cùng lãng phí, chưa sử dụng đúng mục đích và ý nghĩa của quỹ thời gian tự học cho việc trau dồi kiến thức chuyên môn và học tốt Tiếng Anh.

Thứ tư, chúng ta đang thiếu tự tin và chưa nỗ lực hết mình với khó khăn về việc học môn Tiếng Anh. Phần lớn các bạn đang học Tiếng Anh theo kiểu đối phó, học để thi đạt Chứng chỉ B1 chứ chưa đầu tư thời gian và công sức để học cho chính mình, học để phục vụ cho công việc và tương lai của bản thân. Và chắc chắn vẫn còn rất nhiều nguyên nhân nữa mà tôi chưa kể ra đây, phải không các bạn?

Ở khoa Lịch sử nói riêng và Trường Đại học Vinh của chúng ta có rất nhiều bạn sinh viên Lào theo học. Vậy các bạn có bao giờ đặt câu hỏi: Tại sao các bạn sinh viên Lào có thể nói và viết Tiếng Việt giỏi như thế? Các bạn ấy lại còn học tốt môn Tiếng Anh nữa. Khoa chúng ta cũng có rất nhiều bạn sinh viên dân tộc thiểu số. Các bạn biết tiếng mẹ đẻ của dân tộc mình, dĩ nhiên là giỏi tiếng Việt và có nhiều bạn cũng học tốt môn Tiếng Anh nữa. Vậy các bạn sinh viên Lào và sinh viên dân tộc thiểu số biết đến 3 thứ tiếng (kể cả tiếng mẹ đẻ). Vậy chúng ta, những cô nàng xinh đẹp, những chàng trai hot boy giỏi giang của khoa Lịch sử, tại sao chúng ta không thể học tốt và yêu thích môn Tiếng Anh? Câu hỏi này tôi đã tự vấn rất nhiều lần, và đặt ra vấn đề để trao đổi với các bạn trong ngày hôm nay. Để mong rằng, chúng ta sẽ đưa ra một số giải pháp trước mắt, nhằm đẩy mạnh phong trào học Tiếng Anh trong các đoàn viên thanh niên khoa Lịch sử. Để các bạn thực sự yêu thích, thấy hữu ích và đạt được kết quả thi Tiếng Anh B1 tốt nhất.

Vậy làm thế nào để nâng cao trình độ và kỹ năng Tiếng Anh cho đoàn viên thanh niên Khoa Lịch sử, đáp ứng chuẩn đầu ra B1? Về vấn đề này bản thân tôi có môt số đề xuất sau đây:

1. Phát triển niềm đam mê học tiếng Anh

Chắc chắn mỗi chúng ta ngồi đây ai cũng muốn nói tiếng Anh tốt. Bạn rất phấn khích với ý nghĩ mình có thể sử dụng tiếng Anh thành thạo, có thể giao thiệp được với người nước ngoài, đọc các trang báo mạng bằng Tiếng Anh, xem phim nước ngoài không cần phụ đề... Tuy nhiên, thông thường bạn lại không chú tâm về quá trình học, hoặc không biết kỹ năng học Tiếng Anh cũng như để học Tiếng Anh cần phải bắt đầu từ đâu?

Đối với hầu hết người học, học tiếng Anh là một nghĩa vụ - một cái gì đó họ phải làm, mà họ không hề muốn. Họ không tìm thấy sự thư thái trong việc học Tiếng Anh. Nói một cách ngắn gọn, hầu hết người học muốn nói tiếng Anh tốt nhưng không muốn học tiếng Anh. Đây chính là vấn đề đầu tiên và cũng là vấn đề lớn nhất mà người học Tiếng Anh phải đối mặt, bởi vì một người không thích Tiếng Anh thì sẽ không học tốt được. Nếu bạn muốn thành công, bạn cần phải yêu thích chính quá trình học tập. Bạn phải xem thời gian bạn dành cho Tiếng Anh cũng như thời gian cho việc giải trí, thư giãn. Ví dụ, bạn phải thích thú với việc:

• Đọc các câu Tiếng Anh và suy nghĩ về cấu trúc của nó.

• Học từ mới từ một cuốn từ điển.

• Viết câu Tiếng Anh đúng nhờ tham khảo sách ngữ pháp và tham khảo trên Web.

• Thực hành phát âm các từ và các âm Tiếng Anh.

Tốt nhất, phải làm cho việc học Tiếng Anh trở thành sở thích của bạn.

2. Tạo ra sự thay đổi với những thói quen trong cuộc ngày sống hằng ngày

Quyết định học Tiếng Anh đòi hỏi bạn phải thay đổi thói quen của mình. Và bạn phải dành quỹ thời gian hàng ngày cho việc học Tiếng Anh như các sở thích khác của bạn. Bạn hãy dùng thời gian xem phim, lướt Web, vào facebook, đi chơi với bạn bè… để học Tiếng Anh mỗi ngày. Ví dụ như, quyết định rằng bạn sẽ đọc một quyển sách Tiếng Anh trong 30 phút mỗi ngày và luôn giữ một khoảng thời gian cố định để làm việc này. Rất khó để tạo ra một sự thay đổi nhỏ mà lâu bền trong cuộc sống của bạn, đặc biệt nếu việc học Tiếng Anh không mang cho bạn niềm vui. Tuy nhiên, người học nên nhớ rằng, học Tiếng Anh trong 30 phút một ngày sẽ cho kết quả tốt hơn là học cả một lần trong 1 tháng. Và khi học Tiếng Anh, nghe Tiếng Anh, giao tiếp với bạn bè bằng Tiếng Anh… hàng ngày sẽ giúp bạn ổn định thói quen, sở thích và tạo thành nếp sống. Coi Tiếng Anh là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của bạn, tôi tin chắc chắn bạn sẽ thành công.

3. Rèn luyện kỹ năng học Tiếng Anh

Vấn đề tiếp theo mà tôi muốn đề cập đến ở đây là hoạt động xây dựng kỹ năng học Tiếng Anh. Một người học Tiếng Anh tốt sẽ có một hệ thống các hoạt động (đọc sách, xem TV, tập phát âm, nghe các bản thu âm, tham gia các câu lạc bộ Tiếng Anh, gặp gỡ và giao tiếp với người nước ngoài...) và sẽ chọn hoạt động dựa theo khả năng về quỹ thời gian và sự kết nối với các mối quan hệ trong xã hội của mình.

Theo tôi, để học Tiếng Anh có hiệu quả, chúng ta phải tạo ra môi trường, điều kiện và kỹ năng học Tiếng Anh.

Thứ nhất, về môi trường học Tiếng Anh. Chúng ta có thuận lợi là nhà trường mở rất nhiều lớp học Tiếng Anh ở các trình độ khác nhau. Để học tốt Tiếng Anh, các bạn nên tham gia vào một khóa học Tiếng Anh hiệu quả. Vì ở đó, Thầy/Cô sẽ định hướng cho chúng ta về kiến thức và kỹ năng học Tiếng Anh cơ bản nhất.

Thứ hai, về điều kiện để học Tiếng Anh. Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ thông tin rất phát triển. Mạng Internet của nhà trường phủ sóng Wifi toàn trường, giúp cho chúng ta được sử dụng mạng miễn phí. Chúng ta có thể tải về các sách, tài liệu giáo trình, file âm thanh, hình ảnh sinh động và cả những clip dạy Tiếng Anh trên mạng. Nếu dành thời gian tự học, chúng ta sẽ có rất nhiều điều kiện thuận lợi để học tốt Tiếng Anh.

Ở nhà, thay vì nghe các bài hát hit của các ca sĩ nổi tiếng, các bạn nên mở các bài hát Tiếng Anh quen thuộc, nghe đi nghe lại nhiều lần. Cũng có thể mở tivi nghe chương trình thời sự bằng Tiếng Anh. Đừng có máy móc rằng chúng ta phải học Tiếng Anh khi không làm gì cả. Khi nấu cơm, quét nhà, giặt quần áo… các bạn đều có thể nghe Tiếng Anh. Nếu muốn xem phim giải trí, các bạn hãy tìm những phim nước ngoài bằng Tiếng Anh, xem phim hoạt hình sử dụng Tiếng Anh… Việc này vừa tiết kiệm thời gian vừa tạo ra điều kiện và môi trường nghe Tiếng Anh hàng ngày để chúng ta có thói quen và thích thú, hiểu về ngôn ngữ này nhiều hơn.

Bên cạnh đó, nếu các bạn cảm thấy không tự tin khi phát âm Tiếng Anh, lo lắng về việc mình phát âm không được chuẩn. Các bạn có thể sử dụng điện thoại cùi bắp của mình để ghi âm và phát lại, tự điều chỉnh những câu phát âm chưa chuẩn. Khi đủ tự tin, bạn có thể mạnh dạn giao tiếp với bạn bè, nhóm lớp, Thầy/Cô giáo và kể cả người nước ngoài.

Thứ ba, về kỹ năng học Tiếng Anh. Để rèn luyện Tiếng Anh hàng ngày, nếu chỉ tự học một mình, đôi khi sẽ làm chúng ta nản chí, không thấy được sự tiến bộ của bản thân. Các bạn nên có sự kết nối với nhau, có thể là với bạn sinh viên khoa Ngoại ngữ, hoặc bạn bè trong lớp học Tiếng Anh tốt hơn mình. Câu “Học thầy không tày học bạn” vẫn còn nguyên giá trị. Nếu hỏi Thầy/Cô, chắc chắn các bạn sẽ có những ngại ngần, e dè. Nhưng nếu hỏi bạn của mình, chắc chắn chúng ta sẽ thấy thoải mái hơn và nhận được sự chia sẻ nhiều hơn. Khi đã thấy có chút tự tin về khả năng Tiếng Anh của bản thân, các bạn nên gia nhập các Câu lạc bộ Tiếng Anh của sinh viên trong và ngoài Khoa. Việc tham gia sinh hoạt tại các Câu lạc bộ sẽ giúp chúng ta rèn luyện được tất cả các kỹ năng “nghe - nói - đọc - viết” và tạo sự tự tin cũng như là niềm say mê học Tiếng Anh nhiều hơn nữa.

Cuối cùng, bạn phải luôn ghi nhớ một điều rằng “Dù trình độ chuyên môn của bạn có giỏi đến đâu, nhưng chưa đạt được chứng chỉ B1 Tiếng Anh theo khung tham chiếu Châu Âu hoặc các chứng chỉ ngoại ngữ quy đổi tương đương thì bạn chưa thể tốt nghiệp ra trường”.

Vì vậy, ngay từ bây giờ hãy tìm cho mình một phương pháp học Tiếng Anh hiệu quả, để có thể đáp ứng chuẩn đầu ra B1 và phát triển vốn Tiếng Anh của bản thân một cách tốt nhất. Để khi ra trường, chún ta có thể sử dụng Tiếng Anh thành thạo, có thể soạn các văn bản bằng Tiếng Anh và để tự hào chúng ta là sinh viên Trường Đại học Vinh - Trường đại học trọng điểm quốc gia, Trường đại học anh hùng trên quê hương Bác Hồ vĩ đại. 

Bạn hãy có niềm tin rằng: “Họ làm được mình cũng làm được”. Tôi tin chắc chắn rằng: “Tôi làm được, bạn cũng sẽ làm được”.

 ThS. Võ Hoài Thương - khoa Lịch sử - SV. Trương Thị Hường - lớp 55B1 Du lịch