XÂY DỰNG VÀ TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG
CỦA ĐỘI THANH NIÊN TÌNH NGUYỆN
1. Mục đích yêu cầu.
- Động viên và phát huy cao độ tinh thần xung phong tình nguyện, tính tích cực xã hội của TN trong các hoạt động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
- Tập trung sự tham gia của TN vào các chương trình xóa đói giảm nghèo ở các địa phương khó khăn, vùng sâu, vùng xa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương cơ sở.
2. Các bước tiến hành lập đội TNTN.
- Tổ chức truyên truyền và vận động thành lập Đội: Thông qua các phương tiện thông tin, hệ thống loa truyền thanh của địa phương, đơn vị, thông qua các buổi sinh hoạt; các tổ chức Đoàn, Hội tiến hành tuyên truyền vận động để TN hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, nội dung của việc TN tham gia tình nguyện góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tình nguyện đăng ký tham gia trực tiếp vào Đội TNTN hoặc tham gia hỗ trợ các họat động của Đội TNTN.
- Lựa chọn lập danh sách các đội viên TNTN: Trên cơ sở việc kết quả đăng ký tình nguyện của TN và kết quả việc kiểm tra đạo đức, sức khỏe và các điều kiện khác liên quan, các tổ chức Đoàn, Hội trong nhà trường cần phối hợp với các phòng, ban chức năng để lập danh sách chính thức Đội sinh viên tình nguyện, báo cáo đề xuất với Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường ra quyết định thành lập và phân công giao nhiệm vụ.
- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ: Việc tổ chức tập huấn được tiến hành đồng thời với các công việc khác trong quá trình chuẩn bị ra mắt triển khai hoạt động của đơn vị, phối hợp với tổ chức Đoàn, Hội và chính quyền địa phương tiến hành tập huấn hướng dẫn kỹ năng nghiệp vụ, đặc biệt là phương pháp tiến hành tổ chức hoạt động bám sát nội dung yêu cầu đề ra.
- Tổ chức ra mắt triển khai hoạt động.
3. Tổ chức hoạt động của các Đội sinh viên tình nguyện.
Căn cứ vào nội dung hoạt động của Đội TNTN, tổ chức Đoàn, Hội xây dựng kế hoạch và chương trình hoạt động báo cáo lãnh đạo chính quyền địa phương nơi đội tham gia hoạt động để thống nhất triển khai thực hiện các nội dung cụ thể như sau:
- Hoạt động được tiến hành thường xuyên hàng ngày, trong ngày thứ bảy tình nguyện hoặc các đợt cao điểm; các nhiệm vụ cụ thể được phân công tới từng thành viên để không gây ảnh hưởng tới việc học tập, lao động của họ, phát huy hiệu quả trong từng công việc.
- Các hoạt động được tổ chức với hình thức phong phú đa dạng phát huy tính tích cực sáng tạo của tuổi trẻ, kết hợp giữa việc ra quân đồng loạt với việc duy trì thường xuyên các hình thức tổ nhóm, phối kết hợp giữa lực lượng của Đội với lực lượng quần chúng trên địa bàn tiến hành điều tra cơ bản nắm tình hình kinh tế, văn hóa - xã hội trên địa bàn; kết hợp giữa việc tuyên truyền thường xuyên trên các phương tiện thông tin với việc tiến hành vận động tới từng hộ gia đình, từng thành phần đối tượng dân cư để tạo dư luận ủng hộ cổ vũ, lôi cuốn nhiều người cùng tích cực hưởng ứng tham gia.
- Các Đội TNTN cần tiến hành báo cáo kết quả công việc định kỳ hàng tuần, hàng tháng với các tổ chức Đoàn, Hội trực tiếp quản lý, chính quyền địa phương để tổng hợp tình hình và bàn kế hoạch tiếp tục triển khai hoạt động. Các vấn đề phát sinh hoặc các thông tin đặc biệt cần được báo cáo và phản ánh kịp thời với các tổ chức Đoàn, Hội và chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời.
4. Các điều kiện để đảm bảo cho hoạt động của Đội TNTN.
- Các tổ chức Đoàn, Hội cần chủ động tham mưu đề xuất để các cấp chính quyền hỗ trợ tạo điều kiện giúp đỡ về thời gian, kinh phí, phương tiện và các điều kiện khác để Đội TNTN tổ chức tốt các hoạt động.
- Định kỳ giao ban với các cấp chính quyền, các ban ngành, đoàn thể tại địa phương để báo cáo kết quả hoạt động rút kinh nghiệm và thống nhất kế hoạch hoạt động, cùng tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai hoạt động, đồng thời chủ động đề xuất với các cấp có liên quan để có hình thức động viên, khen thưởng kịp thời đối với những tập thể và cá nhân có thành tích tốt.
5. Công tác chỉ đạo.
Trong quá trình tổ chức hoạt động của các Đội TNTN, tổ chức Đoàn, Hội cần bám sát sự chỉ đạo của cấp trên để kịp thời chủ động đáp ứng các nhu cầu nhiệm vụ, đồng thời giữ mối liên hệ thường xuyên với các tổ chức, đơn vị có liên quan để phát huy các nguồn lực tạo điều kiện hỗ trợ thuận lợi cho hoạt động của Đội TNTN.
6. Một số mô hình đội TNTN tiêu biểu hiện nay.
- Đội Văn nghệ xung kích.
- Đội TNTN tuyên truyền phòng chống TNXH.
- Đội TNTN xoá mù chữ.
- Đội TNTN giúp đỡ trẻ em đường phố.
- Đội trí thức trẻ tình nguyện về vùng sâu, vùng xa.
- Đội công tác xã hội.
- TNTN hiến máu tình nguyện.
- Đội TNTN tổng hợp, liên ngành.
- Đội TNTN an toàn giao thông.
7. Hành trang của chiến sỹ tình nguyện.
- Phương tiện di chuyển.
- Tài liệu, vật dụng phục vụ cho công tác.
- Đồ dùng cá nhân: mũ, áo đồng phục, y phục thường mặc, giày, dép, đồ vệ sinh cá nhân, hộp dụng cụ thông dụng (bông băng cá nhân, bông gòn, thuốc men, dầu gió, thuốc chống muỗi, kim chỉ, bật lửa, đèn pin...), võng, giấy tờ tuỳ thân, áo mưa, màn, tiền tiêu...
- Tìm hiểu phong tục, tập quán địa phương nơi mình đến (vùng dân tộc thiểu số, vùng giáo...).
XÂY_DỰNG_VÀ_TỔ_CHỨC_HOẠT_ĐỘNG_CỦA_ĐỘI_THANH_NIÊN_TÌNH_NGUYỆN_101703075603.doc