QUI TRÌNH TỔ CHỨC ĐẠI HỘI ĐOÀN CÁC CẤP
A. CÔNG TÁC CHUẨN BỊ ĐẠI HỘI
I. THÀNH LẬP VÀ PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ CÁC TIỂU BAN
- Có thể hình thành 4 tiểu ban cơ bản: Tiểu ban Nội dung, Tiểu ban Nhân sự, Tiểu ban Tuyên truyền, Tiểu ban Hậu cần.
- Số lượng cơ cấu và quy chế làm việc của các tiểu ban do BTV Đoàn các cấp quyết định, trưởng các Tiểu ban nên phân công các đồng chí bí thư, phó bí thư, ủy viên thường vụ hoặc ủy viên BCH phụ trách. Nhiệm vụ của các Tiểu ban như sau:
1. Tiểu ban Nội dung
- Xây dựng dự thảo các văn kiện của đại hội gồm: báo cáo tổng kết, phương hướng công tác, báo cáo kiểm điểm của BCH; diễn văn khai mạc, bế mạc, nghị quyết đại hội.
- Xây dựng hệ thống các vấn đề cần thảo luận vào các văn kiện của đại hội đoàn cấp trên, đồng thời định hướng các đơn vị thảo luận tập trung vào những nội dung cơ bản đã hệ thống.
- Tổng hợp các ý kiến đóng góp vào dự thảo các văn kiện của đại hội.
2. Tiểu ban Nhân sự
- Xây dựng đề án phân bổ ĐB cho các đơn vị cấp dưới.
- Xây dựng đề án nhân sự của BCH cùng cấp.
- Xây dựng đề án nhân sự đoàn ĐB đi dự đại hội đoàn cấp trên.
- Báo cáo kiểm điểm của BCH.
- Xây dựng các văn bản phục vụ đại hội: Như thông tri triệu tập đại biểu, nội qui đại hội, các văn bản phục vụ cho công tác bầu cử...
3. Tiểu ban Tuyên truyền
- Tham mưu cho BTV phát động phong trào thi đua, hướng dẫn tổ chức các hoạt động tuyên truyền chào mừng đại hội.
- Chuẩn bị các điều kiện cho công tác trang trí khẩu hiệu, pa-nô, áp phích.
- Chuẩn bị chương trình hoạt động văn hóa văn nghệ (hoặc thể thao) diễn ra trong thời gian đại hội.
- Triển khai công tác trang trí, khánh tiết tại đại hội.
4. Tiểu ban Hậu cần
- Chuẩn bị kinh phí, cơ sở vật chất và phương tiện để phục vụ cho đại hội.
II. PHƯƠNG PHÁP XÂY DỰNG BÁO CÁO TỔNG KẾT NHIỆM KỲ ĐẠI HỘI
1. Chuẩn bị các tư liệu cho báo cáo
- Báo cáo tổng kết công tác đoàn và phong trào thanh thiếu niên các năm.
- Báo cáo của đại hội Đoàn các đơn vị cấp dưới.
- Nghị quyết của đại hội Đảng cùng cấp.
- Các văn kiện và các loại thông tin khác.
2. Đề cương của báo cáo: Có thể gồm 3 phần:
Phần I: Đặc điểm tình hình của địa phương, của tổ chức Đoàn nhiệm kỳ vừa qua (nêu khái quát những đặc điểm liên quan trực tiếp đến phần đánh giá).
Phần II: Đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên nhiệm kỳ vừa qua.
a. Kết quả của những việc đã làm được (mặt mạnh).
b. Những hạn chế và tồn tại.
c. Những khó khăn của tổ chức Đoàn, của cán bộ, ĐVTN.
d. Nguyên nhân, bài học kinh nghiệm
Phần III: Phương hướng công tác Đoàn và phong trào TTN nhiệm kỳ tới.
a. Những căn cứ để xác định phương hướng (nên dựa vào yêu cầu, nội dung của sự nghiệp CNH-HĐH của địa phương, đơn vị và nhu cầu nguyện vọng của ĐVTN để xây dựng phương hướng).
b. Các mục tiêu và chương trình công tác trong nhiệm kỳ tới (cấp cơ sở có thể đưa nội dung phân công trách nhiệm cụ thể đối với từng ủy viên BCH, các điều kiện để đảm bảo cho hoạt động...).
c. Những giải pháp cơ bản để thực hiện các mục tiêu và chương trình.
- Chú ý: báo cáo cần xây dựng hết sức ngắn gọn cụ thể sát thực tế.
III. PHƯƠNG PHÁP XÂY DỰNG ĐỀ ÁN PHÂN PHỐI ĐẠI BIỂU
1. Số lượng: Thực hiện theo mục 3 điều 9 của Điều lệ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
2. Cách phân phối đại biểu
a. Số đại biểu là ủy viên BCH cấp triệu tập đại hội:
Các đồng chí ủy viên BCH ở đơn vị nào là đại biểu đơn vị đó.
b. Số đại biểu chỉ định: Nên chỉ định những trường hợp cần thiết và phải đảm bảo tiêu chuẩn đại biểu (không nhất thiết đến 5%). Đại biểu chỉ định được phân về làm thành viên của các đoàn đại biểu.
c. Số đại biểu do đại hội Đoàn cấp dưới bầu lên. Cách phân như sau:
+ Để đảm bảo số lượng, tránh sự chênh lệch quá lớn giữa các Đoàn, nên dự kiến mặt bằng số lượng đại biểu của các đơn vị cấp dưới và các đơn vị trực thuộc.
+ Sau khi có mặt bằng số lượng đại biểu ở các đơn vị thì số đại biểu còn lại sẽ được phân phối cho các đơn vị theo số lượng đoàn viên hiện có.
Ví dụ:
- Tỉnh đoàn A có 16 huyện, thị Đoàn và 4 Đoàn trực thuộc với tổng số đoàn viên là 63.000. Số lượng Uỷ viên BCH đương nhiệm là 29 đồng chí. BCH tỉnh Đoàn quyết định số lượng đại biểu đại hội là 250 đồng chí. Cách phân phối đại biểu như sau:
- Số lượng đại biểu ủy viên BCH: 29
- Số lượng đại biểu chỉ định là 7 (tối đa là 13).
- Số lượng đại biểu do bầu cử từ cấp dưới lên là 214 (250-36= 214 đ/c) dự kiến phân phối như sau:
a. Dự kiến mặt bằng số lượng đại biểu:
+ Các huyện, thị xã là 5 đ/c x 16 = 80 đại biểu.
+ Các đơn vị trực thuộc là 2 đ/c x 4 = 8 đại biểu.
(tổng số là 88 đại biểu)
b. Số lượng đại biểu còn lại để phân phối cho các đơn vị là:
214 - 88 = 126 đại biểu.
c. Tỷ lệ số lượng đoàn viên trên 1 đại biểu là
63.000/126 = 500 đoàn viên/1 đại biểu
d. Căn cứ vào tỷ lệ trên phân phối 126 đại biểu còn lại theo số lượng đoàn viên hiện có của các đơn vị.
3. Dự kiến xây dựng cơ cấu đại biểu của đại hội
- Trong đề án phân phối đại biểu nên dự kiến các tỷ lệ sau: nữ, dân tộc, tôn giáo; tỷ lệ cơ cấu đại biểu theo các đối tượng (cán bộ Đoàn chuyên trách, cán bộ Đoàn cơ sở, cán bộ chi đoàn và đoàn viên, cán bộ phụ trách đội...); tỷ lệ cơ cấu đại biểu theo khu vực (nông thôn, CQ doanh nghiệp, trường học, đường phố, LLVT...).
- Căn cứ vào tỷ lệ chung và số lượng đại biểu của các đoàn để hướng dẫn chỉ đạo cơ cấu đại biểu đại hội của các đơn vị.
IV. PHƯƠNG PHÁP XÂY DỰNG ĐỀ ÁN NHÂN SỰ BCH
(áp dụng cho cấp đoàn cơ sở trở lên)
1. Quy trình: gồm 5 bước:
- Đánh giá kết quả hoạt động của BCH đương thời về cơ cấu, số lượng và hiệu quả chỉ đạo...những bài học kinh nghiệm cần thiết cho việc xây dựng BCH khóa mới.
- Xác định yêu cầu tiêu chuẩn và cơ cấu của BCH khóa mới để Đoàn cấp dưới thảo luận và giới thiệu nhân sự (văn bản giới thiệu cần có ý kiến của cấp ủy Đảng cùng cấp).
- Tập hợp danh sách, lập hồ sơ nhân sự giới thiệu tham gia BCH khóa mới đồng thời xác minh đối với các trường hợp cần thiết.
- Báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy Đảng cùng cấp và Đoàn cấp trên về dự kiến nhân sự.
- Hoàn chỉnh danh sách dự kiến BCH khóa mới (kể cả hồ sơ) để Đoàn chủ tịch ĐH giới thiệu (hoặc cung cấp) khi ĐH yêu cầu.
2. Xét nhân sự BCH Đoàn các cấp:
Đoàn cấp trên phê duyệt cơ cấu BCH Đoàn cấp dưới trực tiếp và danh sách dự kiến BTV. Thủ tục khi duyệt gồm: Dự kiến cơ cấu BCH; Danh sách trích ngang BTV; Sơ yếu lý lịch của bí thư, các phó bí thư dự kiến.
B. PHƯƠNG PHÁP TIẾN HÀNH ĐẠI HỘI
I. TRANG TRÍ ĐẠI HỘI
Tùy theo điều kiện thực tế ở các đơn vị mà tiến hành công tác tuyên truyền và trang trí, tạo nên màu sắc không khí trang nghiêm, trẻ trung hướng tới đại hội.
1. Đường chính tới địa điểm tổ chức đại hội và xung quanh phía ngoài có thể bố trí cờ, pa-nô, áp phích, băng rôn...
2. Trong hội trường nhìn từ dưới lên:
+ Trên cùng ngang phông là khẩu hiệu:
"Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm"
+ Tính từ mép phông từ trái qua phải. Cách 1/3 chiều rộng phông là cờ Tổ quốc, phía dưới sao vàng là tượng Bác (hoặc ảnh Bác) được đặt trên bục hoặc bàn có khăn phủ, sang tiếp 1/3 phông là cờ Đoàn hoặc huy hiệu Đoàn treo thấp hơn cờ Tổ quốc (lấy sao vàng làm chuẩn). Phía dưới cờ hoặc huy hiệu Đoàn là dòng chữ: Đại hội Đoàn... Nhiệm kỳ... (có thể bố trí 2 hoặc 3 hàng với 2 kiểu chữ khác nhau).
+ Dưới chân phông có thể bố trí một hàng cây cảnh cho đẹp.
+ Hai bên cánh gà có thể để 2 tấm pa-nô, áp phích trích nghị quyết của Đảng, của Đoàn về công tác thanh niên.
+ Xung quanh hội trường có thể trang trí khẩu hiệu, tranh ảnh cổ động tuyên truyền.
II. ĐIỀU KHIỂN CHƯƠNG TRÌNH ĐẠI HỘI
Chương trình đại hội Đoàn các cấp thực hiện theo hướng dẫn thực hiện điều lệ của BTV TƯ Đoàn. Có thể chia làm 3 phần như sau:
+ Phần 1: Đồng chí Trưởng ban tổ chức đại hội (hoặc phụ trách công tác tổ chức) điều khiển thực hiện các phần việc sau:
- Ổn định tổ chức.
- Bầu Đoàn chủ tịch, bầu Ban thẩm tra tư cách đại biểu; giới thiệu Ban thư ký đại hội.
- Đoàn chủ tịch công bố nội dung chương trình, thời gian làm việc của đại hội và lấy biểu quyết nội dung chương trình làm việc của đại hội.
+ Phần 2: Đoàn chủ tịch điều khiển các nội dung sau
- Chào cờ.
- Diễn văn khai mạc đại hội.
- Đoàn đại biểu đoàn viên, đội viên chúc mừng ĐH (nếu có).
- Trình bày báo cáo của BCH đánh giá tình hình tổ chức và hoạt động nhiệm kỳ qua, đề ra chương trình công tác trong nhiệm kỳ tới và bản kiểm điểm của BCH.
- Đại hội thảo luận các báo cáo của BCH.
- Đại diện cấp ủy Đảng và Đoàn cấp trên phát biểu ý kiến.
- Đoàn chủ tịch công bố BCH cũ hết nhiệm kỳ và tuyên bố đại hội tiến hành bầu BCH nhiệm kỳ mới.
· Thông qua báo cáo đề án nhân sự BCH và đoàn đại biểu đi dự đại hội cấp trên (nếu có).
· Biểu quyết thống nhất số lượng BCH khóa mới.
· Tiến hành ứng cử, đề cử BCH và đoàn ĐB đi dự ĐH cấp trên
- Đoàn chủ tịch công bố danh sách bầu cử (thông qua quyết định cho việc rút tên và không cho rút tên khỏi danh sách bầu cử, biểu quyết danh sách bầu cử).
- Bầu ban kiểm phiếu (những đại biểu không có tên trong danh sách bầu cử).
- Ban kiểm phiếu tiến hành công tác bầu cử và công bố kết quả.
# Ghi chú: Việc bầu cử trong hệ thống tổ chức Đoàn nên chuẩn bị có số dư. Trong trường hợp không có số dư, phiếu bầu phải có đầy đủ TT/Họ và tên/Đồng ý/Không đồng ý, người tham gia bầu cử đánh dấu (x) vào ô tương ứng.
+ Phần 3: Đoàn chủ tịch điều khiển: BCH mới và đoàn đại biểu đi dự đại hội Đoàn cấp trên ra mắt.
- Thông qua nghị quyết đại hội (biểu quyết).
- Diễn văn bế mạc đại hội.
- Hoạt cảnh ca múa chào mừng ĐH thành công (nếu có).
Chú ý: Đại hội Đoàn từ cấp huyện trở lên có thể tiến hành phần trù bị. Nội dung của phần trù bị gồm:
- Ổn định tổ chức, kiểm tra danh sách vị trí ngồi của các đoàn đại biểu .
- Thông qua nội quy đại hội.
- Thông qua chương trình và thời gian làm việc của ĐH.
- Bầu đoàn chủ tịch và ban thẩm tra tư cách đại biểu.
- Đoàn chủ tịch hội ý lựa chọn thư ký đại hội và phân công điều khiển, thực hiện chương trình đại hội (nêu dự kiến từng nội dung công việc cụ thể và yêu cầu chuẩn bị trước các nội dung bằng văn bản, dự kiến các tình huống để tránh sự lúng túng khi điều hành).
C. NHỮNG CÔNG VIỆC CẦN GIẢI QUYẾT SAU ĐH
1. Bí thư hoặc phó bí thư Đoàn của khóa cũ triệu tập phiên họp thứ nhất của BCH khóa mới và chủ trì để bầu chủ tịch hội nghị. Sau đó chủ tịch hội nghị điều khiển hội nghị BCH khóa mới bầu các chức danh bí thư, các phó bí thư, các ủy viên thường vụ (từ cấp huyện trở lên có thêm chức danh chủ nhiệm, phó chủ nhiệm và các ủy viên Uỷ ban Kiểm tra).
2. Hoàn chỉnh các văn bản, báo cáo kết quả ĐH lên Đoàn cấp trên hồ sơ gồm: Biên bản đại hội; Các biên bản bầu cử; Danh sách trích ngang BCH mới và đoàn ĐB đi dự ĐH cấp trên (nếu có); Sơ yếu lý lịch của bí thư, các phó bí thư.
3. Tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao chào mừng thành công của đại hội.
4. Xây dựng và thông qua quy chế hoạt động của BCH khóa mới, phân công nhiệm vụ các ủy viên BCH.
5. BCH mới lãnh đạo thực hiện nghị quyết đại hội.