LỬA TRẠI
Lửa trại là hình thức sinh hoạt hấp dẫn của TTN quanh đống lửa trong một cuộc đi cắm trại, đi dã ngoại hay trong một đêm dạ hội. Ngày nay, tuy những tiện nghi văn minh đã có nhiều nhưng mỗi khi trở về sống giữa thiên nhiên và chiều xuống, khi bóng tối tan dần, dường như tất cả mọi người đều chờ đón ánh lửa với biết bao điều kỳ diệu của nó. Vì vậy lửa trại đã trở thành một sinh hoạt không thể thiếu được trong những kỳ đi cắm trại, hội trại...
Lửa trại là sự tổng hợp của 3 yếu tố: lửa, khung cảnh và người tham dự, do đó có những yêu cầu mà các bạn cần lưu ý:
- Lửa trại phải diễn ra giữa trời, tránh nơi đông đúc, nơi có nhiều người qua lại để các thành viên luôn có sự thân mật, tự do biểu lộ khả năng hoặc bày tỏ ý kiến.
- Khu vực đốt lửa phải thoáng đãng, đảm bảo an toàn, không gần các vật dễ gây cháy nổ.
- Nên có một sân khấu dã chiến đơn giản. Một bục cao hay một mặt bằng tạo nên trung tâm chính diện của tất cả các hoạt động.
Dưới đây là hình thức và một số kỹ thuật thông dụng phục vụ sinh hoạt lửa trại;
I. CÁC LOẠI HÌNH LỬA TRẠI.
1. Lửa trại: Được các nhóm hay trại nhỏ đốt lên và cùng nhau quây quần sau một ngày hoạt động. Lửa vui giúp mọi người trở nên gần gũi, quý mến, tin tưởng nhau hơn.
2. Lửa kết thân: Được tổ chức giúp các đội xa lạ, tập kết từ nhiều nơi có dịp quen biết nhau. Dạng lửa này thường được tổ chức vào đêm đầu trong trại huấn luyện.
3. Lửa trại truyền thống: Được tổ chức nhân dịp kỷ niệm một sự kiện lịch sử cụ thể.
II. QUY TRÌNH LỬA TRẠI.
1. Chuẩn bị.
- Chương trình lửa trại được sửa soạn trước ít nhất là một ngày. Nhưng cả hình thức và nội dung của chương trình cần được giữ kín để tạo sự ngạc nhiên, lý thú... Không ai biết sẽ khai mạc lửa trại bằng hình thức nào (ngoài những người được phân công). Các đội sẽ trình bày những tiết mục gì, hoạt cảnh, hóa trang ra sao...
- Sửa soạn đất lửa trại, củi lửa, lối đến vòng của các đội, các phương tiện tạo lửa màu, bông lửa...
- Chuẩn bị các trò chơi mới, băng reo, bài hát sinh hoạt mới để tạo không khí trong lửa trại là trách nhiệm quan trọng nặng nề của 3 nhân vật: quản trò, quản lửa, quản ca...
a. Quản trò: Là linh hồn của đêm lửa trại cần được chuẩn bị sẵn thật khéo. Bạn cần phải sinh động, có óc hài hước và xử lý linh hoạt các công việc trong đêm lửa trại... Từ lúc lửa rực sáng đến khi lửa tàn, bạn phải biết hành động phù hợp và biết kích thích mọi thành viên chủ động tham gia chương trình.
b. Quản ca: Đặc tính quản ca là hay hát, biết hát chứ không cần hát hay. Bạn phải biết tất cả các bài hát sinh hoạt được các thành viên tham dự lửa trại yêu thích và biết bắt nhịp chiếm lĩnh khi cần thiết.
Nếu bạn là người mới của tập thể, bạn cần tìm hiểu những bài ca điệu múa tập thể mà tập thể đó đã biết để tránh rơi vào tình trạng lạc lõng.
Nghệ thuật quản ca là đáp ứng những nhu cầu bài hát phù hợp với tiết mục đã trình diễn, để đẩy mạnh cao trào hay gọi về sự êm dịu cần thiết, để cả vòng tròn không cảm thấy lúng túng ở những khoảng dừng. Biết chọn những bài ca ngắn, phù hợp và biết ngừng lại khi quản trò cần. Nếu là sân khấu thì quản ca là giàn nhạc phụ họa cho các tiết mục hay lúc màn đã được đóng lại.
c. Quản lửa: Là người điều khiển cho các tiết mục, làm ngọn lửa bùng lên khi khai mạc, tối thiểu từ 10 - 15 phút cho lửa cháy mà không cần ra sửa hoặc dựng thêm củi (vì lúc này là lúc thủ tục khai mạc lửa trại). Do đó người quản lửa cần phải biết kỹ thuật chất củi cho lửa cháy đều, kể cả đặc tính của cây và số lượng củi cần xếp để làm chủ khi thời gian lửa cháy.
Ghi chú: Nếu vòng lửa quá lớn, số lượng quá đông thì chúng ta cần nhiều quản trò, quản ca, quản lửa phụ tá để hỗ trợ cho đêm lửa trại thành công.
2. Tiến hành.
- Lễ khai mạc ngắn gọn nêu bật được ý nghĩa của đêm sinh hoạt (có thể không cần khai mạc mà bắt đầu bằng phút sinh hoạt truyền thống).
- Phút sinh hoạt truyền thống có thể dùng hoạt cảnh dẫn dắt mọi người trở về với những chặng đường đã qua, cũng có thể dùng một vài hình tượng đơn giản hay một bài hát nào đó tạo ấn tượng ban đầu cho mọi người.
- Sau phút sinh hoạt truyền thống cần tắt điện, bóng đen trùm xuống, trống múa sư tử nổi lên. Múa sư tử quanh đống củi (chưa đốt lửa) do một nhóm thực hiện.
- Điệu múa vừa dứt bắt đầu đọc lời lửa trại. Bài viết này nên gắn với truyền thống, di tích lịch sử địa phương nhằm thức dậy trong lòng mọi người niềm tự hào và lòng dũng cảm. Dưới đây chúng tôi xin nêu một ví dụ về lời dẫn mở đầu một đêm lửa trại:
"Đêm tối. Bóng của âm u. Sứ thần của quỹ dữ. Bóng đen đang ngự trị trên khắp trái đất, trùm lên từng mái nhà, góc phố, len lỏi trong tâm hồn mọi người gây cho dân chúng bao nỗi kinh hoàng khiếp sợ.
Nghe chăng hỡi con cháu của Adam và Eva, quỷ dữ đang hoành hành, chúng là bất hạnh của mỗi nhà, là lòng đố kỵ, là sự ngờ vực trong cộng đồng con người, là chiến tranh giữa các dân tộc.
Đêm tối - bóng đen trùm lên - dồn nén, dồn nén. Sẽ hoảng sợ và rút lui đến đâu hỡi loài người? Cội nguồn của chúng ta không biết sợ bóng đen! Hỡi thần mặt trời hãy đốt cháy cả dãy núi Olempơ hùng vĩ, hãy đem tới đây ánh sáng và ngọn lửa truyền thống Olympic để loài người tỉnh ngộ, giúp họ sức mạnh, niềm tin và chiến thắng! (lúc này ngọn đuốc truyền thống được thắp từ một nơi nào đó mang về đốt cháy đống lửa hoặc một ngọn lửa từ một góc cao nào đó lao xuống đốt cháy đống lửa).
Kìa hỡi loài người, hỡi các bạn! Ánh sáng đang đến, hãy đốt cháy lên, đốt cháy lên ngọn lửa thiêng liêng. Hãy xua tan đêm tối, xua tan quỷ dữ đem lại cho trái đất tiếng hát và nụ cười hòa bình.
Nào các bạn! Hãy hát lên, hãy múa lên đón chào ánh sáng bất diệt của ngọn lừa từ dãy núi Olempơ hùng vĩ. Hãy nắm tay nhau ca múa mừng ánh sáng của niềm tin và hy vọng theo con đường mà chúng ta đã chọn"
- Mọi người cầm tay nhau nhảy múa xung quanh đống lửa với chùm bài hát: "Bài ca đêm lửa trại".
Sinh hoạt văn nghệ:
Nên chọn những tiết mục văn nghệ xuất sắc của đơn vị tham gia.
- Tổ chức các cuộc thi như: hội hóa trang, các đôi nhảy đẹp, các trò chơi,.v.v...
- Vũ hội và kết thúc đêm lửa trại.
Chú ý:
- Có thể kết hợp dùng pháo hoa để gây niềm hưng phấn khi đốt lửa trại.
- Đống lửa được xếp từ trước. Mọi người ngồi đội hình chữ U cách đống lửa chừng 5 mét.
- Đêm lửa trại thành công hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, những lời dẫn tạo yếu tố thiêng liêng của đêm lửa trại, cần phải được chuẩn bị một cách chu đáo.
- Nếu là một đêm dạ hội nên tổ chức xen kẽ các trò chơi nhỏ cho thêm phần sinh động.
3. Cách xếp củi lửa trại.
Có nhiều cách xếp củi lửa trại như: Kiểu hình nón, kiểu tứ diện, kiểu hình lục lăng...
- Hình nón: Xếp củi chụm đầu tiên, dưới chân mở ra hình vòng tròn, độn củi nhỏ hay bùi nhùi bên trong, củi lớn bên ngoài.
- Hình tứ diện: Là kiểu xếp củi hình nón bên trong, giữa bằng củi nhỏ và khô. Bên ngoài xếp bằng hình vuông, hai củi ngang, hai củi dọc chồng lên nhau cao dần lên che khuất chóp hình nón.
- Hình lục lăng: Như hình tứ diện nhưng phía bên ngoài là hình lục lăng.
Làm bùi nhùi bằng cách lấy một que củi khô, tước ra nhiều xơ, sau đó chuốt nhọn đầu và đóng xuống đất.
Thứ tự sắp xếp củi: Sắp củi nhỏ vào bên trong trước, kế đến là đám củi vừa và sau cùng là đám củi lớn.
4. Các phương tiện, dụng cụ chuẩn bị cho lửa trại.
a. Cách làm chuột lửa:
- Chuẩn bị dây thun, vải tẩm dầu, ống sữa bò, dây thép nhỏ.
- Cách làm: Căng dây thép từ đống lửa đến thân cây hoặc chỗ cao có độ dốc vừa phải. Treo ống sữa bò đã quấn vải tẩm dầu vào dây thép bằng hai cái móc.
Căng dây thun theo dây thép (nếu chuột chạy từ dưới lên). Một đoạn thép ở đầu lon tạo khoảng cách tránh cho dây thun không bị cháy. Con chuột lửa được giữ ổn định trên dây kẽm bởi loại dây nilon (khi bén lửa dây không bị đốt cháy và đứt rời quá nhanh)
b. Làm đuốc:
- Dùng vải quấn quanh cây (buộc bằng dây thép)
- Dùng ống sữa bò được đóng lên một cây gậy, trong đổ cát, lúc sắp đốt để dầu thấm cho ướt cát, độn thêm vải làm tim đèn để đốt cháy.
- Dùng que tre chẻ đầu 6-8 phần bằng nhau, đặt ống sữa bò vào giữa và dùng dây thép cột lại. Cách này dầu không đổ ra ngoài như cách một.
c. Cách tạo màu cho lửa:
- Làm lửa rực cháy: Ném vào lửa từng nắm rơm khô hoặc giấy cắt nhỏ.
- Lửa đỏ: Ném vào ít hột muối, than nghiền nhuyễn.
- Lửa vàng: Ném vào nắm muối bột.
- Lửa xanh: Giấy bạc trắng.
- Lửa tốc, lửa ngọn: Ném muối hột to.
- Lửa nổ: Ném hột ngãn khô. Cắt ống lồ ô, bịt kín.
- Lửa khói: Ném một số lá khô vào.
d. Tiếng động hậu trường:
- Sấm sét: Lấy tấm tôn mỏng treo lên rồi dùng tay hoặc cột dây dưới tấm tôn mà rung; hoặc dùng trống lớn.
- Mưa: Lấy chổi tre quét lên giấy báo; hoặc cho sạn lên mặt trống rồi sàng.
- Mưa đá: Cho những hòn sạn nhỏ lên mặt kính.
- Xe lửa: Kê tấm tôn lên rồi dùng chổi trện đập lên.
- Chim kêu: Cho nước vào một cái chén nhỏ rồi kê ống mà thổi.
- Suối chảy: Dùng nilon trắng, hai người hai đầu sân khấu rung cho nilon giao động.
e. Một số cách hóa trang:
- Mắt: Thoa màu lơ quanh mắt, dùng cây viết chì than đen kẻ mắt nếu:
Với vai phụ nữ, vẽ lông mi, còn lông mày rõ và nhỏ.
Lông mày châu vào nhau làm dữ tợn.
Tròn và cao lộ vẻ sung sướng.
- Môi: Môi trên chấm hai điểm son, hơi đậm rộng.
- Mũi: Thoa son quanh lỗ mũi, kẻ màu trắng trên sống mũi giúp cho mũi cao.
- Nếp nhăn: Vẽ rõ những đường nhăn trên trán.
- Râu giả: Dùng râu ngô, tóc...
- Sứt răng: Những răng gãy ta tô đen.
- Răng bạc: Dùng giấy bạc màu vàng.
- Răng trắng: Dùng vỏ cam lật bên trong gắn vào.
- Mập mạp: Tô hồng đậm gò má.
LỬA_TRẠI_101703080216.doc