KỸ NĂNG TỔ CHỨC HỘI THI
I. HỘI THI VỚI VIỆC HÌNH THÀNH NSVH CHO TN.
Một trong những thành tựu quan trọng của Đoàn trong công cuộc đổi mới những năm vừa qua là đã khơi dậy mạnh mẽ, sáng tạo các hoạt động văn hoá, trong đó có các hội thi - điểm hội tụ của vẻ đẹp và tài năng của tuổi trẻ, một hình thức hoạt động mang tính văn hoá cao.
1. Một số kết quả.
- Góp phần đáp ứng nhu cầu văn hoá mới của tuổi trẻ.
- Nâng cao đời sống tinh thần, góp phần vào việc bồi dưỡng, hoàn thiện nhân cách của thanh thiếu niên.
- Mở rộng việc đoàn kết, tập hợp thanh niên (TN) và góp phần thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ kinh tế - xã hội.
- Góp phần tích cực hạn chế các sinh hoạt văn hoá thiếu lành mạnh và đấu tranh chống lại các sinh hoạt văn hoá độc hại.
- Hình thành trong cán bộ Đoàn, Hội, Đội cách tiếp cận với thanh niên thông qua các hoạt động văn hoá.
2. Những yêu cầu cần thiết cho một hội thi.
Hội thi là một hoạt động văn hoá mang tính quần chúng rộng rãi nhưng đòi hỏi trình độ tổ chức cao cả về nội dung và hình thức thể hiện.
a. Về nội dung:
Nội dung hội thi phải được nghiên cứu nghiêm túc, thiết kế công phu. Nội dung chính của hội thi thường là các câu hỏi nên câu hỏi khi được đọc lên phải được tất cả mọi người hồi hộp, im lặng lắng nghe. Khi thí sinh trả lời xong, tất cả mọi người bật lên tiếng reo hò, vỗ tay ngạc nhiên về trình độ trí tuệ của người hỏi, người trả lời và cả người dẫn chương trình. Tránh các câu hỏi chung chung, các câu hỏi đơn thuần chỉ để kiểm tra trí nhớ. Hoặc trong các hội thi giọng hát hay, hội diễn văn nghệ cần tránh chọn các bài hát uỷ mị, sướt mướt, dạng "nhạc vàng". Người tổ chức cần phải thay đổi nếp nghĩ (trong nếp sống văn hoá chung) khi tổ chức các hội thi cho tuổi trẻ. Nghiên cứu chọn câu hỏi hay, đúng, lựa chọn nội dung phù hợp là cả một công việc nghiêm túc, sáng tạo, đầy chất văn hoá.
b. Hình thức hội thi:
Phải đẹp, lộng lẫy, rực rỡ, tươi trẻ,... Hội trường, ánh sáng, âm thanh, trang phục của giám khảo, thí sinh và cả của khán giả,... phải đẹp hơn ngày thường.
Tuy nhiên, cũng cần tránh việc hình thức quá cầu kỳ, choáng ngợp nhưng nội dung nghèo nàn, đơn điệu; hình thức rực rỡ lộng lẫy nhưng công tác tổ chức kém, lộn xộn, mất trật tự.
Ngoài ra, tính khoa học, nghệ thuật của hội thi phải được tính đến từng chi tiết. Ví dụ: khi duyệt nội dung, người dẫn chương trình không chuẩn bị kỹ để họ nói tuỳ hứng, đôi khi gây những cảm giác khó chịu cho người nghe. Ban giám khảo có người không am hiểu sâu sắc về lĩnh vực thi nên chấm theo cảm tính, không thuyết phục được người thi và khán giả.
Kinh nghiệm của các hội thi cho thấy yếu tố quyết định nhất để thành công là tính trí tuệ trong nội dung thi. Những vấn đề đưa ra luôn là mới, đang thu hút sự chú ý của mọi người. Trong hội thi của HS, SV, chủ đề và nội dung chủ yếu phải là những vấn đề về học tập, lập thân, lập nghiệp trong tương lai. Các hội thi cũng phải thể hiện những vấn đề của thời đại, nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc. Hình thức của hội thi phải luôn có sự cải tiến, nâng cao chất lượng dần trong quá trình tổ chức chuỗi hoạt động tại Đoàn cơ sở.
Ngày nay, với sự phát triển của kinh tế, văn hoá, nhiều hội thi đã được tổ chức trên các phương tiện báo, đài. Cán bộ Đoàn, Đoàn các cấp cần tham khảo nội dung và hình thức của một số các cuộc thi tiêu biểu như SV96, SV2000, Bảy sắc cầu vồng, Đường lên đỉnh Olympia, Chiếc nón kỳ diệu, Vườn cổ tích, các cuộc thi tìm hiểu trên các báo của Đoàn (Tiền phong, Thanh niên, Sinh viên,v.v...) để tổ chức các hội thi một cách sáng tạo, hấp dẫn, phù hợp.
3. Một số hội thi của thanh niên.
- Hội thi thanh niên thanh lịch.
- Hội thi chuyên môn nghiệp vụ.
- Hội thi với nội dung về khoa học kỹ thuật.
- Hội thi nghệ thuật của thanh niên: Hội thi giọng hát hay, hội thi tiếng hát sinh viên, hội thi tiếng hát TN nông thôn, thi hát dân ca, hội thi ca nhạc, vũ hội, hài kịch, thời trang,v.v...
Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu một số hội thi cơ bản:
II. HỘI THI THANH NIÊN THANH LỊCH.
1. Mục đích, ý nghĩa.
- Giúp TN nâng cao nhận thức về chính trị, văn hoá, xã hội, từ đó có động cơ tốt để điều chỉnh hành vi.
- Là môi trường và cơ hội để TN bộc lộ, thể hiện khả năng, năng lực của cá nhân về nhận thức, kỹ năng ứng xử.
- Là diễn đàn của TN về nếp sống văn hoá.
2. Đối tượng tham gia.
Mọi TN có nhu cầu, được lựa chọn từ cơ sở Đoàn, Hội.
3. Những nội dung cơ bản. Thi nhận thức, ứng xử, thi năng khiếu, thời trang, hùng biện hay thi kỹ năng hoạt động XH.
4. Lập kế hoạch, hướng dẫn thực hiện kế hoạch hội thi.
- Xác định mục đích, yêu cầu, đối tượng của hội thi.
- Nội dung cụ thể thí sinh cần thực hiện trong hội thi.
- Hình thức thể hiện: ở chi đoàn, chi hội, liên chi đoàn (các vòng loại, sơ khảo, chung khảo).
- Địa điểm, thời gian tổ chức hội thi.
- Công tác chỉ đạo bao gồm các phương pháp tiến hành và sự phân công cụ thể; sự kiểm tra giám sát, đánh giá tiến độ thực hiện.
5. Kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện cho hội thi.
- Kinh phí chính quyền duyệt cho những khoản chi cần thiết theo quy định.
- Kinh phí các ban, ngành khác giúp đỡ.
- Các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, cá nhân tài trợ.
- Kinh phí thông qua các hoạt động Đoàn, Hội mà có.
- Cán bộ, đoàn viên, TN tự nguyện đóng góp.
6. Công tác chuẩn bị để thí sinh tham gia hội thi.
Hội thi không đơn thuần là chọn và trao giải cho những thí sinh điển hình mà cần tạo ra phong trào thi đua sôi nổi của mọi người hướng về hội thi. Do đó cần lưu ý chuẩn bị cho thí sinh:
- Phổ biến kế hoạch, nội quy, quy chế của hội thi.
- Tập huấn những vấn đề liên quan đến nội dung thi, đặc biệt là phần nhận thức.
- Tập huấn kỹ năng cơ bản của thí sinh như: cách trình bày, trình diễn, thái độ tác phong, cách đi đứng, giao tiếp.
- Phần chung khảo nên có tập huấn thật chu đáo, tạo sự đồng bộ, thống nhất các phần trong hệ thống chương trình hội thi như: khớp nhạc, chỉ đạo ánh sáng, dẫn chương trình, sự xuất hiện của thí sinh, các chương trình đệm.
7. Vòng sơ khảo của hội thi. Phải được tiến hành nghiêm túc, chuẩn bị kỹ vì sơ khảo là quyết định, lựa chọn chính xác nhất những thí sinh vào chung kết. Ở vòng sơ khảo, từ thí sinh dự thi đến Ban tổ chức, giám khảo đều phải làm việc nghiêm túc, khách quan.
8. Chương trình của cuộc thi chung khảo.
- Ổn định tổ chức (văn nghệ, trò chơi).
- Khai mạc, tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.
- Màn ra mắt chào khán giả.
- Phần thí sinh thực hiện các nội dung thi.
- Công bố kết quả, trao phần thưởng và lưu niệm.
- Bế mạc hội thi.
Trong hội thi TN thanh lịch, nhất thiết phải có người đạo diễn sân khấu, chạy chương trình.
9. Ban giám khảo hội thi. Phải là một tập thể có am hiểu những nội dung thí sinh thực hiện trong hội thi.
Trước khi tổ chức hội thi, phải có hệ thống câu hỏi cho phần nhận thức và ứng xử, có thang điểm chi tiết, phiếu chấm điểm cho từng nội dung của từng thí sinh.
- Ban giám khảo (BGK) phải được ngồi ở vị trí thuận lợi để đánh giá chính xác thí sinh tham gia dự thi. Trước khi công bố kết quả, BGK cần hội ý, cân nhắc những trường hợp lệch điểm không lớn lắm, từ đó đưa ra quyết định điều chỉnh hợp lý.
Nếu là cuộc thi cho điểm trực tiếp (bằng bảng số), thì BGK cần có sự bàn bạc, thống nhất cao về quan điểm, đánh giá.
Trong hội thi phải có Ban thư ký giúp việc cho BGK.
10. Một số lưu ý khi tổ chức hội thi TN thanh lịch.
- Cách bài trí phông màn, kiểu chữ tiêu đề, sử dụng các phương tiện khác (cây hoa, chậu cảnh) tạo vẻ đẹp cho sân khấu.
- Ánh sáng phù hợp và có thể điều chỉnh hệ thống đèn cho hài hoà, rung cảm với từng nội dung và từng thí sinh thể hiện.
- Âm thanh vừa đủ nghe tốt trong Hội trường; micro phải có đủ cho thí sinh, dẫn chương trình, BGK.
- Dẫn chương trình được lựa chọn kỹ, am hiểu nội dung thi, có quá trình làm việc thống nhất với BTC, BGK. Phong cách tự tin, công bằng, gần gũi. Không nên đánh giá thí sinh hay gợi ý trả lời đúng vào nội dung mà thí sinh cần phải thể hiện.
- Nhạc công phải sử dụng các bản nhạc phù hợp, cần thiết; có thể đệm nhạc tốt cho những bài hát được thể hiện trong hội thi.
11. Một số câu hỏi tham khảo cho hội thi TN thanh lịch.
Câu 1: "Người ta đáng yêu không phải vì đẹp mà người ta đẹp vì đáng yêu" (L.Tonstoi). Bạn hãy cho biết ý kiến của mình.
Câu 2: Có lời khuyên: "Hãy đi trong đêm đen không trăng, không sao, không đèn đuốc rồi sẽ biết ánh sáng ở chỗ nào". Bạn suy nghĩ gì về lời khuyên đó.
Câu 3: M.Gorky nói: "Phải có trí tuệ, dù nhỏ bé cũng được nhưng phải là của mình". Bạn hiểu câu nói đó như thế nào.
Câu 4: Bạn cho biết suy nghĩ của mình về câu ngạn ngữ: "Bộ lông làm đẹp con công, học vấn làm đẹp con người".
Câu 5: Nếu có khách đến thăm trường, bạn sẽ giới thiệu như thế nào để khách hiểu và yêu trường của bạn.
Câu 6: "Sắc đẹp là một sở hữu mong manh". Bạn hiểu thế nào về câu nói đó.
Câu 7: Bạn quan niệm như thế nào về mốt và thời trang. Bạn hãy nói để mọi người hiểu và thực hiện tốt việc mặc đồng phục của trường.
Câu 8: Bạn hiểu gì về những ngày thế giới hưởng ứng sau: 31-5, 5-6, 26-6, 11-7, 1-12.
Câu 9: Những người có mặt trong cuộc thi đang hướng về bạn, nếu được tâm sự với khán giả, bạn sẽ nói điều gì.
Câu 10: Bạn hiểu thế nào về câu nói của C.Mac: "Cần phải xây dựng cuộc sống theo quy luật cái đẹp".
Câu 11: Vì sao nói "Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai".
Câu 12: Ngạn ngữ Pháp có câu: "Cần phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói". Theo bạn, lời nói có văn hoá là lời nói như thế nào.
Câu 13: Lao động chân tay và lao động trí óc đều quý cả, bạn có đồng tình với quan điểm này không.
Câu 14: Nếu là đại biểu đi dự Đại hội Đoàn cấp trên (LCĐ, Đoàn trường, tỉnh Đoàn,...), bạn sẽ đề xuất gì với Đại hội.
Câu 15: Tham nhũng đang là quốc nạn, theo bạn tuổi trẻ cần phải làm gì để tham gia giải quyết quốc nạn đó.
III. HỘI THI CÁN BỘ ĐOÀN GIỎI.
1. Mục đích yêu cầu.
1. Thi cán bộ Đoàn giỏi nhằm phát hiện ra những tài năng trẻ trong hoạt động chính trị - xã hội, tạo nguồn cán bộ tốt nhất cho Đoàn, cho Đảng sau này.
2.Quá trình tiến tới hội thi chung khảo (các cấp) chính là quá trình tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao nhận thức, hoàn thiện những hiểu biết của cán bộ, đoàn viên về truyền thống của địa phương, của đất nước, của Đoàn, trau dồi thêm kỹ năng công tác thanh thiếu niên và nghiệp vụ xây dựng Đoàn, Hội, Đội.
3. Là dịp để cán bộ, đoàn viên tự khẳng định năng lực sở trường vốn có của mình trước công chúng, trước tập thể, để học hỏi lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm với nhau.
4. Những yêu cầu cơ bản của một hội thi cán bộ Đoàn giỏi là:
- Tạo không khí thi đua lành mạnh, kích thích lòng say mê nghề nghiệp của cán bộ Đoàn.
- Tạo dấu ấn trong dư luận xã hội, nhất là trong ĐVTN.
- Chú trọng tính thẩm mỹ, tính văn hóa, tính trí tuệ, tính hấp dẫn.
2. Công tác chuẩn bị. (đối với Đoàn cơ sở)
1. Bí thư Đoàn (hoặc một đồng chí ủy viên thường vụ được phân công) dự thảo một bản kế hoạch tổng thể để thông qua BCH, trong đó đặc biệt lưu ý các vấn đề:
- Mục đích, yêu cầu của hội thi.
- Nội dung và hình thức của hội thi ở từng cấp (chi đoàn, Đoàn cơ sở).
- Thời gian, địa điểm thi.
- Thể lệ của cuộc thi.
- Thành lập ban tổ chức, ban giám khảo.
- Biện pháp chỉ đạo thực hiện (tài liệu, tuyên truyền, tọa đàm, tập huấn)...
- Dự trù và xác định nguồn kinh phí, cơ sở vật chất để tiến hành hội thi.
2. Báo cáo kế hoạch hội thi với cấp ủy và chính quyền địa phương, đơn vị, xin ý kiến của đoàn cấp trên, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ và hỗ trợ về mặt kinh tế, cơ sở vật chất của các ban ngành, đoàn thể khác.
3. Triệu tập cuộc họp cán bộ Đoàn mở rộng bao gồm: BCH đoàn cơ sở, BCH các chi đoàn, quán triệt chủ trương, thống nhất mục đích yêu cầu, nội dung, hình thức, thể lệ của hội thi, bàn những biện pháp có hiệu quả để thực hiện từ cấp chi đoàn trở lên. Phổ biến các câu hỏi gợi ý về các nội dung thi, hướng dẫn các tài liệu tham khảo chính để các cấp bộ Đoàn và thí sinh có thời gian chuẩn bị chu đáo.
4. Các chi đoàn tổ chức họp bàn biện pháp thực hiện; thống nhất chọn cử đại biểu của chi đoàn đăng ký tham gia hội thi, hỗ trợ giúp đỡ đối tượng dự thi về kỹ năng, nghiệp vụ công tác, cách ứng xử và các điều kiện khác (trang phục, dày dép, kinh phí ...)
Cách bình chọn ở chi đoàn có thể diễn ra dưới những hình thức như: tọa đàm, thảo luận, dạ hội văn nghệ, hái hoa dân chủ nhằm nâng cao hiểu biết chung của đoàn viên và tập dượt cho các thí sinh dự thi ở vòng sau vững vàng, tự tin hơn.
5. Tuyên truyền cho hội thi thông qua các phương tiện thông tin, tổ chức tập huấn bồi dưỡng cho các thí sinh do các chi đoàn bình chọn lên (về nhận thức cơ bản, kỹ năng tối thiểu và những nghiệp vụ cần thiết nhất), gợi ý cách thể hiện cho từng loại thí sinh (nam, nữ, độ tuổi, là đoàn viên, là cán bộ...)
3. Nội dung và hình thức của hội thi cấp cơ sở.
1. Nội dung. Có thể có 4 phần:
a. Trang phục bắt buộc và trang phục tự chọn tùy theo đặc điểm của khí hậu, thời tiết, đặc điểm của từng vùng, miền, từng đối tượng thanh niên mà quy định cho phù hợp.
b. Phong cách: Cách đi, dáng đứng, chào mời, tự giới thiệu ngắn gọn về bản thân...
c. Trả lời các câu hỏi của Ban giám khảo. Có thể sử dụng hai dạng câu hỏi:
+ Câu hỏi thi đã được công bố, chuẩn bị trước: tập trung vào các vấn đề xã hội của thanh niên, về truyền thống của địa phương, đơn vị, về kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đoàn, Hội, Đội, nhận thức về các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của địa phương, cơ sở.
+ Câu hỏi thi ứng xử: Là những câu hỏi mở, tập trung vào việc xử lý những tình huống thường gặp trong cuộc sống, trong giao tiếp, trong học tập và công tác và trong các mối quan hệ của cán bộ, đoàn viên, thanh niên.
d. Thi năng khiếu tự chọn: Thí sinh được tự chọn cho phù hợp với sở trường của bản thân, được luyện tập trước như hát, múa, võ thuật, ảo thuật, diễn thuyết, điều khiển trò chơi, kịch câm, thể dục nhịp điệu, ngâm thơ, độc tấu, chơi một loại nhạc cụ, hóa trang ...
2. Hình thức.
Để Hội thi thực sự trở thành một hoạt động văn hóa mang tính giao lưu quần chúng, tập hợp được đông đảo cán bộ đoàn viên thanh niên, nên sử dụng hình thức sân khấu hóa.
4. Tổ chức hội thi cấp cơ sở.
1. Bài trí sân khấu và hội trường.
- Phông màn nên chọn màu sáng, qua ánh đèn tôn vẻ tươi trẻ, có biểu tượng, tên gọi hội thi cắt bằng bìa hoặc xốp, bằng giấy màu hài hòa với màu của phông màn.
- Có hệ thống đèn đủ chiếu sáng sân khấu, có đèn màu càng tốt. Phân công người phụ trách ánh sáng để điều khiển phối màu theo nội dung thi.
- Âm thanh: Nên có máy "tăng âm", có micro dùng cho ban giám khảo, cho người dẫn chương trình (1 hoặc 2 người), cho thí sinh. Cho dàn nhạc hoặc nhạc công phục vụ theo yêu cầu của từng nội dung thi, đệm cho các tiết mục văn nghệ xen kẽ, lấp chỗ trống khi cần thiết.
- Bố trí chỗ tập kết riêng cho các thí sinh, có chỗ trang điểm, thay trang phục.
- Sắp xếp chỗ ngồi cho Ban giám khảo hợp lý, đảm bảo nhìn rõ, nghe rõ, theo dõi được thí sinh thực hiện các nội dung của hội thi.
- Bố trí chỗ ngồi cho khán giả và các đại biểu của cấp ủy, chính quyền, Đoàn cấp trên, các ban ngành đoàn thể khác. Cử người giữ trật tự chung.
2. Trình tự diễn biến của hội thi.
- Ổn định tổ chức bằng một chương trình văn nghệ chào mừng ngắn gọn. Một số bài hát tập thể hay cá nhân.
- Khai mạc hội thi, giới thiệu đại biểu, giới thiệu người dẫn chương trình.
- Người dẫn chương trình giới thiệu thành phần Ban giám khảo và điều khiển thực hiện các nội dung của hội thi.
- Màn ra mắt của toàn bộ thí sinh có tính chất mở đầu cho hội thi.
- Thực hiện lần lượt các nội dung thi:
+ Trang phục bắt buộc.
+ Trang phục tự chọn.
+ Trả lời cầu hỏi về nhận thức (do ban giám khảo hỏi hoặc bắt thăm).
+ Ứng xử do người dẫn chương trình thực hiện tùy vào đặc điểm của từng thí sinh.
+ Thể hiện năng khiếu tự chọn.
- Mỗi giám khảo dựa trên đáp án, thang điểm và những kinh nghiệm của cá nhân cho điểm từng nội dung thi đối với mỗi thí sinh và công bố công khai. Thư ký tập hợp kết quả điểm tổng cộng của mỗi thí sinh.
- Công bố kết quả, trao phần thưởng, quà lưu niệm (tất các các thí sinh có mặt đông đủ trên sân khấu để nghe kết quả, nhận phần thưởng).
- Kết thúc hội thi: Trưởng ban tổ chức cảm ơn đại biểu, Ban giám khảo, các thí sinh và công chúng.
Hội thi kết thúc trong tiếng nhạc hoặc bài hát tập thể về truyền thống của Đoàn.
Chú ý:
- Giữa các tiết mục thi nên xen kẽ các tiết mục văn nghệ chọn lọc để cho hội thi thêm hấp dẫn, sinh động.
- Sau khi các thí sinh thực hiện xong các nội dung thi, có thể có những tình huống khó xử, Ban giám khảo cần hội ý để bình chọn các giải cho công bằng, hợp lý, vì thế ban tổ chức cần phải chuẩn bị một chương trình văn nghệ dự phòng tránh cho hội thi phải gián đoạn, gây tâm lý ức chế cho công chúng và quý vị đại biểu.
3. Một số điều cần chú ý.
Với thí sinh: Cần bình tĩnh, tự tin, không "tự nhiên chủ nghĩa" trước khán giả, cần tránh các biểu hiện khiếm nhã như bĩu môi, vò đầu, bứt tai, so vai, rụt cổ, dạng chân, khuỳnh tay quá mức... tránh chào và chúc sáo rỗng quá nhiều (chỉ cần thí sinh ra đầu tiên thay mặt cho toàn thể thí sinh thực hiện là đủ).
Với người dẫn chương trình:
- Cần nghiên cứu kỹ các đối tượng dự thi, chuẩn bị sẵn kịch bản, lời giới thiệu, thuyết minh ngắn gọn, dí dỏm, hấp dẫn và phù hợp với từng thí sinh.
- Tuân thủ chương trình, kịch bản đã định không tùy hứng thay đổi làm các thí sinh mất bình tĩnh, thiếu tự tin.
- Cần chọn lời dẫn chuyện đa dạng, không lặp lại, không đơn điệu, biết tăng giảm âm lượng giọng nói khi cần thiết. Học tập người khác rất cần thiết, nhưng đừng bắt chước ai cả!
- Khi đọc câu hỏi cho thí sinh cần rõ ràng, mạch lạc, kết hợp với ánh mắt, nụ cười, tạo cho họ niềm tin, bình tĩnh trả lời câu hỏi, biết động viên khích lệ thí sinh nhưng không nên đánh giá chất lượng câu trả lời của thí sinh.
- Không nói quá dài, đi lại quá nhiều trên sân khấu, không được nhầm lẫn họ tên, số báo danh thí sinh.
- Trước các tình huống bất ngờ cần bình tĩnh, chủ động xử lý. Trường hợp ngoài giới hạn cho phép cần xin ý kiến của Ban tổ chức hội thi và ban giám khảo .
Với ban giám khảo:
- Ban giám khảo cần thống nhất nôi dung đáp án và thang điểm cho từng nội dung thi. Có thể sử dụng thang điểm 10, 20 bậc hay nhiều hơn để đảm bảo độ chuẩn xác khi đánh giá.
- Chuẩn bị hệ thống câu hỏi phụ về xử lý tình huống để chủ động hỏi thí sinh (nếu dùng hình thức ban giám khảo hỏi).
- Ban giám khảo cần phải có phiếu điểm (hay tập bảng điểm) cho từng thí sinh, có thư ký tổng hợp ngay sau khi các thí sinh thực hiện xong nội dung thi của mình.
- Sau khi thí sinh thi xong nên có một thời gian nhất định để thống nhất đánh giá xếp loại, trên cơ sở tổng hợp của thư ký, có những điều chỉnh cho hợp lý và thỏa đáng đảm bảo công minh chính xác.
Với ban tổ chức:
- Cần chỉ đạo việc thực hiện chương trình theo kế hoạch đã thống nhất, khéo léo xử lý những tình huống phát sinh, đảm bảo hội thi đạt mục tiêu, yêu cầu như đã xác định.
- Chọn người dẫn chương trình nhanh nhẹn hoạt bát, có giọng nói ấm truyền cảm, không nói ngọng, nói lắp. Nên có tổng duyệt trước khi vào hội thi chính thức.
- Cần bố trí thời gian tập huấn, trao đổi giải đáp những vấn đề mà thí sinh còn vướng mắc trong quá trình chuẩn bị cho các nội dung thi.
- Quan hệ, liên kết phối hợp và tranh thủ sự đồng tình ủng hộ với các ngành, các tổ chức đoàn thể các cá nhân tạo môi trường thuận lợi cho hội thi.
- Chuẩn bị chu đáo phần thưởng, quà lưu niệm gây ấn tượng tốt có giá trị văn hóa, tinh thần cho những thí sinh tham dự hội thi.
Hội thi cán bộ Đoàn giỏi nhằm trang bị kỹ năng nghiệp vụ công tác thanh niên cho cán bộ Đoàn, đồng thời là dịp để cho cán bộ Đoàn bộc lộ hết năng lực sở trường và phẩm chất của mình trược đoàn viên thanh niên. Mặt khác, đây là diễn đàn để Đoàn kiến nghị với Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, các đơn vị kinh tế về công tác thanh niên, nhằm tạo sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội thực hiện công tác thanh niên.
5. Một số câu hỏi tham khảo dành cho thí sinh trong hội thi cán bộ Đoàn giỏi (Cấp cơ sở)
1. Có ý kiến cho rằng: "Trên địa bàn phường, (xã) hiện nay không cần thành lập các chi đoàn, mà chỉ cần xây dựng một đội thanh niên xung kích có thể tham gia thực hiện mọi nhiệm vụ của Đoàn trên mọi lĩnh vực". Đồng chí có đồng ý không? Vì sao?
2. Trong điều kiện hiện nay, có nhiều thanh niên ở địa phương (đơn vị) rất tích cực tìm mọi cách để làm giàu cho bản thân và cho gia đình họ. Là cán bộ Đoàn, đồng chí suy nghĩ gì về hiện tượng đó?
3. Một số gia đình trên địa bàn phường (xã) xây dựng trái phép. Chính quyền địa phương đề nghị Đoàn thanh niên đi giải tỏa, tháo dỡ. Với cương vị là bí thư Đoàn đồng chí xử lý như thế nào trước đề nghị đó?
4. Trong bài hát "Thanh niên làm theo lời Bác" nhạc và lời Hoàng Hòa có đoạn viết: "Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên".
Đồng chí cho biết đó là lời dạy của ai? Trong hoàn cảnh nào? Và có ý nghĩa gì đối với thanh niên ngày nay. Đồng chí hãy hát bài hát đó!
5. Một số người cho rằng: Một bộ phận thanh niên hư, nói năng thiếu văn hóa là do lỗi của Đoàn. Ý kiến của đồng chí thế nào? Đồng chí hãy nêu một số biện pháp để giúp đỡ số thanh niên đó.
6. Mốt là gì? Cán bộ Đoàn có cần ăn mặc hợp mốt hay không? Đồng chí có biện pháp gì giúp thanh niên hiểu đúng về mốt.
7. Có người cho rằng Đoàn không cần tổ chức các lễ kỷ niệm lớn vì đã có các ngành khác lo, làm tốn kém mất thời gian. Đồng chí suy nghĩ gì về ý kiến đó?
8. Một số Đoàn viên thanh niên quan niệm rằng AIDS không liên quan gì đến họ vì họ có cuộc sống trong sáng, lành mạnh. Đồng chí có đồng ý không? Vì sao?
9. Nhiều người cho rằng: Đã là cán bộ Đoàn thì phải đàn giỏi, hát hay, biết chơi thể thao. Ý kiến đồng chí thế nào? Theo đồng chí bí thư chi đoàn có những tiêu chuẩn và điều kiện gì?
10. Có người quan niệm rằng: Thực hiện phong trào "Tuổi trẻ giữ nước" ở địa phương chỉ có một nội dung duy nhất là tham gia thực hiện tốt nghĩa vụ quân sự. Theo đồng chí có đúng như vậy không?
11. Có người nói: "Cán bộ nào, phong trào ấy". Song người khác lại cho rằng "Có kinh phí sẽ có tất cả" ý kiến của đồng chí thế nào? Theo đồng chí trong hai yếu tố cán bộ và kinh phí thì yếu tố nào quyết định?
12. Có ý kiến cho rằng trò chơi chỉ là hình thức giải trí đơn thuần cho thanh niên. Đồng chí có đồng ý không? Vì sao?
13. Một số TN không muốn vào Đoàn mặc dầu họ là những người tốt. Vậy họ có đáng trách không? Đồng chí có cách nào để tập hợp được họ vào tổ chức của Đoàn?
14. Có đồng chí trong BCH Đoàn đề nghị: Nên tạo ra quỹ sau đó trích quỹ nộp đoàn phí lên Đoàn cấp trên mà không cần thu đoàn phí của đoàn viên. Ý kiến đồng chí thế nào?
15. Một số đoàn viên đã bỏ sinh hoạt Đoàn cách đây một năm, nay lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự muốn có hồ sơ sinh hoạt Đoàn. Trong trường hợp này đồng chí xử sự ra sao?
16. Ở một chi đoàn có nhiều nhóm sở thích khác nhau. Có ý kiến đề nghị nên thành lập các chi đoàn theo sở thích (vì điều lệ cho phép tối thiểu 3 đoàn viên trở lên có thể thành lập một chi đoàn). Ý kiến đồng chí như thế nào?
17. Đồng chí hãy nêu một giải pháp hợp lý cho việc kiện toàn và tổ chức hoạt động có hiệu quả ở chi đoàn hiện nay.
IV. THI LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI.
Trong thời gian vừa qua, một số tỉnh, thành đoàn và trường đại học, cao đẳng đã tổ chức các cuộc thi lý luận chính trị - xã hội và đạt được hiệu quả cao. Một số cuộc thi tiêu biểu như: "Tôi - người đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh", "Bác Hồ với tuổi trẻ, tuổi trẻ với Bác Hồ", "Hành trang của bạn", "Ôlympic các môn khoa học Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh"... đã thu hút đông đảo sinh viên tham gia. Mỗi cuộc thi có chủ đề riêng, song điều chủ yếu là để cho ĐVTN có một diễn đàn công khai để trình bày sự hiểu biết của mình về một vấn đề nào đó, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến lợi ích của sinh viên (lý tưởng và niềm tin, nghề nghiệp và lối sống...).
Hình thức tổ chức cuộc thi có thể là thi viết, thi hùng biện, sân khấu hóa hoặc lồng ghép cả 3 hình thức trên. Tùy điều kiện cụ thể, tổ chức Đoàn, Hội nên chọn hình thức thi cụ thể sao cho phù hợp. Sau đây là các bước cơ bản của hình thức thi viết trong HS,SV:
1. Thành lập ban tổ chức, ban giám khảo.
- Ban tổ chức gồm đại diện Đảng ủy, Ban giám hiệu, phòng công tác chính trị, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên.
- Ban giám khảo gồm cán bộ giảng dạy lý luận chính trị có uy tín của trường (triết học, chủ nghĩa cộng sản khoa học, kinh tế - chính trị, lịch sử Đảng, xã hội học...) và đại diện Đảng ủy, Ban giám hiệu, tổ chức Đoàn, Hội.
2. Giới thiệu tuyên truyền về cuộc thi.
- Triển khai kế hoạch, nội dung cuộc thi tới các lớp, chi đoàn.
- Dùng hệ thống thông tin (công văn, kế hoạch, truyền thanh, thông báo bảng, bảng tin...) để tuyên truyền, phổ biến nội dung, ý nghĩa của cuộc thi. Tổ chức các buổi nói chuyện, báo cáo những vấn đề thời sự để cung cấp thêm thông tin mới...
- Ban tổ chức cuộc thi chuẩn bị những đề tài gợi ý xung quanh chủ đề của cuộc thi, công bố sớm và được bổ sung thường xuyên bằng sáng kiến của các thầy, cô giáo và HS,SV.
- Giới thiệu các tài liệu liên quan để HS,SV tìm đọc.
3. Hướng dẫn cách viết.
Ban tổ chức mời các cộng tác viên có kinh nghiệm (giảng viên lý luận, các nhà báo, nhà phê bình văn học...) để hướng dẫn cho HS,SV về cách xây dựng bố cục, nghệ thuật diễn đạt. Tranh thủ sự hướng dẫn của giáo viên các bộ môn lý luận chính trị - xã hội đối với các lớp, các chi đoàn.
4. Phát động cuộc thi.
- Định thời hạn nộp bài và tổ chức phát động cuộc thi trong toàn thể HS,SV của trường. Thời gian từ lúc phát động đến thu bài thường là 1 tuần đến 10 ngày.
- Trong thời hạn nộp bài, dùng hệ thống truyền tin công bố kết quả từng ngày để kích thích các đơn vị tiến nhanh về đích.
5. Chấm thi.
- Chấm sơ khảo: Ban giám khảo phân nhóm để chấm. Mỗi nhóm có ít nhất 2 người. Mỗi giám khảo cho điểm với mỗi bài thi và sau đó hội điểm. Nếu chấm theo thang điểm 10 mà điểm của 2 giám khảo chênh nhau 2 điểm trở lên thì phải lập danh sách đề nghị chấm lại.
- Công khai kết quả vòng sơ khảo: Các bài thi được chọn phải đọc bài đó trước giám khảo và tập thể HS,SV. Trưng cầu ý kiến và đánh giá kết quả của từng bài và công bố kết qủa chính thức vòng sơ khảo.
- Chấm vòng chung khảo: Thí sinh trình bày bài dự thi trước hội đồng giám khảo và đại diện HS,SV các lớp. Mỗi giám khảo cho điểm với mỗi bài thi, ban thư ký tính điểm và công bố kết quả tại chỗ.
- Tổ chức trao giải cho các tập thể và cá nhân.
6. Báo cáo kết quả thi lên Ban tổ chức cuộc thi cấp cao hơn.
7. Tuyên truyền kết quả thi tại trường.
Thông báo danh sách các thí sinh đoạt giải, đọc trên loa truyền thanh hoặc thông báo trên các bản tin tức về các bài đoạt giải.
KỸ_NĂNG_TỔ_CHỨC_HỘI_THI_101703074919.doc