KỸ NĂNG TỔ CHỨC
ĐỐI THOẠI - DIỄN ĐÀN - HỘI THẢO
 
Đối thoại - Diễn đàn - Hội thảo (ĐT- DĐ-HT) là những hình thức hoạt động phổ biến, đạt hiệu quả cao trong công tác chính trị - tư tưởng, có sức thu hút và giáo dục TTN trong giai đoạn hiện nay.
Tuy hình thức tổ chức có khác nhau, song ĐT- DĐ-HT giống nhau về ba phương diện: Nhu cầu, sự bình đẳng và mục đích, cụ thể là:
+ ĐT- DĐ-HT đều xuất phát từ nhu cầu thiết yếu của cả cán bộ Đoàn, Hội, Đội và TTN. Thông qua các hình thức hoạt động đó, cán bộ hiểu rõ hơn đối tượng của mình về tâm tư, tình cảm, sở thích, nguyện vọng, cá tính. Còn TTN, thông qua hoạt động này được dịp tự thể hiện, tự khẳng định mình.
+ Tính chất bình đẳng của các thành viên tham gia ĐT- DĐ-HT đều có cái đích cần đạt tới là những chân lý cụ thể, tìm câu trả lời hợp lý hoặc giải pháp tối ưu cho một vấn đề. Do vậy, khoảng cách về chức vụ, địa vị, độ tuổi.... bị mờ nhạt đi. Tất cả các thành viên đều bình đẳng trong việc trình bày quan điểm riêng của mình, bảo vệ quan điểm đó khi chưa có những quan điểm khác thuyết phục hơn.
+ Sự thống nhất của đề tài, chủ đề ở cả ba hình thức trên đều phải tập trung vào một hoặc một số vấn đề cụ thể nhất định. Nói cách khác, đó là sự thống nhất về mục đích: đạt tới một chân lý cụ thể nào đó, đưa ra một giải pháp hiện thực nào đó để xử lý vấn đề đã đặt ra.
1. Kỹ năng tổ chức đối thoại.
1. Đối thoại là loại hình thức trao đổi trực tiếp về một vấn đề nào đó mà TTN quan tâm. Mục đích là giải đáp những thắc mắc, nguyện vọng của TTN giúp họ nhận thức đúng về một vấn đề nào đó.
Những vấn đề TTN quan tâm hiện nay thường là:
- Nhóm vấn đề liên quan đến học tập: điểm, thi cử, tài liệu học tập, nghiên cứu khoa học, thư viện, giảng đường...
- Nhóm vấn đề liên quan đến sinh hoạt: Học bổng, học phí, ký túc xá, các hoạt động vui chơi giải trí, các quyền lợi...
- Nhóm vấn đề về thời sự, kinh tế - văn hoá - xã hội.
- Vấn đề giải quyết việc làm.
2. Cách tổ chức đối thoại:
a. Thu thập những thắc mắc, những vấn đề mà TTN quan tâm. Có hai cách thu thập: Trực tiếp và gián tiếp.
Thu thập trực tiếp: Thông qua phản ánh trực tiếp của TN, các chi Đoàn, chi Hội, tổ thăm dò dư luận...
Thu thập gián tiếp: Thông qua thư từ khiếu nại, kiến nghị của TN hoặc qua các phương tiện truyền thông đại chúng.
b. Phân loại các ý kiến: Các ý kiến được phân loại theo một vấn đề hoặc một nhóm vấn đề.
c. Chuyển các ý kiến được tập hợp tới cấp uỷ, chính quyền, các phòng, ban hoặc các cơ quan, cá nhân có liên quan để chuẩn bị nội dung đối thoại.
d. Tổ chức đối thoại: Sau khi có ý kiến đồng ý của cấp uỷ, chính quyền hoặc các cơ quan liên quan, tổ chức Đoàn, Hội cần chuẩn bị tốt các điều kiện đảm bảo cho một buổi đối thoại: Hội trường được trang trí trang trọng, âm thanh, ánh sáng tốt. Có thể chuẩn bị thêm một số tiết mục văn nghệ.
Chương trình một buổi đối thoại thường là:
- Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, giới thiệu nội dung buổi đối thoại, người đối thoại và một số nguyên tắc khi đối thoại.
- Người đối thoại trả lời những thắc mắc, câu hỏi của TN (những vấn đề đã được chuyển đến trước và những câu hỏi trực tiếp tại cuộc đối thoại). Người đối thoại cần làm rõ 3 vấn đề: Sự việc mà TN nêu ra đúng hay sai?; Nguyên nhân; Hướng giải quyết.
- Người tổ chức đối thoại cảm ơn người đối thoại và kết luận những vấn đề đã được giải quyết. Những vấn đề chưa thoả đáng đề nghị người đối thoại tiếp tục nghiên cứu và trả lời sau.
e. Một số lưu ý khi tổ chức đối thoại:
- Trong quá trình đối thoại, điểm nào chưa rõ, người nghe có quyền chất vấn để làm sáng tỏ vấn đề. Tuy nhiên, người chủ trì cần phải có nghệ thuật điều khiển để tránh biến thành một cuộc "cãi vã" vô kỷ luật. Đối thoại là một khía cạnh của dân chủ nhưng phải là dân chủ có tổ chức.
- Nên tổ chức đối thoại theo chủ đề, tránh tràn lan. Người đối thoại cần nắm vững nội dung để tránh trả lời chung chung, né tránh.
- Khi tổ chức đối thoại, có thể lồng ghép các hoạt động văn hoá - nghệ thuật nhưng liều lượng phải phù hợp, đảm bảo được tính chất, mục đích của đối thoại.
2. Kỹ năng tổ chức diễn đàn.
1. Diễn đàn là loại hình hoạt rộng rãi cả về đối tượng và chủ đề, là nơi để TN công khai bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình về một vấn đề nào đó.
Có 2 loại diễn đàn:
+ Diễn đàn trực tiếp: Người phát biểu và người nghe trực diện nhau.
+ Diễn đàn gián tiếp: Là loại diễn đàn thông qua các phương tiện truyền thông (báo, đài, truyền hình...).
2. Cách tổ chức diễn đàn.
a. Chuẩn bị nội dung:
- Thông báo chủ đề diễn đàn. Những chủ đề đưa ra diễn đàn phải là những chủ đề được TN quan tâm. Muốn chọn chủ đề hay, hấp dẫn trước kết phải tìm hiểu tình hình tư tưởng của TN, những vấn đề mà TN đang tranh luận, đang muốn được giải quyết.
- Chuẩn bị ý kiến nòng cốt. Những ý kiến nòng cốt phải là ý kiến nhìn từ nhiều góc độ khác nhau nhằm tạo ra những tình huống có vấn đề để cuộc tranh luận phong phú, đa dạng và sôi nổi.
b. Tổ chức diễn đàn: Có nhiều hình thức diễn đàn. Sau đây là chương trình một buổi diễn đàn trực tiếp.
- Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu. Phần này cần nói rõ mục đích ý nghĩa của diễn đàn và cách thức trao đổi.
- Các ý kiến phát biểu: ý kiến nòng cốt có thể phát biểu trước hoặc sau tuỳ thuộc vào không khí của diễn đàn. Trong phần này, người chủ trì phải có nghệ thuật điều khiển để hướng các ý kiến phát biểu vào trọng tâm vấn đề cần trao đổi.
- Kết thúc diễn đàn cần có tổng kết nhằm định hướng vấn đề và gợi ý những suy nghĩ tiếp.
c. Một số lưu ý khi tổ chức diễn đàn:
- Tuỳ theo số lượng người tham gia để bố trí địa điểm diễn đàn cho phù hợp. Trang trí hội trường cần nêu rõ chủ đề của diễn đàn.
- Có chủ toạ điều khiển và thư ký ghi chép các ý kiến phát biểu làm cơ sở cho việc tổng kết diễn đàn.
- Trong quá trình phát biểu, tham luận, nên xen kẽ các tiết mục văn nghệ. Nếu phần văn nghệ cùng tập trung vào chủ đề của diễn đàn thì sẽ nâng cao được hiệu quả của diễn đàn.
- Người chủ trì diễn đàn cần chuẩn bị trước để xử lý các tình huống thường xẩy ra trong diễn đàn. Các tình huống thường gặp là: tranh luận gay gắt quá mức; không có ý kiến tranh luận; ý kiến phát biểu lạc đề, không tập trung.
3. Kỹ năng tổ chức hội thảo.
1. Hội thảo: Là nơi diễn ra cuộc thảo luận về một vấn đề nào đó có tính khoa học, lý luận và thực tiễn đang đặt ra.
Mục đích của Hội thảo là làm sáng tỏ cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn của vấn đề, đề xuất, kiến nghị hoặc dự báo vấn đề trên cơ sở khoa học.
2. Cách tổ chức Hội thảo:
a. Chuẩn bị nội dung:
 Thông báo nội dung Hội thảo tới TN để họ chuẩn bị ý kiến và thu thập tài liệu.
- Chuẩn bị đề dẫn của Ban tổ chức. Đề dẫn có tính chất gợi ý những vấn đề cần thảo luận.
b. Tổ chức Hội thảo: Chương trình một buổi hội thảo thường là: Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu; Trình bày báo cáo đề dẫn Hội thảo; Thảo luận: Phần thảo luận là một sinh hoạt có tính khoa học. Các tham luận phải được đề cập từ nhiều góc độ. Trong quá trình thảo luận cần có những phản biện để làm sáng tỏ vấn đề một cách khách quan biện chứng và phải luôn luôn lấy thực tiễn làm thước đo chân lý; Tổng kết Hội thảo: Khẳng định những vấn đề đã được Hội thảo nhất trí, trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị cách giải quyết vấn đề. Những vấn đề chưa được khẳng định cần hướng cho các thành viên dự Hội thảo tiếp tục suy nghĩ đồng thời bám sát thực tiễn cuộc sống để điều chỉnh quan điểm của mình.
c. Một số vấn đề cần lưu ý khi tổ chức Hội thảo:
- Cũng như tổ chức diễn đàn, khi tổ chức Hội thảo cần chú ý đến trang trí hội trường để nêu bật chủ đề của Hội thảo; có chủ toạ điều khiển và thư ký ghi chép. Trong quá trình tổ chức Hội thảo nên xen kẽ một số tiết mục văn nghệ và người chủ trì Hội thảo phải chuẩn bị tốt để xử lý các tình huống xẩy ra trong Hội thảo.
- Hội thảo mang tính khoa học nên phải sắp xếp các ý kiến phát biểu một cách khoa học, hợp lý. Cần sắp xếp xen kẽ các ý kiến phát biểu có quan điểm khác nhau.

KỸ_NĂNG_TỔ_CHỨC_DIỄN_ĐÀN_-_ĐỐI_THOẠI_-_HỘI_THẢO_101703074526.doc