KỸ NĂNG SOẠN THẢO VĂN BẢN
Văn bản là phương tiện cần thết để triển khai các mặt hoạt động; công bố các chủ trương, chính sách, giải quyết các công việc cụ thể và giao dịch hành ngày. Tập hợp các văn bản của Đoàn, Hội, Đội là căn cứ cho việc tổng kết, định hướng cũng như nghiên cứu quá trình phát triển của tổ chức.
1. Các loại văn bản thường được sử dụng:
Các văn bản có tính pháp quy:
# Nghị quyết
Là văn bản về vấn đề đã được thông qua ở một Hội nghị, Đại hội và cần được thi hành. Nghị quyết là loại văn có tính lãnh đạo, chỉ đạo, khi viết không chia thành các điều khoản.
# Quyết định
Là văn bản ban hành chủ trương, biện pháp, chế độ thuộc phạm vi quản lý của cấp mình.
Quyết định có tính lãnh đạo, chỉ đạo như Nghị quyết nhưng thể hiện thành các điều khoản cụ thể và có khi được dùng để ban hành các chế độ, điều lệ, quy chế,... kèm theo.
# Chỉ thị
Là văn bản nhằm truyền đạt các chủ trương, biện pháp quản lý, chỉ đạo chung hoặc lệnh của cấp trên truyền cho cấp dưới. Thường được thể hiện ngắn gọn dành cho các hoạt động tập trung.
# Thông tư
Là văn bản của cấp trên thông báo, hướng dẫn, quyết định với cấp dưới về vấn đề gì đó.
# Thông tri
Tương tự như thông tư, thường dùng để đề ra các biện pháp thực hiện nghị quyết hoặc triệu tập hội nghị, Đại hội,...
# Quy chế, thể lệ, quy định
Là các loại văn bản quy định về chế độ, quyền hạn nghĩa vụ, phương thức tổ chức của một bộ phận trong tổ chức Đoàn, Hội, Đội (Quy chế tổ chức, hoạt động của Câu lạc bộ; Thể lệ giải bóng đá; quy định về nếp sống văn minh ở ký túc xá...) thường được ban hành độc lập hoặc kèm theo sau một quyết định, sau khi đã được thoả thuận, thống nhất.
Các văn bản hành chính thông thường.
# Thông báo Truyền đạt kịp thời một quyết định.
# Báo cáo Phản ánh toàn bộ hoạt động và những kiến nghị của mình hoặc tường trình về một vấn đề, một công việc cụ thể nào đó hoặc xin ý kiến chỉ đạo.
# Chương trình Kế hoạch hoạt động, đề cương công tác...
# Công văn Dùng để giao dịch, nhắc nhở, trả lời, đề nghị, mời họp...
# Biên bản Ghi các ý kiến trong các cuộc họp hoặc lập biên bản về một sự kiện đặc biệt xẩy ra.
# Giấy giới thiệu Cấp cho đại diện được uỷ quyền để liên hệ, giao dịch, giải quyết công việc. Thường dùng mẫu in sẵn.
2. Một số vấn đề cần lưu ý khi xây dựng văn bản.
- Nắm vững vấn đề đặt ra để chọn thể loại cho phù hợp. Trong một văn bản chỉ nên tập trung vào một vấn đề, tránh nêu các vấn đề đối lập nhau hoặc trùng lặp trong cùng một văn bản để nâng tính hiệu lực.
- Trong văn bản cần xác định rõ phạm vi hiệu lực, đối tượng tác động, thời gian, không gian, trách nhiệm thực hiện...
- Bảo đảm tính kế thừa của văn bản, văn bản cấp dưới phục tùng văn bản cấp trên.
3. Thể thức một văn bản.
Mỗi văn bản thường bao gồm các yếu tố sau:
1. Quốc hiệu và tiêu ngữ: Biểu hiện chế độ chính trị và mục tiêu của Nhà nước.
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Trình bày bằng hai dòng trên cùng chính giữa trang giấy hoặc chếch về phía phải, có gạch chân.
Thông thường, các văn bản của Đoàn, Hội, Đội lưu hành trong hệ thống thì không cần viết quốc hiệu và tiêu ngữ.
2. Tên cơ quan ra văn bản: Nêu rõ mối quan hệ trong hệ thống. Ví dụ:
ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH
BCH TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH
Trình bày ở dòng trên cùng bên góc trái của văn bản.
3. Số và ký hiệu cuả văn bản:
Ví dụ: Số ... /.... (Số: 50 TB/ĐTN)
Số của văn bản được đánh theo thứ tự của một năm hoặc một nhiệm kỳ.
Ký hiệu của văn bản bao gồm tên viết tắt thể loại văn bản và tổ chức ban hành văn bản.
4. Địa danh và ngày tháng:
Ví dụ: Vinh, ngày 26 tháng 3 năm 2002.
Được trình bày ở dưới quốc hiệu và tiêu ngữ. Thông thường các văn bản của Đoàn, Hội, Đội do không phải trình bày Quốc hiệu và tiêu ngữ nên địa danh và ngày tháng của văn bản thường được viết ở dòng đầu tiên phía bên phải văn bản.
5. Tên văn bản và trích yếu:
Ví dụ:
QUYẾT ĐỊNH
V/v khen thưởng danh hiệu "Sao tháng Giêng"
năm 2009
Trong đó tên văn bản dùng chữ in hoa ở chính giữa. Phần trích yếu dùng chữ nhỏ nêu khái quát nội dung chủ yếu của văn bản.
Thông thường, đối với các công văn chỉ đề:
Kính gửi: ...................................................................
(Phần trích yếu của công văn đặt dưới số và ký hiệu)
6. Nội dung văn bản: Gồm 3 phần:
Phần mở đầu: Thường nêu mục đích, ý nghĩa, kiểm điểm ,đánh giá hoặc xuất xứ vấn đề.
Phần thân của văn bản: Là phần cốt yếu trình bày toàn bộ vấn đề cần nêu.
Phần kết thúc: Thường nêu kết luận, biện pháp thi hành, yêu cầu cụ thể của văn bản hoặc lời cảm ơn.
7. Phần chứng nhận văn bản: Đây là phần thể hiện tính pháp quy, hiệu lực văn bản thông qua con dấu của tổ chức và chữ ký của người có trách nhiệm ra văn bản. Phần này được trình bày ở dưới, cuối văn bản, bên góc phải. Ví dụ:
TM.BAN CHẤP HÀNH HỘI SINH VIÊN TRƯỜNG
Chủ tịch
(Ký tên, đóng dấu)
Họ và tên người ký
Đóng dấu tròn trùm lên 1/3 chữ ký về phía bên trái.
8. Phần khách thể của văn bản: Ghi nơi cần chuyển công văn tới theo tính chất khác nhau: Để thi hành, để thay báo cáo, để biết, để phối hợp và để lưu trữ. Trình bày phần này ở cuối văn bản, bên góc trái theo mẫu sau:
Nơi nhận:
- Như trên (nếu gửi cho cấp dưới ghi rõ: để thực hiện )
- Cấp có liên quan: để phối hợp.
- Cấp trên: để báo cáo
- Lưu Văn phòng
4. Phương pháp soạn thảo một số văn bản thường dùng.
# Soạn thảo báo cáo:
1. Những yêu cầu khi soạn thảo báo cáo:
- Phải đảm bảo trung thực, chính xác.
- Nội dung báo cáo phải cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm.
- Báo cáo phải kịp thời.
2. Các loại báo cáo:
- Báo cáo tháng, quý, 6 tháng, cả năm.
- Báo cáo sơ kết học kỳ hoặc tổng kết năm học
- Báo cáo bất thường, đột xuất.
- Báo cáo chuyên đề.
- Báo cáo hội nghị.
3. Phương pháp viết một văn bản báo cáo:
a. Công tác chuẩn bị:
- Xác định mục đích yêu cầu của báo cáo.
- Xây dựng đề cương khái quát, đề cương chi tiết.
- Phần nội dung thường có 3 phần nhỏ sau:
Phần 1: Nêu thực trạng tình hình hoặc mô tả sự việc, hiện tượng xẩy ra.
Phần 2: Phân tích nguyên nhân, điều kiện của sự việc, hiện tượng, đánh giá tình hình, xác định những công việc cần tiếp tục giải quyết.
Phần 3: Nêu những phương hướng nhiệm vụ, biện pháp chính để tiếp tục giải quyết, cách tổ chức thực hiện.
- Thu thập thông tin, tư liệu để đưa vào báo cáo.
- Chọn lọc tài liệu, tổng hợp sự kiện và số liệu phục vụ các yêu cầu trọng tâm của báo cáo.
- Đánh giá tình hình qua tài liệu, số liệu một cách khái quát.
- Dự kiến những đề xuất kiến nghị với cấp trên.
b. Xây dựng đề cương chi tiết:
- Mở đầu:
Nêu những điểm chính về nhiệm vụ, chức năng của tổ chức mình, về chủ trương công tác do cấp trên hướng dẫn hoặc việc thực hiện kế hoạch công tác của đơn vị mình. Đồng thời nêu những điều kiện, hoàn cảnh có ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện chủ trương công tác nêu trên.
- Nội dung chính:
+ Kiểm điểm những việc đã làm, những việc chưa hoàn thành.
+ Những ưu, khuyết điểm trong quá trình thực hiện.
+ Xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan.
+ Đánh giá kết quả, rút ra bài học kinh nghiệm.
- Kết luận báo cáo:
+ Phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.
+ Các giải pháp chính để khắc phục các khuyết, nhược điểm.
+ Các biện pháp tổ chức thực hiện.
+ Những kiến nghị với cấp trên.
+ Nhận định những triển vọng.
c. Viết dự thảo báo cáo:
- Báo cáo nên viết bằng ngôn ngữ phổ cập, nêu các sự kiện, nhận định, đánh giá, có thể dùng các số liệu để minh hoạ, trình bày theo lối biểu mẫu, theo sơ đồ và các bản đối chiếu nếu xét thấy dễ hiểu và ngắn gọn.
- Không vận dụng lối hành văn cầu kỳ.
- Những báo cáo chuyên đề, có thể dùng bảng phụ lục để tổng hợp các số liệu liên quan đến nội dung báo cáo, có thể lập bảng thống kê các biểu mẫu so sánh, các tài liệu tham khảo...
d. Đối với báo cáo quan trọng:
Cần tổ chức cuộc họp hoặc hội nghị lấy ý kiến đóng góp, bổ sung, sửa đổi bản dự thảo báo cáo cho thống nhất và khách quan hơn.
e. Trình lãnh đạo thông qua:
Đối với báo cáo gửi lên cấp trên, báo cáo trong hội nghị, báo cáo chuyên đề cần phải có sự xét duyệt của lãnh đạo trước khi gửi đi nhằm thống nhất với các quyết định quản lý và các thông tin khác mà người lãnh đạo chủ chốt đã cung cấp cho cấp trên hoặc hội nghị.
# Soạn thảo công văn.
1. Những yêu cầu khi soạn thảo công văn:
- Mỗi công văn chỉ chứa đựng một chủ đề nêu rõ ràng và thuần nhất sự vụ.
- Viết ngắn gọn, súc tích, rõ ràng, ý tưởng sát với chủ đề.
- Dùng ngôn ngữ chuẩn xác, nghiêm túc, có sức thuyết phục cao.
- Phải có trích yếu công văn dù là công văn ngắn.
2. Xây dựng bố cục một công văn:
Công văn thường có các yếu tố sau: Quốc hiệu và tiêu ngữ; Địa danh và thời gian gửi công văn; Tên cơ quan chủ quản và cơ quan ban hành công văn; Chủ thể nhận công văn; Số và ký hiệu công văn; Trích yếu nội dung; Nội dung công văn; Chữ ký, đóng dấu; Nơi nhận.
3. Phương pháp soạn thảo nội dung công văn:
- Nội dung công văn thường có 3 phần:
+ Viện dẫn vấn đề.
+ Giải quyết vấn đề.
+ Kết luận vấn đề.
- Cách viết phần viện dẫn: Phần này phải nêu rõ lý do tại sao, dựa trên cơ sở nào để viết công văn. Có thể giới thiệu tổng quát nội dung vấn đề đưa ra, làm rõ mục đích, yêu cầu.
- Cách viết phần nội dung, chính là nhằm nêu ra các phương án giải quyết vấn đề đã nêu:
+ Sắp xếp ý nào cần viết trước, ý nào sau để làm nổi bật chủ đề cần giải quyết.
+ Xin lãnh đạo cấp trên về hướng giải quyết.
Phải sử dụng văn phong phù hợp với từng thể loại công văn, có lập luận chặt chẽ bảo vệ các quan điểm đưa ra. Đối với từng loại công văn có những cách thể hiện đặc thù.
+ Công văn đề xuất thì phải nêu lý do xác đáng, lời văn chặt chẽ, cầu thị.
+ Công văn tiếp thu phê bình đúng sai cũng phải mềm dẻo, khiêm tốn, nếu cần thanh minh phải có dẫn chứng bằng sự kiện thật khách quan, có sự đề nghị xác minh kiểm tra qua chủ thể khác.
+ Công văn từ chối thì phải dùng ngôn ngữ lịch sự và có sự động viên cần thiết.
+ Công văn đôn đốc thì phải dùng lời lẽ nghiêm khắc nêu lý do kích thích sự nhiệt tình, có thể nêu khả năng xẩy ra những hậu quả nếu công việc không hoàn thành kịp thời.
+ Công văn thăm hỏi thì trong ngôn ngữ phải thể hiện sự quan tâm chân tình, không chiếu lệ, sáo rỗng.
- Cách viết phần kết thúc công văn:
+ Viết ngắn, gọn, chủ yếu nhấn mạnh chủ đề và xác định trách nhiệm thực hiện các yêu cầu (nếu có) và lưu ý viết lời chào chân thành, lịch sự trước khi kết thúc (có thể là một lời cảm ơn nếu thấy cần thiết).
Công văn là tiếng nói của cơ quan chứ không bao giờ là tiếng nói của riêng ai dù là thủ trưởng. Vì vậy nội dung công văn chỉ nói đến công vụ. Không dùng ngôn ngữ mang màu sắc cá nhân hoặc dùng công văn để trao đổi tình cảm với nhau.
# Soạn thảo tờ trình.
1. Những yêu cầu khi soạn thảo tờ trình:
- Phân tích căn cứ thực tế làm nổi bật được các nhu cầu bức thiết của vấn đề cần trình duyệt.
- Nêu các nội dung xin phê chuẩn phải rõ ràng, cụ thể.
- Các kiến nghị phải hợp lý.
- Phân tích các khả năng và trình bày khái quát các phương án phát triển thế mạnh, khắc phục khó khăn.
2. Xây dựng bố cục tờ trình:
Thiết kế bố cục thành 3 phần:
- Phần 1: Nêu lý do đưa ra nội dung trình duyệt.
- Phần 2: Nội dung các vấn đề cần đề xuất (trong đó có trình các phương án, phân tích và chứng minh các phương án là khả thi).
- Phần 3: Kiến nghị cấp trên (hỗ trợ, bảo đảm các điều kiện vật chất, tinh thần). Yêu cầu phê chuẩn, chẳng hạn xin lựa chọn một trong các phương án, xin cấp trên duyệt một vài phương án xếp thứ tự, khi hoàn cảnh thay đổi có thể chuyển phương án từ chính thức sang dự phòng.
3. Cách viết tờ trình:
- Trong phần nêu lý do, căn cứ dùng cách hành văn để thể hiện được nhu cầu khách quan, do hoàn cảnh thực tế đòi hỏi.
- Phần đề xuất: dùng ngôn ngữ và cách hành văn có sức thuyết phục cao nhưng rất cụ thể, rõ ràng, tránh phân tích chung chung, khó hiểu. Các luận cứ phải lựa chọn điển hình từ các tài liệu có độ tin cậy cao, khi cần phải xác minh để đảm bảo sự kiện và số liệu trung thực.
Nêu rõ các thuận lợi, các khó khăn trong việc thực thi các phương án, tránh nhận xét chủ quan, thiên vị, phiến diện...
- Các kiến nghị: Phải xác đáng, văn phong lịch sự, nhã nhặn, luận chứng phải chặt chẽ, nội dung đề xuất phải bảo đảm tính khả thi mới tạo ra niềm tin cho cấp phê duyệt. Tờ trình phải đính kèm các phụ lục để minh hoạ thêm cho các phương án được đề xuất kiến nghị trong tờ trình.
# Soạn thảo thông báo.
1. Xây dựng bố cục thông báo:
Bản thông báo cần có các yếu tố:
- Quốc hiệu và tiêu ngữ.
- Địa danh và ngày tháng năm ra thông báo.
- Tên cơ quan thông báo.
- Số và ký hiệu công văn.
- Tên văn bản (thông báo) và trích yếu nội dung thành các mục, các điều cho dễ nhớ.
2. Trong thông báo cần đề cập ngay vào nội dung cần thông tin và không cần nêu lý do, căn cứ, hoặc nêu tình hình chung như các văn bản khác. Loại thông báo cần giới thiệu các chủ trương, chính sách thì phải nêu rõ tên, số và ngày tháng ban hành văn bản đó trước khi nêu những nội dung khái quát.
Trong thông báo, dùng cách hành văn phải rất rõ ràng, dễ hiểu và mang tính đại chúng cao, cần viết rất ngắn gọn, đủ thông tin, không bắt buộc phải lập luận hay biểu lộ tình cảm như trong các công văn, phần kết thúc chỉ cần tóm tắt lại mục đích và đối tượng cần được thông báo.
Ngoài ra, phần kết thúc không yêu cầu lời lẽ xã giao kiểu công văn hoặc xác định trách nhiệm thi hành như văn bản pháp quy.
Phần đại diện ký thông báo: Không bắt buộc phải là thủ trưởng cơ quan mà là những người giúp việc có trách nhiệm về các lĩnh vực được phân công hay uỷ quyền ký và trực tiếp thông báo dưới danh nghĩa thừa lệnh thủ trưởng cơ quan.
# Soạn thảo biên bản.
1. Yêu cầu của một biên bản:
- Số liệu, sự kiện phải chính xác, cụ thể.
- Ghi chép trung thực, đầy đủ, không suy diễn chủ quan.
- Nội dung phải có trọng tâm, trọng điểm.
- Thủ tục chặt chẽ, thông tin có độ tin cậy cao (nếu có tang vật, chứng cứ, các phụ lục diễn giải phải gửi kèm biên bản). Đòi hỏi trách nhiệm cao ở người lập và những người có trách nhiệm ký chứng thực biên bản. Thông tin muốn chính xác, có độ tin cậy cao phải được đọc lại cho mọi người có mặt cùng nghe, sửa chữa lại cho khách quan, đúng đắn và tự giác (không được cưỡng bức) ký vào biên bản để cùng chịu trách nhiệm.
2. Cách xây dựng bố cục:
Trong biên bản phải có các yếu tố sau:
- Quốc hiệu và tiêu ngữ.
- Tên biên bản và trích yếu nội dung.
- Ngày, tháng, năm, giờ (ghi rất cụ thể thời gian giờ phút lập biên bản).
- Thành phần tham dự (kiểm tra, xác nhận sự kiện thực tế, dự họp hội...).
- Diễn biến sự kiện thực tế (phần nội dung).
- Phần kết thúc (ghi thời gian và lý do).
- Thủ tục ký xác nhận.
3. Phương pháp ghi chép biên bản:
Các sự kiện thực tế có tầm quan trọng xẩy ra như: Đại hội, việc xác nhận một sự kiện pháp lý, việc kiểm tra hành chính, khám xét khám nghiệm, ghi lời khai báo, lời tố cáo khiếu nại, biên bản bàn giao công tác, bàn giao tài sản... thì phải ghi đầy đủ, chính xác và chi tiết mọi nội dung và tình tiết nhưng phải chú ý các vấn đề trọng tâm của sự kiện. Nếu là lời nói trong cuộc họp, hội nghị quan trọng, lời cung, lời khai... phải ghi nguyên văn, đầy đủ và yêu cầu người nói nghe lại và xác nhận từng trang.
Trong các sự kiện thông thường khác như biên bản cuộc họp định kỳ, họp thảo luận nhiều phương án, biện pháp để lựa chọn, họp tổng kết, bình xét... có thể áp dụng loại biên bản tổng hợp: tức là chỉ cần ghi những nội dung quan trọng một cách đấy đủ nguyên văn, còn những nội dung thông thường khác có thể ghi tóm tắt những ý chính, nhưng luôn luôn phải quán triệt nguyên tắc trung thực, không suy diễn chủ quan.
Phần kết thúc biên bản: Phải ghi thời gian chấm dứt sự kiện thực tế như: Bàn giao xong, hội nghị kết thúc, kiểm tra, khám nghiệm kết thúc lúc mấy giờ... ngày... Biên bản đã đọc lại cho mọi người cùng nghe (có bổ sung sửa chữa nếu có yêu cầu) và xác nhận là biên bản phản ánh đúng sự kiện và cùng ký xác nhận. Trong biên bản cần hết sức lưu ý việc ký xác nhận (phải có tối thiểu hai người ký) thì các thông tin trong biên bản mới có độ tin cậy cao. Thông thường trong các cuộc họp, hội nghị, biên bản phải có thư ký và chủ toạ ký xác nhận.
KỸ_NĂNG_SOẠN_THẢO_VĂN_BẢN_101703074018.doc