Thực hiện Kế hoạch năm học 2022-2023, Kế hoạch số 79/KH-ĐHV ngày 16/9/2022 của Trường Đại học Vinh về việc Tổng kết hoạt động giảng dạy các học phần dạy học dựa vào dự án và tổ chức cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Trường Đại học Vinh năm 2022”, ngày 02/10/2022 tại Phòng họp tầng 8 Nhà điều hành, Trường Kinh tế - Trường Đại học Vinh tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động giảng dạy các học phần dạy học dựa vào dự án năm học 2021-2022.
Tham dự Hội nghị, về phía Trường Đại học Vinh có TS. Nguyễn Lê Ái Vĩnh - Phó Trưởng phòng Đào tạo; PGS. TS Nguyễn Xuân Dũng - Phòng Khoa học và hợp tác quốc tế. Về phía Trường Kinh tế - Trường Đại học Vinh, có PGS.TS Thái Thị Kim Oanh - Phó Hiệu trưởng phụ trách; PGS.TS Nguyễn Thị Minh Phượng - Phó Hiệu trưởng; TS. Hồ Mỹ Hạnh - Phó Hiệu trưởng và toàn thể cán bộ, giảng viên Trường Kinh tế.
Hội nghị đã đánh giá kết quả triển khai, thực hiện các mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ tổ chức giảng dạy các học phần dạy học dựa vào dự án trong năm học 2021-2022 và đề ra kế hoạch chi tiết triển khai các học phần dạy học dựa vào dự án cho tất cả các khoá và trọng tâm là khoá 62, 63 của Nhà trường. Tại Hội nghị một số tham luận về công tác giảng dạy đã được trình bày:
1. ThS. Nguyễn Đình Tiến - Khoa Tài chính Ngân hàng “Báo cáo về công tác giảng dạy học phần Tín dụng Ngân hàng” Thứ nhất, Thông qua kết quả học tập của sinh viên, học phần Tín dụng Ngân hàng cơ bản đã đáp ứng được các chuẩn đầu ra của học phần. Thứ hai, Thông qua đồ án môn học đã giúp sinh viên hứng thú với học phần nhiều hơn, hiểu kiến thức thực tiễn hơn và có khả năng vận dụng các kiến thức đã được học vào thực tế. Bao gồm: (1) Sinh viên có thể lập bộ hồ sơ vay vốn và tờ trình thẩm định cho các đối tượng khách hàng khác nhau; (2) Sinh viên có thể phân tích được nghiệp vụ tín dụng theo yêu cầu của đồ án gắn với thực tiễn.
2. TS. Hồ Thị Diệu Ánh - Khoa QTKD “Hoạt động giảng dạy các học phần dự án năm học 2021-2022 và định hướng triển khai cho năm học 2022-2023 của Khoa QTKD”. Tham luận đã trình bày các điểm đạt được về công tác giảng dạy các học phần dự án, đó là đáp ứng được vòng tròn CDIO; Kỹ năng sinh viên được thực hành chi tiết trong quá trình thực hiện đồ án và đánh giá được chuẩn đầu ra về kỹ năng và thái độ của sinh viên. Đồng thời nhấn mạnh một số khó khăn vướng mắc, đặc biệt là số lượng sinh viên trên lớp quá đông khó bố trí nhóm. Số lượng giảng viên đảm nhận trên số lớp khá nhiều.
3. TS. Phạm Thị Thuý Hằng - Khoa Kế toán “Báo cáo tổng kết giảng dạy học phần dự án năm học 2021- 2022 ngành Kế toán”, tham luận đã làm nổi bật được một số nội dung trong công tác giảng dạy như: SV được hoạt động trải nghiệm nhiều không gian học tập, giảng viên chú trọng tổ chức hoạt động học tập, tương tác tích cực, thay đổi phương pháp đánh giá thường xuyên, sinh viên được thực hành rèn nghề từ sớm, trải dài qua từng học kì và được thể hiện ở hoạt động thực tập, thực tế tại các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, vẫn còn một số khó khăn vướng mắc trong công tác đánh giá các học phần dự án/đồ án được thực hiện phù hợp với chuẩn đầu ra học phần (CLO), nhưng ở cấp PLO chưa đảm bảo sự kết nối, đảm bảo đánh giá được mức độ phát triển của năng lực SV theo các CĐR chương trình; Khối lượng cộng việc thực hiện trong quá trình giảng dạy quá lớn, tuy nhiên cơ chế không thay đổi; Hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ đào tạo trực tuyến và trực tiếp chưa thực sự đồng bộ, ảnh hưởng không nhỏ đến khối lượng công việc của giảng viên.
4. TS. Trần Thị Thanh Thuỷ - Khoa Kinh tế “Báo cáo thực trạng giảng dạy học phần Quản lý dự án đầu tư năm học 2021-2022 và giải pháp triển khai cho năm học 2022-2023 đáp ứng Chuẩn đầu ra”, tham luận đã chỉ ra nội dung của đồ án dựa trên số liệu dự án đầu tư mô phỏng do sinh viên đưa ra, không phải là dự án đầu tư có thật trong thực tế và đề xuất các giải pháp cho sinh viên tham gia trải nghiệm quản lý dự án thực tế, tiếp cận các phần mềm quản lý dự án, xin số liệu các dự án đầu tư của các tổ chức này để làm đồ án; tăng cường kết nối với tổ chức, doanh nghiệp có hoạt động quản lý dự án.
5. ThS. Bành Thị Thảo - Ban CDIO “Đánh giá kết quả học phần theo chuẩn đầu ra của học phần dạy học dự án”. Tham luận nhấn mạnh về khung liên kết giữa chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo với hoạt động dạy - học và đánh giá kết quả học tập là vô cùng chặt chẽ. Trong quá trình dạy - học, đánh giá kết quả học tập là khâu cuối cùng. Tuy nhiên để đạt hiệu quả hoạt động kiểm tra đánh giá kết quả học tập theo chuẩn đầu ra thì 3 thành tố trên cần có mối liên hệ tác động qu lại theo vòng tròn khép kín. Tham luận đề xuất một số giải pháp cần thiết như: Rà soát lại ma trận phân nhiệm các chuẩn đầu ra chương trình đào tạo cho các học phần; Phát triển, cải tiến hệ thống LMS nhanh, phù hợp với đặc thù các học phần của trường Đại học Vinh nói chung và khối ngành Kinh tế nói riêng để giúp giảng viên quản lý các minh chứng, dữ liệu của quá trình đánh giá học phần theo CĐR nhanh chóng. Tập huấn chuyên sâu cho giảng viên về các công cụ đánh giá, phương pháp đánh giá theo chuẩn đầu ra. Cải thiện cơ sở hạ tầng học tập, môi trường học tập cho giảng viên đối với các học phần dạy học dự án. Ngoài ra, Hội nghị đã nghe các đại biểu tham gia thảo luận sôi nổi, nghiêm túc, trách nhiệm, đề xuất những vướng mắc trong quá trình giảng dạy các học phần dạy học dựa vào dự án. Các ý kiến tập trung định hướng, giải đáp về những khó khăn, bất cập trong việc triển khai thực hiện. Chúng ta tin tưởng và hy vọng rằng, với sự quan tâm chỉ đạo của Trường Đại học Vinh, sự phối hợp của các phòng, ban chức năng, đặc biệt là sự nỗ lực hết mình của cán bộ quản lí, cán bộ, giảng viên Trường Kinh tế, năm học 2022-2023 sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa.
Tin bài: Đoàn Trường Kinh tế