Mô hình chia sẻ kinh nghiệm này mong muốn tạo động lực, chia sẻ bí quyết ôn thi hiệu quả cho các sĩ tử năm nay, tạo sợi dây kết nối giữa sinh viên các khoa, viện Trường Đại học Vinh và các bạn học sinh cấp THPT hiện nay.
Mô hình được chia làm các bài đăng chia sẻ kinh nghiệm ôn thi tháng cuối cùng dành cho các môn học tương ứng với các môn thi tốt nghiệp THPT. Các cá nhân chia sẻ kinh nghiệm là sinh viên đạt điểm cao trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020, và có học lực Giỏi, rèn luyện Tốt trở lên trong năm học 2020 - 2021. Dưới đây là một số bí quyết đã được chia sẻ:
Mai Hà Linh - SV Lớp 61A1 SP Tiếng Anh, đạt 9,6 điểm môn Toán trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2021:
“Theo kinh nghiệm ôn thi của mình, việc tự học là vô cùng cần thiết và mang lại hiệu quả trong quá trình ôn thi. Theo mình, trong tháng cuối cùng các bạn cần biết được sức học của bản thân từ đó lên một kế hoạch ôn thi hợp lý, tránh học tràn lan, không có định hướng. Đối với môn toán, các bạn nên hệ thống lại và nắm chắc những kiến thức cơ bản trước khi học phần nâng cao.
Các bạn nên dành thời gian làm 1 số đề thi thử, đề thi minh họa để làm quen với cấu trúc đề thi . Khi làm đề các bạn nên chọn cho mình một không gian yên tĩnh, thoải mái, tự bấm thời gian sau đó tập trung làm bài một cách cẩn thận cũng như phân bổ thời gian một cách hợp lý. Hãy cố gắng làm chắc chắn phần nhận biết và thông hiểu, tránh để bị mất điểm không đáng có. Sau khi làm và chấm, các bạn bổ sung và xem lại những kiến thức mình đang bị hổng và lưu ý những lỗi mình thường hay sai trong quá trình làm đề. Việc số lượng bao nhiêu đề không quan trọng bằng chất lượng sau mỗi lần các bạn làm đề.
Bên cạnh đó, các bạn có thể học thêm các mẹo hoặc thủ thuật nhỏ trong việc giải đề, các phương pháp giải nhanh kết hợp với máy tính cầm tay để có thể hỗ trợ một phần trong quá trình các bạn làm đề thi môn Toán. Và trong thời gian nước rút này thì việc giữ gìn sức khoẻ là điều vô cùng quan trọng, các bạn nên có một thời gian biểu học tập, ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý để có một tinh thần tốt cho kì thi sắp tới."
Thái Nguyễn Phương Thảo - SV Lớp 61B5 Ngôn ngữ Anh, đạt 9,25 điểm môn Ngữ Văn trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2021:
“Xác định được sẽ đi theo khối D từ những năm mới bước vào trường THPT nên mình đã tập trung học chủ yếu ba môn Toán, Văn , Anh. Chỉ còn một tháng cuối cùng trước khi bước vào kỳ thi quan trọng nhất cuộc đời, dưới áp lực của thời gian và cả áp lực do chính mình tạo ra chắc hẳn các bạn đều rất mệt mỏi và chán nản. Mình cũng không phải học sâu hiểu rộng gì nhưng trên cương vị từng là một sĩ tử, ngày này năm trước cũng đang vật lộn với kiến thức, mình muốn chia sẻ đến các bạn những kinh nghiệm, tips nho nhỏ mà bản thân từng sử dụng để áp dụng vào quá trình ôn tập nước rút môn Văn. Hy vọng nó giúp các bạn.
1. "Take it easy" : Căng thẳng là điều không thể tránh khỏi nhưng căng quá là đứt dây nha mọi người. Hãy tìm cách để thả lỏng bớt tâm trí của bản thân, đừng quay cuồng trong vòng quay học tập dù biết rằng chúng ta có nhiều cái cần lo thật nhưng nếu chỉ có lo lắng quá mức sẽ khiến chúng ta mệt mỏi, sức học tập giảm sút. Đầu óc dành hết để lo rồi thì đâu còn chỗ cho kiến thức. Hãy dành thời gian ra ngoài, hít thở không khí, tập thể dục này hoặc đi dạo phố với bạn bè xíu xiu, nấu ăn,.. Bất cứ gì khiến các bạn thoải mái. Tâm trạng tốt mới đem lại kết quả tốt, mình luôn tin là vậy.
2. Học bằng sơ đồ tư duy: một tác phẩm văn học chứa đựng nhiều nội dung kiến thức nên chúng ta không thể dành hàng giờ học thuộc từng câu từng chữ trong bài giảng văn và bài thầy cô cho ghi, điều đó là không thể. Thay vào đó hãy sơ đồ hóa toàn bộ kiến thức: Tóm tắt thành ý chính sau đó phân ra các ý nhỏ tiểu tiết hơn; với văn thì chia ý theo các nhân vật, tập trung vào các chi tiết đặc sắc, với thơ thì tách ý theo một đoạn hoặc từng câu nhỏ.
3. Đọc thêm tài liệu, bài giảng của thầy cô để nắm bắt được cách hành văn, sử dụng từ ngữ đa dạng hơn. Nhưng đừng ép mình học thuộc vì dễ gây căng thẳng và nếu không may thì cái chúng ta học chưa chắc là đề thi người ta ra. Dùng nó như tài liệu tham khảo thôi nhé. Ngoài ra, các bạn nên đọc thêm các tài liệu ngoài như báo, báo điện tử, trang mạng xã hội về tin tức, đời sống để thu thập thêm tư liệu dùng liên hệ với bài viết NLXH và NLVH để nâng bài làm của mình lên một tầm cao mới.
4. Luyện đề dưới áp lực thời gian: Càng làm nhiều thì chúng ta mới cải thiện kĩ năng, quen cách làm bài và áp lực thời gian, nhất là bài đọc hiểu và NLXH. Các bạn cần làm nhanh để dành thời gian cho phần NLVH thật "so deep". Chịu khó sưu tầm thêm ngoài nguồn tài liệu cô giáo cho trên lớp, mỗi ngày dành thời gian luyện một đề. Nhưng đừng gò ép bản thân quá nhé.
5. Ngày trước, lúc ôn thi với từng tác phẩm trọng tâm mình thường thủ sẵn cho mình một chiếc mở bài thật ấn tượng, đặc sắc vì các bạn biết đấy ấn tượng đầu tiên luôn quan trọng và việc này giúp mình đỡ tốn thời gian hơn trong phòng thi, dồn năng lượng cho phần phân tích sau.
Nhưng quan trọng nhất muốn viết văn hay chúng ta phải cảm được tác phẩm, Văn 12 nhiều bài văn cách mạng, phải gợi được cảm xúc giống như người trong cuộc. Tìm hiểu tài liệu lịch sử nè, coi phóng sự, tư liệu hay,... Khi chúng mình tự suy ngẫm, tự cảm thụ được tác phẩm kiến thức sẽ ở lại với chúng ta lâu hơn và nhiều khi còn khám phá ra những góc cạnh độc đáo mang màu sắc cá nhân.
Cố lên các bạn ! Những tháng ngày khó khăn ôn luyện sắp qua rồi. Nhất định phải làm thật tốt để không phụ công sức chính bản thân mình và cả những người đã yêu thương, gửi gắm hy vọng nơi chúng ta. Tên chúng ta đẹp như vậy nhất định phải nằm trên giấy báo trúng tuyển của ngôi trường đại học các bạn mơ ước."
Nguyễn Nguyệt Anh - SV Lớp 61A1 SP Tiếng Anh CLC, đạt 9.6 điểm môn Tiếng Anh trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2021:
"Theo kinh nghiệm ôn thi của bản thân, mình chia ra hai mảng cần tập trung nhất, đó là xem lại bài đã làm và điều chỉnh thói quen sinh hoạt trong tháng cuối cùng.
Đối với học tập, mình không còn luyện đề nhiều nữa mà tập trung xem lại toàn bộ những đề mình đã làm, highlight lỗi sai và học lại bằng flashcard.
Hãy chắc chắn rằng chúng ta học thuộc hết các từ xuất hiện trong sách giáo khoa trước khi chuyển sang học nhóm từ vựng khác nhé. Ngoài ra mình cũng nhờ người nhà hỏi lại và kiểm tra giúp mình xem đáp án đã đúng chưa. Cách này không chỉ có ích đối với môn Tiếng Anh mà còn rất hiệu quả khi các bạn học tổ hợp môn Khoa học Xã hội nữa.
Về việc ôn lại từ vựng và cấu trúc hay sai các bạn có thể sử dụng app Quizlet để tự tạo bộ flashcard giúp mình dễ học hơn nhé.
Đối với thói quen sinh hoạt, mình tập cách ngủ sớm từ 9h30 - 10h để sáng hôm sau có thể tập trung nhất vào 7h30 - 11h, đúng với giờ mà mình sẽ thi vào ngày chính thức. Chúng ta đã thức khuya để học trong một khoảng thời gian khá dài, nếu như các bạn để trước hôm thi mới ngủ sớm thì rất dễ trằn trọc tầm 1 đến 2 tiếng rồi mới vào giấc ngủ được, điều này dễ làm chúng ta bị mệt vào sáng hôm sau, ảnh hưởng đến chất lượng bài làm của mình. Vậy nên hãy tập cho mình thói quen ngủ sớm và dậy sớm từ bây giờ nhé.
Các bạn đã đi một chặng hành trình rất dài để đến được đoạn đường này. Hãy bình tâm, tự tin và phấn đấu hết mình vì những gì mình đã đặt mục tiêu nhé.”
Nguyễn Viết Hưng - SV Lớp 61A3 SP Tiếng Anh, đạt 10 điểm môn Giáo dục Công dân trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2021:
“Trên con đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng” Hãy nỗ lực hết mình để kết quả sẽ làm mình bất ngờ! Hôm nay mình xin phép chia sẻ kinh nghiệm quá trình ôn thi môn Giáo dục công dân cho kỳ thi THPTQG cho giai đoạn nước rút, bao gồm 3 việc cần làm:
Việc đầu tiên: Nắm vững các đơn vị kiến thức trong sách giáo khoa như: Khái niệm, các đặc điểm của bài học/vấn đề. Để thực hiện tốt việc này, bạn nên xem lại vở ghi trên lớp mà thầy cô đã cho ghi. Sau đó tự ôn luyện lại bằng các gạch chân từ khoá. Mình cho rằng đây là giai đoạn cơ bản và then chốt!
Việc thứ 2: Sau khi đã ôn lại kiến thức, ngay lập tức phải bắt tay vào luyện đề. Chỉ có luyện đề mới giúp chúng ta ôn luyện lại và khắc sâu lý thuyết hơn. Các bạn hãy chăm chú và kiên trì làm những đề thầy cô giáo ra trên lớp, trong quá trình chữa hãy ghi chú lại những lỗi sai vào 1 quyển sổ tay nhỏ. Về nhà các bạn có thể sưu tầm thêm các đề trên mạng để tự luyện thêm.
Việc cuối cùng: Trước khi thi vài ngày, công việc của mình là tập hợp tất cả các đề đã làm lại 1 chỗ. Lúc này mình không giải đề nữa mà là rà soát lại những lỗi sai song song với việc ghi chú lại đơn vị kiến thức liên quan để rút kinh nghiệm cho lúc đi thi.
“ Where there’s a will, there’s a way”
Hãy luôn kiên định với mục tiêu của bản thân và không ngừng nỗ lực vì nó nhé! Chúc các bạn ôn thi tốt và đạt điểm cao!"
Với những bí quyết được chia sẻ từ chính những gương mặt thí sinh đã vượt qua những khó khăn của đại dịch Covid 19 để đạt kết quả cao của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020, hi vọng sẽ mang tới những kinh nghiệm bổ ích cho các sỹ tử năm nay. Chúc các bạn thành công!
Nguồn: Khoa Sư phạm Ngoại ngữ - Đại học Vinh.