Mỗi sáng mai thức giấc khi những tia nắng ngủ
dậy lấp ló trên những tán lá cây,nhẹ nhàng xuyên qua màn sương mờ bao trùm
không gian nơi núi rừng xa xôi của đồng bằng dân tộc thiểu số ở vùng Tây Bắc tỉnh
Nghệ An, chúng tôi lại thức dậy vươn vai thở phào nhẹ nhõm, nở một nụ cười thật
tươi, ngắm cỏ cây đón chào bình minh qua khung cửa sổ nhỏ của nhà sàn và rồi thầm
cảm ơn cuộc đời đã cho tôi những chuyến đi trọn vẹn, những trải nghiệm không thể
nào quên của cuộc đời sinh viên để rồi mỗi sáng mai thức giấc tôi lại có thêm một
ngày để yêu thương, một ngày để cống hiến sức trẻ, tâm huyết tuổi thanh xuân, một
ngày để cảm nhận thêm những dư vị của cuộc sống, để thấy còn bao nhiêu mảnh đời
bất hạnh quanh ta, để cảm thấy bản thân mình còn may mắn hơn biết bao người và
còn để thấy được cuộc đời sẽ thật đẹp, thật đáng sống biết bao khi chúng ta biết
cho đi, biết sẻ chia và yêu thương lẫn nhau.
Chúng tôi - những con người từ những nhau
vùng quê khác nhau, người Nghệ An, người Hà Tĩnh,..người ở đồng bằng, người ở
miền núi…nhưng cùng chung một lí tưởng: “Đi để sẻ chia, đi để cống hiến, đi để trưởng
thành hơn” đã gắn kết thành một đồng đội, thành một gia đình đầy ắp niềm vui tiếng
cười, hạnh phúc với những kỉ niệm ngày tháng bên nhau.
Hưởng ứng phong trào của Đoàn trường đại học
Vinh, chúng tôi từ những sinh viên tạm biệt ghế nhà trường đến với “Chiến dịch
sinh viên tình nguyện hè” và trở thành những chiến sĩ thanh niên tình nguyện thực
hiện hành trình tuổi 20 tới các vùng quê xa xôi của đất nước, tiếp nối truyền
thống xây dựng quê hương ngày càng đổi mới. Bốn từ “Chiến sĩ tình nguyện” sao
mà thiêng liêng đến vậy, nó mang cả tinh thần của cả một thế hê tuổi trẻ, nhìn
màu áo xanh là ta lại thấy màu của cuộc sống yên bình, là màu của những chiến
sĩ tình nguyện cùng chung cánh tay, đi về phía mặt trời, như những ngọn hải
đăng trong gió giúp con tàu lạc lối nương nhờ, đưa nụ cười đến mọi làng quê xa
xôi của đất nước thay những nỗi âu lo… Có thể nói ý chí, tư tưởng tốt đẹp của
con người là vũ khí, là sức mạnh lớn nhất giúp ta vượt qua những cám dỗ của cuộc
sống, vượt qua những lối sống ích kỉ của
bản thân.
Đội chúng tôi được phân công thực hiện nhiệm vụ ở Bản Lè, xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu, tỉnh
Nghệ An. Đây là nơi sinh sống của đồng
bào dân tộc Thái và đây là một vùng thuộc diện khó khăn trong
chương trình 135 của chính phủ. Ở đây cuộc sống của người dân đang gặp rất khó
khăn với hoạt động kinh tế chính là Nông-Lâm nghiệp, phụ thuộc nhiều vào thiên
nhiên; cơ sở vật chất, hạ tầng như hệ thống thủy lợi kênh mương, đường xá, giao
thông còn kém, chưa hoàn thiện, chất lượng cuộc sống của người dân còn thấp..
Sau 2 tiếng tiến hành Lễ ra quân trong không
khí sục sôi của hàng nghìn sinh viên trẻ Đại học Vinh đang háo hức trước một
mùa hè ý nghĩa, những chiếc xe chở các chiến sỹ tình nguyện trong màu áo xanh bắt đầu chuyển bánh chạy theo nhiều tuyến đường tới những vùng quê
xa xôi của đất nước thực hiện nhiệm vụ, bắt đầu hành trình cống hiến tuổi thanh
xuân.
Hành trang chúng tôi mang đi không gì ngoài
chiếc balo cũ đã sờn màu, là chiếc mũ tai bèo, là chiếc khăn rằn giản dị, là
màu áo xanh tình nguyện và đặc biệt nụ cười trái tim, nhiệt huyết đang sục sôi
cống hiến của tuổi thanh xuân bởi lẽ hơn bao giờ hết chúng tôi nhận thức được rằng
tuổi thanh xuân là có hạn, và nếu bây giờ bạn không làm thì còn đợi đến lúc nào
nữa. Còn nhớ trước khi đi tình nguyện bạn
bè, mọi người xung quanh đã từng hỏi tôi đã sẵn sang chưa? ”Bạn sẽ đen hơn”,” Bạn
sẽ rất mệt mỏi vì rất nhiều việc”..và rất nhiều nữa.. Và bây giờ suy nghĩ lại tôi cảm thấy may mắn và đúg đắn
vì mình đã vượt qua những nỗi sợ ấy và thực hiện một chuyến đi trọn vẹn để rồi
khi nghĩ lại tôi cảm thấy nó là thứ quá tuyệt vời khi tôi trở lại cuộc sống thường
nhật. Hãy thử cảm nhận làm sao ta có thể mệt mỏi được khi được sống trong một
không gian tràn ngập tiếng cười giòn tan, tình yêu thương nhân dân đoàn kết;
nhìn thấy những nụ cười của các cụ già, ánh mắt chan chứa đầy mơ ước của em thơ
với những âm vang ê a đọc chữ trong trong làn khói chiều quen thuộc từ những bếp
lửa nhà sàn nơi núi rừng xa xôi.. chỉ cần
như vậy đã đủ xóa tan những mệt nhọc và những cảm xúc tiêu cực trong bản thân
chúng ta rồi. Bạn sợ đen hơn, xấu hơn nhưng đen thì bạn có thể trắng lại, xấu
thì có thể đẹp lại khi trở về. Nhưng thời gian thì có thể quay trở lại được
không? thời gian không bao giờ trở lại,
nó sẽ không chờ đợi ta vậy nên đừng ngại khó, ngại khổ, thay vì ngồi chờ cho nó
đi qua thì hãy chạy đua với nó và làm những điều mình thích, cống hiến cho đời,
sống thật ý nghĩa để khi nhắm mắt xuôi tay ta không phải nuối tiếc những năm
tháng mình đã sống hoài sống phí.
Thời gian chúng tôi thực
hiện nhiệm vụ là 20 ngày tại Bản. Hai mươi ngày - một quảng thời gian không dài
cũng không ngắn, là quãng thời gian chúng tôi được sống chung dưới một ngôi nhà
đầy ắp kỉ niệm với những người bạn có
tính cách khác nhau nhưng cùng lí tưởng. Chúng tôi cùng sinh hoạt, cùng làm việc,
cùng nấu ăn, cùng kể cho nhau nghe những câu chuyện hài hước rồi cười rôm rả, không phải suy nghĩ gì như những đứa trẻ. Đây cũng là thời gian ngồi quây quần bên nhau thổi sáo và hát.
Không ngại ngần xấu hổ, chúng tôi hát cho nhau nghe những bài hát truyền thống
của đội: “Đường dài tương lai quê hương đang gọi mời, tuổi trẻ hôm nay chung
tay xây ngày mới…”. Đây còn là nơi chúng tôi trải lòng ra mà tâm sự thả tâm hồn
về với bình yên về với sự yêu thương và sẻ chia, những trò đùa nghịch ngợm đáng
yêu đã gắn chặt tình yêu thương, tình đoàn kết của đội hơn.
Cũng trong thời gian ấy, mỗi
sáng mai thức giấc, lại trong màu áo xanh tình nguyện, lá cờ đỏ sao vàng chúng
tôi lại hào hứng vừa đi vừa cùng nhau ngân lên những bài ca tình nguyện khơi đầu
cho ngày mới tràn đầy năng lượng. Những con đường màu đất đỏ được san lấp bằng
phẳng sau những cơn mưa lớn ở thương nguồn, nhìn những tuyến xe chạy qua, những
em thơ đến trường tung tăng trong nụ cười
chan chứa đầy tương lai chúng tôi lại
như tiếp thêm sức mạnh. Những con mương
được khơi sâu, dẫn những giọt phù sa vào đồng ruộng, đi nuôi màu xanh của hi vọng,
màu xanh tươi tốt của những cánh đồng. Đã có những chiến sỹ ướt đẫm mồ hôi
nhưng nụ cười vẫn luôn nở trên môi, những điệu hát “Hăn nê” của các cụ già dân
tộc Thái vẫn vang lên trong không khí làm việc tưng bừng háo hức, đoàn kết giữa
đội tình nguyện và nhân dân nơi đây đã tạo nên một nét đẹp văn hóa đặc trưng, một
bức tranh thật đẹp của một vùng quê đang từng ngày đi lên trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Những cánh đồng được phủ màu
xanh của mạ non bởi những chiến sỹ tình
nguyện “ không chuyên”, tôi nhớ mãi hình
ảnh các bạn dàn thành một hang dài rồi thi nhau cấy lúa, rồi cười đùa với nhau
thật vui vẻ mặc dù cũng có những bạn chưa bao giờ biết cấy lúa là gì. Quên đi mệt
nhọc, như một đội quân hùng mạnh, cứ trong thời gian 20 phút chúng tôi lại xong
một thửa ruộng, từ thửa này đến thửa khác chúng tôi cấy trong niềm vui, tiếng
cười và ánh mắt đầy trìu mến của nhân dân nơi đây. Những giọt mồ hôi đã thấm ướt
đẫm dưới cái nắng gần 12h trưa của mùa hè oi bức chúng tôi lại cảm nhận rõ hơn
bao giờ hết giá trị hạt gạo của những người nông dân làm ra trên những cánh đồng
trong những năm tháng “bán mặt cho đất, bán lung cho trời” và sự bấp bênh khi
những công sức này còn phụ thuộc vào sự
thất thường của mẹ thiên nhiên mà thật sự trước khi đi tình nguyện bản thân tôi
chưa bao giờ cảm nhận đươc. Đó cũng là những giá trị mà chuyến đi tình nguyện đã mang lại cho tôi. Bên cạnh các hoạt động đó,
ban đêm đội tình ngyện lại tổ chức sinh
hoạt hè với các hoạt động vui chơi đồng thời kêt hợp tuyên truyền “phòng chống
đuối nước” cho các em tại bản Lè cũng như ở các bản khác. Với sự nhiệt tình, tân tâm, gần gũi thân thiết như
những người anh người chị trong gia đình, hoạt động đã khơi dậy sự thích thú,
năng động ở các em. Không chỉ vậy, đội còn tổ chức lớp dạy Tiếng anh cho các em
cấp 1 và cấp 2. Khi màn đêm buông xuống
giữ lại không gian núi rừng yên
tĩnh thì
những âm thanh của các em nhỏ lại rủ nhau đi học lại vang lên tíu tít như những chú chim non . Đã có những lúc trời
mưa lớn cả anh chị tình nguyen và các em về nhà trong bộ quần áo ướt nhoẹt nhưng nụ cười thì không lúc nào
không nở trên môi. Cũng nhờ vậy chúng tôi thấy rằng tinh thần ham học của các
em nhỏ vùng cao rất lớn, con đường bùn lầy, thời tiết mưa bão cũng không đủ sức
mạnh ngăn nổi tinh thần, ý chí ham học của
cac em trong con đường đi tìm tương lai. Để rồi trong tôi lại thêm động lực, niềm
tin của một giáo viên tương lai, chỉ cần
các em ham học thì dù có lên rừng, vượt núi cao, thiếu thốn tôi cũng sẵn lòng… Nhìn
thấy các em trưởng thành và trở thành những con người có ích, cống hiến cho sự
giàu đẹp của đất nước thì đó là niềm hạnh phúc to lớn của những trái tim được
xã hội giao phó nhiệm vụ trồng người cao cả…
Trong khoảng thời gian tuyệt
vời ấy chúng tôi còn được sống trong tình
yêu thương, sự mến khách, sự quí trọng của mọi người dân ở đây. Tình cảm họ dành cho chúng tôi bình dị, chất
phác đến vô cùng, những tình cảm ấy không mĩ miều, khách sáo mà đẹp như một bông hoa rừng vậy cứ giản dị tỏa sắc, tỏa hương và mang đến cho con người ta những cảm xúc tích
cực, sự thân thiết, ấm áp và gần gũi đến lạ thường.
Còn nhớ những lúc đội chúng tôi đang đi làm các em nhỏ chạy theo tíu tít
phía sau đưa cho anh chị những quả mít, chùm nhâm, những búp măng, những chai
nước uống cho đỡ khát..hay những giờ ăn cơm được dân bản mời trong nụ cười, ánh
mắt đầy trìu mến như một gia đình thật sự. Dù họ không giàu về vật chất, thiếu
thốn đủ bề nhưng tôi luôn tự hào khi kể cho những người bạn của mình nghe về những con người nơi đây đó chính là sự
giàu có về tình yêu thương để rồi khi tạm biệt nơi đây những giọt nước mắt đã
rơi, những đôi mắt tươi vui hồn nhiên của các em nhỏ ngày đêm ê a đọc chữ bây
giờ long lanh trong những giọt nước mắt
khi tiễn anh chị tình nguyện về, tôi vẫn nhớ mãi cảm giác của những cái ôm ấm áp, những lời căn dặn chân thành như những người cha, người mẹ. Tôi
thầm cảm ơn, cảm ơn cuộc đời đã cho tôi một chuyến đi trọn vẹn, để tôi có thể
thấu hiểu hơn, để tôi được sống trong cảm giác hạnh phúc vì khi được cống hiến
và sống những ngày đáng sống.
Kết thúc chuyến hành trình ý
nghĩa , chúng tôi lên xe trong nước mắt,
niềm tiếc nuối để trở về cuộc sống thường nhật hằng ngày… Những cái vẫy tay xa
dần, chiếc xe lăn bánh trên con đường chúng tôi đi, tôi cố ngắm lại và lưu giữ
những hình ảnh về cảnh vật nơi đây, những cánh đồng mạ xanh mới bén - nơi mà chúng tôi đã từng thi
nhau cấy và cười đùa vui vẻ; những dãy
núi đá vôi hùng vĩ sương mù mà
chúng tôi thường gọi đó là đảo “Đầu lâu”… haynhững ngôi nhà sàn bình dị , nơi
có những cụ già bên khung cửa sổ, nhìn chúng tôi với ánh mắt hào hứng của ngày
đầu mới lên, và bây giờ cũng hình ảnh ấy
nhưng ánh mắt thay vì ánh mắt hào hứng là niềm tiếc nuối của kẻ đi và người ở lại…
Cảnh vật xa dần nhưng kỉ niệm và tình yêu thương vẫn
còn đó, kết thúc chuyến đi tình nguyện đầy ý nghĩa không chỉ với tôi mà tất cả
các bạn tình nguyện viên của Khoa Địa lý- QLTN và khoa Sư phạm Ngoại ngữ ngày
hôm đó. Lần đi tình nguyện đầu tiên của cuộc
đời sinh viên thật đáng nhớ :
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”.
Những âm vang bài hát ,những dấu chân vẫn còn đó, trải nghiệm đầu tiên
của tôi không quá hào nhoáng nhưng đủ rạng ngời.
Cảm ơn tất cả các bạn
- những người thân mới, gia đình mới của tôi!
Sinh viên: Cung Thị Nhung
Đơn vị: Lớp 55A Địa- Khoa Địa lí-QLTN- trường Đại học Vinh
Sđt: 0981717796
Sinh viên Cung Thị Nhung - đội tình nguyện hè 2017 khoa Địa lý - QLTN