Khách mời tham dự diễn đàn có cô Hồ Xuân Thủy (cựu sinh viên K39 Văn) – Giáo viên trường THPT Trần Phú, Đức Thọ, Hà Tĩnh, chị Nguyễn Thị Huyền Trang (cựu sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) - BTV Nghean 24h, anh Hoàng Văn Thọ (cựu sinh viên K54 Báo chí) - CTV tin bài của Đài PTTH Nghệ An, chị Trần Thu Trang (cựu sinh viên K54 Văn) – Giáo viên trường THCS Nguyễn Trường Tộ, thành phố Vinh.
Những kinh nghiệm bổ ích về cách triển khai đề tài, cách làm việc và học hỏi từ các anh chị phóng viên đi trước hay đơn giản chỉ là sự chuẩn bị về mặt tâm lý trước kì thực tập mà sinh viên Báo chí nên biết được các khách mời tận tình chia sẻ. “Điều mà tưởng chừng bạn không quan tâm là nụ cười lại có thể chính là chìa khóa thành công đối với một kì thực tập” – chị Huyền Trang nói. Anh Hoàng Thọ chia sẻ: “Không quan trọng việc năng lực của bạn đến đâu, đối với thực tập, tức là mình đang đi học việc thì thái độ lễ phép, cầu thị và sẵn sang làm bất cứ việc gì được yêu cầu sẽ là thước đo đánh giá quá trình thực tập của bạn”. Còn đối với sinh viên ngành Sư phạm Ngữ Văn, việc làm thế nào để đạt được một kết quả thực tập tốt hay đơn giản chỉ là duy trì mối quan hệ tốt giữa học sinh, phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm và giáo sinh thực tập cũng là những điều đáng lưu tâm. Giải đáp thắc mắc, cô Hồ Xuân Thủy cho rằng: “Làm thế nào để dung hòa được mối quan hệ đó không phải là điều dễ dàng và đòi hỏi các giáo sinh phải có cách ứng xử khéo léo. Ví dụ trong mối quan hệ của giáo sinh với học sinh, nên có một ranh giới thể hiện rõ ràng giữa cô và trò. Giáo sinh không được quá hòa đồng với học sinh để tránh việc sau này sẽ không có khoảng cách cô trò, khó quản lý. Thân thiết quá mức khiến cho cô cũng không là cô và trò cũng không là trò. Điều này rất nguy hiểm”. Bên cạnh đó, chị Trần Thu Trang đã cung cấp cho các bạn những cái nhìn tổng quát nhất về kinh phí, điểm số đánh giá và cách tiếp cận lúc mới bước chân vào trường thực tập. “Mình đi để thực tập làm giáo viên nên đạo đức là rất quan trọng. Đơn giản như việc dự giờ, khi có lịch dự giờ các bạn nên báo trước với giáo viên chính để thể hiện sự tôn trọng và cũng để họ có sự chuẩn bị tốt hơn chứ không nên đến giờ mới xông thẳng vào phòng học mà xin phép, như vậy sẽ thiếu sự tôn trọng và chắc chắn đây sẻ là điểm trừ dành cho thái độ trong phần đánh giá các bạn”.
Trải qua hơn 2 giờ nói chuyện, các bạn sinh viên đã thấy được tầm quan trọng của việc có một diễn đàn để nói chuyện về kinh nghiệm thực tập như thế này. Bạn Phan Biên – sinh viên K55 Báo chí chia sẻ: “Đây là một buổi nói chuyện rất bổ ích và cung cấp cho mình những kiến thức rất cần thiết cho việc thực tập sắp tới của mình. Nếu không có buổi nói chuyện hôm nay, chắc hẳn mình sẽ không thể tưởng tượng ra được những khó khăn gặp phải khi đi thực tập và cách làm việc với tòa soạn, đài truyền hình, còn bây giờ chắc chắn là mình sẽ tự tin hơn qua những kinh nghiệm quý báu mà các anh chị đã chia sẻ”. Diễn đàn kết thúc trong sự phấn khởi và hài lòng của các bạn sinh viên. Những bó hoa tươi thắm gửi đến những vị khách mời cũng thay cho lời cảm ơn chân thành nhất của ban tổ chức. Thiết nghĩ, nên tổ chức nhiều hoạt động bổ ích và thiết thực như thế này nhiều hơn nữa để sinh viên có đủ khả năng làm nghề.
Cao Quang - 55B Báo chí