ĐÁP ỨNG YÊU CẦU NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC TRONG GIAI ĐOẠN MỚI
Trong giai đoạn mới, tiếp tục kế thừa các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp và phát huy những thành tựu đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29; đồng thời, khắc phục hiệu quả những hạn chế, bất cập của giáo dục và đào tạo nhằm tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, cần lưu ý một số nhiệm vụ giải pháp đột phá tiếp tục triển khai thời gian tới.
Thứ nhất, các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, người đứng đầu địa phương, đơn vị tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và thực hiện đầy đủ, sâu sắc quan điểm coi giáo dục và đào tạo là “quốc sách hàng đầu”, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Chú trọng công tác xây dựng Đảng trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo; phát huy vai trò của các cấp uỷ cơ sở giáo dục, đào tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt sâu rộng và hiệu quả hơn về mục tiêu, yêu cầu, nội dung đổi mới giáo dục và đào tạo trong giai đoạn mới, trước hết là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và đội ngũ nhà giáo trong cả nước nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và triển khai thực hiện, tạo sự tin tưởng, đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trong triển khai nhiệm vụ phát triển giáo dục và đào tạo.
Thứ hai, khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo. Đổi mới công tác quản lý giáo dục, quản trị nhà trường theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ, liên thông, phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế và thực tiễn ở nước ta.
Xây dựng Luật Nhà giáo, Luật Học tập suốt đời, Chiến lược phát triển giáo dục; sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo. Bảo đảm đủ điều kiện cơ sở vật chất và bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước, ưu tiên đầu tư cho giáo dục, đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.
Đẩy mạnh phân cấp tự chủ, nâng cao trách nhiệm giải trình, phát huy dân chủ trong các cơ sở giáo dục và đào tạo; hoàn thiện chính sách, cơ chế tự chủ đối với các cơ sở giáo dục đại học phù hợp với xu thế chung của thế giới. Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thể chế hoá các chủ trương của Đảng và việc thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; kịp thời hướng dẫn xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; kiên quyết xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.