1.Công an nhân dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh là lực lượng Công an cách mạng, tiến bộ có sự khác biệt hoàn toàn về bản chất với Công an đế quốc phản cách mạng. Người chỉ rõ: “Làm Công an không phải làm quan cách mạng. Làm Công an là để giữ gìn trật tự, an ninh cho dân, xem xét, tìm tòi âm mưu phản động, làm hại dân… Công an nhân dân hoàn toàn khác Công an đế quốc. Công an đế quốc là nanh vuốt của đế quốc hà hiếp, áp bức đa số nhân dân…Công an nhân dân phải là kiểu mẫu, phải là người chuyên trách thi hành chính sách, phương châm của Đảng và Chính phủ cho tốt. Công an nhân dân phải thực sự phục vụ nhân dân”.[1]

Theo Hồ Chí Minh, Công an nhân dân là một bộ phận không thể tách rời Chính phủ của Nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong bài nói chuyện tại trường Công an Trung ương (tháng 1/1958), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Là một bộ phận của cả bộ máy Nhà nướcdân chủ nhân dân chuyên chính tiến lên chủ nghĩa xã hội, Công an phải bảo vệ dân chủ của nhân dân và thực hiện chuyên chính với những kẻ chống lại dân chủ của nhân dân”[2]. Tháng 10/1958, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ và học viên lớp Nghiên cứu I và bổ túc khóa VI Trường Công an Trung ương, một lần nữa Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Công an là một bộ máy để thực hiện chuyên chính dân chủ nhân dân, bảo vệ nền chuyên chính của nhân dân đối với các thế lực phản động khác”[3]. Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng lực lượng Công an nhân dân là công cụ bạo lực của Đảng, Chính phủ để chống thù trong giặc ngoài, bảo vệ chính quyền cách mạng. Mà Nhà nước ta lại là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức chức chính trị đại diện cho quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam. Nên Công an trong tư tưởng Hồ Chí Minh là Công an nhân dân, đại biểu bảo vệ lợi ích giai cấp, quyền, lợi ích chính đáng của Nhân dân và của dân tộc.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, lực lượng Công an nhân dân là lực lượng tuyệt đối không sử dụng bức cung, nhục hình. Người cho rằng nhục hình là phương thức cai trị điển hình của chế độ thực dân, phong kiến. Dùng nhục hình là dã man, là trái chính sách của Đảng, của Chính phủ, trái tác phong của người cách mạng. Dùng nhục hình còn là biểu hiện yếu kém trong phát động phong trào vận động quần chúng. Từ bỏ nhục hình, tuyệt đối trung thành với Đảng, hết lòng, hết sức phụng sự Đảng, phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân là biểu hiện rõ nét khẳng định Công an Việt Nam là Công an nhân dân - lực lượng kiểu mới, cách mạng, tiến bộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh“Công an của ta là Công an nhân dân” nghĩa là lực lượng Công an có nguồn gốc từ Nhân dân, có mối quan hệ gắn bó mật thiết với Nhân dân.

Công an có nguồn gốc từ Nhân dân nghĩa là cán bộ, chiến sĩ Công an cho dù ở cương vị nào cũng đều có mối quan hệ máu thịt chặt chẽ với Nhân dân. Lực lượng Công an ra đời là kết quả của cuộc đấu tranh gian khổ của quần chúng nhân dân. Từ khi ra đời, lực lượng Công an đã được Nhân dân đùm bọc, giúp đỡ, che chở, ủng hộ. Trong mối quan hệ xã hội, mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an đều có cha mẹ, anhem, người thân, bạn bè là Nhân dân. Cán bộ, chiến sĩ Công an vừa là lực lượng chuyên trách thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự cho Nhân dân, là “công bộc của dân”, đồng thời Công an cũng là “là bạn dân”, là một bộ phận của Nhân dân. Khi kết thúc công việc, người cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân lại trở về với Nhân dân, và là Nhân dân.Công an nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh vừa mang bản chất giai cấp, vừa mang tính Nhân dân, tính dân tộc. Với ý nghĩa đó, việc khẳng định “Công an ta là Công an nhân dân” không chỉ là việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên cho lực lượng Công an Việt Nam, không chỉ là việc người khẳng định bản chất mà còn là việc người yêu cầu lực lượng Công an phải có những hành động thiết thực để giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống dân tộc tốt đẹp trong quá trình sinh hoạt, học tập, rèn luyện và chiến đấu, luôn xứng đáng là lực lượng kiểu mẫu, mang bản chất cách mạng, tiến bộ, khác biệt hoàn toàn với Công an đế quốc phản động.

Cùng với việc khẳng định nguồn gốc, bản chất của lực lượng Công an nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu Công an phải “vì nhân dân phục vụ”. Đây là yêu cầu cần có đối với người cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân. Người căn dặn: “Công an phải có tinh thần phục vụ nhân dân, là bạn dân”[4].“Vì nhân dân phục vụ” được hiểu là trong từng suy nghĩ, hành động, cán bộ, chiến sĩ Công an đều hướng mục đích tới Nhân dân, luôn đặt lợi ích chính đáng của Nhân dân lên hàng đầu. Bởi lẽ, theo Hồ Chí Minh, mục tiêu cao nhất của sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự là giữ gìn an ninh cho Nhân dân, cho Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Đây vừa là nhiệm vụ, vừa là đạo lý mà lực lượng Công an phải thực hiện được. Để thực hiện mục tiêu đó, Người yêu cầu: “Chúng ta phải tiếp tục củng cố quốc phòng, trấn áp bọn phá hoại, giữ gìn an ninh, trật tự cho nhân dân. Do những việc trên mà cải thiện dần đời sống của nhân dân thuộc mọi tầng lớp, làm cho nhân dân ăn no, mặc ấm, mạnh khỏe và biết chữ”[5]. Việc xác định mục tiêu cao nhất của sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự là vì dân thể hiện rõ tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà đất nước ta đang xây dựng, từ mục tiêu đó toát lên giá trị nhân văn sâu sắc và cao cả của tư tưởng Hồ Chí Minh.

Để hướng tới mục tiêu vì dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự, Hồ Chí Minh yêu cầu lực lượng Công an nhân dân cần phát huy vai trò, sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân. Bởi lẽ “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. không ai chiến thắng được lực lượng đó”[6].Trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự, Người căn dặn cán bộ, chiến sĩ CAND: “Phải gần gũi nhân dân, dựa vào lực lượng của nhân dân, xa rời nhân dân thì tài tình mấy cũng không làm gì được. Nhân dân có hàng triệu tai mắt. Nếu Công an biết dựa vào dân thì nhân dân sẽ là người giúp việc rất đắc lực của Công an”[7].

Theo Người, phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong bảo vệ an ninh, trật tự để đảm bảo tính chủ động, tự lực, tự cường nhưng sâu xa hơn là hướng tới mục tiêu khơi dậy, giải phóng sức dân, tài dân, trí tuệ của Nhân dân nhằm góp phần tăng cường, củng cố, giữ vững nền an ninh nhân dân, trật tự của đất nước, đấu tranh làm thất bại âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động phá rối trật tự, an ninh của các thế lực thù địch và các loại tội phạm, để đem sức dân bảo vệ an ninh, trật tự cho Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu: “Chính phủ và nhân dân ta phải cùng nhau ra sức giữ gìn an ninh trật tự. Trật tự an ninh tốt thì mọi người mới an cư, lạc nghiệp”[8].

2. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, phong cách người cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân “vì nhân dân phục vụ” có những nội dung chính sau đây:

Thứ nhất, Làm cho dân tin, dân yêu, dân ủng hộ, chú ý lắng nghe nguyện vọng của nhân dân

Làm cho dân tin, dân yêu, dân ủng hộ, chú ý lắng nghe nguyện vọng của Nhân dân là điều quan trọng nhất trong phong cách làm việc của người cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Làm Công an thì phải làm cho dân tin, dân yêu, dân ủng hộ. Có dựa vào Nhân dân thì công an mới hoàn thành tốt được nhiệm vụ của mình”[9]. Để được dân tin, dân yêu, dân ủng hộ, người cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải biết đi sâu, đi sát với quần chúng, chú ý quan tâm, láng nghe tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân. Hồ Chí Minh khẳng định: “Ta quan tâm tới đời sống quần chúng thì quần chúng mới theo ta. Ta được lòng dân thì không sợ gì cả. Nếu không được lòng dân thì ta không thể làm tốt công tác. Ví dụ: Trong việc bắt gián điệp biệt kích cũng nhờ có dân”[10]. Muốn như vậy, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải biết “nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng, làm tròn nhiệm vụ”[11]. Đường lối quần chúng ở đây là phải đi sâu, đi sát đến cơ sở, phải thực sự quan tâm đến đời sống của nhân dân, phải một lòng, một dạ phục vụ Nhân dân. Công an không đi theo đường lối quần chúng sẽ dẫn đến nhiều sai lầm, tiêu cực như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ: “Không đi đường lối quần chúng là không gần nhân dân, là thiếu dân chủ, là trở thành quan liêu”[12].

Thứ hai, Dựa vào Nhân dân, đoàn kết với Nhân dân, không ngừng học tập Nhân dân

“Dựa vào nhân dân mà làm việc”trong tư tưởng Hồ Chí Minh vừa là mục tiêu song cũng là yêu cầu, nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân trong sự nghiệp giữ gìn an ninh trật tự. Đây là cơ sở giúp lực lượng Công an hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Trải qua thực tiễn lao động, học tập, đấu tranh cách mạng ở nhiều quốc gia; vận dụng quan điểm của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một, hai người”[13]; “chúng ta tin chắc vào tinh thần và lực lượng của quần chúng, của dân tộc”[14]. Tin dân, dựa vào dân, tập hợp và phát huy sức mạnh của toàn dân là nguyên tắc cơ bản trong chiến lược cách mạng của Hồ Chí Minh. Trong tư tưởng của Người, dân là vốn quý nhất: “trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết toàn dân”[15].

Phải dựa vào dân để làm việc, bởi lẽ theo Hồ Chí Minh: “Nhân dân ta có hàng chục triệu người, có hàng mấy chục triệu tai mắt, tay chân. Nếu biết dựa vào dân thì việc gì cũng xong”[16]. Hơn ai hết, Hồ Chí Minh thấu hiểu sự nghiệp cách mạng là hết sức khó khăn, gian nan, vất vả, nhiều thuận lợi nhưng đồng thời cũng không ít những khó khăn. Không nằm ngoài quy luật đó, sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự có vai trò rất quan trọng nhưng đồng thời cũng rất khó khăn, nguy hiểm. Để đảm bảo giành thắng lợi trên mặt trận ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh lực lượng Công an phải biết dựa vào dân, phát huy vai trò của quần chúng Nhân dân. Bởi lẽ: “Chính quyền ta là chính quyền dân chủ, bất kỳ việc to, việc nhỏ đều phải dựa vào lực lượng của nhân dân để phụng sự lợi ích của nhân dân. Việc giữ gìn trật tự, an ninh càng phải dựa vào sáng kiến và lực lượng của nhân dân”[17]. Nếu Công an “xa rời nhân dân thì tài tình mấy cũng không làm gì được”[18].

Thực tế cho thấy “dựa vào nhân dân mà làm việc” là tư tưởng xuyên suốt và nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong suốt quá trình lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện lực lượng Công an nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên yêu cầu lực lượng Công an phải dựa vào dân. Trong thư gửi Hội nghị Tình báo (tháng 8/1949), Người căn dặn: “Tình báo cũng như mọi việc khác phải dựa vào dân. Tai mắt của người tình báo có hạn. Nhân dân có hàng chục triệu tai mắt việc gì họ cũng có thể nghe, có thể thấy, có thể biết. Vì vậy, tình báo phải cố gắng làm thế nào cho nhân dân giúp sức thì sẽ thành công to”[19]. Nói chuyện tại trường Công an Trung cấp khóa 2 (năm 1951), người căn dặn: “Công an có bao nhiêu người? Dù có vài ba nghìn hay năm bảy vạn đi nữa thì lực lượng ấy vẫn còn ít lắm bên cạnh lực lượng nhân dân. Năm vạn người thì chỉ có 5 vạn cặp mắt, 5 vạn đôi bàn tay. Phải làm sao có hàng chục triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai mới được. Muốn như vậy, phải dựa vào dân, không được xa rời dân. Nếu không thế thì sẽ thất bại. Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”[20]. Tại buổi nói chuyện với lớp chỉnh huấn khóa II của Bộ Công an (tháng 5/1959), một lần nữa Người nhấn mạnh lực lượng Công an nhân dân phải dựa vào dân trong sự nghiệp giữ gìn an ninh trật tự: “Làm Công an thì phải làm cho dân tin, dân yêu, dân ủng hộ. Có dựa vào nhân dân thì Công an mới hoàn thành được tốt nhiệm vụ của mình. Nhân dân có hàng triệu tai mắt thì kẻ địch khó mà che giấu được. Nếu trong công tác, các cô, các chú được dân ủng hộ, làm cho dân tin, dân phục, dân yêu thì nhất định các cô, các chú thành công”[21].

Để dựa vào dân, Công an cần đoàn kết với nhân dân. Đoàn kết là quan điểm lớn trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Đối với lực lượng Công an nhân dân người nêu rõ Công an phải biết đoàn kết nội bộ, sau đó là đoàn kết với Nhân dân và đoàn kết với các ngành khác. Có đoàn kết mới dựa vào được Nhân dân, đoàn kết tốt mới tổ chức và giáo dục Nhân dân. Từ đó, nâng cao tinh thần làm chủ đất nước, tinh thần cảnh giác với kẻ thù của Nhân dân. Lực lượng Công an cần giáo dục, tuyên truyền cho Nhân dân hiểu về nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc là nghĩa vụ và trách nhiệm của mình.

Sự cần thiết “phải dựa vào dân mà làm việc” trong tư tưởng Hồ Chí Minh có mối quan hệ biện chứng. Một mặt, Công an muốn giữ gìn, bảo vệ an ninh trật tự thì phải dựa vào dân, mặt khác, Nhân dân phải luôn hết lòng hết sức giúp đỡ lực lượng Công an hoàn thành nhiệm vụ. Tại buổi nói chuyện với đồng bào, cán bộ xã Nam Liên (Nghệ An) (tháng 12/1961), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Các chú bộ đội, công an, dân quân tự vệ, phải coi đó là nhiệm vụ chính. Phải làm cho tốt. Và tất cả nhân dân phải phụ trách, vì để nó phá hoại thì toàn dân sẽ bị thiệt hại. Vậy bộ đội, công an, dân quân tự vệ phải dựa vào dân, còn dân thì phải hết sức giúp đỡ và luôn luôn đề cao cảnh giác”[22].

Theo Hồ Chí Minh, lực lượng Công an nhân dân “dựa vào dân mà làm việc” là phải dựa vào tài năng, trí tuệ và lực lượng của Nhân dân trong toàn bộ các khâu trong quá trình bảo vệ an ninh trật tự, từ công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý tội phạm; dựa vào dân từ các mặt công tác công khai đến công tác bí mật. Cán bô, chiến sĩ Công an phải dựa vào Nhân dân mà rèn luyện, tư dưỡng, học hỏi, lắng nghe ý kiến của Nhân dân để sửa chữa. Có như vậy, lực lượng Công an nhân dân mới không ngừng phát triển, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Thứ ba, phong cách người cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân “vì nhân dân phục vụ” còn biểu hiện ở việc gương mẫu trong lời nói, việc làm, thái độ sao cho người ta thấy rõ mình là người cách mạng, phải biết làm “mực thước” cho dân chúng noi theo

Trong sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự, với vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, cán bộ, chiến sĩ Công an phải gương mẫu trong mọi việc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Công an nhân dân phải là kiểu mẫu, phải là người chuyên trách thi hành chính sách, phương châm của Đảng và Chính phủ cho tốt”[23].

3. Muốn xây dựng phong cách người cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân “vì nhân dân phục vụ” đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ Công an phải “vào sâu trong quần chúng” tức là phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân, chịu khó giúp dân trong mọi việc, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Trên cơ sở đó cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân mới tìm mọi cách để thực hành những công việc nên làm, những công việc do Chính phủ và đoàn thể giao cho, có như vậy mới được dân tin, dân yêu, dân ủng hộ, dân giúp đỡ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải có “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”[24], phải bám sát thực tiễn, dồn sức lực để làm công việc cho tốt. Cán bộ Công an có “óc nghĩ” mới tìm được cách thực hiện nhiệm vụ của mình sao cho hiệu quả. Song “óc nghĩ” phải kết hợp với “mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” nghĩa là phải thâm nhập vào thực tế, chịu khó quan sát, nghe ngóng để nắm bắt, đánh giá đúng tình hình. Trong quá trình đó, đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải nói đi đôi với làm, qua thực tiễn mà kiểm nghiệm lý luận, dùng lý luận mà cải tạo thực tiễn, đồng thời, trong công tác cần phải có kế hoạch, có định hướng, có mục đích. Đó là một quá trình thống nhất biện chứng trong phong cách người cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải có, một phong cách thực sự năng động, sáng tạo.

Ngày nay, trong sự phát triển nhanh của xã hội hiện đại, song trong đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ về vấn đề an ninh phi truyền thống, âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch và các loại tội phạm ngày càng phức tạp, tinh vi…, để giữ được niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, huy động được sức mạnh của Nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải thực sự quán triệt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải vì dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc. Có như vậy mới xứng đáng là người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ đóng góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.


[1]Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr 365-366

[2]Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 11, Sđd, tr.247

[3]Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 11, Sđd tr. 598

[4]Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 6, Sđd tr.312

[5]Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 10, Sđd tr.304

[6]Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Sđd tr.19

[7]Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 10, Sđd tr.260

[8]Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 9, Sđd tr.79

[9]Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 12, Sđd tr.223

[10]Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 15, Sđd tr.142

[11]Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 7, Sđd tr.249

[12]Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 11, Sđd tr.249

[13]Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 2, Sđd tr.283

[14]Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 7, Sđd tr.29

[15]Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 10, Sđd tr.453

[16]Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 5, Sđd tr.498

[17]Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 9, Sđd tr.77

[18]Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 10, Sđd tr.260

[19]Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 6, Sđd, tr.192

[20]Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 7, Sđd, tr.270

[21]Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 12, Sđd, tr.221

[22]Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 13, Sđd, tr.265

[23]Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 7, Sđd, tr.269

[24]Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 6, Sđd, tr.233

Trần Hồng Quyên - Học viện An ninh nhân dân