Các đại biểu chủ trì Hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết: Nghị quyết Đại hội X, Đảng ta đã rút ra kinh nghiệm về phát triển kinh tế - xã hội: “Phải thật sự coi trọng chất lượng, hiệu quả tăng trưởng và phát triển bền vững. Tăng cường huy động phải gắn với sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước”. Quan điểm phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 nhanh, bền vững đã được xác định rõ hơn từ Đại hội XI, thể hiện trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 : “Phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong Chiến lược…”. Đại hội lần thứ XII của Đảng đã có bước phát triển mới trong nhận thức và tư tưởng phát triển nhanh, bền vững với nội dung cốt lõi: “Bảo đảm phát triển nhanh, bền vững trên cơ sở bền vững kinh tế vĩ mô và không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”. “Phát triển nhanh và bền vững (hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc); giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường”.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng trong điều kiện mới đã chỉ rõ: “Chiến lược phát triển tổng thể của đất nước ta là đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc Đổi mới, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo đảm gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó: Phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”.

Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại hội thảo.

Với quan điểm xuyên suốt và thống nhất của Đảng, cùng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, phát triển nhanh, bền vững ở Việt Nam đã đạt được những tiến bộ quan trọng như: Đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, kinh tế tăng trưởng nhanh, đời sống nhân dân được cải thiện không ngừng, sự nghiệp xóa đói giảm nghèo đạt được kết quả rõ rệt và được thế giới thừa nhận, việc bảo vệ môi trường được quan tâm và có nhiều cải thiện, dân chủ trong xã hội tiếp tục được mở rộng, quốc phòng an ninh được giữ vững, chính trị xã hội ổn định.  Đặc biệt, sau gần nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cả nước đã vượt qua khó khăn thách thức, đại được một số kết quả bước đầu, có ý nghĩa quan trọng, góp phần vào thành tựu chung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hoá, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống Nhân dân,..

Song bên cạnh đó việc phân bố và sử dụng các nguồn lực chưa hợp lý, hiệu quả chưa cao, nhiều trường hợp chưa theo cơ chế thị trường, gây lãng phi. Chất lượng nguồn nhân lực nhìn chung còn thấp, cơ cấu lao động theo trình độ đào tạo còn bất hợp lý, thiếu hụt nhân lực là kỹ sư thực hành, công nhân kỹ thuật bậc cao, trình độ ngoại ngữ hạn chế, thiếu các kỹ năng mềm. Kết nối cung - cầu trên thị trường lao động còn nhiều bất cập. Năng suất lao động thấp so với các nước trong khu vực, Việc quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên chưa hiệu quả, Diện tích đất sử dụng kém hiệu quả hoặc chưa sử dụng còn lớn; một số địa phương buông lỏng quản lý dẫn đến tình trạng đất bị hoang hoá, bị lấn chiếm, tự ý chuyển đổi mục dích sử dụng, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và gây thất thu ngân sách nhà nước....

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến đại biểu tập trung phân tích, làm rõ quan điểm của Đảng ta về phát triển kinh tế nhanh, bền vững; đề xuất các giải pháp phát huy tiềm năng, nguồn lực pháp triển kinh tế nhanh và bền vững; việc nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực của xã hội để hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường; phát triển hài hoà giữa kinh tế với văn hoá, xã hội và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát huy vai trò của các doanh nghiệp nhà nước trong phát triển, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Đồng chí Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Nguồn lực có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, có vai trò quyết định là nội lực cho sự phát triển của quốc gia. Xác định đâu là tiềm năng, lợi thế, cơ hội và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của xã hội để phát triển kinh tế nhanh và bền vững luôn là câu hỏi lớn đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Phát triển bền vững là mối quan tâm trên phạm vi toàn cầu và hiện nay trở thành mục tiêu của nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài quỹ đạo này. Đảng, Nhà nước ta lựa chọn chiến lược phát triển bền vững làm mô hình phát triển đất nước như là một đòi hỏi tất yếu khách quan, coi đây là nội dung, yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước; xác định là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và của cả hệ thống chính trị.

Có thể thấy, quan điểm phát triển nhanh và bền vững đã sớm được Đảng, Nhà nước ta đặt ra với nội dung ngày càng hoàn thiện và đã trở thành một chủ trương nhất quán trong lãnh đạo, quản lý, điều hành tiến trình phát triển đất nước trong nhiều thập kỷ qua. Với quan điểm xuyên suốt và thống nhất của Đảng, cùng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, phát triển nhanh, bền vững ở Việt Nam đã đạt được những tiến bộ quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại không ít những bất cập, thách thức. Thực tiễn ở một số quốc gia cho thấy, phát triển kinh tế nhanh đôi khi phải trả giá bằng sự kém bền vững của nền kinh tế, do tăng trưởng nhanh có thể hủy hoại môi trường và đa dạng sinh học, thiếu đảm bảo sự công bằng xã hội. Vì vậy, cơ sở lý luận hiện nay về tăng trưởng và phát triển kinh tế nhanh, bền vững đặt ra những thách thức không nhỏ: Làm thế nào để xác định được đâu là tiềm năng, lợi thế, cơ hội và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của xã hội; đâu là ngưỡng của các chỉ số đại diện cho các tiêu chí đo lường phù hợp với bối cảnh thực tiễn của mỗi nền kinh tế…

Quang cảnh hội thảo.

Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị: Trong nội dung các tham luận, điều rất phấn khởi là rất nhiều tác giả vừa có tri thức khoa học, vừa đắm mình với thực tiễn của nền kinh tế địa phương nên có rất nhiều đề xuất kiến nghị có chất lượng, có tính ứng dụng cao trong thực tiễn. Có thể nêu một số nội dung cốt lõi như sau:

Thứ nhất, tập trung làm rõ nội hàm của các nguồn lực để phát triển kinh tế và yêu cầu phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời nêu rõ những đóng góp của từng đơn vị, địa phương trong việc thực hiện các nghị quyết của Đảng về kinh tế.

Thứ hai, đi sâu phân tích những điểm mới về hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả. Các tham luận nhấn mạnh đến việc tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, sửa đổi có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển. Khơi thông, giải phóng tối đa và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực hiện có, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thứ ba, nhấn mạnh việc phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là phương thức chủ yếu để sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển của đất nước. Phân tích về việc tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chế độ sở hữu trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam.

Thứ tư, đi sâu phân tích vai trò của các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân trong thực hiện định hướng lớn của Đảng, phát triển, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội. Đổi mới cơ cấu thành phần kinh tế theo hướng bảo đảm cạnh tranh công bằng, bình đẳng, tôn trọng; định vị vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước tập trung vào định hướng, dẫn dắt và thực hiện những dịch vụ công, đầu tư các dự án trọng điểm quốc gia mà các thành phần kinh tế khác không đủ năng lực hoặc không có nhu cầu đầu tư. Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển bền vững của nền kinh tế.

Đồng chí Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu tham luận.

Thứ năm, các tham luận đề cập đến việc tiếp tục triển khai thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Thứ sáu, các tham luận đề cập đến việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong mọi hoạt động của xã hội, nhất là trong quản trị nhà nước. Đổi mới giáo dục - đào tạo, đặc biệt là giáo dục đại học và dạy nghề, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia. Đồng thời phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Thực hiện các chính sách thu hút nhân tài, để thu hút những người có trình độ khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý.

Thứ bảy, các tham luận đề cập đến việc đổi mới phương pháp và công cụ thống kê nhằm thống nhất các chỉ số thống kê bảo đảm chính xác, tin cậy, không để tình trạng các chỉ số thống kê quá khác biệt giữa các cơ quan, tổ chức công bố, hoặc mỗi địa phương lại có cách đánh giá các chỉ số thống kê khác nhau, nhất là việc xác định lợi thế so sách, năng lực cạch tranh.

Thứ tám, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng hệ thống pháp luật. Khuyến khích áp dụng khoa học công nghệ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình cơ cấu lại kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Tập trung các nguồn lực phát triển những sản phẩm có lợi thế so sánh, sức cạnh tranh, giá trị gia tăng cao và có thị trường tiêu thụ…

Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao công tác chuẩn bị tổ chức Hội thảo của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; các vị đại biểu, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, chuyên gia, nhà khoa học… đã dành thời gian, công sức đến tham dự và có ý kiến tham luận sâu sắc, tâm huyết đóng góp vào thành công của Hội thảo. Các ý kiến tham luận tại Hội thảo, một lần nữa làm sáng tỏ những tiềm năng, nguồn lực của xã hội, góp phần “Phát huy tiềm năng, nguồn lực phát triển kinh tế nhanh, bền vững”.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong phát biểu tham luận.

Trong thời gian tới, đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương rất mong tiếp tục nhận được ý kiến góp ý của các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, các đơn vị và địa phương để Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục định hướng, đẩy mạnh tuyên truyền về “Phát huy tiềm năng, nguồn lực phát triển kinh tế nhanh, bền vững” có chất lượng hơn, hiệu quả hơn; góp phần đưa các Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Kết quả Hội thảo sẽ là cơ sở khoa học, thực tiễn quan trọng để Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam báo cáo Ban Tuyên giáo Trung ương thêm cơ sở khoa học nhằm định hướng thông tin tuyên truyền kinh tế trong thời gian tới. Đồng thời báo cáo các cơ quan hữu quan để tham khảo, bổ sung, hoàn thiện các quy định về chủ trương, giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế trong thời gian tới./.

Tin và ảnh Duy Phong