1.Đoàn kết dân tộc - sức mạnh vô giá của dân tộc Việt Nam

Đại đoàn kết toàn dân tộc - di sản vô giá, truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Tinh thần yêu nước, trọng nhân nghĩa, khoan dung, sự cố kết, đùm bọc yêu thương nhau đã thấm sâu vào tư tưởng, tình cảm, tâm hồn mỗi người dân, trở thành lẽ sống, chất kết dính gắn bó các thành viên trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Lịch sử mấy ngàn năm tồn tại và phát triển của dân tộc ta đã chứng minh truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc là sức mạnh, là vũ khí đưa Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thứclập nên những kỳ tích vẻ vang trong mọi hoàn cảnh.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Dưới ánh sáng của đường lối chiến lược, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã được phát huy cao độ với quyết tâm “toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy, đem sức ta giải phóng cho ta”[1], khi thời cơ đến, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 20 triệu người dân Việt Nam đã nhất tề đứng dậy giành chính quyền làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vĩ đại, đem lại nền độc lập cho dân tộc và quyền tự do cho nhân dân.

Trong kháng chiến chống Pháp, với ý chí quyết tâm sắt đá: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ…” và sự đồng lòng của toàn dân tộc: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc…” [2] đã phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân vừa kháng chiến, vừa kiến quốc trong suốt 9 năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ lâu dài, gian khổ, để cuối cùng làm nên thắng lợi Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Với khát vọng cháy bỏng của toàn thể dân tộc Việt Nam: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”[3]và tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc của lãnh tụ Hồ Chí Minh “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” dân tộc Việt Nam đã huy động cao độ sức mạnh chính trị tinh thần và nhân tài, vật lực to lớn lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, để cuối cùng dốc sức cho thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Có thể khẳng định phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành một trong những bài học kinh nghiệm lớn, là phương thức và cũng là điều kiện bảo đảm thực hiện thành công sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, bài học kinh nghiệm này còn nguyên giá trị và cần tiếp tục phát huy nhằm khơi dậy sức mạnh to lớn của toàn dân tộc thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới vì mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

2. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc và những vấn đề đặt ra trong tình hình mới

Ngay từ khi mới giành chính quyền, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam đã phải tiến hành một cuộc đấu tranh chống phản cách mạng hết sức gay go, quyết liệt, không cân sức nhằm bảo vệ chính quyền cách mạng. Qua các thời kỳ cách mạng, Đảng, Nhà nước và ngành công an đã tổ chức tập hợp, giáo dục, động viên đông đảo quần chúng tham gia phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc với hình thức, nội dung và tên gọi khác nhau như phong trào “ba không”, “phòng gian bảo mật”, “bảo vệ trị an, bảo vệ an ninh tổ quốc”. Ngày 22/9/2005, tại kỳ họp thứ 8 (khóa XI), Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua luật Công an nhân dân, quyết định lấy ngày 19/8 hàng năm là ngày truyền thống của lực lượng Công an nhân dân và cũng là ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc. Để thống nhất theo quy định của luật Công an nhân dân, ngày 22/5/2007, tại công văn số 756/BCA-X11, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định thống nhất tên gọi của phong trào là phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc.

Tại Điều 11 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 khẳng định: “Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị”[4]. Theo quan niệm truyền thống, bảo vệ tổ quốc chỉ giới hạn ở phạm vi bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Theo quan niệm truyền thống bảo vệ tổ quốc chỉ chú trọng đến bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Trong tình hình mới, trước biến động mau lẹ, khó lường của tình hình thế giới, khu vực tác động trực tiếp đến nền an ninh chính trị của đất nước, nội hàm khái niệm bảo vệ tổ quốc được mở rộng để đáp ứng sự phát triển về tư duy, nhận thức lý luận và thực tiễn. Bảo vệ tổ quốc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế được Đảng ta xác định rõ: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vẵng chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội”[5]. Đảng ta cũng nhấn mạnh về cội nguồn bảo vệ tổ quốc trước hết đó là: “sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, của cả hệ thống chính trị tranh tối đa sự đồng tình, sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế”[6].

Như vậy phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc là hoạt động tự giác, có tổ chức lôi cuốn đông đảo nhân dân tích cực, tự giác, chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ an ninh, trật tự; tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo vệ tài sản Nhà nước và tính mạng, tài sản của nhân dân; xây dựng lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh trật tự.

Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc có một số đặc trưng cơ bản sau:

Một là, phong trào có sự tham gia của đông đảo của mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội.

Hai là, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc là một hoạt động tự nguyện, tự giác của quần chúng nhân dân.

Ba là, Phong trào được tổ chức chặt chẽ, thống nhất dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền và sự hướng dẫn chuyên môn của lực lượng Công an nhân dân.

Từ thực tiễn lịch sử đấu tranh bảo vệ tổ quốc của dân tộc Việt Nam đã chứng minh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc giữ vị trí quan trọng, ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc góp phần bảo vệ thành quả cách mạng mà nhân dân ta đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Thứ nhất, đây là một trong những phong trào thi đua yêu nước, là một bộ phận gắn bó chặt chẽ với phong trào cách mạng của Đảng, Nhà nước, các ban ngành, đoàn thể, địa phương góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, nâng cao trình độ dân trí, đạo đức, làm giảm thiểu những tiêu cực, mâu thuẫn vốn là nguyên nhân , điều kiện tồn tại và phát triển của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; làm nền tảng vững chắc, nòng cốt để huy động, duy trì thường xuyên, mạnh mẽ và thực hiện có hiệu quả các phong trào khác ở địa phương cơ sở.

Thứ hai, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc là hình thức cơ bản để tập hợp, thu hút, giáo dục, hướng dẫn, nâng cao năng lực hoạt động của đông đảo nhân dân tham gia giải quyết những yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự.

Thứ ba, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc là điều kiện cơ bản để nhân dân thực hiện quyền làm chủ trên lĩnh vực bảo vệ an ninh, trật tự, trực tiếp tham gia quản lý nền an ninh, trật tự của đất nước, góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh.

3. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc trong tình hình mới

Ngày 1/12/2011, Ban Bí thư ban hành chỉ thị số 09-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc đã nêu rõ yêu cầu của công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc trong tình hình mới là nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý và tổ chức thực hiện của chính quyền, trách nhiệm của mặt trận tổ quốc Việt Nam, các ban ngành, đoàn thể các cấp nhằm huy động tốt sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và của toàn thể nhân dân tham gia phong trào; phát huy dân chủ, nâng cao ý thức, trách nhiệm, năng lực của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ của công dân trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc phải được chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên, thống nhất từ trung ương đến cơ sở.

Để tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc trong tình hình mới cần thực hiện tốt các giải pháp sau:

Thứ nhất,thường xuyên coi trọng nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh tổ quốc trong tình hình mới.

Sự nghiệp bảo vệ an ninh tổ quốc là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, nhân dân là chủ, nhân dân làm chủ; đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm mỗi người dân đều sống trong môi trường an toàn, an ninh và được thụ hưởng những thành quả của công cuộc đổi mới.

Thứ hai, tăng cường vai lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc.

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc là vấn đề chiến lược, thực hiện theo cơ chế: Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, điều hành, phát huy quyền làm chủ của nhân dân và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong đó lực lượng Công an nhân dân là lực lượng tham mưu và làm nòng cốt, xung kích.

Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền, lực lượng công an các cấp cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tham mưu phục vụ cấp ủy Đảng, chính quyền cùng cấp và công an cấp trên đề ra chủ trương, kế hoạch, biện pháp xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc.

Thứ ba, coi trọng công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân và toàn thể quần chúng nhân dân về xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc gắn với chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, thực hiện công bằng xã hội và đảm bảo dân chủ ở cơ sở.

Thứ tư, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, tạo điều kiện để nhân dân thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi trong sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự.

Để đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc cần quán triệt và thực hiện tốt việc phát huy truyền thống yêu nước, nâng cao cảnh giác cách mạng của nhân dân trước những âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, vấn đề “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ nhân dân; vận động toàn dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tài sản, lợi ích hợp pháp của tập thể, cá nhân; tích cực tham gia các chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống tội phạm; tiếp tục nghiên cứu, đề nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách về công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc; bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và quần chúng bị thương, bị hy sinh, thiệt hại về tài sản trong khi tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc; tổng kết thực tiễn, đúc kết lý luận, từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống lý luận cơ bản về công tác xây dựng phòng trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc.

Quá trình đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quôc cần chú ý, quan tâm đến đặc điểm riêng biệt của từng mô hình, yêu cầu, hình thức của phong trào ở một số địa bàn, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị; chú ý tạo điều kiện khích lệ nhân dân thực hiện trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ trong sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự.

Thứ năm, bổ sung, hoàn thiện cơ sở pháp lý, cơ chế chính sách về phát huy dân chủ cơ sở để phục vụ công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc. đồng thời Phải làm cho nhân dân hiểu, thấm nhuần mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, biến thành ý chí và hành động của toàn dân và đi vào cuộc sống. Đảng phải không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để tập hợp các tầng lớp nhân dân trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo thành sức mạnh to lớn vững chắc trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Trải qua 93 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn đặc biệt quan tâm, phát huy cao nhất tinh thần đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự nói chung và trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc nói riêng; xác định đây là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu quyết định thắng lợi của phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc. Tinh thần đại đoàn kết dân tộc là truyền thống quý báu, sức mạnh vô địch trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc và cách mạng, như Bác Hồ từng khẳng định: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”.

Danh mục tài liệu tham khảo

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2016

  2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2021

  3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2021

  4. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Nxb. Lao động, Hà Nội. 2014

  5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, t1, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, H, 2011

  6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, t3, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, H, 2011

  7. Hồ Chí Minh, Toàn tập, t4, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, H, 2011.

  8. Thượng tướng Bùi Văn Nam, Tư tưởng Hồ Chí về phát huy sức mạnh nhân dân trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội. 2018. 


[1]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t.3, tr.569.

[2]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t.4, tr.480.

[3]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t1, tr.1. 

[4] Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Nxb. Lao động, Hà Nội. 2014, tr 16

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII,Nxb. CTQG, Hà Nội.2016, tr.147-148

[6]Sđd, tr 147

ThS Trần Hồng Quyên - Học viện An ninh nhân dân4