NHÌN TỪ CHIỀU DÀI LỊCH SỬ
Trong mỗi thời kì, mỗi giai đoạn, khát vọng dân tộc sẽ được cụ thể hóa dựa theo những tiêu chí của nhà quản lí. Như dưới thời kì phong kiến, sau khi đã dành được độc lập, tự chủ thì khát vọng xây dựng xã tắc thái bình, thịnh trị là đích đến của các triều đại phong kiến. Hay như ở thời điểm năm sau 1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập thì lý tưởng của toàn thể dân tộc là xây dựng đất nước tiến theo con đường xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, khát vọng dân tộc giữ vai trò chủ đạo trong giai đoạn này chính là độc lập và tự do. Sau khi thống nhất đất nước, để thực hiện lý tưởng xây dựng chủ nghĩa xã hội, khát vọng dân tộc lại được Đảng, Nhà nước cụ thể hóa dựa theo từng giai đoạn, từng lộ trình khác nhau. Đại hội VI, năm 1986 của Đảng khẳng định “đổi mới là yêu cầu bức thiết của sự nghiệp cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa sống còn”; Đại hội VII (1991) đề ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; Đại hội VIII (1996) đề ra chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp; Đại hội IX (2001) xác định kinh tế thị trường định hướng xã hội là mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trong đó phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa là nhiệm vụ trung tâm; Đại hội X (2006) xác định mục tiêu sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển; Đại hội XI (2011) bổ sung phát triển Cương lĩnh 1991, quyết định đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh hội nhập quốc tế; Đại hội XII (2016) nhấn mạnh nâng cao chất lượng phát triển, sức cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Đại hội XIII, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương khơi dậy ở một tầm cao mới khát vọng phát triển đất nước Việt Nam “phồn vinh, hạnh phúc”. Vậy, trong mối quan hệ với khát vọng dân tộc, sức mạnh niềm tin của nhân dân sẽ được thể hiện như thế nào?
Niềm tin nhân dân có thể được hiểu là sự tin tưởng, kỳ vọng của cộng đồng cư dân trong một quốc gia đối với các chủ trương, chính sách xây dựng, phát triển đất nước của nhà quản lý. Niềm tin nhân dân có vai trò rất quan trọng. Nó là nhân tố trung tâm quyết định tinh thần đoàn kết của dân tộc; là động lực khai phóng các tiềm năng, các nguồn lực của đất nước và là tiền đề vững chắc để hiện thực hóa khát vọng của dân tộc. Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam sẽ là thực tế sinh động nhất để minh chứng cho luận điểm này.
Trong suốt 1000 nghìn năm Bắc thuộc, các thế lực phong kiến Trung Hoa luôn tìm cách Hán hóa dân tộc Việt Nam. Song với sức mạnh của niềm tin về nòi giống “con rồng cháu tiên”, cộng đồng cư dân Việt Nam đã kiên trì, bền bỉ đấu tranh để giữ vững lấy “hồn quốc”. Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam - Triệu Thị Trinh với câu nói đầy hào khí: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người”(1), như là một sự minh chứng cho tinh thần đấu tranh bất khuất và khát vọng độc lập dân tộc trong giai đoạn này. Đầu thế kỉ X, nhà Đường suy yếu, Khúc Thừa Dụ nhân cơ hội đem quân chiếm đóng thành Đại La (Tống Bình cũ - Hà Nội), xưng Tiết Độ sứ. Ngày 7/2/906, vua Đường buộc phải chấp thuận vai trò của Tĩnh Hải quân Tiết Độ sứ, đồng thời, phong thêm cho Ông tước “Đồng bình chương sự”. Lịch sử dân tộc ghi nhận công lao của Ông như là người đầu tiên đặt cơ sở cho nền độc lập, khai mở niềm tin cho quần chúng nhân dân về một tương lai tươi sáng của nước Việt. Để rồi, năm 938, với sức mạnh của niềm tin và tinh thần đoàn kết một lòng, nhân dân Việt Nam lại tiếp tục làm nên một trận Bạch Đằng giang vang dội, mở ra thời kì độc lập, tự chủ cho đất nước.
Hội nghị Diên Hồng thời Trần cũng chính là một minh chứng về sức mạnh của niềm tin và tinh thần vua - tôi đoàn kết một lòng để 3 lần đánh bại quân xâm lược Nguyên - Mông, một trong những đế chế hùng mạnh bậc nhất ở châu Á lúc bấy giờ. Hai chữ “Diên Hồng” đã trở thành biểu trưng cho ý chí thống nhất của dân tộc, thể hiện sự đồng lòng nhất trí và niềm tin son sắc giữa nước với dân. Dưới thời Lê, Lê Lợi và Nguyễn Trãi được quân dân một lòng tin tưởng, thương mến, bởi tinh thần cai trị đất nước: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” và ý chí kiên định “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/Lấy chí nhân để thay cường bạo”. Do vậy mà “Nhân dân bốn cõi một nhà dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới”, “Tướng sĩ một lòng phụ tử” để làm nên “cỗ nhung y chiến thắng” trước quân Minh.
Từ nửa sau thế kỉ XVIII, trước sự tranh chấp quyền lực của các tập đoàn phong kiến và những bất ổn của đời sống xã hội, người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ phất cờ khởi nghĩa. Với khí thế và quyết tâm: “Đánh cho để dài tóc/Đánh cho để đen răng/Đánh cho nó chích luân bất phản/Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/Đánh cho sử tri, Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”(2), Nguyễn Huệ đã huy động được sức mạnh niềm tin của quần chúng nhân dân để làm nên những chiến công vang dội tại Rạch Gầm - Xoài Mút, hay cuộc hành quân thần tốc ra kinh đô Thăng Long để đập tan ý đồ xâm lược của quân Thanh, giữ vững bờ cõi cho dân tộc, xóa bỏ tình trạng phân chia đất nước kéo dài trên hai thế kỉ, lập lại nền thống nhất quốc gia.
Dưới thời Nguyễn, dù triều đình khuất phục trước gót dày xâm lăng của chủ nghĩa thực dân phương Tây, nhưng quần chúng nhân dân Việt Nam với niềm tin và ý thức bảo vệ chủ quyền quốc gia, dân tộc đã không ngần ngại đứng lên phản kháng sự cai trị, chiếm đóng của thực dân Pháp. Với tinh thần “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì người Nam mới hết đánh Tây” (Nguyễn Trung Trực)(3), dù thất bại, nhưng các cuộc khởi nghĩa đã cho thấy tinh thần, ý chí tự cường của nhân dân và đặc biệt là niềm tin vào sức mạnh nội tại của dân tộc.
Cũng chính niềm tin vào sự nghiệp độc lập, tự do của đất nước mà Nguyễn Ái Quốc đã bôn ba khắp “bốn bể, năm châu” tìm kiếm con đường cứu nước, cứu dân. Trước vòng vây của chủ nghĩa thực dân, phong kiến, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (1930) và trở thành ngọn cờ tiên phong trong các phong trào đấu tranh cách mạng. Trong những ngày đầu vô cùng khó khăn ấy, niềm tin của nhân dân lại được khơi dậy để nuôi nấng, bao bọc, chở che cho Đảng, cho lí tưởng mà toàn thể dân tộc hướng đến. Dù có không ít người bị bắt bớ, giam cầm nhưng vẫn kiên quyết giữ vững lời thề sắt son theo Đảng. Bởi với họ, một khi đã tìm được lí tưởng, niềm tin, tức là đã tìm thấy được sức mạnh, tìm được điểm tựa tinh thần và động lực cho cuộc sống. Lý tưởng ấy đã soi sáng niềm tin cho nhân dân, mà nòng cốt là giai cấp công nhân và nông dân hăng hái bước vào cuộc đấu tranh, làm nên các cao trào cách mạng (1930 - 1931; 1936 - 1939).
Sức mạnh niềm tin của nhân dân tiếp tục được phát huy mạnh mẽ hơn trong các phong trào đấu tranh giành chính quyền những năm 1939 - 1945. Với niềm tin vào sự thắng lợi trọn vẹn và ý chí quyết tâm “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”(4), “Dù phải hi sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”(5), toàn thể dân tộc Việt Nam đã làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945, xóa bỏ xích xiềng phong kiến, thực dân.
Sau cách mạng tháng Tám, đất nước đứng trước vô vàn những khó khăn thử thách “ngàn cân treo đầu sợi tóc”, nhưng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Hồ Chủ tịch, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã có những chủ trương, đường lối đối nội, đối ngoại thiết thực để củng cố tình hình đất nước, phát huy sức mạnh niềm tin của nhân dân. Đáp lời hiệu triệu của cách mạng, hơn 20 triệu đồng bào đã đoàn kết một lòng cùng nhau thắt lưng, buộc bụng để “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, hăng hái tham gia “tuần lễ vàng”, “quỹ độc lập”, thực hiện phong trào “tăng gia sản xuất”, “bình dân học vụ” và đoàn kết thống nhất để chống thù trong giặc ngoài. Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi (1954) đã chính thức khép lại giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp hào hùng của dân tộc. Đồng thời, thắng lợi này cũng đã minh chứng một chân lý mà các dân tộc bị áp bức trên thế giới đều có thể tin tưởng rằng: Một nước nhỏ, kinh tế chậm phát triển, nếu có một đảng mác xít chân chính lãnh đạo với đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, phát huy được sức mạnh toàn dân tộc, được nhân dân thế giới đồng tình ủng hộ thì nhất định đánh bại được các cuộc chiến tranh xâm lược của mọi kẻ thù.
Sau năm 1954, miền Bắc quá độ đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam bước vào cuộc kháng chiến chống Mĩ. Khát vọng độc lập dân tộc, sức mạnh niềm tin nhân dân tiếp tục được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”(6) và “Sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý đó không bao giờ thay đổi” (7). Với tinh thần: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, và “dù khó khăn, gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất”(8)... cả nước, triệu người như một đều nhất loạt đứng lên đấu tranh để bảo vệ quê hương, xóm làng. Từ phong trào Đồng Khởi (1960), Điện Biên Phủ trên không (1972), đến Đại thắng Mùa xuân năm 1975,... tất cả những thắng lợi vang dội ấy đều được tạo nên bởi sức mạnh của niềm tin, bởi truyền thống của một dân tộc vốn đất không rộng, người không đông, vũ khí trang bị chưa hiện đại nhưng với ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết, đồng sức, đồng lòng đã đánh thắng một đế quốc to, quân đông, vũ khí trang bị hiện đại.
Sau khi thống nhất đất nước, cả nước quá độ đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sức mạnh niềm tin của nhân dân tiếp tục được huy động cho công cuộc đổi mới. Sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, từ một đất nước nghèo nàn, có cơ sở vật chất, kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu, trình độ thấp, đến nay, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình. Văn hoá, xã hội tiếp tục phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố. Tình hình chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh, độc lập, chủ quyền được giữ vững. Vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Đặc biệt, trong năm 2020, dù gặp phải rất nhiều khó khăn do tình hình COVID-19, nhưng Việt Nam vẫn thực hiện thành công nhiệm vụ “kép” đầy ấn tượng trong phòng chống đại dịch và phát triển kinh tế. Việt Nam là một trong ít quốc gia duy trì tăng trưởng dương trên thế giới với tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 đạt 2,91%(9).
|
KHÁT VỌNG PHỒN VINH, HẠNH PHÚC VÀ SỨC MẠNH TIỀM TIN CỦA NHÂN DÂN TRƯỚC YÊU CẦU MỚI CỦA ĐẤT NƯỚC
Năm 2021, đánh dấu chặng đường 35 năm đổi mới của đất nước. Những thành quả đạt được từ trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước đã cho phép Đảng, Nhà nước và toàn thể dân tộc Việt Nam hướng đến khát vọng lớn hơn là phồn vinh, hạnh phúc. Khát vọng phồn vinh, hạnh phúc chính là sự kết tinh bản lĩnh, trí tuệ của Đảng dựa trên sự đúc kết những kinh nghiệm từ quá trình lãnh đạo xây dựng, phát triển đất nước. Đó không phải là khát vọng giản đơn, xuôi chiều, mà được bồi đắp trên cơ sở phân tích, dự báo, lường đoán kỹ lưỡng những thời cơ, thuận lợi có thể nắm bắt, phát huy; đồng thời tỉnh táo cân nhắc, tính toán những khó khăn, thách thức bên ngoài, những yếu kém, trở ngại bên trong cần phải kiên quyết khắc phục, thích ứng, vượt qua. Đó cũng là sự vận dụng phương châm dĩ bất biến ứng vạn biến, nhạy bén chớp thời cơ, chủ động ứng phó với nguy cơ, chuyển hóa nguy cơ thành vận hội phát triển.
Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc mang sức sống hiện thực được hình thành, bồi đắp trên một cơ tầng khoa học về lộ trình hướng đích, bước đi được dự liệu rõ ràng và là sự kế thừa, hoàn thiện những mục tiêu đã được xác định từ những giai đoạn trước. Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúcgắn liền với quá trình xây dựng và phát huy hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và giá trị chuẩn mực, cùng sức mạnh con người Việt Nam trong thời kỳ mới gắn liền với phát huy đồng bộ hệ động lực phát triển: Dân chủ xã hội chủ nghĩa; đại đoàn kết toàn dân tộc; sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị; nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tài; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và cuộc bầu cử đại biểu quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp cho thấy, quần chúng nhân dân đã sẵn sàng hành trang, tâm thế để cùng Đảng, Nhà nước bước vào vận hội mới. Do vậy, để phát huy được tối đa sức mạnh niềm tin của nhân dân vào quá trình hiện thực hoá khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, thiết nghĩ cần phải chú trọng đến các định hướng cụ thể sau:
Thứ nhất, cần nâng tầm và đặt đúng vai trò, vị trí của niềm tin nhân dân trong chiến lược phát triển. Phải xem sức mạnh niềm tin nhân dân là động lực của sự phát triển quốc gia. Động lực này không chỉ là kết quả từ sự kiến tạo niềm tin của nhân dân, của mỗi người lao động, của các doanh nghiệp đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lí, quản trị hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước; mà còn là sự kiến tạo niềm tin và trách nhiệm cao cả của Nhà nước đối với nhân dân với tư cách là chủ nhân, chủ thể phát triển của xã hội, của đất nước. Đó còn là sự kiến tạo niềm tin dựa trên các mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người, giữa các chủ thể với nhau trong cộng đồng quốc gia, dân tộc, kết tụ ở việc luôn đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết.
Động lực này sẽ được xác lập dựa trên những nền tảng đường lối, chủ trương, định hướng phát triển đúng đắn của của Đảng, Nhà nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; trên nền tảng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của dân, do dân, vì dân, một hệ thống luật pháp và cơ chế, chính sách quản lí, quản trị phát triển hiệu lực, hiệu quả, công khai, minh bạch; một nền hành chính liêm chính, tinh thần trách nhiệm cao trước dân; trên nền tảng một đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức “thực đức, thực tài”, thực sự công bộc, đặt lợi ích của nhân dân, lợi ích phát triển của đất nước lên trên hết. Động lực này sẽ phát huy cao độ khi thực hành dân chủ xã hội rộng rãi gắn liền với thực thi kỉ cương phép nước, “sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”; tôn trọng, bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của của mỗi con người, của nhân dân và của tất cả các chủ thể trong xã hội. Có được động lực niềm tin thì tất cả mọi người dân trong xã hội mới vững tâm mang tất cả tâm huyết, nguồn lực, trí tuệ, tài năng của mình ra để cống hiến cho sự phát triển chung của đất nước và dân tộc. Động lực này cũng là sự kết tinh, kết tụ lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội khát vọng chấn hưng đất nước của mỗi con người, của toàn dân tộc với sự lãnh đạo của Đảng và quản lí của Nhà nước. Có thể nói, niềm tin của quần chúng nhân dân chính là thước đo quý giá nhất đối với năng lực lãnh đạo của Đảng, khả năng quản lí đất nước của Chính phủ và là một động lực to lớn nhất, chính yếu nhất cho sự phát triển nhanh, bền vững đất nước.
Thứ hai, cần chú trọng xây dựng cơ sở để nhân dân kí thác niềm tin và thể hiện tình yêu đối với đất nước. Xưa nay, niềm tin và tình yêu Tổ quốc luôn sẵn có nơi mỗi người dân Việt và nó được duy trì, phát triển dựa trên tư duy của nhà quản lí. Tuy nhiên nếu niềm tin và lòng yêu nước không được định hình dựa trên nền tảng, quan điểm và cả những định hướng cụ thể thì sẽ rất dễ bị tổn thương và lợi dụng. Trường hợp nêu trên đã từng xảy ra trong lịch sử Việt Nam và rõ nhất là qua âm mưu của các nhà truyền giáo ở thời kì cận đại... Và ngày nay trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, niềm tin và tình yêu quê hương, đất nước cũng cần phải được định hình dựa trên những cơ sở thật sự cụ thể nếu ko sẽ bị lợi dụng để phục vụ cho các toan tính cá nhân hoặc các tổ chức đối lập, chống đối. Điều này sẽ tạo nên những hệ lụy và hậu quả vô cùng to lớn đối với sự an nguy của đất nước.
Để xây dựng môi trường cho niềm tin hình thành và phát triển, thì trước hết phải được bắt nguồn từ việc Đảng, Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách thực sự đúng đắn và phù hợp. Chúng ta cần quan tâm hơn nữa lợi ích, nguyện vọng của nhân dân; lấy lợi ích của quốc gia, dân tộc và quyền lợi căn bản của công dân làm mẫu số chung cho quá trình phát triển; phải xem trọng nhân dân với tư cách là chủ thể của việc tạo lập niềm tin trong xã hội... Phải chăm lo xây dựng con người phát triển toàn diện theo hướng trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, ý chí, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách. Phải tạo nên được những sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, niềm tin sâu sắc vào truyền thống lịch sử, vào văn hóa dân tộc. Phải gắn việc xây dựng, rèn luyện đạo đức với thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Phải nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức, khát vọng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế...
Thứ ba, cần gắn chặt vấn đề xây dựng, phát huy sức mạnh niềm tin với việc củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Có niềm tin mới có đoàn kết dân tộc. Sự phát triển hay suy giảm niềm tin luôn kéo theo tỉ lệ thuận tương ứng của tinh thần đoàn kết dân tộc. Do đó cần đặt mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc với việc củng cố và phát huy niềm tin trong quần chúng nhân dân. Việc gắn chặt niềm tin với tinh thần đoàn kết không chỉ cho phép tăng thêm sức mạnh nội lực trong quá trình phát triển, hội nhập sâu rộng với thế giới mà còn làm gia tăng thêm sức đề kháng cho quốc gia trong việc đập tan các hành động xâm lấn của kẻ thù và cả những âm mưu chống đối, chống phá nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công”, chỉ có sức mạnh của tinh thần đoàn kết mới mang lại cho dân tộc một sự phát triển ổn định và thịnh vượng, mới giúp dân tộc thành công trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Và niềm tin chính là mẫu số chung có giá trị cao nhất để thúc đẩy các thành viên trong xã hội xích lại gần nhau, đoàn kết, gắn bó keo sơn với nhau trong một chỉnh thể nhà nước, quốc gia thống nhất./.
PGS.TS. Đoàn Triệu Long
Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực III, Đà Nẵng
(1) Nguyên văn: 我要乘劲风, 踏恶浪, 斩杀东海的鲸鱼, 驱逐吴军, 光复河山, 砸烂奴隶枷锁, 决不卑躬屈膝地做人家的妻妾. Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn (2008), Đại cương Lịch sử Việt Nam toàn tập, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.85.
(2) Phan Huy Lê (Chủ biên và các cộng sự, 2016), Lịch sử Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia, H, t.2, tr.602.
(3) Nguyễn Quang Ngọc (2006), Tiến trình lịch sử Việt Nam, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, tr.215.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.3, tr. 596.
(5) Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2016, t.2, tr. 225.
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.11, tr. 264.
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.4, tr. 280.
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2011, t.15, tr. 612.
(9) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, H, 2021, t.1, tr. 24.
Nguồn: Tạp chí tuyên giáo