Các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết: Thời gian qua, triển khai thực hiện yêu cầu của Nghị quyết Trung ương và Chỉ thị của Ban Bí thư, các cấp, các ngành đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, từ đó nâng cao nhận thức của các cấp quản lý và cộng đồng; hình thành ý thức trách nhiệm và kỹ năng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường; góp phần phát huy sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đảng ta đã đề ra tại Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”.
|
Đồng chí Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu.
Cũng theo đồng chí Phan Xuân Dũng, tình hình cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường thiên tai, biến đổi khí hậu trên thế giới nói chung và ở nước ta nói riêng đang ngày càng diễn biến xấu,phức tạp và khó lường. Văn kiện Đại hội XIII dự báo“biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường… tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với các thách thức truyền thống và phi truyền thống khác sẽ còn tác động mạnh đến sự phát triển của nước ta trong những năm tới”. Đặc biệt, biến đổi khí hậu ngày càng tác động mạnh mẽ, đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển của đất nước. Theo dự báo Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với những tổn thất và thiệt hại vượt ngoài khả năng ứng phó ngay cả khi đã áp dụng triệt để các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tại Đại hội XIII của Đảng đề ra nhiều chủ trương, nhiệm vụ và giải pháp lớn về thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, bên cạnh đó, trong 06 nghị quyết vùng mới ban hành, Nghị quyết quy hoạch tổng thể quốc gia đều đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp quan trọng cần tập trung tuyên truyền, quyết liệt trong tổ chức triển khai thực hiện.
|
Quang cảnh hội thảo.
Phát biểu định hướng tại hội thảo, đồng chí Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Nhiều năm qua, bảo vệ môi trường, tăng cường quản lý tài nguyên, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Nhiều chủ trương, chính sách về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đã được ban hành đáp ứng những vấn đề thực tiễn đặt ra, trong đó có Nghị quyết số 24, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”.
Trong các nội dung của Nghị quyết, nhóm giải pháp đầu tiên được xác định để thực hiện thành công các mục tiêu về tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu là “Tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường”.
Ngay sau khi đươc ban hành, Nghị quyết đã được Ban Tuyên giáo Trung ương tham mưu cho tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức nghiên cứu, quán triệt, học tập rộng rãi trong toàn thể các cấp ủy, tổ chức đảng; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng các nội dung của nghị quyết cũng như nhiều kết quả quan trọng trong quá trình thực hiện.
Sau 10 năm tổ chức triển khai đưa Nghị quyết số 24 vào cuộc sống, công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã được tổ chức thực hiện quyết liệt, có nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thường xuyên được đổi mới, đạt những kết quả quan trọng, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết số 24, đóng góp không nhỏ vào sự ổn định xã hội, phát triển kinh tế và bảo đảm phát triển bền vững đất nước.
Đồng chí Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại hội thảo.
Các cơ quan, đơn vị trong hệ thống ngành tuyên giáo các cấp đã làm tốt công tác định hướng các cơ quan báo chí, truyền thông kịp thời thông tin về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước; lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên dư luận xã hội từ trung ương đến cơ cở, các cơ quan báo chí đã tích cực tổ chức thông tin, tuyên truyền đóng góp quan trọng tạo sự đồng thuận, nhất trí trong cán bộ và nhân dân với các giải pháp, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu, quả lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; cũng như trong giải quyết, khắc phục sự cố, ổn định tư tưởng, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tuy nhiên, đồng chí Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng: Việc phổ biến, quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ở một số địa phương, đơn vị còn có những hạn chế, như: Hình thức, phương pháp công tác tuyên truyền, phổ biến về Nghị quyết số 24- NQ/TW, Kết luận 56-KL/TW và các chủ trương, chính sách liên quan đến công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ở một số nơi có lúc có nơi còn hạn chế, chậm đổi mới, hiệu quả chưa cao; chủ yếu mới tập trung vào việc phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên.
Công tác phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể thực hiện các hình thức tuyên truyền về ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường có lúc chưa phong phú, đa dạng, nhất là việc tuyên truyền trực tiếp tại cơ sở.
Bên cạnh đó, tình hình biến đổi khí hậu trên thế giới ngày càng diễn biến phức tạp và khó lường, thảm họa thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xảy với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Môi trường sống của người dân không chỉ trên đất nước ta mà trên toàn cầu đang bị đe dọa và xuống cấp nghiêm trọng. Bối cảnh đặt ra cho công tác chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đứng trước nhiều khó khăn và thách thức lớn. Do đó, công tác thông tin, tuyên truyền trên lĩnh vực này đòi hỏi phải tích cực, chủ động hơn nữa để tạo chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của cán bộ, đang viên và mọi tầng lớp nhân dân. Phải coi công tác thông tin, tuyên truyền là biện pháp cơ bản và chủ yếu, phải tiên phong đi đầu, góp phần quyết định đến sự hiệu quả trong công tác chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Đồng chí Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương mong nhận được những chia sẻ kinh nghiệm, ý kiến đề xuất của các chuyên gia, nhà khoa học và các quý vị đại biểu, về một số vấn đề cụ thể cần đẩy mạnh hơn nữa trong công tác tuyên truyền. Các ý kiến chia sẽ được Ban tổ chức Hội nghị tiếp thu, tổng hợp, góp phần hoàn thiện báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 24 cũng như tham mưu cho công tác chỉ đạo, định hướng tuyên truyền về tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu của Ban Tuyên giáo Trung ương trong thời gian tới.
|
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học đã tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến sâu sắc cho việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đối với thích ứng biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Theo đó, cần chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền dài hạn và hàng năm; kế hoạch tuyên truyền liên quan tới các vấn đề môi trường trước, trong và sau các dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội lớn của đất nước. Củng cố đội ngũ cán bộ tuyên truyền, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu, giúp nâng cao bản lĩnh và sự nhạy bén chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đa dạng hóa các kênh thông tin, tuyên truyền biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Ngoài các kênh thông tin truyền thống, cần nghiên cứu xây dựng những kênh truyền thông chuyên biệt, hiệu quả cho từng đối tượng khác nhau. Tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, liên thông, cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý và điều hành các nhiệm vụ liên quan tới thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tăng cường hợp tác quốc tế, học tập kinh nghiệm của các nước đi trước đã thành công trong công tác bảo vệ môi trường; huy động các nguồn lực góp phần thực hiện tốt công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phòng tránh thiên tai./.
Tin và ảnh: Duy Phong