11 thủ tục hành chính bao gồm: Cấp Giấy phép môi trường; cấp điều chỉnh Giấy phép môi trường; cấp đổi Giấy phép môi trường; cấp lại Giấy phép môi trường; chấp thuận liên kết, chuyển giao chất thải nguy hại không có trong giấy phép môi trường; chấp thuận đăng ký vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại theo Công ước Basel về kiểm soát vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại và việc tiêu hủy chúng; đăng ký miễn trừ các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) theo quy định của Công ước Stockholm; cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường; điều chỉnh nội dung Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường; chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam; cấp đổi quyết định chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Thủ trưởng các đơn vị quản lý nhà nước trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định.
Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, giai đoạn 2016 - 2022, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện đơn giản hóa về điều kiện và cách thức thực hiện, bãi bỏ các thủ tục hành chính không thực sự cần thiết cho công tác quản lý môi trường; lồng ghép việc thẩm định các thủ tục hành chính liên quan trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Theo đó, với việc ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP, đã bãi bỏ 26 thủ tục hành chính về môi trường; Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP tiếp tục cắt giảm 18 thủ tục hành chính về môi trường so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 (tương đương giảm 34%, vượt mục tiêu mà Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ đề ra trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025 là cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20%).
Công tác đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường tiếp tục được thực hiện nề nếp, chú trọng nâng cao chất lượng để góp phần phòng ngừa ô nhiễm, giảm thiểu các tác động xấu đối với môi trường. Chính phủ đã tập trung chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng, cải tiến quy trình, thủ tục nhằm phát huy vai trò, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc sàng lọc, kiểm soát định hướng, quy hoạch, dự án đầu tư phát triển phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường.
Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2016-2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp 629 Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép xử lý chất thải nguy hại, bổ sung phương tiện vận chuyển chất thải nguy hại và liên kết xử lý chất thải nguy hại cho 663 hồ sơ; 578 Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường; 42 Quyết định chỉ định tổ chức đủ điều kiện giám định phế liệu; 479 Giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Các bộ, ngành đã cấp 9 Giấy phép tiếp cận nguồn gen; ban hành hơn 80 quyết định cho phép đưa nguồn gen ra nước ngoài phục vụ học tập, nghiên cứu không vì mục đích thương mại. Nhiều địa phương đã chú trọng lựa chọn, thu hút các dự án công nghệ cao, dự án có tỷ lệ đầu tư về môi trường lớn. Một số địa phương đã bước đầu thực hiện việc phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường ngay từ quá trình thu hút đầu tư.
Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN)