Trường Đại học Vinh, trước là Trường Đại học Sư phạm Vinh, được Chính phủ phê duyệt đưa vào danh sách xây dựng thành trường đại học trọng điểm quốc gia năm 2011.
Trường đào tạo 50 ngành đại học hệ chính quy, 37 chuyên ngành đào tạo thạc sỹ, 16 chuyên ngành đào tạo tiến sỹ, có 2 đơn vị trực thuộc là trường THPT chuyên Đại học Vinh và trường Thực hành sư phạm.
Hiện nay, trường Đại học Vinh đang theo mô hình phân cấp Trường - Viện/Khoa - Bộ môn. Tầm nhìn trường đang hướng đến là xây dựng thêm các Viện đào tạo từ các khoa sát nhập, lấy đó làm tiền đề xây dựng các trường đại học thành viên trực thuộc một trường lớn là Trường Đại học Vinh.
|
Thầy Đinh Xuân Khoa - Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh cho biết đây là dự án thí điểm được Chính phủ phê duyệt, cùng thực hiện còn có Đại học Cần Thơ. Ảnh: Thục Anh. |
Từ nay đến năm 2025, trường sẽ thành lập 6 viện gồm: Viện Sư phạm Tự nhiên, Viện Kỹ thuật và Công nghệ, Viện Công nghệ Hoá sinh - Môi trường, Viện Nông nghiệp và Tài nguyên, Viện Sư phạm Xã hội, Viện Khoa học xã hội và Nhân văn. Nếu thuận lợi, trong tương lai 6 viện này sẽ tách thành 6 trường đại học thành viên của Trường Đại học Vinh.
Theo tiết lộ của GS. TS, Nhà giáo ưu tú Đinh Xuân Khoa - Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh, đây là dự án thí điểm mà chính phủ đã phê duyệt cho Đại học Vinh và Đại học Cần Thơ thực hiện. Tại Việt Nam mô hình các trường đại học thành viên trực thuộc trường lớn chưa nhiều, mới chỉ xây dựng tại trường Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Việc xây dựng nhóm trường đại học trực thuộc khá phổ biến trên thế giới, đặc biệt là với các trường đại học có tên tuổi, uy tín và bề dày lịch sử. Có thể kể đến trường Đại học Sorbonne danh tiếng của Pháp. Trên thực tế đây là một cộng đồng bao gồm 9 trường đại học và 5 viện nghiên cứu với tên gọi tắt là USPC (Université Sorbonne Paris Cité). Mỗi trường tập trung đào tạo một lĩnh vực thế mạnh và cùng nhau tạo nên danh tiếng chung cho Đại học Sorbonne.
|
Đại học Sorbonne danh tiếng của Pháp cũng là mô hình nhiều trường đại học trực thuộc. Ảnh: Internet. |
Mô hình này hướng đến xây dựng các cực (pole) giáo dục đa cấp ngành, đa lĩnh vực nhưng vẫn giữ được tính nhất quán trong tôn chỉ, làm giàu thêm mạng lưới quan hệ của trường với đầu vào và đầu ra cho sinh viên.
Khi phát triển đủ mạnh, trường đại học lớn có thể kết nạp thêm thành viên là các trường đại học ở tỉnh thành khác để mở rộng quy mô của mình.
(Báo Nghệ An) Thục Anh