Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định 489/QĐ-TTg ngày 11/5 phê duyệt Đề án “Bồi dưỡng cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh” giai đoạn 2023 - 2027.
Mục tiêu chung của Đề án là tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả bồi dưỡng cán bộ đoàn, góp phần nâng cao năng lực trình độ, tính thực tiễn, năng lực tham mưu, tổ chức thực hiện của đội ngũ cán bộ đoàn các cấp; xây dựng đội ngũ cán bộ đoàn có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, lối sống lành mạnh, gương mẫu, có hoài bão và ý chí cách mạng; chuyên nghiệp và tinh thông nghiệp vụ, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn mới và hội nhập quốc tế.
Tạo nguồn cán bộ kế cận cho nhiệm kỳ Đại hội Đoàn các cấp khóa XII, nhiệm kỳ 2022 - 2027 và nhiệm kỳ kế tiếp; cung cấp nguồn cán bộ trẻ có chất lượng cho Đảng và hệ thống chính trị.
|
Các đại biểu tham dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII. |
Mục tiêu cụ thể của Đề án là 90% cán bộ đoàn quy hoạch vào các chức danh chủ chốt được bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng công tác. 80% cán bộ đoàn chuyên trách, bán chuyên trách các cấp được cập nhật, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác Đoàn, Hội, Đội, góp phần nâng cao năng lực và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ đoàn các cấp.
100% cán bộ đoàn chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện và cán bộ cấp Trung ương được bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, tham mưu và tổ chức thực hiện.
Một trong các nhiệm vụ và giải pháp của Đề án là nâng cao nhận thức của cán bộ đoàn. Cụ thể, tuyên truyền, phổ biến và quán triệt tới đội ngũ cán bộ đoàn các cấp những chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ, nhất là công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ đoàn.
Quán triệt các nội dung cơ bản của Đề án bồi dưỡng cán bộ đoàn giai đoạn 2023 - 2027 và yêu cầu tổ chức Đoàn các cấp cần chủ động xây dựng kế hoạch hoặc đề án trình cấp ủy, chính quyền cùng cấp phê duyệt. Chương trình được thiết kế linh hoạt áp dụng cho nhiều địa bàn, đối tượng
Nhiệm vụ và giải pháp khác của Đề án là xây dựng chương trình và nâng cao chất lượng tổ chức lớp bồi dưỡng. Cụ thể, tổ chức nghiên cứu xây dựng và ban hành các chương trình bồi dưỡng cán bộ đoàn các cấp phù hợp với tình hình mới. Chương trình được thiết kế linh hoạt áp dụng cho nhiều địa bàn, đối tượng.
Trong đó, với các chương trình do Trung ương Đoàn tổ chức bồi dưỡng, bồi dưỡng theo chức danh: Bí thư Đoàn cấp tỉnh và cán bộ quy hoạch chức danh Bí thư Đoàn cấp tỉnh; Phó Bí thư Đoàn cấp tỉnh và cán bộ quy hoạch chức danh Phó Bí thư Đoàn cấp tỉnh; Bí thư Đoàn cấp huyện và cán bộ quy hoạch chức danh Bí thư Đoàn cấp huyện; Tổ chức bồi dưỡng Bí thư Đoàn xã và cán bộ quy hoạch chức danh Bí thư Đoàn xã.
Bên cạnh đó, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng cơ bản về công tác Đoàn, Hội, Đội; bồi dưỡng theo chuyên môn, nghiệp vụ: Tuyên giáo; Tổ chức; Kiểm tra, giám sát; Tập hợp đoàn kết thanh niên; Đoàn trường học; Hội Sinh viên; Công tác thiếu nhi; Văn phòng.
Bồi dưỡng các chương trình mới, đáp ứng hội nhập quốc tế: Khởi nghiệp và đổi mới, sáng tạo; Chuyển đổi số và kinh tế số trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng Lãnh đạo quản lý; bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, báo cáo viên.
Hằng năm, các tỉnh, thành Đoàn và Đoàn trực thuộc căn cứ tình hình, nhu cầu và điều kiện của địa phương, đơn vị để xác định chỉ tiêu, xây dựng kế hoạch, chương trình và tổ chức các lớp bồi dưỡng cán bộ đoàn theo phân cấp quản lý.