Sinh ra và lớn lên trên vùng đất Nghĩa Đàn (tỉnh Nghệ An) - thấm đượm tinh thần hiếu học từ mảnh đất miền Trung nắng gió, từ nhỏ Nguyễn Thị Phương Anh xác định bản thân phải luôn cố gắng trên con đường học tập để có tương lai tốt đẹp.
Sự nỗ lực hết mình của Phương Anh đã mang về kết quả xứng đáng, đó là tấm bằng tốt nghiệp loại Giỏi chuyên ngành Công nghệ sinh học, Viện Công nghệ Hóa sinh - Môi trường, Trường Đại học Vinh năm 2021.
Nguyễn Thị Phương Anh, sinh viên tốt nghiệp loại Giỏi chuyên ngành Công nghệ sinh học, Viện Công nghệ Hóa sinh - Môi trường, Trường Đại học Vinh năm 2021
Theo chia sẻ của Phương Anh, một số sinh viên lựa chọn ngành học này vì đam mê, số khác vì hoàn cảnh gia đình, còn em lại thấy rằng nhu cầu của xã hội hiện nay và tương lai đang rất cần.
Phương Anh cho biết: "Ngành Công nghệ sinh học có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai, vì vậy cơ hội việc làm của ngành học này rất rộng. Sau khi tốt nghiệp, em có thể làm các ngành nghề liên quan đến thực phẩm, môi trường, nông nghiệp hay y học".
Từ huyện Nghĩa Đàn đến Thành phố Vinh không quá xa, nhưng là cả một chặng đường không hề dễ dàng khi cô gái nhỏ phải tự lập, bắt đầu làm quen với cuộc sống xa nhà. Quãng thời gian ấy đã giúp cho Phương Anh trưởng thành hơn, được nếm trải những khó khăn vất vả và thành quả giành được là những điểm số ấn tượng trong từng môn học.
"Ngành học khó hay không tùy thuộc vào thái độ học tập của bản thân. Ngoài thời gian học trên lớp em còn được các thầy cô hướng dẫn làm đề tài nghiên cứu khoa học.
Thời gian nghiên cứu đó em vừa được tiếp thu kiến thức và được kết hợp giữa lý thuyết và thực hành nên dễ nhớ và không bị máy móc trong học tập", Phương Anh chia sẻ.
Trong quá trình học tại trường đại học, Phương Anh chú trọng vào việc tự học cũng như kết hợp giữa lý thuyết và thực hành vì thực hành sẽ giúp ghi nhớ kiến thức dễ hơn.
Phương Anh tâm sự: "Học ngành này cần nhất độ chính xác cao trong thực hành nên khá vất vả. Kiến thức chuyên ngành khó, em phải đọc đi đọc lại giáo trình, kết hợp nghe giảng kỹ trên lớp, tìm tài liệu trên mạng để ghi nhớ lượng kiến thức lớn của ngành".
Bên cạnh thời gian học tập, nghiên cứu, Phương Anh còn tham gia công tác tình nguyện để trau dồi kỹ năng sống cho bản thân mình.
Phương Anh cho rằng, công tác tình nguyện giúp bản thân trưởng thành hơn, sống có trách nhiệm hơn, tính cách mạnh dạn và cởi mở hơn với mọi người. Điều đó cũng đồng nghĩa là kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm của Phương Anh được cải thiện, thay đổi rất nhiều.
Năm 2019, Nguyễn Thị Phương Anh được nhận giấy khen sinh viên 5 tốt cấp trường tại Trường Đại học Vinh với các tiêu chí: học tập tốt, đạo đức tốt, sức khỏe tốt, tình nguyện tốt và hội nhập tốt.
Mùa hè năm nay, Phương Anh tốt nghiệp loại giỏi và đang tập trung tham gia chống dịch Covid-19 trước khi tìm công việc phù hợp với mong muốn sẽ vận dụng được kiến thức thầy cô đã dạy trong lĩnh vực như môi trường, thực phẩm, nông nghiệp và y học.
Mạnh mẽ tham gia tình nguyện chống dịch Covid-19
Trong những đợt dịch đầu tiên trên cả nước, những thông tin, hình ảnh các y, bác sỹ, nhân viên y tế tuyến đầu ngày đêm chống dịch vất vả khiến cô gái nhỏ Phương Anh ấp ủ mong muốn được góp sức của mình vào công tác tình nguyện chống dịch.
Chính vì vậy, khi dịch bệnh hoành hành tại quê nhà, Nguyễn Thị Phương Anh đã tình nguyện tham gia cùng CDC tỉnh Nghệ An, rà soát lấy mẫu xét nghiệm.
Đi chống dịch Covid-19, Phương Anh rất xúc động khi chứng kiến sự hy sinh của các y bác sỹ, dù nhiều lúc rất mệt nhưng họ vẫn luôn cố gắng để chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân
"Điều em ám ảnh nhất là hình ảnh giấc ngủ của các y, bác sỹ được xem, được cảm nhận qua các đợt dịch trước trên cộng đồng mạng. Nếu như trước đây, mọi người ban ngày làm việc, ban đêm được nghỉ ngơi thì ngay trong tâm dịch, hầu hết tất cả các y, bác sỹ và nhân viên y tế làm việc xuyên đêm, có những ngày mỗi người chỉ ngủ được vài tiếng.
Thời điểm đó, em vừa mới ra trường, cũng chưa có công việc ổn định nên em muốn đóng góp chút kiến thức được đào tạo trong trường đại học cũng như sức trẻ của mình để hỗ trợ các y, bác sỹ kịp thời hoàn thành công việc.
Nguy hiểm và vất vả em cũng có suy nghĩ, thế nhưng em vẫn quyết định tham gia vì mong muốn được cống hiến và luôn tự dặn bản thân là phải cẩn thận, không chủ quan, bảo vệ mình thì mới bảo vệ được mọi người", Phương Anh tâm sự.
Công việc của Phương Anh là nhận mẫu từ các khu cách ly, mẫu cộng đồng sau đó xử lý mẫu, tách chiết ADN của mẫu vừa thu nhận sau đó chạy RT-PCR để kiểm tra kết quả mẫu đó âm tính hay dương tính.
Phương Anh cho biết, ban đầu gia đình cô cũng không đồng ý vì sợ con gái gặp nguy hiểm, nhưng sau khi thấy sự quyết tâm cũng như mong muốn tham gia chống dịch của cô thì không phản đối nữa.
Đi vào tâm dịch lúc căng thẳng nhất, hình ảnh Phương Anh nhớ nhất là thời gian các y, bác sỹ thay phiên tranh thủ nghỉ ngơi. Những bộ đồ bảo hộ vẫn mặc nguyên trên người, mồ hôi chảy ướt đẫm vì cái nắng chói chang ở dải đất miền Trung. Một giấc ngủ dù chỉ 15-20 phút cũng thật hiếm hoi, quý giá với những "chiến binh" chống dịch.
"Em mong muốn những hình ảnh đó được lan tỏa để mọi người dân hãy nâng cao ý thức trách nhiệm chống dịch và những y, bác sỹ trong tuyến đầu chống dịch thêm sức mạnh, tự hào vì những gì họ đang cống hiến cho nhân dân, đất nước.
Đồng thời, em cũng mong muốn những bạn trẻ như em có sức trẻ, còn sức khỏe, đừng ngại ngần hay lo sợ dịch bệnh mà hãy mạnh mẽ tham gia tình nguyện chống dịch. Mỗi người hãy đóng góp một sức lực của mình, cùng nhau chiến thắng đại dịch để cuộc sống bình yên sớm trở về", Phương Anh mong muốn.
Nguồn: giaoduc.net.vn