Những học sinh đặc biệt
19 giờ, căn phòng nhỏ chừng 20m2 tại Trung tâm Huyết học truyền máu tỉnh Nghệ An trở nên đông vui và rộn rã. 20 học sinh có mặt tại lớp là những em nhỏ mặc áo bệnh nhân, tay có băng gạc che vết kim tiêm.
|
Sinh viên tình nguyện Trường ĐH Vinh hướng dẫn các em nhỏ làm bài |
Có mặt tại lớp học, em Lương Khánh Phương (9 tuổi, Kỳ Sơn, Nghệ An) là một gương mặt quen thuộc của khoa Bệnh máu tổng hợp 2. Phương bị mắc căn bệnh Thalassemia (bệnh tan máu bẩm sinh). Hằng tháng em phải vượt chặng đường dài cả trăm cây số xuống Trung tâm để truyền máu duy trì sự sống. Mỗi đợt điều trị kéo dài từ 10 - 12 ngày.close
“Gắn bó với các em, mình cảm thấy hạnh phúc, cuộc sống có ý nghĩa hơn. Mình hy vọng lớp học không chỉ trang bị thêm kiến thức mà còn giúp các em lạc quan, có niềm tin để chiến thắng bệnh tật”.
Bạn Lương Thị Nhược Hằng (sinh viên Trường ĐH Vinh)
Liên tục nhập viện truyền máu nên việc học của Phương vì thế bị gián đoạn. Khi biết có lớp học này, Phương đã rất háo hức. Vào lớp học, Phương nhanh chóng hòa nhập với các bạn đọc thơ, làm toán, vẽ tranh, tô màu. “Con được các anh chị tình nguyện dạy kiến thức, kỹ năng sống. Từ khi tham gia lớp học, con thấy vui hơn, tinh thần thoải mái hơn, không còn buồn vì phải suốt ngày nằm trên giường bệnh”, Phương chia sẻ.
Bị tan máu bẩm sinh từ lúc 9 tháng tuổi, với Vi Khôi Nguyên (4 tuổi, trú huyện Quỳ Châu, Nghệ An), Trung tâm như ngôi nhà thứ hai. Mỗi năm Nguyên phải xuống điều trị từ 6 - 7 lần, mỗi lần hơn 10 ngày. Do phải thường xuyên điều trị dài ngày, cuộc sống gắn chặt với tiêm truyền, nên việc đến trường mầm non của em cũng dang dở. “Con nhớ nhà, nhớ các bạn. Con chỉ ước khỏe mạnh, không phải đi truyền máu nữa để được đi học như các bạn”, Nguyên nói.
Không chỉ trang bị kiến thức
Đội trưởng Cao Mạnh Dũng (SN 2003, sinh viên ngành Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Vinh) cho biết, mỗi tuần 3 buổi vào thứ 3, 5, 7, đội sinh viên tình nguyện của trường lên lớp giảng bài cho các em. Thời gian mỗi buổi học khoảng 2 giờ, bắt đầu từ 19 giờ. Các tình nguyện viên sẽ dạy các môn Toán, Ngữ văn hay các môn năng khiếu như vẽ tranh, múa hát,... Chương trình, bài giảng đều được các thành viên lên kế hoạch chi tiết.
“Các bệnh nhi đa phần mắc bệnh thiếu máu, phải điều trị lâu dài tại Trung tâm, do đó các em sẽ bị hổng kiến thức tại lớp. Trước khi dạy, chúng mình sẽ hỏi các em đã học đến đâu và dạy tiếp từ đó. Lớp học không đặt nặng về kiến thức mà chủ yếu giúp các bé vui chơi, tự tin hơn, có tinh thần chống chọi với bệnh tật”, Dũng cho biết.
Cũng theo Dũng, lớp học gặp nhiều khó khăn như đồ dùng dạy học, sách giáo khoa còn ít và thiếu. Ngoài ra, các thành viên hầu như là nữ, khung giờ dạy học lại vào buổi tối nên việc đi lại gặp khó khăn, nhiều rủi ro.
Bạn Lương Thị Nhược Hằng (SN 2003, lớp 62A4 Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Vinh) tham gia dạy học từ những ngày đầu, cho biết, thành viên của lớp học không cố định, có khoảng 20 em với độ tuổi từ 4-10 tuổi. Thời gian của mỗi buổi học thường không kéo dài, để tạo tâm lý thoải mái, đảm bảo sức khỏe và thời gian điều trị cho các em.
“Do các em ở nhiều độ tuổi khác nhau nên chúng mình kèm cặp riêng từng em, luyện chữ theo chương trình học của các em. Gắn bó với các em, mình cảm thấy hạnh phúc, cuộc sống có ý nghĩa hơn. Mình hy vọng lớp học không chỉ trang bị thêm kiến thức mà còn giúp các em lạc quan, có niềm tin để chiến thắng bệnh tật”, Hằng chia sẻ.
Báo Tiền phong