1
Bạn cần hỗ trợ?
Thứ năm, ngày 23 tháng 1 năm 2025
16:35 10/08/2021

Kỷ niệm 80 năm ngày hy sinh của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai – Nữ chiến sỹ Cộng sản Việt Nam đầu tiên

Cách đây 80 năm, nữ chiến sĩ Cộng sản Nguyễn Thị Minh Khai đã ngã xuống dưới loạt súng tàn bạo của kẻ thù. Súng đạn có thể cướp đi sinh mạng nhưng không thể làm lay chuyển tinh thần quả cảm, lí tưởng cách mạng của Chị. Tinh thần ấy, lí tưởng ấy cho đến hôm nay vẫn âm thầm chảy trong huyết quản của những người con đất Việt.

Nguyễn Thị Minh Khai tên thật là Nguyễn Thị Vịnh, sinh năm 1910, tại xã Vĩnh Yên, thành phố Vinh, Nghệ An. Thân phụ là ông Nguyễn Huy Bình, người làng Mọc, huyện Nhân Chính, Hà Nội, làm công chức hỏa xa ở Vinh; thân mẫu là bà Đậu Thị Thư, quê ở Đức Tùng, Đức Thọ, Hà Tĩnh, làm nghề buôn bán nhỏ. Năm 19 tuổi, bà bắt đầu học chữ Quốc ngữ rồi vào trường tiểu học Cao Xuân Dục ở Vinh.

Năm 1927, Nguyễn Thị Minh Khai tham gia hoạt động trong phong trào công nhân ở Vinh và tham gia thành lập Tân Việt Cách mạng Đảng, giữ chức Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ. Năm 1930, bà gia nhập Đảng cộng sản Đông Dương, phụ trách tuyên truyền, huấn luyện đảng viên tại Trường Thi, Bến Thủy. Sau đó, đồng chí sang Hương Cảng làm việc ở văn phòng chi nhánh Đông phương bộ của Quốc tế cộng sản. Năm 1931, đồng chí bị bắt tại Hương Cảng, bị kết án và giam ở đây. Ba năm sau, Nguyễn Thị Minh Khai được thả và được Đông phương bộ Quốc tế Cộng sản cử làm đại biểu chính thức đi dự Đại hội III Quốc tế Cộng sản tại Moskva cùng với Lê Hồng Phong. Sau đó hai người đã kết hôn và học tại trường Đại học Phương Đông.

Năm 1936, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được cử về nước truyền đạt chỉ thị của Quốc tế Cộng sản và được cử vào công tác ở Xứ ủy Nam kỳ, giữ chức Bí thư thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, một trong những người lãnh đạo cao trào cách mạng 1936-1939 ở Sài Gòn. Thời gian này, Nguyễn Thị Minh Khai lấy bí danh là Năm Bắc. Năm 1940, ngay sau phiên họp của xứ ủy Nam kỳ để phổ biến chủ trương khởi nghĩa, Nguyễn Thị Minh Khai bị bắt và bị giam tại khám lớn Sài Gòn. Biết đồng chí là cán bộ quan trọng, địch dùng mọi cực hình để tra tấn để khai thác thông tin nhưng không có kết quả. Sau khi khởi nghĩa Nam Kì thất bại, Nguyễn Thị Minh Khai bị thực dân Pháp kết án tử hình. Ngày 28/8/1941 tại trường bắn Bà Điểm, Nguyễn Thị Minh Khai hy sinh cùng với các đồng chí Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Văn Cừ.

Dù cuộc khởi nghĩa không thành công và hy sinh nhưng tinh thần bất khuất và anh dũng của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai vẫn trường tồn. Cùng với các đồng chí của mình Nguyễn Thị Minh Khai đã hiên ngang vạch mặt kẻ thù và bác bỏ những lời buộc tội của chúng. Những câu thơ của đồng chí sáng tác trong những ngày bị giam cầm đã nói lên ý chí Cách mạng của người Cộng sản kiên trung:

Vững chí bền gan ai hỡi ai!

Kiên tâm giữ dạ mới anh tài.

Thời cuộc đẩy đưa người chiến sĩ,

Con đường cách mạng vẫn chông gai.

Tin bài: VPĐoàn TN


Tin tức liên quan

Mới cập nhật

© 2017 Bản quyền của Trường Đại học Vinh
Địa chỉ: Văn phòng Đoàn Thanh niên, 182 Lê Duẩn - thành phố Vinh - tỉnh Nghệ An
Điện thoại: +84.238.3855.452 (336) Email: doanthanhnien@vinhuni.edu.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: ThS. Nguyễn Thái Dũng - Bí thư Đoàn Thanh niên
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin Đại học Vinh" khi sử dụng lại nội dung trên cổng thông tin.