Bất kể ngày nắng hay mưa, cứ vào giờ tan trường, đội sinh viên tình nguyện của Trường Đại học Vinh đều có mặt tại các điểm ngã 3, ngã 4, các cổng trường học trên khu vực phường Bến Thủy để hướng dẫn, phân luồng giao thông. Đã hơn 1 năm nay, trên những ngả đường này, mọi người đã quen với sự xuất hiện của những bóng áo xanh tình nguyện tay cầm cờ hiệu, miệng thổi còi nhẫn nại bám đường để những con đường được thông suốt, không ùn tắc.

Đội SVTN thiết lập hàng rào mềm hướng dẫn giao thông tại ngã 3 đường Lê Duẩn, Bạch Liêu, Cù Chính Lan
Đội SVTN thiết lập hàng rào mềm hướng dẫn giao thông tại ngã 3 đường Lê Duẩn, Bạch Liêu, Cù Chính Lan

Những hàng rào mềm màu xanh

11 giờ, khi tiếng trống trường vang lên báo giờ tan học cũng là lúc học sinh, sinh viên của các Trường THPT chuyên Đại học Vinh, Trường Đại học Vinh ùa ra như ong vỡ tổ. Chưa kể lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đường này rất đông. Vì thế, tình trạng ùn tắc trở thành nỗi ám ảnh của người dân khi đi qua khu vực này vào giờ tan tầm.

Chứng kiến học sinh, sinh viên và người dân chật vật, chôn chân hàng giờ đồng hồ tại ngã 3 đường Lê Duẩn, Bạch Liêu, Cù Chính Lan, các bạn sinh viên của Trường Đại học Vinh đã nảy ra ý tưởng tham gia hướng dẫn, phân luồng giao thông để giúp con đường bớt ùn tắc, giảm TNGT. Đội sinh viên tình nguyện (SVTN) tham gia đảm bảo trật tự ATGT ra đời vào ngày 29/4/2016 và bắt đầu đảm nhận các nhiệm vụ tại 4 điểm là các nút giao thông quan trọng trên trục đường Lê Duẩn. Từ chỗ ban đầu chỉ 60 tình nguyện viên, đến nay số lượng tình nguyện viên tham gia đã lên tới 200 người. Hơn 1 năm qua, đã có hàng nghìn lượt bạn trẻ đội nắng, đội mưa làm nhiệm vụ. Từ chỗ cảm thấy phiền hà, phản ứng, người dân khu vực này đã bắt đầu quen với hình ảnh của những cô cậu sinh viên hết giờ học lại ra điều tiết giao thông.

Chứng kiến đội SVTN làm nhiệm vụ, chúng tôi thấy sự nhanh nhẹn, xông xáo của các bạn trẻ. Khi tín hiệu đèn giao thông đoạn ngã tư Đại học Vinh chuyển tín hiệu đèn đỏ, thì đội SVTN ở đường Lê Duẩn cũng lập hàng rào mềm ngăn dòng xe từ hướng cầu Bến Thủy vào thành phố để dòng người từ đường Bạch Liêu đổ ra được di chuyển và ngược lại. Công việc tưởng chừng khá đơn giản nhưng nếu không có các SVTN thì nút giao thông này sẽ ngay lập tức bị tắc cứng và ùn ứ.

Hành trang của các em chỉ đơn giản là những chiếc mũ tai bèo, cờ hiệu và còi. Theo lời của em Đặng Minh Vương, Đội trưởng Đội SVTN Đại học Vinh thì ngay cả việc thổi còi để tạo thành hiệu lệnh cũng phải tập luyện mấy buổi. Em Vương cho biết: Đội thực hiện công việc vào 2 ca chính sáng và chiều. Vào mùa hè, công việc bắt đầu từ 11 giờ và 17 giờ, mùa đông từ 11 giờ 30 phút và 17 giờ. Ngoài ra, còn 1 ca vào buổi sáng sớm tại cổng Trường Mầm non thực hành Sư phạm Vinh. Thông thường, mỗi ca kéo dài từ 20 - 30 phút tùy vào tình hình, chưa kể công việc có nhiều lúc đột xuất thì Đội tự phân công và hoàn thành, miễn sao không để ách tắc, ùn ứ.

Đội được chia thành các tổ làm nhiệm vụ hướng dẫn, phân luồng, điều tiết giao thông tại 4 điểm: Cổng Trường THPT chuyên Đại học Vinh, cổng Trường Mầm non thực hành Sư phạm Vinh, đường Lê Duẩn và khu vực nhà xe đường Bạch Liêu. Trung bình mỗi tổ từ 5 - 7 người, người thổi còi phụ trách quan sát, điều khiển chung, nhóm còn lại làm những hàng rào mềm phân luồng giao thông một cách tuần tự, khoa học để tránh xung đột ở các điểm.

Không có một tài liệu nào hướng dẫn cho các bạn trẻ về nhiệm vụ của mình, chỉ có niềm đam mê và nhiệt huyết của tuổi trẻ là động lực để họ lựa chọn và gắn bó với công việc này. Người đi trước bày kinh nghiệm cho người đi sau, rồi từ thực tế công việc hằng ngày, từ việc quan sát tín hiệu đèn giao thông đến theo dõi số lượng phương tiện để tự tìm tòi, đúc rút cho mình những kinh nghiệm, giải pháp tối ưu nhất. Công việc không hề đơn giản nhưng không phải lúc nào cũng được người đi đường hiểu. Nhiều người đã phản ứng, không tuân theo sự hướng dẫn của tình nguyện viên, thậm chí bực tức, chửi mắng kể cả khi Đội mới bắt đầu công việc cho đến cả bây giờ nhưng họ vẫn chấp nhận và chỉ biết cười trừ để tiếp tục công việc của mình.

Trong số 200 thành viên của Đội thì có tới 2/3 là nữ, trong đó nhiều em là sinh viên năm nhất nên đối với việc này vẫn còn bỡ ngỡ, nhất là khi bị người đi đường phản ứng. Em Nguyễn Thùy Dương, người tham gia Đội SVTN từ những ngày đầu tiên cho biết: “Cho đến giờ, dù nhiều người đã quen với sự xuất hiện của chúng em nhưng cũng không ít người phản ứng. Mọi người nói sinh viên không lo học đi lo chuyện bao đồng, rồi cũng có người bảo bọn em dở hơi. Những lúc như thế, chúng em chỉ im lặng vì thời gian và công việc không cho phép giải thích. Khi làm công việc này, chúng em chỉ muốn giúp mọi người, phương tiện lưu thông qua đây được dễ dàng hơn, cao hơn nữa là từ những việc nhỏ này có thể giúp mọi người hiểu và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên hình thành được ý thức, văn hóa khi tham gia giao thông”.

Điều động đột xuất

Dù đảm nhận công việc tại Đội SVTN nhưng nhiệm vụ chính của các bạn sinh viên vẫn là học tập. Vì thế, mỗi ngày Đội chỉ dành 1 tiếng đồng hồ vào giờ cao điểm để thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT. Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi những lần bị điều động đột xuất. Mới đây nhất là đêm rằm Trung thu, Trường Mầm non thực hành Sư phạm Vinh tổ chức Trung thu cho các cháu, lúc ra về đã xảy ra ùn tắc hàng giờ đồng hồ, sân trường chật kín xe ôtô không thể ra về. Đoàn trường đã gọi điện cho Đội SVTN có mặt. Bất chấp trời mưa to, các tình nguyện viên đã nhiệt tình hướng dẫn, điều tiết giao thông. Sau gần 1 giờ đồng hồ, tình trạng ùn tắc cơ bản được giải tỏa. Khi mọi người hoàn thành công việc của mình trở về phòng trọ cũng đã gần 23 giờ. Mệt mỏi, ướt nhẹp nhưng ai cũng cảm thấy vui vì việc mình làm giúp ích cho mọi người.

Anh Nguyễn Thái Dũng, Phó Bí thư Đoàn trường Đại học Vinh cho biết: Lãnh đạo nhà trường và Đoàn trường đánh giá cao việc làm của Đội SVTN trong suốt thời gian qua. Công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng đòi hỏi sự nghiêm túc, lòng đam mê và trách nhiệm. Các tình nguyện viên tham gia cũng phải trải qua các vòng tuyển chọn, đáp ứng các yêu cầu cơ bản đặt ra như phỏng vấn các kiến thức về Luật Giao thông đường bộ, sau khi lọt qua các vòng thì các bạn sẽ có các buổi trainning ở từng cấp tổ, cấp Đoàn cũng như tập huấn các kỹ năng cơ bản của tình nguyện viên làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT… Mục đích cao nhất mà nhà trường hướng tới là tuyên truyền để các em hình thành ý thức tự giác, văn hóa khi tham gia giao thông.