Kính thưa ngài Vongphachan - Tham tán văn hoá giáo dục, Đại sứ quán Nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào
Kính thưa các thầy giáo đến từ Trường Đại học Quốc gia Lào
Kính thưa ông Trần Kim Đôn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội hữu nghị Việt - Lào tỉnh Nghệ An.
Kính thưa ông Vi Tố Định - Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Lào tỉnh Nghệ An.
Kính thưa các quý vị đại biểu,
Thưa các đồng chí và các em lưu học sinh thân mến!
Hôm nay, Trường Đại học Vinh long trọng tổ chức Mít tinh kỷ niệm lần thứ 34 Quốc khánh Nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào.
Cách đây 34 năm, ngày 02/12/1975, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc nước Lào đã nhất trí thông qua Nghị quyết lịch sử xoá bỏ hoàn toàn chế độ quân chủ, thành lập nước CHDCND Lào. Việc thành lập nước CHDCND Lào là một bước ngoặt to lớn trong lịch sử lâu dài của nhân dân các bộ tộc Lào, đánh dấu sự kết thúc cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ, mở ra thời kỳ phát triển mới trong lịch sử của đất nước Lào, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên hoà bình, độc lập, dân chủ, thống nhất, thịnh vượng cho nhân dân các bộ tộc Lào.
Kể từ đó đến nay, nước CHDCND Lào bắt đầu xây dựng chế độ mới trên nền tảng cơ sở kinh tế quốc gia rất non kém, cơ sở vật chất - kỹ thuật thô sơ, văn hoá xã hội trong tình trạng yếu kém, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá nhiều thập kỷ, số người không biết chữ chiếm 90% dân số… Nhưng dưới sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng nhân dân Cách mạng Lào, phát huy tinh thần độc lập, tự chủ và ý chí tự lực tự cường với sự giúp đỡ to lớn của các nước bạn bè, suốt 34 năm qua, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Bảo vệ và xây dựng đất nước, CHDCND Lào đã thay đổi tích cực về nhiều mặt, như: chính trị ổn định vững chắc, trật tự an ninh được bảo đảm; kinh tế xã hội phát triển liên tục, chỉ tính riêng các năm 2007, 2008 tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đạt trên 7%; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các bộ tộc Lào ngày càng được cải thiện; vị thế của CHDCND Lào trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.
Đặc biệt sau khi Đảng Nhân dân cách mạng Lào khởi xướng đường lối đổi mới được thông qua trong Đại hội Đảng lần thứ IV năm 1986 đến nay, nhịp độ phát triển kinh tế tăng liên tục; đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện; quan hệ quốc tế mở rộng; đầu tư của nước ngoài càng ngày càng tăng; hệ thống chính quyền Nhà nước được củng cố và Hiến pháp đầu tiên đã được thông qua vào năm 1991.
Chúng ta vui mừng nhận thấy rằng, mặc dù thời gian đã trôi qua nhiều thập kỷ nhưng tình hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào được xây dựng lên bằng mồ hôi, xương máu của các chiến sĩ cách mạng của hai dân tộc không những không phai mờ mà ngày càng được củng cố và phát triển về chiều rộng và chiều sâu trong mọi lĩnh vực, trong đó nền tảng quan hệ chính trị vững chắc và là cơ sở cho các quan hệ khác. Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng gần gũi có mối quan hệ truyền thống từ lâu đời. Tình đoàn kết đặc biệt gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc được hun đúc trong quá trình đấu tranh vẻ vang của hai dân tộc vì độc lập, tự do và sự phồn vinh của mỗi nước, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cayxỏn Phomvihẳn, hai đảng và nhân dân hai nước dày công vun đắp, đã trở thành nguồn sức mạnh và là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng mỗi nước. Hiện nay, Việt Nam và Lào đang tập trung thực hiện các phương hướng hợp tác về kinh tế, khoa học - kỹ thuật giai đoạn 2006 - 2010 trên cơ sở chiến lược hợp tác giai đoạn 2001 - 2010.
Kính thưa các quý vị đại biểu,
Thưa các đồng chí!
Trong quá trình xây dựng, đổi mới và phát triển, Trường Đại học Vinh đã xác định mở rộng hợp tác quốc tế trong đào tạo vừa là một hướng đi để khẳng định vị thế của Nhà trường; đồng thời mở rộng ảnh hưởng, uy tín đào tạo của Nhà trường trong tiến trình hội nhập đào tạo đại học quốc tế. Nhận thức rõ về nhiệm vụ chính trị, góp phần xây dựng mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước Việt Nam và Lào, góp phần xây đắp mối quan hệ sâu sắc giữa tỉnh Nghệ An và các tỉnh có chung biên giới quốc gia. Từ năm 2003, Trường Đại học Vinh bắt đầu hợp tác đào tạo với tỉnh Xiêng Khoảng. Từ đó đến nay, sau hơn 6 năm triển khai chương trình hợp tác đào tạo, Nhà trường đã có quan hệ đào tạo với 9 tỉnh của Nước CHDCND Lào với số lượng lưu học sinh Lào ngày càng tăng. Đến thời điểm này số lượng lưu học sinh Lào đã và đang học tập tại trường lên đến 565 người và Trường Đại học Vinh trở thành một trong những trường có số lượng lưu học sinh Lào nói riêng và sinh viên nước ngoài đông nhất nước.
Phần lớn lưu học sinh đã chọn những ngành nghề thiết thực, phục vụ lợi ích dân sinh để học như: CNTT, Xây dựng, Kế toán, QTKD, Tài chính ngân hàng, Luật, Du lịch, Khoa học Môi trường và các ngành sư phạm. Đại bộ phận các em đều có phẩm chất đạo đức tư cách tốt, có ý chí phấn đấu, nỗ lực trong học tập, rèn luyện để sau này trở về xây dựng đất nước Lào. Mặc dầu còn nhiều khó khăn nhưng Nhà trường cũng đã tạo mọi điều kiện để lưu học sinh có điều kiện tốt nhất trong học tập và sinh hoạt.
Nhân dịp kỷ niệm 34 năm Quốc khánh Nước CHDCND Lào, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu và tập thể cán bộ công chức, học sinh sinh viên học viên của Nhà trường gửi tới các em lưu học sinh lời chúc mừng nồng nhiệt nhất. Mong các em luôn nỗ lực phấn đấu để dành được những kết quả tốt trong học tập và rèn luyện, xứng đáng với niềm mong mỏi của gia đình các em và sự kỳ vọng của nhân dân và Tổ quốc.
Nhân dịp này, Trường Đại học Vinh cũng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Đại sứ quán Nước Cộng hoà DCND Lào, qua ngài Tham tán Văn hoá giáo dục xin gửi tới Đại sứ quán và nhân dân các bộ tộc Lào lời chúc mừng nhân ngày quốc khánh và chúc mừng Lào tổ chức SEA GAMES 25. Chúng tôi cũng bày tỏ những tình cảm chân thành đối với Liên hiệp các hội hữu nghị tỉnh Nghệ An, đặc biệt là Hội hữu nghị Việt - Lào trong thời gian qua đã dành cho chúng tôi những tình cảm quý báu, phối hợp để tổ chức những hoạt động của lưu học sinh Lào tại Trường. Những hoạt động đó đã góp phần vun đắp tình hữu nghị "mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững" giữa hai dân tộc.
Xin chúc các quý vị đại biểu, các đồng chí và các em lưu học sinh sức khoẻ, hạnh phúc.
Xin cảm ơn!