Đại học Vinh (Nguồn: Đại học Vinh)

Bốn năm trôi qua như một giấc mơ, có lẽ cảnh cũ trường xưa bây giờ đã khác nhưng tôi tin chắc có một điều không bao giờ cũ trong tôi: đó là nỗi nhớ về thầy, về bạn bè nơi thành Vinh có dòng sông Lam hiền hoà uốn khúc.

Đại học Vinh, ký ức thời sinh viên của tôi. Đến với Đại học Vinh với tôi như một cái duyên của định mệnh, là cái nôi của kí ức. Bởi thế nên tôi luôn trân trọng lấy, vì dù tốt hay xấu, đi nơi đâu, sống ra sao thì nơi ta tìm về vẫn là đẹp nhất.

Một ngôi trường truyền thống xen lẫn hiện đại

Tương lai là hiện thân của hiện tại và quá khứ. Với tôi, Đại học Vinh có một vẻ đẹp truyền thống xen lẫn hiện đại. Ra đời vào năm 1959, trường đã trải qua những chặng đường phát triển vô cùng gian khổ nhưng cũng rất đỗi vinh quang.

 

Một góc Trường Đại học Vinh (Nguồn: Facebook

Buổi đầu thành lập, từ một trường chuyên sư phạm, cơ sở vật chất còn thiếu thốn với số sinh viên chỉ hơn hàng trăm đến hôm nay Đại học Vinh đã trở thành một trường đại học đa cấp đa ngành với hệ thống cơ sở vật chất hiện đại đáp ứng đủ yêu cầu của một trường đại học trọng điểm quốc gia; lượng giảng viên, nghiên cứu sinh, sinh viên hơn 40 000 người. Có thể nói chặng đường phát triển đó không hề dễ dàng.

Đại học Vinh cũng là một trong những trường đầu tiên đào tạo theo hệ thống tín chỉ, tiếp nhận cái mới, thay đổi để phù hợp với thời thế. “Cái gì mới sinh ra đều bé nhỏ, ước mơ rằng trường sẽ lớn dần lên, đẹp về hình dáng và tâm hồn” đó là lời thầy Nguyễn Thúc Hào - nguyên hiệu trưởng trường Đại học Vinh đã từng nói, và giờ đây Đại học Vinh đang lớn lên từng ngày như lời thầy mong đợi.

Những nhà giáo mẫu mực


Nhà giáo Văn Như Cương 

Giảng viên ở đây, không chỉ là người dạy kiến thức mà còn là biểu tượng cho hình mẫu nhà giáo chuẩn mực, những nhân cách sống mãi trong lòng các thế hệ. Những người thầy, người cô âm thầm lặng lẽ cống hiến, truyền giảng những bài học mà tận mãi sau này, khi ra trường chúng tôi vẫn chưa hiểu hết.

Những nhà giáo như Văn Như Cương, Nguyễn Thúc Hào… là một trong những cái tên đã đi sâu vào tâm tưởng của bao thế hệ. Họ đều đã ra đi vào cõi vĩnh hằng nhưng tầm ảnh hưởng của các Thầy thì mãi mãi… Ở ngôi trường này, tôi được học cách sống, học cách yêu thương và quan trọng nhất học cách làm người.

Giọng nói rất… lạ

Sẽ hơi khó để bạn quen với giọng nói của các cô cậu sinh viên nơi đây. Nếu bạn ở nơi khác đến và không muốn rơi vào tình trạng "ngơ như quả mơ". Hãy chuẩn bị cho mình một cuốn từ điển tiếng Nghệ nhé!

"Chi, mô, răng, rứa" là những từ được sử dụng nhiều nhất. Đừng ngạc nhiên, khi mới đến người ta sẽ nhìn bạn như một sinh vật xa lạ. Nhưng quen nhau rồi thì quý nhau lắm đấy. Sẽ luôn có một phần ưu ái đặc biệt cho những người vùng miền khác đến. Bạn sẽ được xem như một người anh em thân thiết nếu tạo cảm tình tốt với người bản địa.
 

Nữ sinh thanh lịch


Nữ sinh Đại học Vinh (Nguồn: Facebook)

Một chút khó gần, một chút gì đó kín đáo…là đặc điểm của nữ sinh nơi đây. Đại học Vinh chứng kiến từ những nét đẹp còn nguyên sơ, chân chất mà giản dị đến vẻ đẹp đậm chất trữ tình của những tà áo dài thướt tha đâu đó góc sân trường. Cũng tại nơi đây, bạn có thể bắt gặp những cô gái hiện đại, mạnh mẽ dám sống hết mình.

Suy cho cùng, nét thanh lịch riêng biệt nữ sinh Đại học Vinh không trộn lẫn vào đâu được, đó có thể là một lời chào còn vụng về, một dáng đi, một ánh mắt bẽn lẽn hay là một tâm hồn trong trẻo còn đầy mơ mộng…

Trải nghiệm những tháng ngày làm chiến sỹ ở một nơi đầy thiên nhiên

Đại học Vinh có riêng một trung tâm học quốc phòng ở cơ sở II. Sẽ không có gì để nói nếu chúng tôi không phải là khoá đầu tiên được học và trải nghiệm làm chiến sỹ ở đây. Tại nơi này, chúng tôi đã trải qua những tháng ngày học làm bộ đội đầy thú vị. 

Cơ sở quốc phòng tọa lạc dưới một bầu trời lộng gió, xung quanh đầy thiên nhiên và cây cỏ, không ồn ào khói bụi. Học viên được làm quen từ những điều nhỏ nhặt nhất, từ cách gấp chăn màn, dụng cụ cá nhân, cách đi đứng, xếp hàng chờ ăn….Tất cả đều thực hiện y như những chiến sĩ thực thụ.


Giờ học quốc phòng (Nguồn: Facebook)

Nhớ hoài những buổi trực thâu đêm, những trận hò hét doạ ma, những ánh đèn lập loè phát ra từ chiếc điện thoại trong đêm tối…và rồi sột soạt tiếng bước chân của thầy quốc phòng đi qua, ánh sáng tắt, màn đêm trở về u tối tĩnh lặng như bản chất vốn dĩ của nó. Thầy đâu ngờ, trong màn đêm tưởng như lặng thinh đó, lũ sinh viên chúng tôi đang cười rúc rích…Đây gọi là “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Một kỷ niệm đẹp trong đời sinh viên đúng không?

 Những tháng ngày tình nguyện miền núi


Nụ cười trẻ thơ (Nguồn: Đại học Vinh)

Chắc hẳn thời sinh viên, ai cũng trải qua những tháng ngày tình nguyện. Tôi cũng vậy, chuyến đi tình nguyện vùng năm ấy tôi mãi không thể nào quên, nó là một kỷ niệm đẹp đầy ý nghĩa. Nếu tham gia tình nguyện vùng, bạn sẽ dành nguyên hai tháng nghỉ hè của mình để lên miền núi, vùng sâu vùng xa trải nghiệm thực tế…cùng tham gia lao động, dạy học cho trẻ em miền núi, đắp đất làm đường…

Nhìn những ánh mắt còn ngây thơ lam lũ, những hình ảnh thiếu thốn, những cảnh đời, số phận không may mắn…bạn sẽ cảm thấy trân trọng cuộc sống này hơn. Đi để biết mình còn may mắn lắm.

Những bài học theo năm tháng

Sau những năm tháng gắn bó ấy, tôi nhận được gì ư? Nếu nói là tri thức thì không đúng, nếu cho rằng đó là kỷ niệm cũng không đủ. Sau tất cả, điều còn lại trong tôi chính là một bài học nhân sinh quan.


Những bài học theo năm tháng

Đó là bài học “Đổi bát vàng lấy chân kinh” mà Thầy đã đúc rút hơn 40 năm kinh nghiệm sống để truyền lại cho chúng tôi. Là người cô giáo hiền từ cho tôi dựa bờ vai trong chuyến đi thực tế. Là hình ảnh những đứa trẻ lem luốc rượt đuổi nhau giữa trưa hè nắng gắt…trong chuyến đi tình nguyện năm ấy! Một chút nghẹn lòng khi chứng kiến những cảnh đời nơi tôi đi qua. Những bài học chỉ có thể cảm nhận mà không thể nhìn thấy được.


Sau tất cả….


Những năm tháng ấy….


Và tôi biết…..


Mình phải làm một điều gì đó ý nghĩa cho cuộc sống này!

Nguồn : Nga Võ / edu2review.com