Rất nhiều báo cáo của các tổ chức quốc tế đều có một nhận xét chung: Việt Nam đã có rất nhiều hành động nhằm giảm bớt sự kỳ thị và bất bình đẳng giữa nam giới và phụ nữ. Những hành động này thậm chí đã được thể chế hóa thành chính sách nhà nước, thành văn bản luật, đơn cử như Luật Bình đẳng giới được ban hành năm 2006, và mới đây là Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Cũng không có nhiều nước trên thế giới mà các hành động, biện pháp thực hiện bình đẳng giới được đưa thành chương trình hoạt động cụ thể của từng tỉnh thành, từng địa phương… như ở Việt Nam.
Báo cáo Phát triển con người của UNDP năm 2006 cho thấy, mức độ bình đẳng giới tại Việt Nam xếp thứ 11 trên thế giới. Chỉ số này thậm chí cao hơn nước có nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới là Anh một bậc.
 

Theo báo cáo Khoảng cách giới tính toàn cầu năm 2007 mà Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố, xét trong khu vực ASEAN và Đông Á, Việt Nam đứng ở ngôi vị thứ hai về mức độ bình đẳng giới.


 
Bà Trần Thị Mai Hương, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam cho biết:“Báo cáo mới nhất về thực hiện chương trình Mục tiêu thiên niên kỷ của Chính phủ nêu rõ Việt Nam đã đạt được những tiến bộ vược bậc về bình đẳng giới. Địa vị của phụ nữ đã được nâng cao trong các mặt của đời sống xã hội, bình đẳng giới đã được tăng cường trong lĩnh vực lao động và việc làm, giáo dục và đào tạo cũng như trong bộ máy chính quyền các cấp. Chính vì vậy mà Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia Đông Á có tốc độ khắc phục cách biệt giới nhanh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Năm 2007 xếp hạng thứ 91/157 về chỉ số phát triển giới (GDI) và 52/93 về số đo trao quyền giới (GEM)”.

PGS – TS Lê Thị Quý, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phụ nữ đánh giá: “Công lao của người phụ nữ trong gia đình và xã hội, kỳ vọng mà xã hội trao cho họ là rất lớn. Vì vậy, vấn đề phụ nữ vẫn là một trong những vấn đề hấp dẫn, nhạy cảm và được đề cập nhiều nhất trong xã hội hiện đại. Ở Việt Nam, phụ nữ chiếm hơn 51% dân số và 49,5% lực lượng lao động. Để có được những thành công như ngày hôm nay, sự đóng góp của phụ nữ Việt Nam đã được đánh giá là xấp xỉ với nam giới, thậm chí có những lĩnh vực cao hơn như lao động trong gia đình, sinh đẻ và chăm sóc, dạy dỗ con cái”.

Trong quá trình thực hiện bài viết này, không ít lần khi tiến hành phỏng vấn, chúng tôi nhận được những câu trả lời khá dí dỏm của các “đấng mày râu” như: “Ra đường sợ nhất công nông. Về nhà sợ nhất vợ không nói gì”, hay “Nhất vợ nhì giời”. Hoặc than thở: “Đã có ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, lại có ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. Nhà nước cũng chỉ xét danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng chứ đâu có xét danh hiệu Ông bố Việt Nam anh hùng… Chị em phụ nữ được ưu ái hơn đàn ông chúng tôi nhiều quá”.

Còn đó những góc khuất                            
Ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ bình đẳng giới (Bộ LĐTBXH) trong một lần phỏng vấn báo chí vào hồi tháng 06/2008, nhân dịp Bộ phối hợp cùng Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA) tổ chức diễn đàn “Bình đẳng giới và giảm nghèo bền vững”, cho biết: “Phụ nữ Việt Nam vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi so với nam giới, nạn ngược đãi phụ nữ vẫn còn tồn tại ở một số nơi, đặc biệt là ở những vùng, những khu vực trình độ dân trí chưa cao. Chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng Nho giáo, vì vậy định kiến về giới còn tồn tại trong xã hội Việt Nam, kể cả ở một số bộ phận cán bộ.”

Bà Lê Thị Mộng Phượng, nguyên chuyên gia nghiên cứu Viện xã hội học đưa ra một dẫn chứng để khẳng định nhận xét nêu trên:“Thường xuyên tham gia các cuộc điều tra về bình đẳng giới, tôi nhận thấy ở khu vực thành thị, những nơi người dân có mức sống cao và trình độ dân trí cao, tình trạng phân biệt giới tính khá hiếm hoi. Thậm chí ở một số gia đình, người vợ còn có “quyền uy” hơn cả người chồng. Nhưng ở một số nơi mà đời sống còn lạc hậu thì khác. Năm 2007, chúng tôi tổ chức cuộc khảo sát ở Lào Cai, 2/3 phụ nữ được hỏi đều nói tình trạng vợ bị chồng đánh vẫn diễn ra, và “hồn nhiên” trả lời: ‘đánh vợ là quyền của chồng, thậm chí nếu vợ sai thì không những bị đánh, mà bỏ về nhà thì bố mẹ đẻ cũng không “chứa chấp’”.

PGS – TS Lê Thị Quý cho biết: “Bản thân tôi đã từng chứng kiến những vụ việc bạo hành có những tình tiết không thể tưởng tượng nổi nếu không chứng kiến tận mắt. Một ông chồng ở Thái Bình vừa chửi vợ vừa thu âm, sau đó ngày ngày mở lại băng đó bắt vợ phải nghe, rồi bắc loa chĩa sang nhà bố mẹ vợ. Cũng ở Thái Bình, một anh chồng lột trần truồng vợ dong đi khắp làng trên xóm dưới bêu riếu chỉ vì nguyên nhân: chị vợ đi ra đường gặp người yêu cũ, chào hỏi nhau một câu, anh chồng bắt gặp và nổi cơn ghen”.


Các chuyên gia đều thống nhất đi đến một kết luận: ở Việt Nam, ngoài các chương trình hành động của Chính phủ, ngoài sự bảo vệ của pháp luật, để thực sự có một xã hội bình đẳng giới, còn cần phải thay đổi quan niệm của nhiều người về vấn đề bình đẳng nam – nữ. Một chuyên gia nói: “Họ đã phải chịu bao thua thiệt vì gánh thiên chức làm vợ, làm mẹ. Biết bao người chồng, người con, người em đã thành công từ sự đỡ đần, nâng niu, chăm sóc của họ. Không thể vin vào lý do tâm sinh lý của nam – nữ khác nhau, vin vào những tập quán cổ hủ để tiếp tục coi họ là “cái sân sau” của người đàn ông, là người “nâng khăn sửa túi” cho chồng như xã hội phong kiến đã từng quan niệm hàng ngàn năm”. Vì “bình đẳng giới là lẽ tự nhiên, như phàm là cây cỏ thì có quyền vươn lên đón ánh mặt trời”, như nhà văn Võ Thị Hảo đã từng phát biểu về vấn đề này.

Nguồn: Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam