Cuộc đối thoại tập trung vào một số vấn đề liên quan mật thiết đến đoàn viên thanh niên như: Trọng tâm Tháng thanh niên 2016 với chủ đề “Tự hào tuổi trẻ thời đại Hồ Chí Minh”; thanh niên với xây dựng nông thôn mới; hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, đào tạo và dạy nghề cho thanh niên; việc xây dựng tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Thanh niên Việt Nam ở nước ngoài và một số vấn đề xã hội liên quan đến công tác thanh niên hiện nay.
Đây cũng là dịp để Ban Bí thư Trung ương Đoàn nắm bắt thông tin và định hướng hoạt động cho đoàn viên, thanh niên Việt Nam trong, ngoài nước trong bối cảnh hiện nay.
Tại cuộc đối thoại, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh sẽ tập trung giải đáp thắc mắc; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng; tiếp thu đề xuất, kiến nghị, hiến kế của đoàn viên, thanh niên, tập trung vào hai tuyến nội dung: Tổ chức Đoàn tạo môi trường giáo dục, môi trường rèn luyện và hành động để đoàn viên, thanh niên xung kích, sáng tạo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của đoàn viên, thanh niên.
Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh VTC1 (Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC), Truyền hình Quốc hội, Truyền hình Nhân dân; phát thanh trực tiếp trên kênh VOV1 (Đài Tiếng nói Việt Nam) và đăng phát trên nhiều phương tiện truyền thông khác.
Cổng TTĐT Chính phủ tường thuật trực tiếp toàn bộ nội dung cuộc đối thoại:MC: Kính chào quý vị và các bạn, quý vị đang theo dõi chương trình đối thoại trực tuyến do Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức.
Đây sẽ là cuộc đối thoại rất trẻ, khi khách mời sẽ là thủ lĩnh của tuổi trẻ cả nước, xin giới thiệu đồng chí Nguyễn Đắc Vinh- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam.
Cùng tham dự đối thoại, xin giới thiệu các đồng chí Bí thư Trung ương Đoàn; đại diện lãnh đạo vụ chức năng các ban Đảng Trung ương; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban khối phong trào trung ương Đoàn, Trưởng Ban thanh niên Quân đội, Bí thư Đoàn khối Doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đoàn khối các cơ quan Trung ương.
Tham gia cuộc đối thoại trực tuyến hôm nay còn có NSND Tự Long, NSUT Xuân Bắc, đây là những nghệ sĩ tiêu biểu, luôn đồng hành cùng các hoạt động Đoàn và tuổi trẻ cả nước trong nhiều năm qua.
Các vị khách mời sẽ đồng thời trả lời những câu hỏi cụ thể của thanh niên cả nước gửi về theo sự phân công của đồng chí Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn.
Nét rất mới của cuộc đối thoại ngày hôm nay, đó là chúng tôi sẽ tổ chức thêm 10 điểm cầu trong nước tại Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Huế, Đăk Lăk, Bắc Ninh, Hoà Bình, Đồng Tháp và 3 điểm cầu ở nước ngoài, gồm các nước Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga. Xin chào các điểm cầu.
Cuộc đối thoại trực tuyến với đồng chí Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn hiện đang được truyền hình trực tiếp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ; Kênh Truyền hình Quốc hội; Kênh VTC1- Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC; phát thanh trực tiếp trên kênh VOV1- Đài Tiếng nói Việt Nam; tường thuật trực tuyến trên báo Tiền phong, Thanh niên, Website Trung ương Đoàn.
Khán giả đặt câu hỏi gửi về địa chỉ email doithoai@chinhphu.vn hoặc gọi điện thoại về đường dây nóng của chương trình theo số: 080.48113.
Thưa anh Nguyễn Đắc Vinh, đây đã là lần thứ 3 anh tham gia đối thoại trực tuyến, trực tiếp với đoàn viên – thanh niên và nhân dân cả nước. Anh đã chuẩn bị cho cuộc đối thoại này như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn: Tôi rất vui mừng được đối thoại với các bạn đoàn viên, thanh niên đúng dịp kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, chúng tôi cũng ý thức được tầm quan trọng khi trao đổi với thanh niên trong và ngoài nước cho nên chúng tôi đã chuẩn bị hết sức kỹ càng cho chương trình ngày hôm nay và hy vọng sẽ đáp ứng được kỳ vọng của các bạn trẻ.
Cảm ơn đồng chí Bí thư thứ nhất. Trước khi anh trả lời các câu hỏi của đoàn viên, thanh niên cả nước, xin mời anh cùng quý vị sẽ theo dõi một đoạn clip ngắn để cùng nhìn lại lịch sử của Đoàn TNCS HCM trong 85 năm qua.Thưa anh Vinh, cho đến lúc này chúng tôi đã nhận được khoảng 250 câu hỏi của đoàn viên, thanh niên cả nước gửi về cho anh thông qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có tới hơn 30% là các câu hỏi về vấn đề việc làm cho đoàn viên, thanh niên. Tôi đang băn khoăn tự hỏi tại sao vấn đề Nghề nghiệp, việc làm lại được nhiều đoàn viên, thanh niên quan tâm đến như vậy?
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Theo suy nghĩ của riêng tôi thì việc làm là vấn đề được thanh niên rất quan tâm vì đây là vấn đề quan trọng với thanh niên, với thế hệ trẻ. Thứ hai là một bộ phận thanh niên đang gặp khó khăn trong việc kiếm việc làm, trong đó có một bộ phận sinh viên ra trường. Thứ ba là một số thanh niên có công việc mà thu nhập chưa cao, nên việc làm là vấn đề nóng với thanh niên.
Bạn Nguyễn Chí Công (Quảng Nam): Ngày nay, nhiều bạn trẻ, từ thanh niên trí thức, cử nhân cao đẳng, đại học đến thanh niên nông thôn, thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số… có khát vọng lớn, dám chấp nhận khó khăn, thử thách, thậm chí thất bại để khởi nghiệp, làm giàu chính đáng. Quan điểm của Anh về việc khởi nghiệp của thanh niên như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Hiện nay, tỉ lệ khởi nghiệp trên tổng dân số Việt Nam mới là 2,4%, trong khi đó mức trung bình của thế giới là 12%. Như vậy tỉ lệ khởi nghiệp của Việt Nam chúng ta là chưa cao. Chúng tôi thấy rằng tâm lý chung của thanh niên và các gia đình hiện nay phần nhiều vẫn là sau khi ra trường sẽ đi tìm một công việc gì đó để làm, chưa có nhiều người có tâm lý sẽ khởi nghiệp.
Tôi thấy hiện nay có rất nhiều bạn thanh niên nông thôn cũng đã tích cực tìm cho mình những cách làm kinh tế ở địa phương. Một số bạn có khả năng hơn đã mạnh dạn vay vốn để mở doanh nghiệp. Trong đó có nhiều bạn trẻ đã khởi nghiệp thành công.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII vừa qua đã đưa ra chủ trương chúng ta sẽ phát triển mạnh mẽ chương trình khởi nghiệp quốc gia. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng đang xây dựng các dự án, các chương trình khởi nghiệp quốc gia cho thanh niên. Chúng tôi sẽ cố gắng sớm hoàn thành nội dung này để trình Chính phủ.
MC: Vậy Đoàn sẽ hỗ trợ gì để thanh niên khởi nghiệp?Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Đối với các bạn trẻ khởi nghiệp thì Đoàn TNCS HCM có thể hỗ trợ một số việc, tập trung vào một số việc như thế này: Trước tiên là chúng tôi kiến nghị tháo gỡ vướng mắc về chính sách để làm sao cho các bạn trẻ thuận lợi trong quá trình khởi nghiệp.
Thứ hai, chúng tôi có suy nghĩ cần phải hỗ trợ các bạn về khía cạnh pháp lý để làm sao cho các bạn trẻ hiểu được pháp luật và làm sao vận hành được doanh nghiệp hoặc mô hình kinh tế của mình theo đúng pháp luật.
Thứ ba, cần hỗ trợ cho các bạn về kiến thức quản trị doanh nghiệp cũng như quản lý các mô hình kinh tế của các bạn.
Thứ tư, cần phải hỗ trợ cho các bạn vấn đề về vay vốn. Ở đây, chúng tôi có suy nghĩ rằng là nhiều bạn trẻ nói rằng tiếp cận về vốn còn khó khăn, cho nên một mặt chúng ta kiến nghị về mặt chính sách, một mặt hỗ trợ, tư vấn cho các bạn về việc tiếp cận các nguồn vốn làm sao cho dễ dàng.
Và cuối cùng chúng tôi rất quan tâm hỗ trợ cho các bạn về thông tin khoa học kỹ thuật để làm sao cho các bạn khởi nghiệp tốt và thành công.Bạn Nguyễn Chí Cảnh (Bắc Kạn): Hiện thanh niên nông thôn có nhu cầu phát triển kinh tế ổn định đời sống rất cao song hỗ trợ cho thanh niên còn thiếu và chỉ có một số ít thanh niên được vay. Trong khi đó nguồn vốn vay từ NH Chính sách xã hội chưa đáp ứng được. Xin được hỏi sắp tới Đoàn thanh niên có chủ trương gì trong giải quyết vấn đề này không và cụ thể như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Đoàn TNCS HCM cũng đã tiếp cận vấn đề này. Trong thực tiễn nhiều năm gần đây thấy rằng các bạn thanh niên nông thôn khi khởi nghiệp, phát triển kinh tế cần nhất là nguồn vốn vay ưu đãi nên các bạn thường tìm đến nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách. Tuy nhiên, nguồn vốn vay này định mức cho từng cá nhân không được cao nên khi các bạn muốn phát triển mô hình sản xuất lớn hơn thường thiếu vốn. Đoàn TNCS HCM cũng được Chính phủ giao quản lý nguồn vốn là Quỹ Hỗ trợ việc làm khoảng 70 tỉ đồng. Con số này không nhiều nhưng tập trung cho các mô hình kinh tế đã được khẳng định, hiện không nhiều nhưng mức cho vay tối đa là 1 tỉ đồng/dự án, lãi suất ưu đãi khoảng 0,55%/ tháng. Mức này chúng tôi thấy các bạn khi được vay đều phát triển mô hình sản xuất rất tốt, nhiều bạn thành công. Chúng tôi đã kiến nghị với Chính phủ nghiên cứu tăng định mức cho Đoàn TNCS vì đây là mô hình rất hiệu quả.
Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng xét rộng ra thì việc vay vốn thương mại rất cần thiết, nhu cầu vay vốn rất phong phú. Chúng tôi đi các địa phương thì đều thấy rằng việc tiếp cận nguồn vốn vay thương mại rất khó, nhiều thủ tục, chính sách; vì thế như tôi đã nói, việc hỗ trợ các bạn thanh niên nông thôn chúng tôi cũng kiến nghị điều rất quan trọng là tháo gỡ chính sách cho thanh niên cũng như người dân tiếp cận dễ dàng nhất với nguồn vốn vay.
MC: Giải quyết việc làm cho sinh viên ra trường hiện nay là vấn đề được quan tâm rất nhiều. Cả nước có đến hàng triệu sinh viên ra trường không tìm được việc làm hoặc làm việc không đúng với chuyên ngành được đào tạo. Con số này tăng thêm theo từng năm. Vậy Trung ương Đoàn có định hướng gì trong giải quyết việc này?
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Theo thống kê của Viện Khoa học lao động xã hội, năm 2015, có trên 178.000 sinh viên thất nghiệp. Đây là vấn đề sinh viên rất quan tâm. Khi chúng tôi tiếp xúc cử tri cũng đã có nhiều cử tri kiến nghị vấn đề này, chúng tôi thấy có một số việc cần phải quan tâm như sau:
Thứ nhất, chúng tôi kiến nghị Nhà nước nên đầu tư nhiều hơn vào các Trung tâm nghiên cứu thị trường lao động. Hiện nay Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đã có một trung tâm nghiên cứu về thị trường việc làm và Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có trung tâm dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực. Hằng quý, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng tổ chức họp báo để hỗ trợ thông tin việc làm cần cung cấp đỡ lãng phí cho việc đào tạo. Chúng tôi thấy việc hỗ trợ việc làm cần thường xuyên và dự báo chính xác kịp thời cho người dân và sinh viên. Như vậy, việc định hướng các trường cho các bạn sinh viên sẽ tốt hơn.
Thứ hai, tôi thấy sinh viên ra trường ngoài tìm kiếm việc làm đã được đào tạo rất bài bản, cơ bản. Vì vậy tôi rất mong muốn các bạn sinh viên mạnh dạn khởi nghiệp không chỉ tạo việc làm cho mình mà còn góp phần thành công tạo việc làm cho người khác.
Thứ ba, đối với những bạn sinh viên đang có thời gian, nhất là khi chưa tìm được việc làm, tôi nghĩ các bạn nên bổ sung thêm kiến thức về ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Bởi vì thị trường lao động hiện nay khá rộng lớn cả trong và ngoài nước nên thị trường lao động hiện nay đòi hỏi kiến thức khá lớn, rào cản ngoại ngữ khiến các bạn sẽ khó tiếp cận.
Bạn Trương Minh Tuấn (Thái Bình): Đề nghị Trung ương Đoàn có biện pháp định hướng và cung cấp thông tin từ các doanh nghiệp có đủ năng lực đưa người lao động đi làm việc ngoài nước cho các Trung tâm giới thiệu việc làm thanh niên các tỉnh, thành phố trực thuộc Đoàn thanh niên để Trung tâm giới thiệu và thanh niên có cơ sở lựa chọn?
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Bạn rất hiểu hệ thống Đoàn thanh niên. Chúng tôi có một hệ thống các trung tâm tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh niên ở các địa phương. Khó khăn nhất của trung tâm này là có được thông tin chính thống để tư vấn cho các bạn thanh niên. Ví dụ, thăm mô hình của TPHCM, các bạn rất năng động. Ngoài trụ sở chính, các bạn đã mở thêm 6 văn phòng ở ngay những bến xe để đón thanh niên lao động tự do từ tỉnh khác về TPHCM tìm kiếm việc làm. Và các bạn tư vấn trực tiếp cho các thanh niên đó để tìm kiếm được việc làm ngay từ khi đến TPHCM. Cái cần nhất ở đây là nguồn thông tin về thị trường lao động được cung cấp đầy đủ sẽ giúp các trung tâm được hoạt động hiệu quả. Một số trung tâm ở Quảng Bình hằng năm giới thiệu lao động đi xuất khẩu khoảng 1.000-1.500 người. Các trung tâm rất cần biết thông tin từ Bộ LĐTB&XH về những thị trường lao động nước ngoài, về những DN được cấp phép mà làm ăn tốt, về xuất khẩu lao động... Và nếu có sự kết nối thông tin thì các trung tâm sẽ hoạt động hiệu quả hơn và cũng là một kênh để hỗ trợ các bạn trẻ tốt hơn.
MC: Chúng ta được biết tham gia cuộc đối thoại lần này còn có đại diện của Bộ LĐTB&XH, Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ và Ban Bí thư Trung ương Đoàn. Trước mắt, có thông tin đầy đủ về các doanh nghiệp, các đơn hàng, các quốc gia các bạn có thể truy cập vào địa chỉ của Cục Quản lý lao động ngoài nước www.dolab.gov.vn hoặc Văn phòng hỗ trợ lao động ngoài nướcwww.hotrolaodongngoainuoc.org, điện thoại: 043.9366633. Các bạn cũng tiếp tục đặt câu hỏi vào địa chỉ hòm thư hoặc số điện thoại hotlitne. Lúc này, thì chúng tôi thấy có tín hiệu muốn nêu câu hỏi với đồng chí Bí thư thứ nhất từ điểm cầu tại TP. Hồ Chí Minh.
Một thanh niên tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh: Hiện nay, đời sống thanh niên công nhân, nhất là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất gặp rất nhiều khó khăn về nhà trọ, sinh hoạt hằng ngày, đời sống tinh thần, việc học tập, chăm lo cho con cái… Trong bối cảnh đó, định hướng chung của Trung ương Đoàn là vận động các nhà trọ không tăng giá, tư vấn việc làm... Trung ương Đoàn sẽ tiếp tục làm gì và định hướng gì cho đoàn cơ sở làm tốt hơn công tác này?
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Tôi xin mời đồng chí Bí thư Nguyễn Anh Tuấn phụ trách lĩnh vực này giúp tôi trả lời trước.
Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn: Trước hết tôi đánh giá rất cao nỗ lực của các cấp đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đã đồng hành cùng thanh niên KCN, KCX. Nhiều địa phương đã học tập nhân rộng mô hình của các bạn. Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc đã xác định đồng hành cùng thanh niên KCN, KCX là một nhiệm vụ trọng tâm, trên cơ sở đó Trung ương Đoàn đã ban hành đề án đến năm 2020. Trước hết là tiếp tục vận động các cấp ủy đảng, chính quyền xây dựng các văn phòng hỗ trợ thanh niên KCN, KCX.
Hai là các hoạt động đồng hành chăm lo thanh niên, công nhân về việc làm, sức khỏe, thu nhập...
Thứ ba là tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ ổn định nơi ăn chốn ở, nhà trọ cho thanh niên KCN, KCX.
Thứ tư là các giải pháp hỗ trợ đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân. Thực tế có nhiều mô hình hay và tôi hy vọng các định hướng đã có trong đề án sẽ tiếp tục được các cấp đoàn triển khai thời gian tới.
MC: Anh Nguyễn Đắc Vinh có chia sẻ thêm gì không?
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Nhìn chung đời sống con em công nhân còn nhiều khó khăn và các cấp đoàn đã có nhiều giải pháp hỗ trợ. Đầu tiên là nơi ở, hai là xây dựng một số tủ sách cấp thêm cho thanh niên công nhân. Về điều kiện sống thì các bạn cũng tổ chức các giải thể thao, văn hóa văn nghệ.
Đối với con em công nhân trong một số khu nhà trọ, tổ chức đoàn và địa phương đã tổ chức các lớp học tình thương, các bạn thanh niên đã giúp đỡ con em công nhân các kiến thức cơ bản nhất. Đấy cũng là mô hình rất tốt. Trong thực tế, các mô hình rất nhiều nhưng quan trọng là làm sao nhân rộng ra khắp cả nước trong khi kinh phí rất hạn hẹp. Đây là vấn đề rất đáng quan tâm, các bạn cơ sở đã có nhiều giải pháp. Về phía Trung ương Đoàn, chúng tôi cam kết sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa.
Bạn Trần Thị Thảo (TP. Hà Nội): Thưa Anh, em là sinh viên mới tốt nghiệp. Ở trường đại học, chương trình học của em hầu hết là học theo tín chỉ nên ít được tham gia vào các hoạt động của Đoàn, Hội. Hiện tại em chưa đi làm nên ở nhà cũng có nhiều thời gian rảnh. Em cũng là người có năng khiếu về văn hóa, văn nghệ và thích các hoạt động xã hội. Em rất muốn tham gia các hoạt động của Đoàn để đóng góp một phần nhiệt huyết của tuổi trẻ nhưng lại đang băn khoăn không biết tiếp cận bằng cách nào? Anh có thể gợi ý giúp em được không?
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Thứ nhất, chúng tôi rất là vui vì có một bạn đoàn viên thanh niên rất yêu thích và tâm huyết với công tác Đoàn. Thứ hai, chúng tôi mong muốn là đầu tiên ở nơi bạn đang sinh hoạt Đoàn, bạn hãy cố gắng để thể hiện những phẩm chất, tâm huyết của mình từ chính tổ chức của mình để các hoạt động ở đó được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Thứ ba, nếu bạn thực sự có năng khiếu, có tâm huyết với công tác Đoàn, bạn có thể nghiên cứu nộp hồ sơ vào một tổ chức Đoàn chuyên trách, ví dụ như ở quận, huyện, hoặc ở cấp tỉnh, thành phố hoặc có thể là cấp Trung ương. Tùy theo trình độ của các bạn và nếu có cơ duyên hoàn toàn có thể trở thành cán bộ Đoàn chuyên trách.
Bạn Nguyễn Phương Mai (TP. Hồ Chí Minh): Sử dụng Facebook nói riêng và mạng xã hội hiện nay đã trở thành một xu hướng tất yếu của giới trẻ. Tôi thấy đồng chí Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn có sử dụng Facebook. Xin hỏi là với một người có vị trí như anh thì việc sử dụng Facebook có khó khăn, có gì nhạy cảm không? Đoàn Thanh niên đã khai thác các ứng dụng, tiện ích của mạng xã hội để truyền tải thông tin và định hướng giáo dục cho thanh niên như thế nào? Và lợi ích của mạng xã hội trong việc phát huy thanh niên tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Tôi rất cảm ơn câu hỏi của bạn. Tôi suy nghĩ mạng xã hội cũng là một loại phương tiện, một loại công cụ để chúng ta chia sẻ thông tin, chúng ta kết nối với nhau. Cho nên nếu chúng ta sử dụng nó với mục đích tốt, nếu chúng ta biết vận dụng những điều tốt đẹp của mạng xã hội mang lại thì chúng ta hoàn toàn có thể làm những điều rất tốt. Cho nên tôi sử dụng mạng xã hội cũng với suy nghĩ là làm sao mình kết nối được rộng rãi thanh niên, làm sao để có nhiều thông tin về thanh niên, công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. Mình hiểu được càng nhiều và tường tận cuộc sống thì mình càng có những suy nghĩ đúng đắn hơn, chín chắn hơn để khi tham gia bàn bạc thảo luận về những đường lối phát triển của Đoàn, sẽ sát thực tiễn hơn.
Cho nên tôi thấy là, với Facebook, nếu như trước đây tôi muốn tìm hiểu về một phong trào thì nhiều khi tôi phải đến tận nơi, hoặc tôi phải gọi điện hỏi rất kỹ. Nhưng hiện nay nếu các bạn đưa lên những hình ảnh, những đoạn video ngắn ở những nơi tôi chưa từng đến, tôi có thể ở bất kỳ nơi nào trên đất nước Việt Nam mà vẫn xem, hình dung được về hoạt động của nơi đó.
Phần thứ hai và phần thứ ba tôi muốn nhờ đồng chí Lê Quang Tự Do, Trưởng ban Tuyên giáo của Trung ương Đoàn sẽ trao đổi thêm với các bạn thanh niên.
Đồng chí Lê Quang Tự Do, Trưởng ban Tuyên giáo của Trung ương Đoàn: Rất cảm ơn câu hỏi của bạn vì đây là một cái vấn đề mà thực sự là tổ chức Đoàn rất quan tâm. Tôi xin trả lời ngắn gọn thế này thôi. Đoàn thanh niên đã khai thác những tiện ích sử dụng trên mạng xã hội, hiện nay chúng tôi đang tập trung vào 3 vấn đề: Một là, chúng tôi cùng với các tỉnh, thành đoàn trên cả nước xây dựng những trang, chúng ta gọi là cộng đồng đấy, trên Facebook gọi là page, để tuyên truyền, giới thiệu về những thông tin hoạt động của Đoàn, của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam và Đội Thiếu niên tiền phong. Và các bạn có thể thấy là không chỉ có đồng chí Bí thư thứ nhất mà tất cả các tỉnh, thành đoàn và các đồng chí ở trong Ban Bí thư thường vụ đều có những trang facebook để lan tỏa những thông tin này.
Thứ hai là chúng tôi vận động cán bộ đoàn, các cấp Đoàn xây dựng những sản phẩm truyền thông trên mạng xã hội. Ví dụ như những bộ ảnh, những video clip đăng tải những bộ ảnh các hoạt động đoàn tại địa phương của mình.
Thứ ba là chúng tôi cũng kết nối với những bạn admin của các trang Facebook nổi tiếng khác, những người nổi tiếng để cùng tham gia, đưa tin, tuyên truyền các hoạt động của tổ chức Đoàn. Tiện ích thì rất lớn, đây là kênh thông tin hữu hiệu để có thể lan tỏa được rất nhiều thông tin về đoàn đến với giới trẻ và qua một hình thức rất gần gũi chứ không phải nặng nề… các bạn cảm nhận và đến với tổ chức đoàn một cách tự nhiên.
MC: Thưa anh Vinh, một ngày anh dùng bao nhiêu thời gian cho Facebook?
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Facebook là một tiện ích rất dễ theo dõi. Bây giờ chỉ cần mở điện thoại hoặc máy tính là chúng ta thấy ngay được thông tin trên Facebook. Còn tôi thấy ví dụ như có những từ khóa như “hoạt động Tháng Thanh niên” hoặc là “tình nguyện”. Nếu các bạn thanh niên đưa thông tin, hoạt động của các mình lên thì chỉ cần có từ khóa thôi, dù các bạn có ở xã, phường chúng tôi cũng biết đến những hoạt động của các bạn. Trong Tháng Thanh niên này, chúng tôi có thể theo dõi được thường xuyên và thấy rằng các hoạt động đã được phổ cập được xuống cơ sở rất nhiều.
MC: Nhân nhắc đến việc sử dụng mạng xã hội. Để chuẩn bị cho cuộc đối thoại trực tuyến này, chúng tôi cũng đã đưa thông tin lên trang Facebook Thông tin Chính phủ. Có một câu hỏi khá thú vị dành cho anh Vinh của bạn Nguyễn Văn Hương: Anh Vinh năm nay 42 tuổi. Tuổi nhiều hơn thì ngọn lửa thanh niên có ít đi hơn không?
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Tôi đính chính một chút là tôi sinh năm 1972 năm nay tôi 44 tuổi rồi. Tuy nhiên, tôi thấy cái may mắn nhất của chúng tôi, những cán bộ Đoàn, được làm công tác Đoàn là chúng tôi thấy mình luôn luôn trẻ trung, luôn có niềm hạnh phúc từ công việc nên tôi luôn tâm huyết với công việc này. Đối với mỗi cán bộ Đoàn, khi tuổi tác lớn dần lên, chúng ta cũng cần phải dành cho những người trẻ hơn, sung sức hơn, những người có suy nghĩ, đồng cảm nhiều hơn với những người trẻ nên tôi nghĩ sẽ truyền lại cho những người trẻ để nuôi dưỡng phong trào thanh niên.
MC: Đồng chí Bí thư thứ nhất có suy nghĩ gì về vấn đề cần rèn luyện để nâng cao tầm vóc của thanh niên Việt Nam?
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Vấn đề này tôi sẽ nhờ anh Bùi Quang Huy, Trưởng Ban tổ chức Trung ương đoàn trả lời.
Đồng chí Bùi Quang Huy, Trưởng Ban tổ chức Trung ương đoàn: Theo tôi, trong những năm vừa qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã có nhiều chính sách phát triển thanh niên, trong đó đã có những biện pháp thúc đẩy về mặt dinh dưỡng, thể dục thể thao, bổ sung thiết chế cho các bạn sinh viên, đặc biệt trong việc rèn luyện để nâng cao tầm vóc của thanh niên Việt Nam.
Đương nhiên, nếu chúng ta nhìn ra thế giới thì phát triển tầm vóc của chúng ta có thể chưa bằng các nước bạn. Tuy nhiên, theo những số liệu thống kê gần đây, tầm vóc của các bạn sinh viên Việt Nam cũng đã được cải thiện đáng kể. Tôi hy vọng với việc tập luyện một môn thể thao nào đó thường xuyên, kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý, các bạn sinh viên Việt Nam sẽ có một tầm vóc tốt hơn. Tôi thấy, hiện nay tầm vóc của các bạn sinh viên thế hệ 9X đang tốt hơn rất nhiều thế hệ 7X.
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Theo tôi tầm vóc của con người phụ thuộc rất nhiều vào gene di truyền của dân tộc đó, phụ thuộc vào dinh dưỡng và chế độ rèn luyện. Có thể là một bộ phận thanh thiếu niên uống rượu nhiều, không chú trọng đến thể dục thể thao sẽ ảnh hưởng đến phát triển về mặt thể hình. Chính vì vậy, nếu chúng ta không siêng năng tập luyện thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe thì sẽ ảnh hưởng nhiều đến tầm vóc của chúng ta.
Bạn Nguyễn Tuyết: Em muốn hỏi về dự án "Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020" ạ. Em là sinh viên tốt nghiệp vào tháng 3/2016. Em muốn tham gia đề án thì làm thế nào? Có còn cơ hội không?
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Câu hỏi này tôi xin chuyển đến đồng chí phụ trách trực tiếp đề án này đến từ Bộ Nội vụ sẽ giúp chúng tôi trực tiếp trao đổi với bạn.
Đại diện Bộ Nội vụ: Xin cảm ơn bạn đã quan tâm đến đề án này. Đề án 500 trí thức trẻ tình nguyện được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ phối hợp với Trung ương Đoàn triển khai. Mục tiêu của dự án phấn đấu đến năm 2015 có được 500 trí thức trẻ có trình độ đại học tình nguyện về bố trí chức danh công chức tại các xã có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn. Đến tháng 6/2015 chúng tôi đã hoàn thành mục tiêu đủ 500 trí thức trẻ về làm việc ở xã. Giai đoạn này chúng tôi tập trung hỗ trợ các bạn trí thức trẻ ở các xã xây dựng các chương trình, đề án phát triển KTXH tại địa phương, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Hiện nay chúng tôi đang tiến hành đánh giá giai đoạn 1 của dự án để xin phép nhân rộng mô hình này.
Bạn đọc Phan Ngọc Khoa: Tôi là một cán bộ đoàn cấp huyện. Tôi luôn suy nghĩ là làm thế nào để nâng cao chất lượng phong trào thanh niên và chúng tôi đã đạt được một số kết quả khả quan. Theo tôi nên chăng Trung ương Đoàn cần chủ trương phát triển một số doanh nghiệp công ích để thúc đẩy phong trào đoàn đi sâu trên một số lĩnh vực cụ thể, tạo việc làm cho thanh niên, ví dụ công ty cây xanh gắn với phong trào trồng rừng ven biển, chứ chỉ xin được vận động không thì cũng thiếu bền vững?
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Câu hỏi này xin mời anh Lê Quốc Phong, trước đây nguyên là Bí thư Thành đoàn TPHCM, cũng là nơi có nhiều mô hình như bạn nói.
Đồng chí Lê Quốc Phong: Đây là câu hỏi khá thú vị vì tìm kiếm nguồn lực, có nguồn lực để tổ chức phong trào là vấn đề được cán bộ đoàn các cấp trăn trở nhiều. Chúng ta có nhiều ý tưởng tốt nhưng nếu thiếu nguồn lực thì việc triển khai cũng rất khó khăn. Để có thể khuyến khích các đoàn viên khởi nghiệp hoặc các tổ chức đoàn vận động các nguồn lực xã hội là một câu chuyện tất cả các cấp đoàn đều cố gắng tìm cách thực hiện cho tốt. Góc nhìn của bạn là khi tham gia làm kinh tế, với mô hình cụ thể là đoàn có thể xây dựng các công ty để có nguồn lực. Tôi nghĩ rằng chúng ta đã có mô hình vận động thanh niên làm hợp tác xã, tùy điều kiện cụ thể từng địa phương, nội dung cụ thể tại từng đơn vị mà chúng ta có thể suy nghĩ, vận động thanh niên tham gia mô hình này. Ở các tỉnh thì có thể tùy vào hiện thực hoạt động mà có các mô hình, loại hình phù hợp. Thực tiễn ở các thành phố lớn thì cũng có một số đơn vị làm một số hoạt động, nhưng chủ yếu là hoạt động sự nghiệp, trên cơ sở đó hỗ trợ cho hoạt động của đoàn. Nếu các bạn có ý tưởng tốt, các bạn có thể xây dựng các đề án để huy động nguồn vốn thực hiện ý tưởng của mình.
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Tôi rất thích ý tưởng này. Khi đi thực tế ở cơ sở, tôi cũng đã nhiều lần khuyến khích những ý tưởng như vậy. Đoàn viên thanh niên nhiều nơi cũng có nhiều hoạt động gây quỹ, lao động tập thể để gây quỹ cho sinh hoạt. Các bạn ở nhiều địa phương rất sáng tạo. Ví dụ cơ sở đoàn một xã ở Gia Lai từng được tuyên dương, họ có 3,2 ha cà phê và đoàn xã phân công thay nhau chăm sóc, thu được 300 triệu một năm. Số tiền 300 triệu với đoàn xã các bạn có thể làm được nhiều việc, cả an sinh xã hội, làm được cả công ích, trong khi phân bổ ngân sách cho đoàn thì nơi nhiều được 40-50 triệu, ít thì 15-20 triệu. Nếu chúng ta kiến nghị HĐND cho thêm 1-2 triệu thì cũng không đáng bao nhiêu, trong khi chúng ta có trí tuệ, có sức khỏe. Nếu chúng ta biết tập hợp với nhau, người biết làm kinh tế thì làm đầu tàu, còn những người khác góp sức, chúng ta có thể phát huy các hợp tác xã thanh niên như anh Phong nói, vừa tự tạo việc làm cho mình, vừa tạo nguồn thu cho hoạt động chung. Tôi cho rằng trong hướng khởi nghiệp thì đoàn thanh niên nên đi đầu trong tư duy này và nên bắt đầu bằng những chuyện nhỏ như vậy.
Bạn Lê Hoàng Quyết: Mình có đề xuất là Trung ương Đoàn nên ban hành những quy định chung về các tên tiếng Anh của tổ chức Đoàn, Hội từ cấp Trung ương đến cấp chi đoàn, chi hội. Hiện tại chỉ có Thông tư 03 của Bộ Ngoại giao là có quy định cho hệ thống hành chính nhà nước, còn các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội vẫn chưa có quy định riêng.
Thực tế cho thấy trong qua trình hội nhập và phát triển, các tổ chức Đoàn có ngày càng nhiều mối giao lưu phối hợp với các tổ chức nước ngoài, Tổ chức thanh niên các nước trên thế giới, đặc biệt là các tỉnh có đường biên giới và các thành phố lớn trong cả nước. Tuy nhiên chưa có quy định chung về các chức danh, tên tổ chức Đoàn nên nhiều nơi còn sử dụng khác nhau. Tổ chức Đoàn của các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước mong muốn có tên gọi bằng tiếng Anh các cấp Đoàn từ Trung ương đến chi đoàn, chi hội.
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Chúng tôi rất cảm ơn bạn, lâu nay chúng ta vẫn dịch, vẫn đưa tên gọi tiếng Anh, nhưng đúng là phải có sự thống nhất. Chúng tôi sẽ tiếp thu và Ban Quốc tế của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh sẽ thực hiện công việc này.
Điểm cầu Thừa Thiên-Huế nêu câu hỏi.
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Tôi nghe một số ý bạn hỏi nhưng không rõ lắm. Hình như bạn có hỏi về vốn vay khởi nghiệp, có những nguồn nào, mức vay bao nhiêu có phải không?
Giám đốc Trung tâm hỗ trợ kinh tế nông thôn: Ý kiến của bạn tôi xin trả lời hiện nay nguồn các bạn đang hỏi liên quan đến hoạt động của 2 ngân hàng là Ngân hàng Chính sách đọc trong NĐ 61 ngày 9/7/2015 thì các bạn được vay theo hộ hoặc cá nhân được vay đến 50 triệu đồng không cần tài sản bảo đảm. Nếu bạn tham gia tổ chức Đoàn thì bạn vay ưu đãi theo Nghị định 61 còn nếu bạn chưa tham gia thì bạn vay theo Nghị định 55 về chính sách tín dụng hỗ trợ cho nông nghiệp và bạn có thể vay đến 100 triệu mà không cần bảo đảm tài sản. Tuy nhiên việc không bảo đảm tài sản này không cần nộp sổ đỏ nhưng phải có chứng nhận photo công chứng gửi lên Ngân hàng. Như vậy, nguồn vốn khởi nghiệp hiện chính sách của Nhà nước rất rộng rãi, các bạn cứ nghiên cứu thêm, trong quá trình nghiên cứu thêm nếu có vấn đề gì thì Đoàn TNCS từ các huyện có thể trao đổi với các bạn. Các bạn có thể tham khảo website www.hotrothanhnien.com, chúng tôi sẽ có đầy đủ thông tin và giải thích cụ thể các vấn đề các bạn quan tâm.
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Tôi nêu thêm nếu các bạn cần giải đáp các bạn có thể kết nối với chính Tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế vì Tỉnh đoàn cũng được giao để giúp đỡ và hỗ trợ các bạn về việc vay vốn từ Ngân hàng Chính sách và nguồn vốn 120. Nếu Tỉnh đoàn không làm tốt trách nhiệm thì các bạn cứ thông tin với chúng tôi. Nếu gửi thư lâu thì có trang Facebook của Trung ương Đoàn, các bạn chỉ cần gửi tin nhắn và chúng tôi sẽ đọc được.
MC: Lúc này chúng tôi nhận được tín hiệu từ điểm cầu LB Nga- xin chào các bạn. Cảm ơn các bạn đã dậy rất sớm để tham gia cuộc đối thoại trực tuyến hôm nay. Thưa QVCB, lúc này ở Nga đang là hơn 4h sáng và ngoài trời rất lạnh. Xin mời các bạn đặt câu hỏi!
Câu hỏi từ Liên bang Nga: Xin chào anh Nguyễn Đắc Vinh và các đồng chí. Xin hỏi anh Vinh một câu hỏi rất ngắn gọn như thế này. Theo anh, với những đoàn viên thanh niên đang ở nước ngoài hiện nay, làm thế nào để thể hiện lòng yêu nước đúng cách?
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Thực ra thì thanh niên Việt Nam ở đâu cũng cần phải thể hiện lòng yêu nước đúng cách. Đối với các bạn đang học tập ở nước ngoài thì theo chúng tôi, cách đơn giản nhất là các bạn phải học tập thật tốt, sớm trở thành những nguồn nhân lực tốt cho đất nước. Quan điểm của Đảng và Nhà nước thì chúng ta đã rõ rồi, tức là ở đâu mà các bạn phát huy được tốt nhất thì các bạn cứ cống hiến ở đó. Tuy nhiên, nguồn nhân lực trong nước đang rất thiếu. Và nếu các bạn học tập tốt, các bạn trở thành những chuyên gia giỏi, những nhân lực chất lượng cao của đất nước thì đất nước rất mong các bạn trở về cống hiến. Đất nước đang trên đà phát triển và chúng ta rất cần những nguồn nhân lực như các bạn. Tôi tin rằng lòng yêu nước đầu tiên là ở việc mình hãy học tập thật tốt, nghiên cứu thật tốt.Điểm thứ hai chúng tôi suy nghĩ là chúng ta có cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Chúng ta hãy xây dựng cộng đồng ấy thực sự đoàn kết, thực sự vững mạnh để hỗ trợ lẫn nhau, như thế cũng là một trong những cách thể hiện lòng yêu nước. Khi có điều kiện thì chúng ta hãy biểu hiện lòng yêu nước của mình một cách công khai, một cách trong sáng. Bản thân lòng yêu nước là một điều rất đáng quý, rất thiêng liêng của mỗi cá nhân chúng ta.
MC: Chúng tôi nhận được email của hai bạn du học sinh từ Trung Quốc và Hoa Kỳ cho biết các bạn đã đi học tập, rèn luyện ở nước ngoài và muốn về nước có cơ hội cống hiến.
Tôi xin đọc một phần trong bức thư của bạn Hà Minh Ngọc, Nghiên cứu sinh ngành Hóa học tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Đông, Thượng Hải, Trung Quốc: “Nếu như trong thời chiến tất cả người dân nói chung và thanh niên nói riêng luôn sẵn sàng hy sinh mình cho tổ quốc, thì trong thời bình họ luôn tràn đầy nhiệt huyết, nhiều ý tưởng cho công việc và luôn sẵn sàng góp sức mình cho sự ổn định, phát triển chung của đất nước. Chẳng có bạn trẻ nào lại muốn xa tổ ấm thân yêu, xa người thương, gia đình và bạn bè. Trong thâm tâm mỗi người không ai muốn đi xa để nhận lấy sự cô đơn, vất vả trong học tập nghiên cứu để rồi về có thể là sự thất vọng vì không được phát huy kiến thức đã học. Sau tất cả mọi cố gắng, thì ước nguyện duy nhất của những người đi học tập nghiên cứu có năng lực thực sự đó là muốn có chỗ quay về, muốn có môi trường làm việc phù hợp để được làm việc và cống hiến nhiều hơn nữa cho xã hội.
Còn trong bức thư của bạn Trần Hữu Trí, du học sinh tại Texas (Hoa Kỳ) có nêu câu hỏi: Các cơ quan Đoàn có chế độ đãi ngộ trí thức từ các du học sinh như thế nào, đặc biệt là những du học sinh thuộc diện tự túc, không nằm trong quy hoạch nguồn?
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Tôi trả lời ngắn gọn với các bạn thế này thôi: Đối với các bạn nghiên cứu sinh, du học sinh đa phần tôi tiếp xúc đều thấy các bạn là những người có trình độ cao. Các bạn hãy tự tin vào chính mình. Các bạn là những người có năng lực, các bạn cứ về nước. Tôi tin rằng các bạn hoàn toàn có thể cạnh tranh được.
Câu hỏi thứ hai thì vừa qua có rất nhiều bạn du học sinh từ các nước trở về đã tham gia vào Trung ương Đoàn và đã hòa nhập nhanh, hoàn thành rất tốt các công việc của mình. Rất hoan nghênh các bạn.
Còn về quy hoạch cũng phải căn cứ vào tình hình thực tiễn, chính là dựa vào sự cống hiến, phát triển của các bạn chứ không phụ thuộc vào việc các bạn ở đâu.
Câu hỏi từ các bạn thanh niên tỉnh Bình Dương: Trong việc triển khai thực hiện đưa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc vào cuộc sống, đồng chí quan tâm hoặc kỳ vọng tuổi trẻ sẽ tập trung tham gia vào các nội dung, mục tiêu trọng tâm nào? Trong những nội dung đó, nội dung nào là then chốt?
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Đây là một câu hỏi cũng gắn với thực tiễn ngày hôm nay. Tôi thấy rằng đây là vấn đề rất là lớn. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc vừa rồi cũng đã thông qua, tôi cho rằng có một số nội dung Đoàn cần quan tâm, tập trung và điều này thể hiện ở chỗ chúng tôi đang chuẩn bị dự thảo Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 11, diễn ra vào cuối năm 2017.
Điểm thứ nhất, công tác giáo dục thanh niên, hiện nay, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 42 về công tác tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho giới trẻ giai đoạn 2015-2020. Đây là một chỉ thị rất quan trọng, là nhiệm vụ hàng đầu của Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh nhưng cũng là một nhiệm vụ tương đối khó. Do đó, chúng tôi đang nghiên cứu cách thức đổi mới nội dung và phương thức giáo dục để làm sao cho các bạn thanh thiếu niên được tự rèn luyện tốt nhất, có lý tưởng sống cao đẹp, đóng góp cho sự phát triển của đất nước một cách tốt nhất.
Điểm thứ hai, chúng tôi đang tập trung nghiên cứu tổng kết các phong trào hướng tới xây dựng những phong trào mới cho thanh niên để làm sao gắn với tình hình thực tiễn đất nước, đồng thời, phát huy tối đa sức trẻ của thanh niên.
Điểm thứ ba, tập trung củng cố công tác đoàn, giải quyết những khó khăn trong triển khai công tác như tổ chức đoàn hội ở trong khu vực ngoài quốc doanh...
Tôi thấy có rất nhiều vấn đề cần quan tâm nhưng do thời gian ngắn nên chúng tôi chỉ nêu chủ yếu 3 vấn đề trên.
MC: Tiếp theo chúng tôi nhận được câu hỏi từ Đồng Tháp. Xin mời điểm cầu Đồng Tháp.
Điểm cầu Đồng Tháp: Được biết Tháng Thanh niên năm nay được tổ chức theo 4 tuần hoạt động với 4 chủ đề khác nhau, trong đó có tuần thứ 2 với chủ đề về môi trường. Hiện nay, các tỉnh miền Tây Nam Bộ đang bị hạn hán và nhiễm mặn nghiêm trọng. Vậy, Đoàn Thanh niên có hoạt động gì trong Tháng Thanh niên để can thiệp vào vấn đề này, giúp đỡ bà con nông dân ở đây khắc phục thiên tai hay không?
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Câu này xin mời đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Trung ương Đoàn phụ trách lĩnh vực nông thôn, trả lời giúp tôi trước.
Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Trung ương Đoàn phụ trách lĩnh vực nông thôn: Xin cảm ơn câu hỏi của bạn. Đây là vấn đề lớn được hệ thống chính trị quan tâm. Hôm qua Thủ tướng đã có Chỉ thị về việc triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Với tổ chức đoàn, tôi thấy cần căn cứ vào đó để triển khai các giải pháp cho mình, gồm cả giải pháp công trình và phi công trình. Tôi thấy Bình Thuận, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Tiền Giang… đã có hoạt động cụ thể như vận chuyển nước sạch, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và các giải pháp khác như xây dựng các công trình thanh niên để ứng phó xâm nhập mặn. Về lâu dài thì tôi nghĩ chúng ta cần tham gia tích cực trồng rừng ngập mặn, rừng đầu nguồn, rừng chắn sóng. Đồng thời tích cực nghiên cứu các phương thức sản xuất mới ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Tôi nghĩ đây là vấn đề hệ trọng, đã có sự vào cuộc của Chính phủ. Về phía Đoàn, thì tổ chức đoàn có đông thanh niên, có sức trẻ. Các cấp đoàn cần huy động được lực lượng thanh niên để tham gia ứng phó với thực trạng cấp bách này.
Điểm cầu Đồng Tháp: Xin đồng chí Bí thư thứ nhất cho biết thêm Trung ương Đoàn có chỉ đạo gì với các cấp đoàn để tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó xâm nhập mặn?
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Về bảo vệ môi trường thì anh Tuấn nói rồi. Khi nước mặn xâm thực thì chúng ta thấy cần giải pháp đồng bộ. Nếu nguồn nước thượng nguồn mà thiếu thì nước biển xâm nhập mặn là khó tránh khỏi. Chúng ta phải tìm biện pháp đối ngoại để nguồn nước thượng nguồn không bị hạ quá thấp. Hai là các biện pháp thủy lợi như ngăn cửa sông để ngăn ngập mặn. Đồng thời tìm cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng với ngập mặn. Rồi tìm các giải pháp giải quyết nước sinh hoạt cho người dân. Với những vấn đề cấp bách, các cấp đoàn phải có nội dung cụ thể, giải quyết từng vấn đề. Còn bây giờ nói nhiều quá về tương lai thì không nên, vì tình hình cấp bách đang diễn ra ở nhiều địa phương. Thanh niên có biện pháp gì giúp đỡ người dân về nước sinh hoạt thì nên giúp ngay.
MC: Hôm nay chúng tôi đã mời đến trường quay, cùng tham gia cuộc đối thoại trực tuyến có NSND Tự Long, NSUT Xuân Bắc. Các anh là những nghệ sĩ được giới trẻ rất yêu mến hiện nay, và hai anh cũng tình nguyện tham gia, đồng hành với nhiều hoạt động của Đoàn. Đặc biệt, theo tôi được biết, các anh đang tham gia tích cực chương trình Tháng ba biên giới của các cấp Đoàn ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Sự tham gia của các anh đã khuyến khích và lôi cuốn sự tham gia của nhiều hơn nữa đoàn viên thanh niên trong cả nước.
Xin được đặt câu hỏi với hai anh, các anh có thể cho biết các anh tham gia hoạt động Đoàn thì được những gì?
NSND Tự Long (Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội): Điều đầu tiên là mỗi con người làm việc theo sở thích, nhất là người Việt, nếu chúng ta không thích thì sẽ rất khó có thể đạt được mục đích mà chúng ta đặt ra. Đôi khi chúng ta bị người khác lôi kéo vào, thấy vui quá chúng ta làm, rồi khi vào đó chúng ta thấy có lợi ích. Chúng tôi đã hoạt động tổ chức Đoàn từ rất lâu rồi, quan trọng nhất là mình phải yêu thích. Các bạn có thể thấy rằng trong cuộc sống bây giờ trẻ tự kỷ rất nhiều, nếu ai không tham gia hoạt động Đoàn thì cũng như trẻ tự kỷ. Vì sống phải có tổ chức, chúng ta tham gia tổ chức Đoàn, chúng ta mới có thể thấy hết ý nghĩa của nó. Đoàn thanh niên luôn cần đến sức trẻ, xã hội rất cần những sự tiếp sức của tuổi trẻ. Quan trọng nhất là Nhà nước sẽ phải có những chế tài cho tổ chức Đoàn, nếu hoạt động của chúng ta thế này rất cần sự đầu tư và định hướng cho tương lai.
MC: Xin hỏi Nghệ sĩ Xuân Bắc, anh có thể cho biết, tham gia hoạt động Đoàn thì được gì?
Nghệ sĩ Xuân Bắc: Khi tham gia tổ chức Đoàn thì tôi nói chính xác rằng mình được hoạt động, được trải nghiệm và được lớn lên. Nhưng hoạt động đoàn còn có những ý nghĩa lớn lao, tức là mỗi người, ở tuổi trẻ, nếu chúng ta còn trên giảng đường đại học hay trường PTTH và thậm chí là khi ra trường chưa có việc làm hay có việc làm rồi, chúng ta vẫn có tuổi trẻ, sức sống, sức sáng tạo hừng hực, khí thế như vậy. Chúng ta cần phải cống hiến, trước hết không chỉ là cống hiến cho cuộc sống, cho xã hội mà quan điểm của tôi là cống hiến cho chính mình. Mình sống làm sao để tuổi trẻ của mình không bị hoài phí đi. Không phải là lúc nào cũng nói “em nhiều sức quá nhưng em không biết phải làm gì”. Có rất nhiều việc đang chờ các bạn, có rất nhiều điều đang chờ các bạn, có rất nhiều việc có ý nghĩa đang chờ tất cả chúng ta. Chính vì vậy mà hoạt động đoàn cho chúng ta những trải nghiệm, cho chúng ta những kinh nghiệm và cho chúng ta lớn lên. Lớn lên để sau này chúng ta không cảm thấy phí và chúng ta đã đóng góp rất nhiều cho chính mình và cho xã hội.
Vào Đoàn thì được gì? Xin khẳng định luôn vào Đoàn để chúng ta được hoạt động Đoàn một cách chính quy, chính thống. Đơn giản như vậy thôi. Không phải nghiễm nhiên mà có một tổ chức Đoàn mạnh đến như vậy với rất nhiều hội như Hội Sinh viên, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam. Đoàn cho chúng ta một lực lượng được tập trung một cách quy mô trong một sự kiểm soát chặt chẽ, trong sự chỉ đạo, điều hành với những phong trào hết sức có ý nghĩa. Vào Đoàn để chúng ta hoạt động trong một tổ chức, để chúng ta kết liên lại, để chúng ta hợp sức nhau lại kết thành những luồng sóng theo đúng nghĩa, để tạo được những hiệu quả thực sự lớn lao cho xã hội.
Và bên cạnh đó, vào Đoàn để các bạn có cơ hội nói lên tiếng nói của mình và các bạn có thể trả lời với đời bằng những việc làm cụ thể. Các bạn dưới những ngọn cờ của phong trào Đoàn thì các bạn không chỉ tìm cho mình những đường đi đúng mà các bạn còn giúp đỡ những người xung quanh có cuộc sống tốt đẹp hơn. Cho nên nếu ở đây trong buổi sáng này mà kể ra là hoạt động Đoàn được gì và vào Đoàn được gì thì có lẽ chúng tôi không kể hết được. Nhưng bằng sự nhiệt huyết mà chúng tôi thực hiện trong suốt nhiều năm nay, mặc dù đã trở thành những nghệ sĩ rất bận rộn nhưng chúng tôi vẫn tham gia hoạt động Đoàn. Kể cả anh Long bây giờ tham gia công tác quản lý nhưng khi chúng tôi có kế hoạch, chúng tôi nói chuyện với nhau là sẽ xếp lịch đi ngay, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo chúng tôi đều có mặt hết.
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Chỉ 2 người là anh Xuân Bắc và anh Tự Long mà giúp cho 5000-7000 con người có buổi tối rất vui vẻ thì chúng ta thấy giá trị thế nào của văn nghệ sĩ với thanh niên cũng như người dân. Ví dụ như những chương trình lưu diễn với thanh niên công nhân vừa rồi, tôi thấy hàng chục nghìn thanh niên công nhân ở mọi miền Tổ quốc đã được tham dự chương trình giao lưu rất có ý nghĩa và bản thân các anh cũng thấy rất vui với những hoạt động này. Chúng tôi rất cần những văn nghệ sĩ, những người nổi tiếng cùng tham gia để định hướng cho thanh niên những giá trị của cuộc sống.
MC: Anh Xuân Bắc và anh Tự Long sẽ giúp Trung ương Đoàn tạo ra sức mạnh tổng thể hơn chứ?
Nghệ sĩ Xuân Bắc: Vâng. Thực ra anh em văn nghệ sĩ chúng tôi luôn sẵn sàng vì tất cả các đoàn viên thanh niên cũng chính là khán giả của chúng tôi. Khi đến với những anh em công nhân hay bà con vùng sâu, vùng xa thì điều quan trọng tôi cảm nhận là hầu hết anh em nghệ sĩ đều sẵn sàng tham gia những chương trình thế này. Chỉ có một số nhỏ anh em nghệ sĩ chưa ý thức rõ được những việc mình phải làm cho cộng đồng hoặc đôi khi họ mượn những hoạt động này nhằm nâng cao vị thế, “đánh bóng” tên tuổi của mình được lan tỏa, cái đó ở khía cạnh nào đó cũng không sai nhưng mục đích ban đầu không nhắm vào việc phát triển xã hội nói chung. Nhân đây tôi cũng xin kiến nghị với những nghệ sĩ trẻ có những giải thưởng Nhà nước, như anh Tự Long là Nghệ sĩ nhân dân, tôi là Nghệ sĩ ưu tú và nhiều nghệ sĩ trẻ khác, tôi nghĩ rằng Đoàn TNCS cũng nên kiến nghị với Bộ VHTT&DL và Cục Nghệ thuật biểu diễn nên có thêm thước đo đánh giá về việc cống hiến cho cộng đồng, xã hội để cộng thêm vào những điểm xét danh hiệu cao quý; những hoạt động nghệ thuật cần có thêm những tiêu chí cống hiến cho xã hội, xây dựng xã hội, phát triển đất nước. Cống hiến ở đây là sẵn sàng lên đường đến vùng sâu vùng xa, không mảy may nghĩ đến một đồng cát xê nào, sẵn sàng lăn xả vào xắn quần ngang đầu gối đẩy xe, dựng nhà cho bà con… Điều đó sẽ làm đẹp thêm hình ảnh nghệ sĩ và cũng góp phần vào những hoạt động Đoàn, tăng thêm sức mạnh tổng thể.
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Xin cảm hơn anh Xuân Bắc. Điều này không chỉ đúng với mình anh Xuân Bắc mà còn đúng với tất cả anh em nghệ sĩ. Những ý kiến của anh chúng tôi sẽ kiến nghị lên Bộ VHTT&DL vì đây là những điều chính đáng.
Điểm cầu Hàn Quốc: Xin chào anh Nguyễn Đắc Vinh, tôi xin tự giới thiệu tôi là Nguyễn Quốc Hoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc, tôi rất vinh dự được cùng với các bạn thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc tham gia buổi giao lưu trực tuyến ngày hôm nay. Thay mặt cho thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc tôi xin gửi tới câu hỏi rất ngắn gọn: Hiện tại ở Hàn Quốc có khoảng 50.000-60.000 thanh niên, sinh viên lao động, học tập. Tuy nhiên các tổ chức đoàn thể thì mới có Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc. Vậy trong tương lai chúng ta có thể thành lập thêm tổ chức đoàn của thanh niên tại đây không, giống như một số nước khác như Nga chẳng hạn?
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Câu hỏi của bạn tôi cũng xin trả lời rất ngắn. Chúng tôi cũng có thời gian dài gắn bó với Hội Sinh viên Việt Nam ở Hàn Quốc khi tôi làm Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam. Đề nghị của các bạn rất chính đáng, muốn có tổ chức Đoàn ở nước ngoài. Cái này chúng tôi sẽ liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam ở Hàn Quốc để có những biện pháp cụ thể cùng với các bạn xúc tiến việc này.
Bạn Nguyễn Hương Giang, Bí thư đoàn phường tại Hà Nội: Em thấy rằng phong trào tình nguyện có ý nghĩa, sức lan tỏa rất lớn trong thanh niên. Hoạt động tình nguyện không phải chỉ do tổ chức Đoàn phát động mà em thấy hiện nay có nhiều hoạt động tình nguyện phi tổ chức. Là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, thủ lĩnh của thanh niên cả nước, quan điểm của Anh cũng như của Ban Bí thư Trung ương Đoàn đối với các hoạt động tình nguyện phi tổ chức của thanh niên như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Chúng tôi không coi hoạt động tình nguyện là của riêng mình. Tất cả các hoạt động tình nguyện của các bạn đều được hoan nghênh.
MC: Vừa rồi chúng ta vừa được nghe các bạn thanh niên, sinh viên Việt Nam đang học tập, lao động ở trong và ngoài nước nói lên tâm tư, nguyện vọng, mong muốn đóng góp cho quê hương, đất nước, thể hiện tình yêu với Tổ quốc. Anh có điều gì muốn chia sẻ thêm với các bạn?
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Chúng tôi rất xúc động, hôm nay mặc dù chưa trả lời trực tiếp được nhiều nhưng tôi xin hứa với những câu hỏi có địa chỉ cụ thể, chúng tôi sẽ gửi trả lời đến các bạn. Qua câu hỏi của các bạn cho thấy tâm huyết rất lớn, các bạn đã có những đề xuất, kiến nghị. Lấy ví dụ như tình hình ở ĐBSCL đang bị hạn hán và nhiễm mặn nghiêm trọng, các bạn vừa đặt câu hỏi cho tổ chức Đoàn, vừa đang thực hiện công việc ở địa phương. Trung ương Đoàn sẽ cùng tổ chức Đoàn ở ĐBSCL thực hiện các công việc, giải pháp giúp địa phương. Với các bạn đoàn viên thanh niên ở nước ngoài, ở những nơi có những múi giờ rất khác nhau, có bạn phải thức cả đêm để chuẩn bị cho buổi giao lưu hôm nay. Chúng tôi thực sự mong muốn là có nhiều tiếng nói, nhiều kênh khác nhau để được trao đổi, được đối thoại với các bạn.
Một lần nữa xin trân trọng cảm ơn Cổng TTĐT Chính phủ và đại diện các bộ, ngành cũng như các bạn đoàn viên thanh niên trên cả nước và nước ngoài đã rất quan tâm tham dự chương trình.
MC: Có thể nói cho đến lúc này, cuộc giao lưu trực tuyến, trao đổi với thanh niên trên cả nước và nước ngoài đã đi đến những giây phút cuối, chúng tôi đã lựa chọn những câu hỏi tiêu biểu nhất, được nhiều bạn quan tâm. Cá nhân anh nhận xét về cuộc đối thoại hôm nay như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Cuộc đối thoại lần này tiếp tục giữ được tính thẳng thắn rất cao, chúng ta cùng đi thẳng vào giải quyết vấn đề, chúng ta cùng cố gắng trao đổi các vấn đề một cách thiết thực nhất. Chúng tôi cũng mong muốn rằng nói được phải làm được. Chúng ta hôm nay nói với nhau nhưng quan trọng nhất là qua cuộc giao lưu này, công tác Đoàn và phong trào thanh niên có gì đổi mới không, chúng ta có rút ra được điều gì không. Chúng tôi rất trân trọng những dịp chúng ta có sự trao đổi như thế này. Chúng tôi xin cảm ơn.
Cổng TTĐT Chính phủ