Sinh viên Đại học Vinh - Hè tình nguyện giúp xã nghèo vượt khó
(Bài được chỉnh sửa, bổ sung bởi TT ĐHV)
 
            Trường Đại học Vinh - đơn vị anh hùng trong thời kỳ đổi mới với hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển cùng với sự nghiệp phát triển của đất nước. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, Trường Đại học Vinh đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Nối tiếp truyền thống của biết bao thế hệ sinh viên trong phong trào tình nguyện 15 năm qua, hè năm 2010, hơn 1000 sinh viên Trường Đại học Vinh lại nô nức lên đường về với các bản làng xa xôi trên vùng đất miền Tây xứ Nghệ. Khoác lên mình những chiếc áo màu xanh tình nguyện và lòng nhiệt huyết, sự khát khao cống hiến, chinh phục những miền đất mới đầy khó khăn, xứng đáng là sinh viên đang học tập dưới mái trường Đại học Vinh - “Ngọn cờ hồng trên quê hương Xô Viết”. Với chủ đề tình nguyện Hè năm 2010 là “Thanh niên tình nguyện cùng xã nghèo vượt khó”, trong hơn 1000 chiến sỹ tình nguyện đã có nhiều đội tình nguyện về các vùng nông thôn xa xôi rất nhiều khó khăn. Trong đó tiêu biểu là đội SVTN hoạt động ở xã Phà Đánh - Kỳ Sơn, bởi lẽ đây không phải là một địa phương miền núi đơn thuần mà là vùng rẻo cao biên giới; địa hình phức tạp, giao thông đi lại đặc biệt khó khăn; trình độ học vấn của đồng bào và ĐVTN còn nhiều hạn chế; nhiều tập quán, hủ tục lạc hậu còn chưa được từ bỏ; là xã vùng cao đặc biệt thiếu nước sinh hoạt…
Ngày đầu tiên đội SVTN đã được Ban Thường vụ Huyện đoàn Kỳ Sơn đón tiếp và trao đổi thông tin cơ bản về địa điểm hoạt động. Sau khi nghe xong tình hình các chiến sỹ tình nguyện tranh thủ hỏi thêm những điều đang còn thắc mắc, đồng chí đội trưởng Trần Linh trao đổi kế hoạch của đội “Trong những ngày đầu tiên, Đội SVTN muốn tìm hiểu cơ bản về phong tục, văn hoá của các đồng bào nhân dân ở đây. Qua đó, đội sẽ có những hình thức triển khai kế hoạch với các nội dung phối hợp cụ thể với các chi đoàn trong xã một cách tốt nhất”.
Bắt đầu rời khỏi Thị trấn Mường Xén - Trung tâm của huyện Kỳ Sơn, chiếc xe ôtô chỉ đi số một và số hai “số ba và số bốn để dành về thành phố mới đi” (theo cách nói tếu của bác tài xế) cố lê từng vòng bánh trèo lên trên những hòn đá cuội, đá tai mèo lởm chởm dọc đường. Các chiến sỹ tình nguyện như theo dõi từng gốc cây, con suối, nhìn kỹ từng khuôn mặt có thể bắt gặp trên đường. Vào đến nơi, bác tài xế tâm sự: “Tôi rất cảm động vì các bạn trẻ SVTN Đại học Vinh nhiệt tình với đồng bào ta quá, nên tôi mới đi thử một chuyến chở các bạn vào tận đây, chứ xe ôtô khách như chúng tôi chưa vào đây bao giờ vì không dám đi trên mặt đường như thế này”.
Ngay đêm đầu tiên tại địa bàn tình nguyện, các bạn sinh viên đã có buổi sinh hoạt cùng với chi đoàn bản Kẹo Lực III - Phà Đánh để tìm hiểu những phong tục tập quán và đời sống, phương thức sản xuất kinh tế của đồng bào. Được cùng hát, cùng múa những điệu múa của dân tộc Mông, học tiếng nói, những nét văn hóa đặc sắc trong cuộc sống của nhân dân. Bạn Nguyễn Thị Giang - 50B1 Chính trị - Luật tâm sự: “Em không ngờ một miền đất mà em chưa hề biết đến lại trở nên thân thiết và gắn bó với em một cách nhanh chóng như vậy. Em thấy quý mến đồng bào nhân dân, các bạn thanh niên và các em thiếu nhi ở đây - một cuộc sống tình cảm chân chất, không một chút vụ lợi. Khi có khoảng thời gian một mình suy nghĩ hay khi tham gia hoạt động em luôn làm hết mình cho đồng bào mà không cảm thấy sự mệt mỏi. Em bắt đầu lo sợ khi phải chia tay đồng bào”.
Nội dung trọng điểm của Đội SVTN trong đợt hoạt động này là hành trình đến với những xã, bản xa nhất, khó khăn nhất. Cụ thể là mở con đường đến với Bản Xắn, cách trung tâm xã 10 km và con đường đến với bản Phà Khảo. Sau khi tham mưu với Đảng uỷ - Chính quyền, Đoàn thanh niên xã Phà Đánh quyết định huy động ĐVTN của 5 Chi đoàn cùng với toàn dân Bản Xắn phối hợp với Đội SVTN Đại học Vinh tiến hành hai ngày mở đường mới đến Bản Xắn. Mới sáng sớm tinh mơ đã nghe tiếng cuốc, tiếng xẻng đến địa điểm mở đường. Một khí thế phấn khởi, hào hứng đầy quyết tâm, hàng trăm chiếc cuốc, xẻng của hàng trăm thanh niên và xã viên thi nhau bổ xuống mặt đất đá không dứt. Những tiếng nói, cười vui vẻ phát ra từ những con người đang mang trong mình ngọn lửa không bao giờ tắt - Ngọn lửa tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng. Như được tiếp thêm sức mạnh từ sự có mặt động viên kịp thời của Ban Thường vụ Huyện đoàn Kỳ Sơn và các đồng chí Phóng viên truyền hình. Tâm sự cùng chúng tôi, bác Cụt Văn Tam - Trưởng bản Xắn phấn khởi nói: “Khi nghe tin có SVTN Đại học Vinh vào giúp làm đường, bà con dân bản và thanh niên không ai muốn ở nhà, tất cả đều muốn đi làm và làm rất nhanh. Ai cũng muốn được nhìn thấy SVTN. Ngày trước chúng tôi quen nhảy qua trên những mỏm đá, vịn vào gốc cây, dây rừng để đi, bây giờ thì không phải đi như vậy nữa, khi con đường này làm xong, Bản Xắn sẽ mời Đội SVTN về ở Bản Xắn một tuần”. “Binh đoàn” đào đường ngừng cuốc xẻng một lúc và hát vang bài ca Dấu chân tình nguyện cuối bài hát mỗi thanh niên như muốn hát mãi từ tận đáy lòng và trái tim nhiệt huyết của mình câu hát “…Vì quê hương chúng ta lên đường”. Anh Thanh - Phóng viên Đài TT-TH Kỳ Sơn, tất bật vác máy trên vai quay góc này, cảnh khác để ghi lại được toàn diện nhất thành quả của một sự nỗ lực - một sự phối hợp hài hoà từ ánh mắt đến trái tim của các chiến sỹ sinh viên tình nguyện và thanh niên cơ sở, anh tâm sự: “Minh cầm máy cũng đã được một thời gian, nhưng quả thực đây là lần đầu tiên mình có cơ hội để ghi lại một công trình tuyệt vời với sự khảo sát, thi công từ khối óc, trái tim và từ hai bàn tay thực sự của các bạn thanh niên, minh cũng cảm thấy hạnh phúc khi tham gia và chia sẻ thành tích này”. Anh Kha Văn Thi - Bí thư Đoàn xã Phà Đánh chia sẻ cùng chúng tôi: “Đội SVTN Đại học Vinh đến đây hoạt động như có một luồng sinh khí mới chớm nở và lan toả trong mọi người. Chính vì vậy mọi việc khó nhọc đều không cản trở được việc làm của các bạn. Con đường này được mở, chỉ một lúc nữa thôi là xe máy có thể đi được - đó là điều mong mỏi của biết bao người dân, từ biết bao thế hệ con người Bản Xắn”. Bạn Phan Hữu Nghĩa - Lớp 49B2 Chính trị - Luật hào hứng tâm sự: “Đội SVTN của bọn em đã thực sự tình nguyện đến với xã nghèo, bản nghèo. Hình ảnh những con đường nối những bờ vui không còn trong ước mơ nữa mà nó đã trở thành hiện thực. Chúng em cảm thấy hạnh phúc khi biết mình đã giúp được một chút công sức cho đồng bào khó khăn, Đội của bọn em còn mong muốn làm được nhiều hơn thế nữa”.
Từ việc mở những con đường đến với các bản vùng sâu, Đội SVTN đã đến được với đồng bào và ĐVTN để thực hiện được nhiều nội dung công việc cho đồng bào nhân dân, như: Tuyên truyền thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tuyên truyền thực hiện các luật: Phòng chống Ma tuý, Hôn nhân và Gia đình; tập huấn nghiệp vụ công tác Đoàn - Hội - Đội cho ĐVTN. Đặc biệt trong những phần việc đó, cụ thể và thiết thực nhất là phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng chuồng trại chăn nuôi và làm nhà vệ sinh bán tự hoại (hai ngăn ủ sinh thái). Vì đồng bào sinh sống giữa núi rừng có thói quen không làm nhà vệ sinh, điều đó làm ô nhiễm môi trường, phát sinh và lây lan bệnh tật. Sau khi tuyên truyền và hướng dẫn làm nhà vệ sinh cho đồng bào, Đội SVTN đã làm mẫu ở các bản, phối hợp với chi đoàn bản làm giúp những gia đình chính sách không có nhân lực. Phong trào này được mọi người dân ủng hộ và phối hợp thực hiện. Tham gia những hoạt động này, một sinh viên tâm sự: Thực hiện nội dung công việc nào chúng em cũng thấy vui, vì nhận được sự đồng tình của nhân dân. Thực ra chủ yếu là nhân dân và ĐVTN các chi đoàn làm phần nặng, bọn em chỉ hướng dẫn và tuyên truyền thôi. Các bạn thanh niên ở đây mới gặp lần đầu mà bọn em đã cảm thấy thân thiện và gần gũi như anh em một nhà”.
Những việc mà Đội SVTN Đại học Vinh đã làm cho đồng bào và thanh thiếu niên huyện Kỳ Sơn thật có ý nghĩa, thiết thực. Khẳng định hướng đi hoàn toàn đúng đắn của phong trào thanh niên trong thời kỳ đổi mới, góp phần rút ngắn “khoảng cách” giữa miền núi và miền xuôi. Sinh viên Đại học Vinh các thế hệ luôn thể hiện phẩm chất của mình, xứng đáng với 8 chữ vàng: Bản lĩnh - Trí tuệ - Văn minh - Tình nguyện.
 
 
 
Bài, ảnh: Lang Lương
    Huyện đoàn Kỳ Sơn - Nghệ An
     ĐT: 0976 808 559

Email: langluong559@gmail.com