KỸ NĂNG TỔ CHỨC SINH HOẠT CÂU LẠC BỘ
 
Câu lạc bộ là phương thức tổ chức, đoàn kết, tập hợp sinh viên vào các hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học (NCKH) và vui chơi giải trí có hiệu quả cao của tổ chức hội. Trong tình hình hiện nay, đặc biệt đối với các trường đào tạo theo cơ chế tín chỉ thì việc phát triển và tổ chức tốt các CLB sẽ có vai trò quan trọng trong hoạt động hội. Có 2 loại CLB chủ yếu: CLB học tập, NCKH và CLB vui chơi giải trí:
I. CÂU LẠC BỘ HỌC TẬP, NCKH.
CLB học tập, NCKH là tổ chức tự nguyện của HS,SV, trực thuộc Hội Sinh viên trường được Ban giám hiệu, phòng đào tạo trực tiếp chỉ đạo về chuyên môn và được sự bảo trợ của Ban chủ nhiệm các khoa trong nhà trường. CLB hoạt động theo điều lệ đã được BCH Đoàn hoặc Hội sinh viên thông qua.
Mục đích chủ yếu của CLB là tạo điều kiện, khuyến khích và tổ chức cho hội viên thi đua học tập, NCKH, giúp sinh viên có điều kiện tiếp cận với thực tế.
1. Cơ cấu tổ chức của CLB.
1. Ban chủ nhiệm: Là thường trực của CLB. Số lượng thành viên tùy thuộc vào số lượng hội viên và các ban trực thuộc gồm chủ nhiệm, một hoặc hai phó chủ nhiệm, một thư ký và các ủy viên phụ trách các ban. Thành viên ban chủ nhiệm là những hội viên có năng lực, nhiệt tình tích cực tham gia hoạt động do BCH Đoàn hoặc Hội SV giới thiệu và thông qua tại hội nghị hiệp thương các khóa.
2. Các ban của CLB: Tương ứng với các khoa của trường. Mỗi ban gồm các hội viên thuộc khoa đó, có một trưởng ban do Ban chủ nhiệm CLB cử. Mỗi ban có thể thành lập các nhóm theo khóa, lớp, nhóm hội viên cho phù hợp với yêu cầu hoạt động của CLB và nhu cầu, sở thích của hội viên.
2. Nội dung hoạt động.
- Tổ chức cho hội viên đăng ký đề tài nghiên cứu, giới thiệu giảng viên hướng dẫn, cung cấp tài liệu nghiên cứu, thu thập đề tài và đề nghị thành lập hội đồng thẩm định đề tài. Các đề tài nghiên cứu này do Ban chủ nhiệm CLB đã liên hệ, thống nhất với các khoa chuyên môn hoặc do hội viên tự nghiên cứu. Nội dung các đề tài phải phù hợp với chương trình đào tạo của nhà trường. Thời gian nghiên cứu của đề tài do ban chủ nhiệm CLB quy định.
- Tổ chức báo cáo đề tài nghiên cứu của các hội viên, tổng kết đợt nghiên cứu, đề nghị khen thưởng, cộng điểm học tập cho những hội viên có đề tài nghiên cứu đạt kết quả tốt. Các hội nghị báo cáo tổng kết cần tổ chức trang trọng, mời sinh viên trong trường tham gia, tạo không khí thi đua học tập NCKH trong sinh viên nói chung.
- Tổ chức các hoạt động bổ trợ thực tế, giúp sinh viên tiếp cận thực tế, nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, bao gồm:
+ Tổ chức giao lưu sinh viên với các nhà doanh nghiệp, tham gia thực tế các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực được đào tạo. các địa điểm này do Ban chủ nhiệm chịu trách nhiệm liên hệ. Tốt nhất là nên xây dựng mối quan hệ thường xuyên để tranh thủ hợp tác, giúp đỡ các doanh nghiệp.
+ Tổ chức các hình thức tập sự cho sinh viên theo chuyên ngành được đào tạo, có mời tư vấn là các nhà chuyên môn (có thể tổ chức ngay tại trường hoặc các cơ sở thực tế).
+ Tổ chức các cuộc thi về chuyên ngành (tham khảo phần hướng dẫn về tổ chức các cuộc thi, các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh).
+ Định kỳ tổ chức các cuộc hội thảo, thảo luận chuyên đề. Nội dung các chuyên đề được thông báo trước để hội viên chuẩn bị giao cho một số hội viên CLB chuẩn bị sâu và trình bày trong hội thảo, nêu các vấn đề hội viên tập trung thảo luận.
+ Tổ chức các cuộc nói chuyện chuyên đề, mời báo cáo viên là các nhà chuyên môn, các nhà khoa học, chuyên đề là các lĩnh vực mà sinh viên quan tâm, có tác dụng thiết thực cho việc học tập và nghiên cứu của sinh viên.
 
II. CÂU LẠC BỘ VUI CHƠI GIẢI TRÍ.
1. Chức năng của CLB.
1. Chức năng giáo dục.
CLB vui chơi, giải trí của HS,SV là một trong những phương thức hoạt động quan trọng của Hội, thông qua đó tiến hành giáo dục chính trị, tư tưởng, văn hóa, thẩm mỹ cho HS,SV với các loại hình sinh hoạt phong phú, tự giác, có hướng dẫn.
2. Chức năng giao tiếp.
CLB là nơi tổ chức các quan hệ tiếp xúc rộng rãi của HS,SV. Qua giao tiếp xã hội thông qua các hình thức sinh hoạt khác nhau để phát huy cái tốt, cái đẹp, cái thiện, uốn nắn những biểu hiện tiêu cực, lỗi thời lạc hậu, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tính tính cực xã hội, xây dựng nếp sống văn minh tiến bộ.
3. Chức năng vui chơi giải trí.
CLB là nơi đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, nghỉ ngơi và sáng tạo của sinh viên. CLB tham gia tích cực vào quá trình điều chỉnh việc sử dụng thời gian rỗi của sinh viên.
2. Cơ cấu tổ chức của CLB.
1. Ban chủ nhiệm.
Ban chủ nhiệm là cơ quan cao nhất, điều hành toàn bộ hoạt động của CLB. Từ việc chuẩn bị nội dung tổ chức các buổi sinh hoạt, chi tiêu, mua sắm các dụng cụ cần thiết, tuyên truyền cổ động và trang trí, tiếp khách... đều thuộc công việc của ban chủ nhiệm.
CLB có trên 50 thành viên thì ban chủ nhiệm từ 5-7 người gồm 1 chủ nhiệm, 2 phó chủ nhiệm và các ủy viên.
- Chủ nhiệm CLB phải là người có năng lực tổ chức và hiểu biết về các hoạt động CLB, là người có uy tín trong CLB thì mới điều hành được công việc và điều khiển mọi người thực hiện kế hoạch của CLB. Qua thực tế hoạt động cho thấy: Chủ nhiệm CLB nên là cán bộ Đoàn hoặc cán bộ Hội của trường nhằm đảm bảo sự lãnh đạo trực tiếp của Đoàn, Hội với CLB.
- Phó chủ nhiệm CLB phụ trách nội dung phải là người năng nổ, có năng lực về công tác chuyên môn của CLB. Có khả năng thay thế các nhóm trưởng chuyên trách trong CLB khi cần thiết.
- Phó chủ nhiệm phụ trách vật chất, hậu cần, tài chính của CLB phải là người tháo vát, lo mọi thứ về vật chất để duy trì mọi hoạt động của CLB.
2. Các nhóm chuyên trách.
- Nhóm tuyên truyền cổ động.
- Nhóm diễn giảng hội thảo.
- Nhóm văn nghệ, TDTT
- Nhóm vui chơi giải trí, tham quan du lịch.
3. Phương pháp tiến hành một buổi sinh hoạt.
1. Xác định nội dung và hình thức sinh hoạt.
- Xác định nội dung: Chính là xác định chủ đề cho buổi sinh hoạt. Đây là khâu quan trọng nhất. Có xác định được chủ đề thì mới xác định được toàn bộ công việc chuẩn bị kèm theo. Một buổi sinh hoạt chỉ nên nhằm vào một chủ đề, thậm chí một chủ đề có thể sinh hoạt nhiều buổi. Từ chủ đề đã được xác định, Ban chủ nhiệm huy động tất cả các hình thức sinh hoạt trong CLB để buổi sinh hoạt thêm phong phú, hấp dẫn.
Để xác định chủ đề sinh hoạt cho thiết thực và phù hợp, Ban chủ nhiệm CLB phải căn cứ vào tình hình chính trị trước mắt và nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của hội viên.
- Xác định hình thức thể hiện: Sau khi đã xác định nội dung cho buổi sinh hoạt, Ban chủ nhiệm thống nhất hình thức thể hiện, có rất nhiều hình thức sinh hoạt trong CLB. Có thể sử dụng một số hình thức chính sau đây:
+ Diễn giảng: Gồm các chủ đề chính trị, thời sự, KHKT nhằm nâng cao kiến thức, trình độ thẩm mỹ, giáo dục nếp sống mới. Đây là dạng nói chuyện chuyên đề.
+ Hội thảo: Là hình thức các thành viên CLB cùng tham gia thảo luận để làm sáng tỏ một quan điểm, một nhận định (xem phần đối thoại - diễn đàn - hội thảo).
+ Sinh hoạt văn nghệ, biểu diễn nghệ thuật.
+ Sinh hoạt ngoài trời của CLB kết hợp với những hoạt động TDTT, tham quan du lịch...
+ Giới thiệu sách báo, trưng bày triển lãm.
- Phân công người phụ trách: Người phụ trách có thể là thành viên của BCN CLB hoặc chỉ là thành viên của CLB. Người phụ trách có trách nhiệm tiến hành toàn bộ công việc chuẩn bị kiểm tra và đôn đốc các khâu thực hiện. Người phụ trách phải hình thành đề cương chuẩn bị và có trách nhiệm điều hành buổi sinh hoạt.
- Tuyên truyền cổ động: Thông báo đến các thành viên CLB về buổi sinh hoạt và tiến hành tuyên truyền thông qua panô, áp phích, băng cờ...
2. Điều khiển sinh hoạt.
Trước khi vào nội dung chính của buổi sinh hoạt, người điều khiển chương trình hướng dẫn mọi người múa hát tập thể hoặc tổ chức các trò chơi.
Người điều khiển chương trình phải linh hoạt, tùy cơ ứng biến nhưng phải nắm vững nội dung chính của buổi sinh hoạt để hướng mọi người đến những vấn đề chủ yếu đã đề ra.
Người điều khiển chương trình là linh hồn của buổi sinh hoạt, vì thế phải có tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát, có khả năng hướng dẫn mọi người. Người điều khiển chương trình cần ăn mặc gọn gàng, lịch sự.

KỸ_NĂNG_TỔ_CHỨC_SINH_HOẠT_CÂU_LẠC_BỘ_101703075202.doc