Hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Liên chi Đoàn khoa Giáo dục chính trị kết hợp với Đoàn trường Đại học Vinh đã tổ chức cuộc thi tìm hiểu “80 năm truyền thống vẻ vang của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh". Đây là cuộc thi nhằm: đẩy mạnh cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác” trong học sinh, sinh viên, thiết thực kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2011); Cổ vũ tuổi trẻ tiếp tục rèn luyện và khẳng định niềm tin vào sự nghiệp đổi mới, xác định trách nhiệm của thế hệ trẻ trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Góp phần tạo môi trường để học sinh, sinh viên rèn luyện kỹ năng viết - một kỹ năng cần thiết và quan trọng; Đặc biệt, cuộc thi còn nhằm mục đích tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong đoàn viên, thanh niên về truyền thống lịch sử vẻ vang của tuổi trẻ Trường Đại học Vinh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh qua 80 năm rèn luyện cống hiến và trưởng thành; qua đó khơi dậy niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của Đoàn thanh niên trong thế hệ trẻ, đồng thời tạo ra một diễn đàn gợi mở, phát huy trí tuệ của thanh niên tham gia đề xuất giải pháp đổi mới hình thức và phương hướng hoạt động của tổ chức Đoàn - Hội tại Trường Đại học Vinh nhằm thực hiện mục tiêu thu hút tập hợp và giáo dục thế hế trẻ của Nhà trường trong đào tạo theo học chế tín chỉ.
            Sau hơn 3 tháng tổ chức, cuộc thi đã thu hút đông đảo ĐV, TN và các bạn lưu học sinh hưởng ứng tham gia. BTC đã nhận được 200 bài dự thi được trình bày hết sức công phu, nhiều bài thi đã sử dụng hình ảnh minh họa phong phú, thể hiện khái quát về những mốc lịch sử quan trọng, những truyền thống vẻ vang của Đoàn. (Ví dự như bài của nhóm tác giả: Nguyễn Đình Lộc, Lê Đình Hà khoa GDCT; Nhóm tác giả Đinh Văn Thắng khoa GDCT, Thái Văn Dinh khoa GD thể chất; của tác giả Võ Thị Thùy khoa GDCT; tác giả Lê Thị Thu Huyền khoa GDCT…; Đặc biệt có nhiều vài viết tay, trong đó có bài dự thi của tác giả Phan Thị Thúy - 49B1 - Ngành Môi trường dài gần 500 trang (điều này tạo cho các bạn có điều kiện tiếp cận thông tin và trân trọng hơn với việc tham gia cuộc thi của mình); có những bài dự thi thể hiện sự sáng tạo trong hình thức trình bày như bài dự thi của nhóm tác giả Đinh Quang Thành, Hà Tiến Lực… Điều này thể hiện các thí sinh đã dành rất nhiều tình cảm, thời gian và công sức cho bài dự thi của mình.
          Với mong muốn khi tham gia cuộc thi, các thí sinh sẽ có điều kiện tìm hiểu sâu hơn về lịch sử, truyền thống của Đoàn thanh niên, đóng góp những sáng kiến trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên của của Nhà trường trong hình thức đào tạo theo học chế tín chỉ. Đây cũng là mục tiêu mà BTC đề ra trong việc phát động cuộc thi này. Mỗi bài dự thi, bên cạnh việc tìm hiểu về lịch sử và truyền thống vẻ vang của Đoàn, từ thực tiễn công tác và sinh hoạt các tác giả còn nêu lên nhiều giải pháp hoạt động Đoàn - Hội có hiệu quả, đặc biệt là các mô hình tổ chức và tập hợp đoàn viên trong đào tạo học chế tín chỉ gắn với yêu cầu đào tạo của Nhà trường.
          Thông qua cuộc thi này, các tác giả cũng đã tôn vinh những cán bộ đoàn xuất sắc, những đoàn viên ưu tú của Nhà trường trong hơn 50 năm xây dựng và phát triển. Nhiều tấm gương đoàn viên tiêu biểu nối tiếp các thế hệ là minh chứng cho truyền thống vẻ vang của công tác Đoàn và phong trào thanh niên Nhà trường. Trong đó, chúng tôi đặc biệt ấn tượng về đồng chí Nguyễn Hồng Soa - một đoàn viên ưu tú, một trong những cán bộ đoàn xuất sắc nhất của Đoàn trường Đại học Vinh. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà hơn 90% bài dự thi đã viết về tấm gương đồng chí Soa. Với tư cách là Bí thư Đoàn trường, anh cùng với hàng ngàn Đoàn viên đã tạo nên thương hiệu về công tác Đoàn của Trường Đại học Vinh trong những năm vừa qua. 
          Tuy nhiên, trong quá trình chấm, BTC nhận thấy, một số bài ít có sáng tạo trong việc sưu tầm, bổ sung tư liệu. Nhiều bài dự thi còn sao chép.
BTC đã chấm và công nhận kết quả cuộc thi gồm:
*Về giải tập thể: BTC trao 01 giải nhất; 01 giải nhì; 01 giải ba;
* Về giải cá nhân: BTC trao 04 giải nhất; 08 giải nhì; 16 giải ba; 18 giải khuyến khích.
 
Th.s Phan Văn Tuấn – BT LCĐ Khoa GDCT